la-croix.com, 23-4-2015
Gặp các giáo dân ngày 23 tháng 4 ở Paris và Villejuif, thành phố của hai nhà thờ bị nhắm để phá hoại.
Đối với đa số giáo dân, họ không sợ, tuy có vài người lo lắng. Cánh cửa nhà thờ Saint-Cyr-Sainte-Julitte vẫn mở như thường lệ mỗi buổi sáng. Chỉ cần đẩy cánh cửa để đi vào. Không một cảnh sát nào bảo vệ. “Không có lý do nào để chúng tôi thay đổi thói quen và cũng không có nơi nào cần bảo vệ đặc biệt”, linh mục Philippe Louveau, quản nhiệm giáo xứ cho biết.
Vậy mà nơi đây là nơi mà tên khủng bố Sid Ahmed Ghlam muốn tấn công bằng vũ khí tự động sáng chúa nhật vừa qua trong giờ lễ. Cha xứ cho biết, “có thể xảy ra một cuộc thảm sát vì có khoảng 300 người dự thánh lễ chúa nhật”.
Tương đối hóa
Cha xứ không muốn nhà thờ “đóng vai nạn nhân”, ngài cho biết, “tôi biết một vài giáo dân cảm thấy sợ, nhưng phải tương đối hóa sự việc. Bất cứ nhà thờ nào cũng có thể là nạn nhân của một tên điên và chúng ta không phải là người đầu tiên cũng như là người duy nhất bị nhắm đến. Giáo dân Do Thái, giáo dân Cốp đã bị trước chúng ta. Và sợ thì không giải quyết được gì. Ngược lại tôi muốn nhắn một thông điệp, là phải tiếp tục dệt mối quan hệ và thể hiện lòng nhân đạo trong một thế giới rất cần lòng nhân như bây giờ. Làm những chuyện tốt đẹp có thể thoát ra các sự kiện này.
Trong những giây phút đặc biệt này, cha xứ nhận được rất nhiều lời khích lệ, an ủi của mọi người nhất là của cộng đồng Hồi giáo, họ rất đông ở vùng Nam Paris. “Tôi vừa nhận e-mail của một người có cha là người Tunisia Do Thái, mẹ là người Algéria, ông viết: ‘Tôi là người vô thần, nhưng bây giờ tôi cảm thấy mình là một tín hữu Kitô sâu đậm. Hận thù không mang lại gì’.”
“Tôi sẽ đi lễ chúa nhật
Pasquale Corelli và Vittorio Di Cicio có thể sẽ là những nạn nhân, họ người gốc Ý và đã về hưu, họ hay đi lễ ở nhà thờ Saint-Cyr-Saint-Julitte ở gần trung tâm thành phố, gần tòa thị chính. Ngày thứ năm, họ ghé qua nhà thờ như họ vẫn hay ghé. Ông Vittorio nói, “không biết chúa nhật này giáo dân có sợ mà không đi lễ không, tôi thì tôi lo nhưng không sợ, chúng tôi sẽ đi lễ, không phải vì chuyện này mà chúng tôi không đi.
Ở dưới nhà thờ, một nữ giáo dân mang một bó hoa đến, trước khi ra đi, cô nói: “Chúng tôi tất cả đều nghĩ đến cô Aurélie Châtelain. Cô đã cứu đời chúng tôi.”
Theo thông tin đầu tiên cho biết, cô Aurélia 33 tuổi, mẹ của một bé gái 5 tuổi đã bị tên khủng bố Sid Ahmed Ghlam giết sáng chúa nhật 19-4 khi cô ở Villejuif để theo một khóa thực tập về thể thao. Tên khủng bố có thể đã bị thương với chính vũ khí của mình và đã gọi bệnh viện để được săn sóc, vì thế đã bị bắt.
Lời cầu nguyện cho Aurélie Châtelain
Sáng thứ năm, linh mục Louveau dâng thánh lễ cầu nguyện theo ý chỉ của một bà mẹ gia đình ở nhà thờ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nhà thờ cũng ở trong tầm nhắm của tên khủng bố. Lần này có bốn cảnh sát đứng gác. Một nữ giáo dân nói trước khi vào nhà thờ, “không phải vì giúp cho các tín hữu Kitô đang đau khổ trên khắp thế giới mà chúng tôi sợ. Đối với tín hữu Kitô chúng tôi, Chúa đang ở đó.”
Bên trong nhà thờ, có khoảng vài chục tín hữu đang cất lên bài hát “Đừng sợ cho thân xác mình, đừng sợ khi đứng trước cái chết”. Sau đó linh mục xướng lên lời cầu nguyện cho Aurélie Châtelain và con gái của cô, và cho cả tên khủng bố Sid Ahmed Ghlam: “Chúng ta cần cầu nguyện cho những nô lệ của hận thù”.
Sau thánh lễ, ông Fabrice cho biết bài giảng của cha xứ rất đúng. Ông tự hỏi không biết có đến lượt tín hữu Kitô ở Pháp sẽ bị “bách hại” không.
Đoàn kết với tín hữu Kitô
Về phần nữ tu Sandra, xơ 28 tuổi, thuộc Dòng thánh Thể, xơ không giấu được nỗi sợ của mình: “Khi tôi tham dự buổi mít ting lớn ngày 11 tháng 1 sau vụ tấn công tòa báo Charlie-Hebdo, là một công dân tôi sợ. Bây giờ tôi còn sợ hơn, tôi sợ vì mình là tín hữu Kitô. Nhưng cùng một lúc, tôi lại hy vọng và lòng trung tín đã cầm chân tôi lại. Tôi cũng an tâm nhờ tình đoàn kết. Ba người bạn đã nhắn qua SMS cho tôi, họ cho biết chúa nhật này họ sẽ đi lễ ở đây với tôi.”
Ở Paris, có khoảng sáu mươi giáo dân đến nhà thờ Saint-Louis-d’Antin, không xa Đại Lộ Lớn để dự thánh lễ 11 giờ sáng. Trong thánh lễ, linh mục Jean Floscel Essindi đã nói với họ: “Chúng ta cần sức mạnh, chúng ta cần lòng tin để vượt qua thung lũng nước mắt này.”
“Đừng sợ”
Ra về sau thánh lễ, các tín hữu cho thấy họ dứt khoát giữ bình tâm. “Không được sợ. Nhà thờ phải mở cửa và chúng tôi muốn được tự do đi vào. Chúng tôi phải bình tâm để an bình cầu nguyện,” anh Bruno, một người ngoài ba mươi hay đi lễ ở đây bình thản nói. Bà Jacqueline cũng vậy, bà ở gần nhà thờ, bà nói “không được sợ” dù có cảnh sát đứng gác trước nhà thờ.
Cô Christel cũng không sợ, nhưng cô lo cho hận thù tiếp tục lan rộng: “Chúa là tình thương, đừng đánh mất tình thương này nếu không chúng ta sẽ rơi vào cảnh nội chiến.” Cô mong được tái lập luật lệ để đất nước được an ninh, kiểm soát và bắt được các tên khủng bố và nhất là phải giữ vững lòng tin để đi ra khỏi giai đoạn khủng hoảng này: “Phải cầu nguyện với Chúa Quan Phòng. Nước Pháp phải giữ chức vị trưởng nữ của Giáo hội, phải cầu nguyện để nước Pháp không rơi vào tay tà thần”.
Hiệp thông với các tín hữu Kitô Trung Đông
Bà Marie-Christine, ngoài năm mươi cũng muốn có được sự bình tâm. “Tôi muốn tiếp tục đi lễ trong bình an như tôi vẫn thường đi”. Bà thấy qua biến cố này là lời kêu gọi cho tín hữu Kitô ở Pháp. Bà nói, “phải chuẩn bị tinh thần tử đạo, noi gương các tín hữu Trung Đông bị bách hại. Điều này giúp chúng ta đào sâu đức tin, đào sâu tương quan của chúng ta với Chúa Kitô.” Con đường thập giá này bà muốn đi một mình, không muốn có cảnh sát đi theo.
Bà Jeanne, một giáo dân lớn tuổi, bà vừa đi xuống cầu thang vừa nói: “Một thanh niên người Pháp, người Algéria gì bất kể, qua Pháp học rồi đi giết người, không thể cười được… Nhưng lại nói Chúa muốn.”
Cô Marielle, một giáo dân trẻ, cô 26 tuổi, cô cũng không thích có cảnh sát đứng gác trước nhà thờ: “Cảnh sát gác nhà thờ à? Trong trường hợp này, mình sẽ bị giam chặt trong nhà thờ, cô vừa cười vừa trả lời. Hơn nữa có Chúa trong nhà thờ, Chúa sẽ bảo vệ nhà thờ. Mình không làm gì được với lòng canh cánh lo sợ. Nhưng các biến cố vừa qua thì thật đáng buồn. Nó nói lên tình trạng không lành mạnh bây giờ. Chúng ta không sống trong chiến tranh tôn giáo, nhưng có vẻ như bây giờ chúng ta đang sống.”
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch