Với Đức Phanxicô dân tộc có vào Vatican không?

246

huffingtonpost.fr, Gaël Brustier, 13-3-2015

Pope Francis carries crosier after celebrating  Mass outside basilica in AssisiĐức Bergoglio được bầu chọn là người kế vị Thánh Phêrô được hai năm. Đến từ “tận cùng trái đất”, là giáo hoàng đầu tiên không phải người Âu châu và cũng là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên… Ngài là người cảm nghiệm của một trường phái thần học đặc biệt: thần học của dân tộc, một nhánh của thần học giải phóng.

Ngày 13 tháng 3-2013, một tân giáo hoàng bước ra ban công Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Những lời đầu tiên của ngài đã làm cho các nhà Vatican học chú ý. Những lời này loan báo một sự chuyển hướng đáng kể trong quan niệm mà từ nay Tòa Thánh sẽ có với Giáo hội. Phanxicô là tên mà Jorge Bergoglio chọn, khi ra ban công ngài tự giới thiệu mình là… “Giám mục địa phận La Mã”. Thật ra đây không phải là một giai thoại, khi đặt chức vụ giám mục Rôma lên hàng đầu là cách tân giáo hoàng loan báo sẽ có các cải cách khác theo sau, vì thế ai quan tâm đến nền thần học đã gây thần nghiệm nơi tân giáo hoàng sẽ không còn thấy ngạc nhiên.

Tháng 10 vừa qua, khi các “phong trào bình dân” họp ở Rôma và có sự hiện diện của Đức Phanxicô, ngài có một bài phát biểu đáng kể, trong đó ngài tuyên bố: “Người nghèo không phải là những người cam chịu, họ biết phản kháng, họ biết phẫn nộ”. Sự quan tâm này đối với những người bên lề, những người ở ngoại vi, các phong trào bình dân đã được Đức giáo hoàng khẳng định thường xuyên và chứa đựng ba chủ đề cụ thể: đất đai, công việc, chỗ ở.

Người ta còn nhớ lại chuyến đi đầu tiên của Đức Bergoglio ở Lampedusa, một chuyến đi mang dấn ấn đặc biệt của cách nhìn thế giới qua lăng kính này. Đó đúng là lăng kính hướng dẫn hành động của ngài. Được thần hứng Giáo điều Xã hội của Giáo hội là đương nhiên cũng như thần hứng “chọn lựa ưu tiên lo cho người nghèo”, một chọn lựa hiện diện mạnh mẽ dưới triều Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Thần hứng này được thể hiện rõ ràng qua lần gặp gỡ tháng mười này của Đức giáo hoàng: “Người nghèo không những chịu đựng bất công mà họ còn phải đấu tranh để chống đối bất công!”. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Phanxicô đã xin những người tham dự làm một “tổng hợp giữa cái gì là địa phương, cái gì là toàn cầu”, nối kết giữa một bên là thực tế xã hội của các quốc gia khác nhau, các dân tộc khác nhau và một bên là thông điệp phổ quát của Giáo hội, thông điệp Phúc âm hóa. Và người ta phải làm một liên hệ giữa “thần học thể hiện” của Đức Bergoglio và các nguồn có tính lý thuyết hơn của thần học này…

Rất sớm sau khi ngài được bầu chọn, các báo Công giáo đã đặt câu hỏi về sự liên hệ của Đức Phanxicô và thần học Giải phóng. Đối với một số người, quy chiếu như thế là không tốt. Vì thế, một trong các nhân vật chính của tổ chức Biểu tình cho tất cả (La Manif pour tous) ngay từ ngày 1 tháng 4-2013, chỉ ba tuần sau ngày bầu chọn và một tuần sau cuộc biểu tình lớn lao chống “hôn nhân đồng tính”, đã lên tiếng cho những “quá đáng” này.

Thần học Giải phóng là gì? Đó là một trào lưu thần học xuất hiện vào cuối những năm 1960 ở Châu Mỹ La Tinh dưới sự thúc đẩy của linh mục Gustavo Gutierrez, người đã đặt lên hàng đầu biện chứng của người bức hiếp và người bị bức hiếp, đôi khi cha mượn dụng cụ phân tích của mác xít để đẩy mạnh suy tư thần học của mình, nhưng không vì thế mà cha theo mác xít. Năm 1984, Hồng y Joseph Ratzinger cảnh báo tín hữu chống lại ảnh hưởng mác xít này.

Vì thế dưới triều Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, đường hướng của Vatican chưa bao giờ đi ra khỏi lằn vạch dứt khoát: các linh mục là người hướng dẫn thiêng liêng chứ không phải là lãnh đạo điều hành chính trị hay xã hội. Khía cạnh này là khía cạnh có vấn đề nhất trên quan điểm của các nhà thần học Giải phóng, vì họ kêu gọi người nghèo làm chủ số phận của mình và làm cho Nước Trrời chóng đến trên quả đất này. Nền thần học này mang nhiều nét mà một trong các nét này đã ảnh hưởng trực tiếp đến Jorge Bergoglio: thần học của dân tộc.

Trong một quyển sách phỏng vấn rất lý thú với nữ ký giả Bernadette Sauvaget (Juan-Carlos Scannone, Giáo hoàng của dân tộc, Paris, trao đổi với Bernadette Sauvaget, nhà xuất bản Le Cerf, tháng 2-2015) vừa mới xuất bản, triết gia Công giáo Juan Carlos Scannone, linh mục thần học gia Dòng Tên, bạn của Đức Phanxicô đã đề cập đến nền thần học của dân tộc và ảnh hưởng của nền thần học này trên Giáo triều của Đức Phanxicô. Theo triết gia Scannone, điều không nghi ngờ, trước hết nền thần học này là một “nhánh của thần học Giải phóng”. Chính cha cũng là một trong những tư tưởng gia chính, một trong những đại diện chủ chốt, năng động cho nền thần học này. Theo lời của cha Scannone, có một cái gì mang tích chất rất Argentina trong thần học của dân tộc, thần học này có một chỗ lớn cho “dân tộc” theo nghĩa “quốc gia”, ngài nói chính xác đây là một quốc gia được hội nhập sâu đậm, rất đặc biệt do cấu trúc của nước Argentina, vừa rất tôn trọng các khác biệt vừa là miếng đất của những người di dân.

Cũng vậy, chủ đề “dân tộc” rất phổ biến ở Châu Mỹ La Tinh (như người ta biết, cũng do ảnh hưởng các suy tư khác như suy tư hậu mác xít Argentina của Ernesto Laclau) và lan từ Đất Lửa Argentina này cho đến tận Mễ Tây Cơ. Và cũng do một thần học gia Argentina khác, ông Lucio Gera, người tôi rèn một cách quyết định cho nền thần học của dân tộc này, mang đến một địa vị lớn cho “tính thiêng liêng” cũng như cho “thần nghiệm bình dân”, để có một đối thoại giữa “Dân Chúa” và dân trần thế. Người ta cũng tìm thấy ở đây dấu vết của nhà thần học nổi danh, người đã có ảnh hưởng trên Công đồng Vatican II và là thầy, là giáo sư, nhà đối thoại của một số lớn nhà thần học thế kỷ vừa qua: Karl Rahner.

Các hành vi của Đức Phanxicô ở trong đường hướng của nền thần học của dân tộc. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng công bố vào tháng 11-2013, người ta thấy ảnh hưởng đáng kể của nền thần học này và vấn đề “hội nhập văn hóa của Phúc Âm”, một chủ đề quan trọng của Đức Bergoglio. Hội nhập văn hóa có nghĩa là Giáo hội phải coi trọng các đặc tính địa phương trong tiến trình phúc âm hóa. Ngoài ra, khi tự giới thiệu mình là “giám mục địa phận Rôma”, Jorge Bergoglio cho biết mình đặt một chỗ lớn nhất cho tính “hợp đoàn” và tính tự lập của công việc Giáo hội địa phương để các Giáo hội này có thể làm được công việc hội nhập văn hóa.

Ngày 12 và 13 tháng 2, Đức Phanxicô đã tham dự buổi trình bày dự án cải cách Giáo triều La Mã, ngài đặt tinh thần “hợp đoàn” lên thành ưu tiên (và đúng là dưới triều Đức Bênêđictô XVI, tinh thần này ở hàng thứ yếu), để nhiều chỗ hơn cho giáo dân. Các hành động mà Jorge Bergoglio cải cách giáo đoàn và khi là Giáo hoàng Phanxicô, ngài đã diễn tả qua hành động một nền thần học đến từ một lục địa khác (lục địa của ngài), một lục địa nghèo trong đó các khác biệt về mặt kinh tế quá hiển nhiên. Người ta nhận ra phương pháp và nội dung tư tưởng của Đức Phanxicô khi ngài chuẩn bị và tiến hành Thượng Hội Đồng về gia đình. Đây chỉ là một đoạn đường mà giáo hoàng đưa Giáo hội đi.

Khi ưu tiên cho “dân tộc” (có nguy cơ bị cho là theo “trường phái bình dân”), Jorge Bergoglio đã hoàn tựu một chương trình hợp lý và nhất quán, một chương trình có tác động trên tương quan của những người công giáo trên thế giới và cách họ hành động trong các xã hội tương ứng. Và đó như một hương hoa trong cuộc cách mạng ở Giáo hội Rôma…

Gaël Brustier, nghiên cứu gia về khoa chính trị ở CEVIPOL (Đại học tự do Bruxelle), thành viên của tổ chức Nghiên cứu các chủ thuyết chính trị triệt để của Tổ chức Jean-Jaurès.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch