Làm chết êm dịu và cái chết có sự hỗ trợ của bác sỹ

1151

Làm chết êm dịu và cái chết có sự hỗ trợ của bác sĩ

 

Ronald Rolheiser, 23 Tháng Ba 2015

euthanasia-new-zealandRaissa Maritain, triết gia và ngòi bút thiêng liêng, vừa chết cách đây vài tháng sau một cơn trụy tim. Trong suốt những tháng nằm trên giường bệnh, bà không thể nói chuyện. Sau khi bà chết, chồng của bà, triết gia lừng danh Jacques Maritain, khi chuẩn bị đăng lại những bài viết của bà, đã viết những dòng này:

‘Đến lúc, khi mọi thứ sụp đổ với cả hai chúng tôi, và sau 4 tháng khổ sở, Raissa bị khóa khin trong bản thân sau khi đột nhiên mất khả năng nói chuyện. Dù cô ấy có cố gắng suốt vài tuần với hết sức lực trí tuệ và tinh thần, nhưng vẫn hoàn toàn không thể giao tiếp thật sự được. Và tiếp theo, sau một lần tái phát, cô ấy chỉ có thể nói được vài từ rõ ràng mà thôi. Trong trận đánh cuối cùng mà cô ấy tham chiến, không một ai có thể giúp gì cho cô được, ngay cả tôi cũng vậy. Cô vẫn giữ an bình trong lòng, giữ được sự minh mẫn trọn vẹn, óc hài hước, quan tâm đến bạn bè, sợ mình làm phiền đến người khác, và vẫn có đó nụ cười tuyệt vời cũng như ánh lung linh trong đôi mắt xinh đẹp của cô. Cô luôn luôn (với sự quảng đại thinh lặng kinh ngạc trong hai ngày cuối đời, cô chỉ có thể cho thấy tình yêu của mình qua hơi thở) cho những người đến với mình một sự dễ thương rất khó thấy phát xuất từ chính bí nhiệm mà cô đang bị khóa kín trong đó.’

Đoạn thêm vào trong câu cuối là của tôi, và tôi nhấn mạnh điểm này bởi tôi tin rằng đây là điều quan trọng phải nói ra trong một thời đại mà chúng ta ngày càng tin rằng làm chết êm dịu và việc tự vẫn có hỗ trợ của bác sỹ là những lời đáp nhân văn và thương cảm cho những căn bệnh nan y.

Trường hợp làm chết êm dịu thường được dựa trên những tiền đề này: Đau khổ hạ giá đời sống con người và làm chết êm dịu khuây khỏa đi đau khổ đó cũng như giảm bớt những tàn phá về thân thể và tinh thần, cho người mắc bệnh nan y một ‘cái chết có phẩm giá’ và chết bớt đau đớn hơn. Và nó cũng lập luận rằng một khi căn bệnh đã khiến người ta quá suy kiệt đến mức chỉ còn sống trong tình trạng thực vât, thì liệu có hợp lý khi cứ để người đó phải sống hay không? Một khi không còn phẩm giá và giá trị, tại sao phải tiếp tục sống?

Phải trả lời câu hỏi này ra sao đây? Lập luận của việc làm chết êm dịu, tận dụng tối đa lòng cảm thương, nhưng lại không đủ xa trước những vấn đề sâu sắc hơn. Phẩm giá và hiệu dụng là những điều to lớn với nhiều chiều kích nhất khi mới thoạt nhìn qua. Trong bài báo mới đây trên tờ America, Jessica Keating đã nhấn mạnh một số vấn đề sâu sắc hơn này, khi cô lập luận chống lại lý luận của những người tán dương Brittany Maynard (cô gái trẻ đã khiến cả nước phải chú ý hồi năm ngoái khi quyết định tự vẫn có hỗ trợ vì phải đối mặt với căn bệnh nan y), xem quyết định chấm dứt đời mình của cô là ‘dũng cảm’ ‘đúng đắn’ và ‘đáng khâm phục.’ Keating chấp nhận rằng nếu không có quyết định như trên, hẳn Maynard sẽ phải chịu đựng nhiều đau đớn và cuối cùng sẽ rơi vào cảnh không còn hấp dẫn cũng như không còn giá trị.  Nhưng, Keating lập luận rằng, ‘cô sẽ được ở trong vòng tay mọi người. Ngay cả khi rơi vào tình trạng vô thức, cô vẫn sẽ được người khác đọc sách cho nghe, được tắm rửa, thay áo quần và hôn những cái hôn thân thương. Cô sẽ được chăm sóc ân cần, được ôm, và có người khóc vì mình Đơn giản, cô sẽ được yêu thương đến tận cùng.’

Đây là một nửa lập luận chống lại việc làm chết êm dịu. Nửa còn lại là: Cô không chỉ được yêu thương đến tận giây phút cuối cùng, mà một điều nữa, còn quan trọng hơn, đó là cô sẽ phát tiết tình yêu một cách tích cực cho đến tận giờ phút cuối đời. Từ cơ thể bị tàn phá, câm lặng và hầu như vô thức của cô sẽ phát ra một sự mơ hồ khó thấy, nhưng đặc biệt mạnh mẽ, đầy nâng đỡ và yêu thương, gần giống như vẻ đẹp ân sủng trao ban sự sống phát xuất từ thân thể nát tan trần truồng của Chúa Giêsu treo trên thập giá.

Chúng ta cũng hiếm khi nghĩ đến đặc nét quan trọng này: Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu cứu chúng ta qua đời sống và qua cái chết của Ngài, như thể đây là hai điều như một. Nhưng thực sự thì rất khác. Chúa Giêsu trao ban đời sống của Ngài cho chúng ta qua hành động, qua những việc làm sinh ích, những gì Ngài có thể chủ động làm cho chúng ta. Nhưng, Ngài trao ban cái chết của mình cho chúng ta qua sự thụ động, qua sự bất lực, và qua sự tàn phá của thân thể Ngài trong cái chết. Chúa Giêsu cho chúng ta tặng vật lớn lao nhất này, chính là qua những giờ Ngài chẳng thể chủ động làm được gì cho chúng ta.

Và đây không phải là một chuyện đơn thuần ẩn dụ và mơ hồ.  Bất kỳ ai trong chúng ta từng ngồi bên cạnh một người thân yêu đang hấp hối, đều cảm nghiệm được rằng trong sự bất lực và đau đớn, người đó đang cho chúng ta một điều gì đó mà đã không thể cho trong suốt đời sống chủ động của mình. Từ sự bất lực và đau đớn đó phát xuất một sức mạnh kéo chúng ta lại với nhau như một gia đình, một sức mạnh trực cảm và thông hiểu những điều thâm sâu hơn, biết cảm kích sâu sắc hơn về sự sống, và đặc biệt là nhận thức được sâu sắc hơn về đời sống và tinh thần của người đó. Và như Maritain nói, điều này, vẻ đẹp khó nhận thấy này, phát xuất từ bí nhiệm trong đau đớn, vô hiệu dụng, và hấp hối mà người đó đang trải qua.

Trong thân xác hấp hối của mình, chúng ta có thể trao cho những người thân yêu một sự gì đó mà chúng ta không thể cho họ một cách trọn vẹn lúc chúng ta khỏe mạnh và linh lợi. Làm chết êm dịu chính là bịt mắt phần nào trước bí nhiệm về những gì cao cả mà tình yêu mang đến cho chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch