Giáo hoàng Phanxicô và Tinh thần Bảo thủ

598

The New Republic – Elizabeth Stoker Bruenig – 01/3/15

pope-webNăm 2013, tôi đến Cambridge, Anh quốc, để học bằng cử nhân thần học Kitô giáo. Trong tuổi thiếu niên, tôi đã rất tích cực trong giáo hội, nhưng đến khi vào đại học tôi mới bắt đầu cảm thấy tiếng gọi thiêng liêng dấy lên trong lòng. Tôi cho rằng nguyên do của sự thôi thúc này là vì những người nghèo yêu dấu của Chúa Kitô. Tôi đã luôn luôn muốn hiểu được vì sao ngay cả ở những nước giàu, vẫn có những người nghèo khổ, và tôi, một Kitô hữu, phải suy xét tình trạng này về mặt thần học như thế nào. Nhưng khi đặt chân đến Cambridge, lúc 22 tuổi, tôi vẫn còn mờ mịt về con đường để đạt được việc này. Tôi thấy mình phiêu dạt không điểm tựa ở Anh quốc, nơi bối cảnh và cả con người đều lạnh hơn quê tôi, vùng Texas. Một buổi sáng mùa thu, khi chưa bắt đầu học kỳ đầu tiên, tôi đi dạo quanh những mê cung nào là sân vườn và những tòa nhà rêu xanh ở Đại học Chúa Giêsu. Và tôi sớm bị lạc đường, cả về nghĩa đen của một người lạ lang thang trong thành phố mới mẻ này, nhưng cũng cả về nghĩa bóng của một người trẻ đang cố gắng với tư cách một sinh viên và một ứng sinh đường thiêng liêng.

Đại học Chúa Giêsu được xây dựng trên nền của một nữ tu viện thời thế kỷ XII. Phần còn sót lại của tu viện cũ, bao gồm nhà ăn và nhà nguyện, một nhà thờ gothic bằng đá xám. Bên trong, nhà nguyện âm u, với những bức tranh tường đã mờ còn loáng thoáng thấy những đôi mắt nhìn xéo và những chiếc cổ thiên nga phong cách thời Trung cổ. Khi tôi đang nhìn quanh, một linh mục xuất hiện từ sau làn khói hương đang bao lấy bàn thờ. Cha là một người nghị lực, tầm vóc trung bình, với những nét tinh quái và sự sắc sảo chưa từng thấy.

‘Con đi lạc à?’ cha hỏi tôi.

Cha John Hughes trở thành giám sát, thầy giáo, linh hướng, và bạn của tôi. Tôi mến cha ngay lập tức, một cách không phê phán và đầy hăng hái dành cho người thầy. Cha có một kho tàng hiểu biết sâu về tất cả những gì tôi đang chú tâm đến: Thánh Augustinô, luận thuyết chính trị, tư hữu, tài sản, và công bằng xã hội. Cha John tự nhận mình là một Kitô hữu xã hội chủ nghĩa, đây là người đầu tiên như thế mà tôi từng gặp, và cũng là điều mà tôi mong ước được trở thành. Là một linh mục trẻ, cha thích được gọi bằng tên đơn giản là John hơn. Nhưng tôi chỉ bỏ qua nghi thức khi nghĩ về cha. Còn khi gặp, tôi luôn gọi bằng cha.

Việc nghiên cứu thần học đòi hỏi cần phải cần mẫn đi trở ngược xuyên qua những mớ rối bòng uốn lượn của những tư tưởng thời trước. Để làm được thế, cần phải có một người hướng dẫn, và cha John đúng là một người đặc biệt phù hợp. Sống thành tín vì Công giáo, dựa trên sự gắn bó với đường hướng của Giáo hội về các vấn đề đời sống. Tiến trình này không đơn thuần là một tiến trình hàn lâm, nhưng về thâm sâu đầy tính thiêng liêng. Tôi muốn biết thánh Augustino nghĩ gì về tư hữu, bởi tôi thấy được lôi cuốn bởi người nghèo, và cha John đã chỉ dạy cho tôi hơn những gì tôi tự nghiên cứu được rất nhiều. Cha đã dựng lên trong tôi một đức mến cần thiết để đi suốt ơn gọi thiêng liêng của mình.

Người chỉ hướng thần học Kitô giáo nổi tiếng nhất thế giới, tất nhiên, chính là Giáo hoàng. Có thể nói, ngài là người quản lý quá khứ tôn giáo của Giáo hội, là giáo sỹ lãnh đạo phải truyền tải các truyền thống của giáo hội trên tư cách một biểu tượng và một nhân vật đại chúng, cũng như trong các bài viết và tuyên bố của mình, vốn mang tính thẩm quyền cao hơn các chuyến công du hay bài phỏng vấn. Giáo hội nhìn nhận mình trong sự kế vị tông đồ và quyền tối cao của giáo hoàng, thể hiện sự truyền tiếp không ngừng thẩm quyền bắt đầu từ các tông đồ của Chúa Kitô. Giáo hoàng có một mối liên hệ đặc biệt với quá khứ, là người tiếp nhận quá nhiều các suy tư và việc làm đã được gìn giữ cẩn thận trước đó. Do vậy, mỗi một giáo hoàng, phải dùng đến sự phong phú trong truyền thống Giáo hoàng, và cũng mục vụ hiệu quả với một thế giới không ngừng mở ra các thách thức và thực tiễn.

Giáo hoàng Phanxicô lên ngai giáo hoàng cách đây 2 năm, trở thành thủ lãnh Công giáo đầu tiên đến từ Nam Mỹ. Trong giới bảo thủ về tôn giáo, chính trị, văn hóa ở Hoa Kỳ, người ta sớm hiếu kỳ về cách tiếp cận của ngài với quá khứ và truyền thống của Giáo hội. Ngài đã không có một thay đổi lớn nào đối với giáo lý Công giáo, nhưng vẫn bị tiếng xấu là người gây xáo trộn. Nhưng tôi thấy đúng hơn thì Đức Phanxicô truyền cho chúng ta những cảm giác không thoải mái tự tại, và ngài đương đầu với các đường hướng cụ thể chứ không phải các giáo lý cụ thể. Thời điểm then chốt để kiểm xác giả thuyết này đang đến. Mùa hè này Đức Phanxicô sẽ cho ban hành một tông thư về môi trường. Người ta cho rằng tông thư này sẽ nói đến các vấn đề quản lý môi trường và biến đổi khí hậu. Khi thời điểm phát hành đến gần, những người bảo thủ đã bắt đầu phản đối những cải cách rộng lớn vốn chưa ai biết được thế nào. Steve Moore, nhà kinh tế học trưởng của Tổ chức Di sản [The Heritage Foundation], đã tuyên bố Đức Phanxicô là một người theo ‘tôn giáo xanh hiện đại ngoại giáo,’ còn Maureen Mullarkey, một nhà báo viết cho tờ báo tôn giáo First Things, thì cáo buộc Giáo hoàng ‘trộn lẫn thần học với những tuyên bố chính sách hấp tấp và quá đáng.’ Nhưng không một ai, ngoại trừ Giáo hoàng Phanxicô và các cố vấn thân cận của ngài biết về nội dung của tông thư này. Những người bảo thủ, thấy khó chịu bởi đề xuất về một cách tiếp cận thần học với biến đổi khí hậu, đã bộc lộ nhiều xung động bản năng, họ không chỉ bàn cãi, mà còn xem những vấn đề đương đại này là mang tính hiện đại và non nớt. Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến Washington vào tháng 9 này để nói chuyện với Lưỡng viện, một chuyến viếng thăm rất được chờ đón. Để hiểu được phản ứng của các chính trị gia Công giáo bảo thủ như nghị viên Paul Ryan và Peter King với các tuyên bố của giáo hoàng về bất bình đẳng và biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải gỡ rối được 3 vấn đề khác của Giáo hội là: Giáo hoàng, quá khứ, và cánh hữu.

Những người bảo thủ đã có tư tưởng đề phòng Đức Phanxicô ngay từ khi ngài lên ngai tòa Phêrô từ tháng 3 năm 2013. Ngày Đức Phanxicô chính thức là giáo hoàng, blog Công giáo cực hữu Rorate Caæli đã gọi Đức Phanxicô là ‘một kẻ huyết thù của Thánh lễ truyền thống.’ Rồi sau đó một năm, tổng giám mục Philadelphia Charles Chaput, người nổi tiếng là nói thẳng đã lên tiếng rằng, cánh hữu của Giáo hội ‘nhìn chung, không thực sự hạnh phúc’ với triều giáo hoàng Phanxicô. Đức Phanxicô đã có câu bình luận nổi tiếng ‘Tôi là ai mà phán xét?’ khi được hỏi về đồng tính luyến ái. Ngài nói rõ điều này về những người đồng tính, nhưng tuân theo giáo lý của Giáo hội và tìm cách sống đời độc thân trong Giáo hội, và như thế tuyên bố của ngài hoàn toàn theo đúng giáo lý của Giáo hội. Vấn đề dường như phát sinh từ việc ngài đã dùng cách nói hiện đại: ‘gay’. Vào tháng 5, 2014, nhà báo Công giáo bảo thủ Michael Brendan Dougherty đã cho đăng một bài xã luận đầy khiêu khích trên tờ The Week, lập luận rằng ‘Người Công giáo phải học biết chống lại các Giáo hoàng của mình, ngay cả Giáo hoàng Phanxicô.’ Dougherty cho rằng tính chính đáng trong các giáo huấn của giáo hoàng (và có thể nói là cả nguyên tắc về tính bất khả ngộ của giáo hoàng) là đối tượng mà toàn thể tín hữu Công giáo phải xem xét lại. Ông kết luận rằng, trách nhiệm của các tín hữu ‘không chỉ là khiển trách và chỉnh sửa những người cầm quyền … nhưng còn là ném cà thối vào họ, hay làm cho họ thật khốn đốn.’

Luôn luôn có những tiếng lầm bầm bất mãn về các giáo hoàng, nhưng sự khác biệt quan điểm giữa Đức Phanxicô và một phong trào mang tên ‘cánh hữu Hoa Kỳ’ dường như đặc biệt nhiều và cay độc bất thường. Hồi tháng 10, 2014, nhà báo Ross Douthat của tờ New York Times, cũng là một người Công giáo, đã viết về các vấn đề hôn nhân và đời sống gia đình rằng, ‘Đức Phanxicô có lẽ sẽ không phạm sai lầm trừ khi chính Giáo hội chống lại ngài.’ Cái ‘sai lầm’ mà ông nói đến là cương vị lãnh đạo của Đức Phanxicô trong Hội đồng về Gia đình tổ chức ở Roma. Các giám chức do chính giáo hoàng chọn lựa, đã soạn thảo một văn kiện làm việc cho hội đồng, lúc đầu bao gồm những ngôn từ khá tích cực về khuynh hướng tình dục đồng giới và khả năng cho người li dị được rước lễ. ‘Những người đồng tính luyến ái có những ơn và phẩm chất đóng góp cho cộng đoàn Kitô giáo.’ Văn kiện còn thêm rằng, ‘Với những người li dị rồi tái hôn, để dự phần vào các bí tích sẽ cần có lộ trình sám hối trước đó.’

Báo cáo tổng kết phát hành vào cuối hội đồng đã bị sửa đổi về căn bản, và hầu hết ngôn từ trên đều đã bị bỏ đi. Phép Thánh thể vẫn không dành cho những người li dị rồi tái hôn, và các thái độ của Giáo hội với đồng tính luyến ái vẫn còn tiếp tục tiêu cực. Dù thế, những người bảo thủ vẫn lo lắng trước ý chí của Đức Phanxicô muốn linh động trong nhưng ‘vấn đề hiện đại’ như người đồng tính trong Giáo hội và con số những người li dị rồi tái hôn ngày càng tăng. Cuối bài báo của minh, Douthat lo lắng tự hỏi, không biết Đức Phanxicô có ‘sắp đặt cho hội đồng kế tiếp đầy những người ủng hộ cho một sự thay đổi càn quét’ để bất công gạt những người theo chủ nghĩa truyền thống về phía sai lầm trong lịch sử hay không.

Pope-Francis-2014-Synod-on-the-FamilyChủ nghĩa bảo thủ đã tự loại bỏ bản chất của mình. Tận cốt lõi, chủ nghĩa bảo thủ đại diện cho một sự tận tâm, dù thường cao ngạo, với sự bảo tồn một số yếu tố của thời trước. Chủ nghĩa bảo thủ chính trị đương đại ở Hoa Kỳ, đặc biệt là ‘tân bảo thủ’, lại thường khăng khăng về thị trường và tự do trong một nước mà chính phủ thường hay nhúng mũi vào chuyện riêng tư của công dân, và đồng thời họ lại thiên về một luật cá nhân khi xét đến các hành vi của người ta. Irving Kristol, một người tân bảo thủ có ảnh hưởng, trong tiểu luận năm 1976 ‘Tân bảo thủ là gì?’, đã viết rằng những người bảo thủ nên ‘tôn trọng các giá trị và thể chế truyền thống’ như là chủ trương trung tâm cho chính trị và việc làm của mình. Kristol tin rằng bổn phận với ‘quyền tối cao của các giá trị truyền thống’ giữ cho mọi người gắn chặt vào quá khứ để từ đó ngăn chặn được chủ nghĩa hư vô vốn dẫn đến chủ nghĩa độc đoán và sự vô tổ chức. Tự do của thị trường và sự yếu đuối thích đáng của nhà nước dựa vào dân, thiên về các hình mẫu truyền thống hơn là một vòng xoay chóng mặt của chủ nghĩa cấp tiến. Như nhiều danh nhân tân bảo thủ khác, Kristol là một người Do Thái, nhưng, thành công của chủ nghĩa tân bảo thủ sơ khai phần nhiều là nhờ vào việc trí thức hóa cảm tính văn hóa của tầng lớp lao động da trắng. Chủ nghĩa tân bảo thủ, xuất hiện trước, nên đã gieo những hạt giống cho sự nảy sinh ‘cánh hữu Kitô giáo.’

Những người bảo thủ nhận mình là gắn bó với quá khứ. Năm 2014, trong một bài trên National Affairs với tựa đề ‘Thiên hướng Điều hành Bảo thủ,’ Philip Wallach và Justus Myers đã xác định một vấn đề mà họ thấy là đã bị lãng quên trong hai thất bại tranh cử liên tiếp của Đảng Cộng hòa: ‘Chủ nghĩa bảo thủ là gì?’ Họ lập luận rằng, chủ nghĩa bảo thủ, không chỉ là các mục tiêu chính trị, mà là một đường hướng, qua đó ‘các thực hành xã hội, các tập tục, và thể chế thể hiện sự khôn ngoan tích tụ qua trải nghiệm thử và lỗi.’ Suy nghĩ này tách chủ nghĩa bảo thủ khỏi phạm vi chính sách, và trả nó về lại cốt lõi của những tận tâm bảo thủ. Tại tâm điểm của đường hướng bảo thủ, Wallach và Myers đưa ra một niềm tin giải thích vì sao những người bảo thủ ‘nghi ngờ khả năng của những người có thể sai lầm lại đại tu trật tự xã hội theo quan điểm của họ.’ Đường hướng bảo thủ nảy sinh từ niềm tin rằng quá khứ có một ý nghĩa siêu việt nào đó. ‘Chủ nghĩa bảo thủ có đủ mọi thứ cho những xã hội vốn có nhiều thứ đáng gìn giữ nhưng lại liều mạng làm tiêu tan di sản của mình bằng những thay đổi tàn phá, được lãnh đạo sai lầm.’ Trong tâm thức bảo thủ, những gì ngày nay giữ gìn, là bởi được thấy đáng giá trong quá khứ, và sự khiêm nhượng phải ngăn không để chúng ta thay đổi quá nhiều sự khôn ngoan mình đã nhận được.

Cách nhìn này về quá khứ đã hợp nhất những người bảo thủ tôn giáo và chính trị. Thật vậy, Giáo hội Công giáo cũng có sự xung đột giữa bảo thủ và cấp tiến như trong chính trị Hoa Kỳ vậy. Giữa năm 1962 đến 1965, Vatican đã tổ chức Công đồng Vatican II, tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô ở Roma. Đây là công đồng đại kết lần thứ 21 của Giáo hội Công giáo, một hội nghị của các lãnh đạo và thần học gia Công giáo, trong những năm đầu tiên được triệu tập bởi các đại đế Roma, và bây giờ là bởi Giáo hoàng Gioan XXIII, nhằm sắp đặt vị thế của Giáo hội Công giáo trong thế giới hiện đại. Công đồng Vatican II vẫn còn đang điều hướng cho đạo Công giáo đương đại.

Vatican II nhắm đến các vấn đề nghi thức phụng vụ như: ngôn ngữ trong thánh lễ, giáo hội học, và vị thế của huấn giáo Công giáo trong thế giới hiện đại. Ý định ‘hiện đại hóa’ cách thể hiện và giáo huấn Công giáo, vốn ngày càng tăng cao, đủ để dần xa lìa những người Công giáo bảo thủ. Sử gia Giáo hội và giáo sư Massimo Faggioli, trong quyển sách in năm 2012 của mình, Công đồng Vatican II: Cuộc chiến về Ý nghĩa, đã chỉ ra rằng những người Công giáo theo chủ nghĩa truyền thống ‘đã lớn tiếng hơn nhiều trong việc lên án công đồng là một tai họa và hỗn loạn trong Giáo hội. Quan điểm tiêu cực của họ với những hệ quả từ cải cách nghi lễ cũng vẫn táo tợn xúc phạm mọi phát triển chính của Vatican II (giáo hội học, đại kết, tự do tôn giáo, và Giáo hội với thế giới hiện đại). Giáo sư Faggioli nhận định mối liên kết giữa ‘những người cáo buộc chính xem Vatican II là ‘đoạn tuyệt’ với truyền thống Giáo hội,’ với những người ‘đặt vấn đề về tính chính đáng của Vatican II có phải là một công đồng theo truyền thống Giáo hội hay không, cũng như chất vấn tính chính đáng của các công đồng trước đó, và cả huấn quyền của giáo hoàng.’  Những người theo chủ nghĩa truyền thống thấy bị xúc phạm trước những kết quả cải cách của Vatican II, và còn bởi ý tưởng hiện đại hóa của công đồng, như thể đây là một chuyện thực sự có thể bỏ qua vậy.

Đức Phanxicô không hiện diện ở Công đồng Vatican II. Nhưng những thái độ của những người Công giáo bảo thủ dành cho ngài, là một sự ngờ vực đối với động thái Công giáo hướng đến sự hiện đại, và điều này cũng giải thích sự bực dọc với việc người ta đón nhận cách tiếp cận đơn sơ của ngài. Tinh thần của công đồng cũng tác động đến lập trường chính trị xã hội của Giáo hội ở châu Mỹ La tinh, và không thể không tác động đến Đức Phanxicô. Ví dụ như, thần học giải phóng là hoa trái từ chung một cây nho như Vatican II, bất chấp Vatican đã chính thức lên án thần học giải phóng từ những năm 1970. Năm 1979, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mở đầu bài diễn văn tại hội nghị Puebla, Mễ Tây Cơ, bằng lời tuyên bố rằng, ‘Hình tượng Chúa Kitô, như một nhân vật chính trị, một nhà cách mạng, một con người lật đổ đến từ Nazareth, không tương hợp với giáo lý căn bản của Giáo hội.’ Chẳng có gì ngạc nhiên khi giáo hoàng Phanxicô, sinh trưởng ở Argentina, đã không chỉ trích thần học giải phóng dữ dội như các bậc tiền nhiệm, thậm chí ngài còn giải những án mà Đức Gioan Phaolô II ra trên những linh mục tán thành thần học giải phóng. Và động thái nồng ấm này của ngài đã khiến những người bảo thủ thấy lo ngại.

Cha John thận trọng đến chán khi chỉ dạy cho tôi. Một chiều mưa, cha cho tôi một quyển sách để đọc. ‘Hãy viết ra những suy nghĩ của con,’ cha bảo tôi thế, và chỉ thế mà thôi. Tôi lần dở quyển sách, và một quyển gáy cứng rất nặng. Đây là quyển Biện hộ cho Chiến tranh, một luận bàn thần học Kitô giáo về chiến tranh hiện đại, của Nigel Biggar. Lúc đó tôi đến Cambridge để nghiên cứu thần học về tư hữu, đặc biệt là luận thuyết chính trị của thánh Augustino. Thật không thể hiểu rõ vì sao mà cha John lai muốn tôi đọc một quyển sách biện hộ về chiến tranh. Và bởi chẳng hiểu cha muốn tôi học được gì từ quyển sách này, nên tôi đã không biết phải tìm gì trong đó, hay làm sao để viết ra được những thứ cho cha hài lòng. Nhưng rồi, tôi dần thiết tha muốn làm được việc sẽ khiến cha thấy tự hào. Tôi hiểu được lòng mến của những sinh viên dành cho thầy mình qua những lời của thánh Augustinô viết về thánh Ambrosio trong quyển Tự thú: ‘Và tôi bắt đầu mến ngài, tất nhiên, không phải trước hết như là một thầy dạy chân lý, bởi tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng trong việc tìm được một người như thế trong Giáo hội của Chúa, nhưng tôi mến ngài như một con người thân thiện.’ Tình mến của thánh Augustino, có được nhờ một tình mến khác: Điều này đặc biệt đúng với những thầy dạy, vừa là hướng dẫn, người bạn, cố vấn, và mục tử. Và tôi tình cờ đọc được tiểu thuyết của Umberto Eco viết năm 1980 về thời trung cổ, Tên của Hoa hồng, và tôi đột nhiên, hình dung thấy mình, như một hình tượng hiện đại của Adso of Melk, một tập sinh mò mẫm theo người thầy thông thái của mình qua một mê cung những tranh luận, bí ẩn, và bản văn thần học.

Bài phê bình của tôi về quyển Biện hộ cho Chiến tranh, tập trung vào vai trò của nghèo đói trong xung đột. Đây có vẻ là hơi mở rộng, nhưng tôi chẳng nghĩ được lối viết nào khác nữa. Cha John để giờ đọc bài của tôi, như thường lệ, trên chiếc ghế dựa cao bên lò sưởi để trống trong văn phòng mình. Cha bắt đầu mỉm cười: ‘Con đã tập trung vào thánh Augustino.’ Tôi đã đọc quyển sách của Biggar theo nhãn quan phê phán của thánh Augustinô, trong khi Biggar cũng lấy các lập luận của Augustinô về chiến tranh chính đáng làm nền tảng cho lập luận của mình. Hóa ra, đây là mục tiêu của việc này, là để cho tôi thấy các diễn giải vốn khác biệt rất lớn, có thể phát xuất từ những cốt lõi kinh điển có vẻ y hệt nhau. Vấn đề ở đây quá dễ hiểu, và vẫn thấm nhuần mãi trong đầu tôi. Khi bạn đào sâu quá khứ, bạn luôn luôn tìm thấy những sự bạn tìm kiếm.

Lòng tôn trọng bảo thủ dành cho quá khứ không nhất thiết nghĩa là các chiến thuật hay biện pháp chính trị để bảo vệ quá khứ phải luôn luôn theo sát truyền thống. Trong quyển sách in năm 2011, ‘Tâm thức Phản động,’ Corey Robin đã viết rằng, ‘trong khi những nhà lý luận bảo thủ tự cho truyền thống của mình một vẻ ngoài thận trọng và ôn hòa, thì lại có một chiều hướng không quá khó thấy của sự khinh suất và thái quá đang hiện diện ngay trong truyền thống đó, một chiều hướng, dù có vẻ phản trực giác, nối kết Sarah Palin với Edmund Burke.’ Do đó, những người bảo thủ có thể nhận mình là gắn bó sâu sắc với nước Mỹ của tổ tiên, trong khi lại cố gắng triệt phá các công đoàn và phúc lợi xã hội, những trụ cột chính của một kỷ nguyên mà họ tự nhận là yêu mến. Còn khó hơn nữa khi muốn giải thích sự tách rời giữa một đặc tính bảo thủ sâu sắc gắn chặt vào quá khứ, với những biện pháp chính trị bảo thủ, cả trong và ngoài giáo hội, vốn thường dùng đến chính những chủ đề và hành động của các phong trào cách mạng mà họ đang đối đầu.

Chạy theo dối trá, tính cơ hội, hay ác tâm, như những người cấp tiến thường làm, sẽ không thể xác định được căng thẳng nội tại của chủ nghĩa bảo thủ. Dù chúng ta có làm gì, thì quá khứ vẫn là một con đường trường cữu nhưng xa cách, chúng ta không thể biết được. Chúng ta có các bản văn, tái hiện, các tượng hình và câu chuyện, nhưng tất cả mọi thứ này cộng lại vẫn không bằng ký ức của một con người. Những ghi chép lịch sử, được cho là mang thái độ và diễn giải của những người đi trước chúng ta, chỉ là mở đầu cho những vấn đề phải đối mặt khi muốn nắm bắt cho trọn quá khứ. Thật vậy, trong quyển sách năm 2008, ‘Sự tự trị của Đạo đức,’ triết gia và giáo sư đại học Brown, Charles Larmore đã nhắc nhở chúng ta về ‘dấu ấn của thời gian và không gian của chúng ta.’

Hướng về quá khứ với các động cơ hoàn toàn mang tính chính trị, nghĩa là cố gắng khám phá một cách tiếp cận vấn đề theo truyền thống hay kiểu cũ, chính là đang chất lên vai lịch sử trách nhiệm giải quyết các vấn đề hiện đại của chúng ta, và do đó mà các lợi ích có thể nhuốm màu lên nhận thức của chúng ta về lịch sử. Alastair Roberts, một biên tập viên của tờ báo Political Theology Today, khi đặt chủ nghĩa cá nhân đương thời vào khuynh hướng bảo thủ tìm kiếm quá khứ, đã trích lời triết gia Charles Taylor nói về khái niệm ‘đích thực.’

‘Việc nhiều người bảo thủ ngày nay, quy hướng về các nghi thức lịch sử, là do bởi nhu cầu của chủ nghĩa các nhân biểu cảm cần một cuộc tìm kiếm chân tính. Bứt rứt vì một ý thức bất an về sự vô chân tính giữa hư hư thực thực của văn hóa tiêu thụ hậu hiện đại, nhiều người tìm kiếm một nghi thức truyền thống cũng giống như những người hippie học đòi muốn tìm những bộ áo phong cách cũ ‘đích thực’ và ‘xứng đáng’ trong những cửa hàng đồ cũ.’

Người hippie gắn bó với chiếc áo khoác ám màu mình lượm được từ cửa hàng đồ cũ như một biểu tượng nam tính đúng diệu thời xưa. Điều này rất khác với liên hệ của người chủ cũ thời trước với chiếc áo, và sự biểu hiện nam tính kiểu cách cũ này hoàn toàn đương thời như bất kỳ kiểu hiểu hiện giới tính mới có nào, và thật sự chỉ có thể hiểu được chuyện này khi so sánh nó với các chọn lựa hiện đại. Về nghi lễ phụng vụ cũng vậy. Nhất quyết rằng Giáo hội tách mình khỏi thế gian bằng cách trung thành với đường lối của quá khứ – chẳng hạn như cử hành thánh lễ theo nghi lễ La Tinh, hay bác bỏ sự biến đổi khí hậu do con người bởi chuyện này không được nhắc đến trong kinh thánh – chính là liên hệ với quá khứ theo một cách hoàn toàn hiện đại. Người ta không màng đến biến đổi khí hậu trong thời Trung cổ là bởi chuyện này chẳng ai biết, chứ không phải bởi họ muốn có một tuyên bố đặc thù về sự thực siêu việt trong kinh thánh. Chúng ta có thể nhại lại các thái độ này, nhưng kết quả luôn luôn là việc chiếu lại lịch sử, và chẳng hơn gì một bộ phim.

Bản năng trở lại những hình mẫu suy tư thống trị trong quá khứ là một bản năng hiện đại. Trong trường hợp này, chiều hướng bảo thủ có vấn đề về tự nhiên. Khi chiều hướng bảo thủ khao khát dùng đến tất cả mọi di sản đáng giá, thì thực ra nó đang tạo ra những gì mà nó nhận là kế thừa. Có lẽ đây cũng là ý của Rimbaud, khi ông viết trong quyển ‘Một thời ở Địa ngục’ rằng: ‘Người ta phải tuyệt đối hiện đại.’ Đây không phải là một chọn lựa cho bằng là một chuyện không thể thay đổi. Cân nhắc xem liệu người ta có thiên về hiện đại hay không, chính là hiện đại rồi đó, quyết định đã có sẵn rồi.

Giáo hoàng Phanxicô tiếp cận quá khứ bằng đối thoại, chứ không chỉ bằng sự tôn trọng đơn thuần. Ngài biết rằng cách tiếp cận hữu dụng duy nhất với quá khứ chính là nhận ra quá khứ là một công việc tiến trình. Điều này cho chúng ta thấm nhuần quá khứ được tích lũy, mà không để nó có thẩm quyền đặc biệt nào trên các quyết định hiện thời. Hiện tại và quá khứ phải ngang nhau, cả hai đều là công lao của nhân loại. Chỉ từ cái nhìn này, những người Công giáo bảo thủ mới chùn bước. Thái độ, hay đường hướng này, cho người ta dùng một cách diễn giải hiện đại khi rút tỉa từ truyền thống Giáo hội. Chẳng hạn, hãy xem những nhận định của giáo hoàng về bất bình đẳng, khi ngài kêu gọi ‘nhà nước tái phân bổ hợp lý các lợi ích kinh tế, cũng như cần đến sự hợp tác nhất thiết giữa các cá nhân và xã hội dân sự.’ Các học giả như Sean Hannity đã bùng lên một sự lo lắng, ngờ vực rằng giáo hoàng mang trong đầu một lược đồ xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, các lãnh đạo bảo thủ như chủ tịch Liên minh Công giáo Bill Donohue chỉ hờ hững bảo vệ giáo hoàng của mình, thậm chí còn hơi táo tợn khi lập luận rằng những lời của giáo hoàng không thực sự tận căn như vẻ bề ngoài. Và không phải như thế. Giáo hội Công giáo luôn luôn ‘tự do’ đối với các vấn đề kinh tế. Kể từ những thế kỷ đầu của Giáo hội, các thần học gia lỗi lạc như Ambrose, Augustino, và thánh Gioan Kim khẩu đã nêu bật rằng quyền tư hữu chỉ có giá trị khi tất cả mọi người đều có của thiết yếu, và đồng thời cũng xác nhận rằng của thặng dư thực sự thuộc về người nghèo.

Dưới ánh sáng của những giáo huấn này, thì từ ‘tự do’ có lẽ là quá hiện đại đối với đường lối kinh tế của giáo hoàng Phanxicô. Những lời của Đức Phanxicô vừa giữ truyền thống cổ của Giáo hội và vừa dễ hiểu với thuật ngữ chính trị hiện đại, đưa chính trị thực dụng và đạo đức Kitô giáo kinh điển lại với nhau. Tất cả mọi kẻ vênh vang, với quyền lợi gắn chặt vào chủ nghĩa tư bản, từ Rush Limbaugh cho đến tờ The Economist, đã thay nhau cáo buộc Đức Phanxicô vào hàng ngũ những người chống cộng, rồi theo chủ nghĩa Marx, theo Lênin, ..vv. Nhưng thực tế thì quan điểm của Đức Phanxicô về công bằng kinh tế, gần với huấn giáo truyền thống Kitô giáo hơn là với những người ủng hộ thị trường tự do. Đây là ngôn ngữ của các phong trào kinh tế hiện nay đang kinh động khi tự đưa ra những đề xuất có vẻ truyền thống. Như hồng y Walter Kasper đã nói trong bài diễn thuyết về Giáo hoàng Phanxicô tại Đại học Công giáo America rằng, ‘Đức Phanxicô không đại diện cho đường hướng tự do, nhưng là một đường hướng căn bản, được hiểu với nghĩa nguyên gốc của từ này, là đi về cội nguồn, về căn nguyên.’

Và tông thư sắp đến của Đức Phanxicô cũng như vậy. Trên tờ Crisis Magazine, Rachel Lu, một giảng viên tại Đại học thánh Tôma, suy ngẫm về những phân tách carbon như một vấn đề thần học: ‘Chuyện này có vẻ ngớ ngẩn về mặt tri thức, và thật luôn thấy nản lòng khi tôi cảm nhận rằng các lãnh đạo Giáo hội tập trung nhiều hơn vào những chuyện gây tranh cãi nhất thời trong xã hội hơn là vào công việc căn bản cứu rỗi các linh hồn.’ Nhưng vai trò quản lý trái đất được giao cho con người trong trình thuật Sáng Thế, và phẩm giá của môi trường có thể dò thấy được trong truyền thống Công giáo chính ở nơi thánh Phanxicô thành Assisi, người mà giáo hoàng đã nhận làm danh xưng. Nếu ngôn từ của Đức Phanxicô về môi trường, có vẻ quá giống ‘tôn giáo môi trường ngoại đạo hiện đại’ theo lời của những người như Steve Moore, thì chỉ là bởi họ đã quên mất những lời trong ‘Bài ca Mặt trời,’ của thánh Phanxicô thành Assisi. ‘Xin vinh danh Chúa con, qua chị Trái đất/ là người nuôi chúng con ăn và quy ước chúng con/ và sản sinh đủ loại trái trăng với hoa cỏ muôn màu.’

Giáo hoàng Phanxicô biết rằng ngôn từ của ngài gợi lên những phong trào sinh thái đương thời, nhưng đây là một thiên tư của ngài, chứ không phải do thiếu sót. Nắm bắt được yếu tính của truyền thống Công giáo trong đối thoại qua tư tưởng hiện đại, đã cho thần học của Đức Phanxicô trở nên dễ gần hơn. Và nếu có ai thấy khó chịu với cách nói của ngài, thì đó là nhưng người trốn tránh hiện tại trong một quá khứ tưởng tượng.

Đức Phanxicô không giữ chặt truyền thống cũng như các ưu tiên hiện đại hóa, nhưng ngài tạo ra một tổng hòa khả dụng từ cả hai. Ngược lại, những người bảo thủ cứ khăng khăng đòi quá khứ, và tin tưởng vào sự ‘thoái trào’ mà họ dường như đặc biệt dự phần trong đó. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Joni Ernst đã phản hồi lại bài diễn văn Tình trạng quốc gia của tổng thống, bằng cách nhắc lại thời thơ ấu của bà ở Iowa, kể lại rằng ‘cha mẹ tôi có lẽ không có nhiều của cải, nhưng họ làm việc cật lực vì những gì họ có.’ Những lời của bà Ernst gợi lại một thời mà người ta thấy mãn nguyện trong cái nghèo. Và những lời này cũng khiến những con người hiện đại phải nhìn lại. Chúng ta không làm việc vì những gì chúng ta có và thay vào đó sinh sống bằng những của rơi vãi như phúc lợi xã hội. Cuối cùng, những người làm việc lại có ít thứ để trưng ra hơn những người tìm về quá khứ, nhờ vào ông kẹ pháp chế là chính quyền liên bang.

Đây là chủ nghĩa bảo thủ ở mức phản động nhất, khi một quá khứ chưa bao giờ có lại hoạt động như một vận quyền để hướng về một sự trở ngược hoành tráng, dù cho mục tiêu của nó không bao giờ đạt được bởi không có thực. Còn cách tiếp cận đối thoại của Đức Phanxicô đưa ra những phong phú mới ở mọi thời điểm. Trong tông huấn năm 2013 về phúc âm hóa trong Giáo hội, Niềm vui của Tin mừng, Đức Phanxicô đã dùng tuyên bố thần học của thánh Augustino rằng nhân loại yêu chuộng vẻ đẹp, để lập luận cho cách sử dụng nghệ thuật và âm nhạc hiện đại trong các nhà thờ: ‘Chúng ta phải đủ bạo dạn để khám phá những dấu hiệu và biểu tượng mới, những tươi mới trong cách biểu hiện và truyền tải ngôn từ, cũng như những dạng khác của vẻ đẹp vốn có giá trị trong các nền văn hóa khác nhau, bao gồm cả những hình thức vẻ đẹp không theo quy ước.’

Những người bảo thủ trong và ngoài Giáo hội, sẽ như nhau, mà tiếp tục cằn nhằn sự hiện diện của Đức Phanxicô, cá tính của ngài, và công cuộc phúc âm hóa thành công một cách thanh thoát của ngài. Đức Phanxicô đã đem lại một cách tiếp cận rõ ràng là vượt trội hơn những người bảo thủ, một cách tiếp cận khiến cho đường lối bảo thủ trở nên không hấp dẫn bởi nó bất khả thi.

Quyển Tên của Hoa hồng kết thúc với cảnh Adso già nua, đơn độc trong phòng tu viện. Một ngọn lửa thiêu rụi đan viện mà Adso đã cùng nghiên cứu với thầy mình, dù Adso qua nhiều năm đã lượm lặt lại được những trang giấy cháy xém từ đống tro tàn của thư viện. Ông thú nhận rằng đã mê tín tìm trong các bản văn này để kiếm được một ý nghĩa, một thông điệp, một hướng dẫn về ý nghĩa của quá khứ. Ông dật dờ khi không có thầy mình, người đã chết. Và tôi, bây giờ cũng không có thầy của mình. Mùa hè năm ngoái, cha John đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Cha mới 35 tuổi.

Cha John đã viết một quyển sách của đời mình, Mục tiêu của Công trình: Phê phán Thần học về Chủ nghĩa Tư bản. Một thời gian sau cái chết của cha, tôi xem quyển sách này như một tông huấn, và dò tìm ý nghĩa từ nó. Tôi muốn nó trả lời mọi câu hỏi mà tôi muốn hỏi cha John, để giải mã những lời cha đã nói với tôi. Nhưng, đây là một quyển sách về lao động và nghi thức phụng vụ, chứ không phải về cha John và tôi. Nếu tôi có khám phá điều gì trong nỗi đau buồn của mình, thì đó là việc quá khứ không thể lấy lại  mà chỉ có thể dựng lại một cách tệ hại mà thôi. Xem xét một vấn đề cởi mở luôn luôn đem lại hiệu quả. Và cũng đúng thế với quá khứ đời mình, với quá khứ của chính trị và quá khứ của Giáo hội: Đối thoại là cách tốt nhất chúng ta có thể làm được với quá khứ.

Và thế là đủ rồi.