Phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi đã trả lời phỏng vấn đài truyền hình Hồng Kông, và cho biết khả năng đi theo ‘lộ trình’ đã áp dụng với Việt Nam về việc bổ nhiệm giám mục. Hồng y Parolin tuyên bố rằng đối thoại giữa Giáo hội và Trung Quốc ‘sẽ đem lại lợi ích cho hòa bình thế giới.’ Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Kinh đã nhắc lại rằng họ ‘thật tâm’ mong muốn ‘phát triển quan hệ’ với Tòa Thánh.
Vatican Insider – Gianni Valente – 03/13/2015
‘Cha có muốn đến Trung Quốc không?’ ‘Tất nhiên, ngay ngày mai!’ Những lời của Giáo hoàng Phanxicô trên chuyến bay ngày 19 tháng 8 từ Seoul về Roma, đã vang vọng trong những mái nhà Trung Quốc. Những lời này được truyền đi trong một chương trình truyền hình ở Vatican và phát sóng qua Phoenix TV, một mạng truyền hình tư nhân đặt trụ sở tại Hồng Kông vốn được xem là có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc. Và lời này của Giáo hoàng bày tỏ mong muốn đến thăm Trung Quốc, đã được dẫn lại qua phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi, một tu sỹ dòng Tên như Đức Phanxicô và Matteo Ricci. Buổi phỏng vấn ngắn gọn với cha Lombardi đã thu hút sự chú ý của tất cả những người, ở mọi tầm mức và vì mọi lý do, đang theo dõi sít sao các phát triển trong quan hệ giữa Trung Quốc và Giáo hội Công giáo.
Sự chú ý này, phần nào là bởi vai trò chính thức của trưởng phòng báo chí Vatican, cũng như bởi nội dung dứt khoát và sự chân thành trong phát biểu của cha Lombardi. Trong một đoạn phỏng vấn, cha Lombardi nhắc lại một chuyện rằng, ‘bạn có thể là một công dân Trung Quốc tốt, và cũng là một người Công giáo tốt. Không có mâu thuẫn nào giữa việc làm một người Công giáo tốt và một công dân Trung Quốc tốt cả.’ Phát ngôn viên Vatican tiếp tục nhắc cụ thể đến các phát triển trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, vốn ‘đã tốt hơn cho Giáo hội Công giáo bởi bây giờ chúng ta và Giáo hoàng đã tiếp ngay tại Vatican này, nhân vật cầm quyền cao nhất của Việt Nam. Trước đây, không có chuyện này. Còn bây giờ, có một đại diện Tòa Thánh ở Việt Nam, dù không thường trú, nhưng ngài có thể đến và thăm giáo hội … Điều này nghĩa là mọi thứ có thể thay đổi, có thể tiến tới, có thể dần tốt hơn và rồi cuối cùng nồng ấm dần dù trong quá khứ mọi chuyện từng rất khó khăn hơn nhiều …’
Những lời của cha Lombardi phát trên truyền hình được chèn vào những hình các giám mục quây quần chào mừng Giám mục với đám đông giáo dân tràn ngập quảng trường thánh Phêrô trong một ngày nắng đẹp. Vấn đề chính cần được giải quyết là về việc tấn phong các giám mục. ‘Hình mẫu Việt Nam’, nghĩa là việc tấn phong các giám mục, đi theo các thủ tục được phê chuẩn bởi Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam, được xem là một điểm quy chiếu khả dĩ, dù vẫn biết rằng ‘Trung Quốc không phải là Việt Nam.’ Một phóng sự khác trên Phoenix TV nhấn mạnh rằng vấn đề chính trong quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh không phải là về chuyện bang giao giữa Tòa Thánh với Đài Loan, nhưng là vấn đề tấn phong giám mục. Phóng sự này xem việc Bắc Kinh và Tòa Thánh không có bang giao là chuyện ‘bất thường’ nhắc lại rằng cần phải thực tế khi xác định và giải quyết các vấn đề theo một đường lối xây dựng, đồng thời cũng dự đoán khả năng trong tương lai Giáo hoàng Phanxicô và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ hội kiến với nhau.
Những lời của cha Lombardi được Bắc Kinh thêm sức nặng bằng ‘việc đáp lời’ ngay lập tức. Hôm 12-3, trên Phoenix TV, 4 nhà bình luận Trung Quốc đã dành nửa tiếng thảo luận trên talk show giờ vàng của đài này, nói về ‘hình mẫu Việt Nam’ cho việc tấn phong giám mục. Hai trong số họ đặc biệt hiểu biết về quan hệ Hán-Vatican, và nhất quyết xem đây là điểm mở đầu khả dĩ để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề dai dẳng trong quan hệ Trung Quốc-Tòa Thánh. Cũng ngày 12-3, các cơ quan chính trị chính thức ở Bắc Kinh cũng đã đưa ra các dấu hiệu giải hòa: Hồng Lỗi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng, ‘Trung Quốc luôn luôn thật tâm phát triển quan hệ với Vatican, và đã có những nỗ lực không ngừng vì mục tiêu này. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại xây dựng với Vatican. . . Chúng tôi hi vọng Vatican có thể tạo những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ.’ Những lời của Hồng Lỗi được đăng lại trên nhật báo Toàn cầu, Global Times, tờ báo tiếng Anh được xem là tiếng nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thảo luận trên Phoenix TV và các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc, là những dấu hiệu mới nhất của cả hai bên muốn thăm dò, xác định các vấn đề trong nghị trình, và thời gian cần có để bắt đầu thương thảo trở lại giữa Trung Quốc và Vatican. Mọi chuyện có vẻ đang vận động và việc mở ra với ‘hình mẫu Việt Nam’ cho thấy ý định của Trung Quốc muốn thảo luận các vấn đề và ý tưởng về những giải pháp cụ thể.
Ngày 11-3, hồng y quốc vụ khanh Parolin đã có một nhận định quan trọng với thay đổi bước tiến quan hệ giữa Trung Quốc – Vatican. Nói với một số nhà báo sau bài diễn văn (về vai trò của ngoại giao Vatican trong việc phục vụ hòa bình) tại Đại học Giáo hoàng Gregory, quốc vụ khanh nhắc lại một hệ quả khả dĩ của việc nối lại bang giao có thể xảy ra giữa Giáo hội Công giáo và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc: ‘cách duy nhất để tiến tới là nói chuyện với nhau, cách duy nhất là tìm một điểm chung và cố gắng hiểu nhau và tìm những giải pháp cho các vấn đề đang tồn tại. (…) Tôi tin rằng đối thoại giữa Giáo hội, Tòa Thánh và Trung Quốc có thể đem lại nhiều lợi ích cho hòa bình thế giới, những lợi ích rất, rất lớn.’
Liên kết quan hệ Trung Quốc-Tòa Thánh với việc bảo vệ và gìn giữ hòa bình thế giới, quốc vụ khanh chỉ ra rõ ràng đặc tính của hoạt động ngoại giao Vatican. Mục tiêu của ngoại giao Vatican không phải là vun vén quan hệ đặc quyền với các nhân vật chính trị quan trọng để mong mở rộng quyền lực. Nhưng mục tiêu của Tòa Thánh là giải quyết các vấn đề, thuận tiện hóa các giải pháp, hứng khởi và thúc đẩy các tiến trình nhằm ngăn chặn và giải trừ xung đột trong mọi bối cảnh và thời điểm.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch