Aleteia, 22-4-2015
Đồi Thập Giá đã bất chấp và đã khuất phục được chế độ chuyên chế bạo ngược vô thần xô-viết. Đỉnh cao của sự kháng cự ở Lituania: đồi này cắm đầy thánh giá bằng gỗ, bằng sắt, dấu tích nhắc cho du khách nhớ đức tin của một dân tộc công giáo và lòng trung thành của họ đối với Giáo hội.
Lituania là một trong những nước ở dưới bàn tay sắt của Liên bang Xô viết trong vòng năm mươi năm. Có một vùng phía Đông-Bắc đặc biệt hứng chịu một cách tàn nhẫn ý thức hệ xô viết, tiêu biểu là chính sách chuyên chế bài tôn giáo.
Đây chỉ là một ngọn đồi nhỏ, gần thành phố Siauliai, một nơi trong giới lãnh đạo của quốc gia Lituania. Vào thế kỷ 14, khi vùng này còn thuộc Đế quốc Nga, dân địa phương nổi loạn chống nga hoàng vì nhà vua đã không cho gia đình được thờ kính người đã khuất. Lúc đó dân chúng cắm thập giá trên đồi để tưởng niệm người thân đã chết của họ.
Bị người xô viết cào nhẵn ba lần, luôn tái xây dựng lại
Năm 1960, cơ quan mật vụ Nga KGB ra sắc luật cấm không được làm việc này. Nhưng năm 1961, số thập giá này còn nhiều hơn: qua các thập giá này, không những người Lituania tôn kính người quá cố mà họ còn tưởng niệm các đồng bào của họ bị đày lên vùng Sibêria theo lệnh của nhà độc tài Staline. Người xô viết đốt các thánh giá bằng gỗ và hủy các thánh giá bằng sắt hoặc bằng đá. Không còn một cái nào còn nguyên. Nhưng ngày hôm sau ngọn Đồi Thập Giá lại đầy cả thập giá: ban đêm các tín hữu đến trồng lại. Liên bang Xô viết bám riết biểu tượng này, họ phá hủy đồi này ba lần nhưng người công giáo Lituania không đầu hàng, họ tiếp tục làm chứng cho đức tin của mình, dù bị Hồng quân đe dọa.
Chính quyền chận đường đi đến đồi, đến mức họ còn tung tin đồn có nạn dịch trong vùng này. Chẳng có nạn dịch nào. Người dân Lituania không đầu hàng: cứ mỗi lần có cây thánh giá nào bị hủy hay bị rút đi, họ lại bắt đầu thay thế lại. Năm 1979, một linh mục đã can đảm tổ chức một cuộc rước kiệu từ giáo xứ của mình đến Đồi Thập giá. KGB không làm gì được để ngăn cản, hiểu rằng nếu can thiệp thì sẽ nguy hiểm hơn. Và từ năm 1985, chính quyền không đụng đến vụ này nữa, để cho thập giá được yên vị tại chỗ. Khi chế độ Xô viết sụp đổ, Đồi Thập giá có đến hơn 100 000 thập giá và các ảnh tượng.
Trong những năm 1990, một điện thờ được xây trên ngọn đồi đã thu hút người đến xem trên khắp thế giới. Trong số những người hành hương có cả Đức Gioan-Phaolô II mà năm 1993, ngài đã tuyên bố: “Sau chuyến viếng thăm này, sự thật được diễn tả qua Công đồng Vatican II đã cho tất cả chúng ta thấy rõ ràng: con người không thể tự biết mình một cách sâu đậm mà không qua Chúa Kitô và qua Thập giá. Đồi Thập giá là bằng chứng hùng hồn cho điều này và cũng là một cảnh báo. Bằng chứng hùng hồn của điện thờ này là phổ quát,” đó là lời viết trong lịch sử Âu Châu thế kỷ 20”.
Đồi Thập giá đã đương đầu được với chế độ chuyên chế nhất thế giới mà Đồi vẫn còn đứng vững. Ngày hôm nay không thể biết được có bao nhiêu triệu thập giá đủ kích thước ở Đồi này, mỗi ngày có thêm hàng trăm cây mới được trồng. Chính vì lý do này mà đôi khi nước Lituania còn được gọi là “nước của các cây thập giá”.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch