Nếu bạn nghĩ là bạn biết rồi, thì nghĩ lại xem
Aleteia – Dwight Longenecker
Từ lúc Jorge Bergoglio mang lấy danh hiệu ‘Phanxicô’ thế giới đã được thấy một giáo hoàng với đức tính khiêm nhượng đặt làm hàng đầu. Những việc làm khiêm nhượng của ngài ai ai cũng biết. Không dùng xe chuyên dụng giáo hoàng, ngài về lại nhà trọ thánh Martha bằng xe buýt cùng với các hồng y khác. Ngày hôm sau, ngài lặng lẽ đến cầu nguyện ở Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, rồi về trả tiền phòng. Các việc làm đầy biểu tượng của ngài tiếp tục không ngừng, ngài chọn ở tại nhà trọ thánh Martha, chào đón những người quét rác và dọn dẹp đến dự thánh lễ hàng ngày với mình, vươn đến người vô gia cư và tất cả những ai ngoài rìa. Những hành động bên ngoài này đang rao giảng Tin mừng khiêm nhượng một cách thật mạnh mẽ với một thế giới đói khát vẻ đẹp, sự thật và sự thiện của Tin mừng.
Các việc làm khiêm nhượng của Đức Phanxicô thật có ý nghĩa, nhưng chúng ta cũng nên dừng lại và hỏi xem những việc này có đáng giá không. Những người chỉ trích cho rằng đây là những việc làm trống rỗng. Rửa chân cho tù nhân, ôm những người bị bệnh biến dạng bề ngoài, và vươn đến những người bị bệnh thần kinh, người khuyết tật, và người nghèo, là những dịp chụp ảnh và đăng báo quá tuyệt, nhưng trong đó còn có gì hơn thế nữa không? Hơn nữa, có thể cho rằng những việc làm này có phần nào trình diễn hay không? Có thật là khiêm hạ, khi hôn chân người cùi và rửa chân tù nhân trước ống kính máy quay hay không? Có phải khiêm nhượng khi nói với thế giới rằng mình đang sống khiêm nhượng? Không phải sẽ khiêm nhượng hơn khi đơn giản sống trong dinh thự tông đồ như các giáo hoàng trước đều làm ư? Những biểu hiện khiêm nhượng có thật hoàn toàn là khiêm nhượng?
Đưa ra những phản đối thế này là hiểu lầm bản chất ngôn sứ của cương vị giáo hoàng rồi. Một trong những chức năng chính của cương vị giáo hoàng là đóng vai trò đứng đầu. Giáo hoàng tượng trưng cho đạo Công giáo, như nữ hoàng Elizabeth tượng trưng cho những gì tốt đẹp của Vương quốc Anh vậy. Là đầu của Giáo hội Công giáo, mọi giáo hoàng đều đóng một vai trò biểu tượng và nghi thức, qua đó các ngài hiện thân và sống các giá trị và niềm tin của Công giáo. Mỗi một giáo hoàng làm việc này theo cách khác nhau, dùng thiên tư và cá tính của mình.
Xuyên suốt chức linh mục của mình, Giáo hoàng Phanxicô đã luôn là một con người của dân. Ngài sống trong một căn hộ giản dị, tự nấu ăn, đi xe buýt đến văn phòng, và ở gần với những người nghèo nhất. Và thật tự nhiên cũng như đúng đắn, khi ngài đưa những thiên tư này vào cương vị giáo hoàng. Cương vị giáo hoàng mở rộng những thiên tư này và khuếch đại để công bố với toàn thể thế giới rằng đức tính hàng đầu của mọi Kitô hữu là khiêm nhượng.
Thật dễ để hiểu lầm ý nghĩa thực sự của khiêm nhượng. Phục tùng và bị đàn áp, không phải là khiêm nhượng. Sự ngoan ngoãn sai lầm và khúm núm không phải là khiêm nhượng. Quá thận trọng không phải là khiêm nhượng, và việc phục vụ người nghèo cũng không nhất thiết là một dấu chỉ của khiêm nhượng. Khiêm nhượng là một nhân đức khó xác định, bởi nếu bạn nghĩ là bạn có đức tính này, thì đúng thật là bạn không có. Khiêm nhượng là một sự có thể cảm nghiệm ngay cả khi không thể giải thích được.
Cách tốt nhất để hiểu khiêm nhượng là trước hết phải hiểu được kiêu ngạo. Kiêu ngạo là tính xấu đối ngược với khiêm nhượng. Chúng ta thường nghĩ kiêu căng là kiêu ngạo, nhưng, kiêu căng chỉ là biểu hiện bề mặt của kiêu ngạo mà thôi. Kiêu ngạo là thái độ rằng tôi không làm gì sai và chẳng có gì phải xin lỗi. Một người kiêu ngạo tin rằng mình ổn. Họ thật sự thấy mình tốt lành và công chính, không cần ai giúp gì. Một người tự đủ là người kiêu ngạo. Một người tự công chính là người kiêu ngạo. Bất kỳ ai tin rằng mình đúng đắn và tốt lành là kiêu ngạo. Người kiêu ngạo trong Tin mừng được khắc họa là người dám nói rằng, ‘Con tạ ơn Chúa, vì con không như kẻ tội lỗi ở kia …’
Nếu đây là định nghĩa cho kiêu ngạo, thì rõ ràng có nhiều người trong giáo hội đang mắc phải tội nặng nề nhất: kiêu ngạo. Từ đó, chúng ta đi đến hiểu được rằng, khiêm nhượng là nền tảng, là hiểu được rằng chúng ta không tốt, không công chính và không ổn chút nào. Khiêm nhượng là nhận thức rằng chúng ta cần người khác. Chúng ta cần ân sủng. Chúng ta cần giúp sức. Chúng ta cần Thiên Chúa.
Bây giờ, chúng ta sẽ hiểu hơn việc Giáo hoàng Phanxicô nêu bật người nghèo, người cùng quẫn, người di dân và người khuyết tật. Bây giờ chúng ta hiểu được tại sao ngài hướng ánh đèn về người vô gia cư, nạn nhân bệnh AIDS, người đói, những người tử đạo và các sát nhân. Ngài vươn đến những người trôi dạt bị vứt đi trong xã hội, bởi ngài thấy ở đó sự khiêm nhượng. Ở đó, ngài thấy con người cần đến Thiên Chúa. Ở đó, ngài thấy Tin mừng đưa vào hành động, bởi Tin mừng là thông điệp tốt lành từ Thiên Chúa cho những ai đang lâm nguy.
Bằng cách tập trung vào khiêm nhượng, Giáo hoàng Phanxicô đang đưa thế giới trở về lại với những chân lý căn bản nhất của Tin mừng rằng: nhân loại là nghèo túng. Nhân loại đang đói Bánh Hằng sống. Nhân loại đang khát Nước Trường sinh. Gia đình nhân loại đang nghèo nàn, và trong sự cần kíp quan thiết này, chúng ta thấy một nhân loại khiêm nhượng, sự khiêm nhượng khẩn thiết cần đến Lòng Thương xót Thiên Chúa.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch