Giáo hoàng là ai?

457

nybooks.com, Eamon Duffy, 19-02-2015

pope-francis-1

Ngày 22 tháng 12, 2014, giáo hoàng Phanxicô đã có bài nói chuyện truyền thống nhân dịp Giáng Sinh với các cấp cao của Giáo triều Roma. Buổi gặp thường niên này với các viên chức điều hành trung ương của giáo hội, cho các giáo hoàng cơ hội có bài diễn văn kiểm điểm ‘tình hình quốc gia.’ Năm 2005, người tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđictô XVI đã dùng dịp này để nói bài phân tích trọng yếu ‘lý giải về sự gián đoạn và đổ vỡ’ mà ngài tin là đã bóp méo nhận thức về Công đồng Vatican II khi trình bày Công đồng như là một sự kiện cách mạng, và ngài tin rằng điều này đã gây nhiều căn bệnh cho giáo hội hiện đại. Cụm từ ‘lý giải về gián đoạn’ được những người tìm kiếm ‘cải cách cho cải cách’ háo hức mở rộng, và trở thành công cụ để đấu tranh loại bỏ một vài bước tiến nổi bật nhất trong giáo hội sau Công đồng Vatican II 1962-1965, do Đức Gioan XXIII khai mạc và được hoàn tất bởi Đức Phaolô VI.

Nhưng, bài nói năm 2014 của Giáo hoàng Phanxicô còn vượt xa phạm vi nội bộ và riêng biệt. Sau khi cảm ơn ngắn gọn các thính giả vì công việc lao tâm trong năm qua, giáo hoàng bắt đầu mổ xẻ nghiêm khắc 15 bệnh tật phần hồn mà những giám chức cấp cao có khuynh hướng mắc phải. Đây là một danh mục đáng thất vọng về ‘các căn bệnh của giáo triều’ bao gồm tính ‘ái kỷ’ phần hồn, một phần của ‘bệnh tham danh vọng,’ thúc đẩy người ta hành xử như ‘những ông chúa, ông chủ’ (padroni, trong tiếng Ý), kiểu làm việc quá độ của Martha, vốn vắt kiệt lòng cảm thông con người và khiến người ta không còn có thể ‘khóc với người khóc,’ và còn căn bệnh Alzheimer phần hồn của những người ‘xây tường và những lề thói quanh mình’ quên mất tinh thần của Tin mừng.

Bản kiểm điểm các tội của giáo triều còn bao gồm cả sự kéo bè phái, tính hám lợi, tham danh vọng, cạnh tranh đấu đá, và lãnh đạm với người khác, ‘chứng tâm thần phân liệt hiện sinh’ và ‘sự trống rỗng phần hồn ngày càng tăng’ của những người bỏ việc phục vụ mục vụ và ‘khóa mình trong những chuyện quan liêu bàn giấy,’ rồi còn ‘sự khắc nghiệt kiểu ra vẻ và sự yếm thế cằn cỗi,’ ‘vẻ mặt đưa đám’ thường có khi nắm quyền, và ‘sự khủng bố bằng đàm tiếu’ của những người hèn nhát ‘sẵn sàng bôi nhọ, phỉ báng làm mất tín nhiệm của người khác, ngay cả trên mặt báo và tạp chí.’

Dù đây là lời của giáo hoàng Phanxicô để giúp xét mình nhân dịp lễ, nhưng bài nói này được đông đảo người, và nhiều người trong số các thính giả trực tiếp của ngài, xem là một sự chỉ trích gay gắt đối với hệ thống điều hành hiện tại. Việc một giáo hoàng phê bình gay gắt như thế đối với giáo triều là chưa từng có trong thời hiện đại, nhưng nó vẫn chẳng là gì so với thực chất vấn đề đầy kinh ngạc cả. Mật nghị Hồng y bầu Jorge Mario Bergoglio lên ngai giáo hoàng vào ngày 13 tháng 3, 2013 bị bủa vây bởi những tai tiếng và sai phạm ngay trung tâm giáo hội. Các hồng y hội nhau lại trong sự hoảng hốt trước việc Giáo hoàng Bênêđictô XVI thoái vị, và cùng với đó là gánh nặng của nhiều tiết lộ mới nhất về tham nhũng và rửa tiền ở ngân hàng Vatican, về các vụ giáo sĩ xâm hại trẻ em, và việc các giới chức giáo hội đã không xử lý được vấn đề cho thỏa đáng, tất cả làm trầm trọng thêm với vụ tai tiếng Vatileaks, khi hàng trăm tài liệu tuyệt mật báo cáo về nạn tham nhũng, quản lý yếu kém và cừu hận lâu năm trong Giáo triều bị quản gia riêng của Đức Bênêđictô XVI rò rỉ ra cho báo giới.

Trong giai đoạn chuẩn bị mật nghị, các hồng y thay nhau yêu cầu phải có một giáo hoàng thanh lọc hết các chứng bệnh của giáo hội, bắt đầu từ việc cải tổ Giáo triều. Đức Phanxicô được bầu phần lớn là bởi ngài được xem là người sẽ làm được việc này. Việc ngài nhấn mạnh mục vụ về việc truyền giáo công bố lòng thương xót của Chúa với những người mang tội đang kẹt trong những hoàn cảnh khó khăn, dường như tố giác một sự bận tâm cằn cỗi quá đáng với các chi tiết tỉ mỉ về nghi thức và giáo lý, chủ trương phá rối của bộ máy quan liêu, và sự cứng đầu bảo vệ các lợi ích thể chế của giáo hội.

Một trong những hành động chính đầu tiên của Đức Phanxicô là thiết lập một ủy ban 8 (bây giờ là 9) hồng y phụ trách kiểm tra triệt để các cơ cấu trung ương của giáo hội, bắt đầu từ ngân hàng Vatican. Việc ngài chọn danh hiệu cho mình, cũng là một dấu chỉ cho thấy sự chuyển hướng khỏi các bận tâm giáo lý và thể chế của người tiền nhiệm của mình, và thay vào đó là đưa ra kiên quyết nhiệt tâm muốn giáo hội gắn bó yêu thương người nghèo, đại đa số của thế giới.

Nhưng Đức Phanxicô không có gì là cấp tiến, cải cách trong các vấn đề giáo lý cả. Về các vấn đề trọng tâm thường được làm phép thử cho tính chính thống của Công giáo, quan điểm của ngài hoàn toàn theo sát đường lối xưa nay. Ngài mạnh mẽ ‘ưu sinh’ và là một người sốt sắng nâng đỡ các gia đình truyền thống. Khi còn là giám mục Buenos Aires, ngài đã phản đối dự luật của chính phủ Argentina hồi năm 2010 muốn hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhưng lại chấp nhận xác định quan hệ pháp lý cho các cặp đồng tính, một cái nhìn thực dụng ôn hòa bị các giám mục Argentina khác bác bỏ, bởi muốn một lập trường đối đầu hơn. Trong cuộc ‘đàm đạo’ với linh mục dòng Tên Antonio Spadaro, ngài đã kêu gọi một thần học mới và sâu sắc về phụ nữ, cũng như phải nhìn nhận hơn nữa vai trò thiết yếu của phụ nữ trong giáo hội. Nhưng những lời nhận định mang tính bình dân của ngài về vị trí của phụ nữ và về ‘thiên tư nữ tính’ trong giáo hội, đã gây phiền lòng cả những nhà hoạt động nữ quyền ôn hòa nhất. Ngài đã làm rõ niềm tin của mình rằng tông thư Truyền chức Linh mục [Ordinatio Sacerdotalis ] năm 1994 của giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã xác định ‘dứt khoát’ vấn đề phong chức cho nữ giới, nghĩa là ‘khép lại cánh cửa.’

Việc tán thành nỗ lực của giáo hoàng Gioan Phaolô muốn khép lại tranh luận về vấn đề này, cho thấy các giới hạn trong tinh thần cấp tiến và có thể là trong cả biện giải thần học của Đức Phanxicô. Những chỉ trích nhắm vào tông thư Truyền chức Linh mục nói rằng các giáo hoàng không có liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa. Các tuyên bố ‘cuối cùng’ của giáo hoàng không phải là những lời sấm đem lại thông tin gì đó, nhưng là những phán quyết của một tiến trình dài và rộng hơn bao gồm suy tư, tham vấn và thảo luận về giáo lý, vốn thường kéo dài nhiều thế kỷ, đồng thời cần nhiều thủ tục kèm theo nếu các phán quyết đó cần được vâng theo. Nhưng vấn đề phong chức cho nữ giới chưa bao giờ được xem xét kỹ về mặt thần học đến mức này cả, và do đó vẫn cần phải xem lại một nền tảng thần học đúng đắn cho việc cấm chuyện này. Vậy nên, vấn đề là, làm sao mà Đức Gioan Phaolô lại biết rằng việc phong chức cho nữ giới là bất khả thi, và việc mô tả quyết định loại trừ ngay từ đầu đối với vấn đề này là ‘xác định cuối cùng’ nghĩa là gì.

Nhưng đây không phải là những vấn đề thu hút Đức Phanxicô nhiều, và việc ngài chấp nhận các quan điểm thần học lâu đời đã cho những người theo chủ nghĩa truyền thống có thể không còn xem việc ngài được bầu là một tuyệt giao với các triều giáo hoàng trước đó. Chẳng hạn như, George Weigel, nhà viết tiểu sử, bạn tâm giao, và người tán dương Đức Gioan Phaolô II, đã quả quyết rằng nhấn mạnh truyền giáo của Đức Phanxicô, trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng, là một sự tiếp nối các nhấn mạnh của Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđictô về nhu cầu ‘tân phúc âm hóa’ và cho thấy ‘sự tiếp nối liền mạch giữa 3 giáo hoàng này, cũng như sự liên tục trong đường lối diễn giải Công đồng Vatican II từ Gioan Phaolô, Bênêđictô, đến Phanxicô.

Tuy nhiên, nhận định trên, đã khéo léo bỏ qua tầm quan trọng trong quyết định dứt khoát dùng đến hùng biện, bằng lời nói hay việc làm, một điều rõ ràng lệch pha với đặc nét của hai giáo hoàng trước. Với những người hâm mộ ‘động lực chính thống’ (một lối nói khác của việc hăng hái thực thi quyền lực trung ương) đặc nét của các triều giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, thì việc Đức Phanxicô thẳng thắn nhìn nhận khả năng sai lầm của hàng giáo sĩ và những mối nguy cơ của cương vị lãnh đạo quyền hành, thật là gây giật minh và nuốt không trôi. Các đối thủ bảo thủ trắng trợn như hồng y Raymond Burke, trong một lần bỏ qua nghiêm trọng nghi thức ngoại giao vốn hạn chế các hồng y không được công khai chỉ trích giáo hoàng tại vị, đã lớn tiếng mô tả giáo hội dưới thời Đức Phanxicô là ‘con tàu không người lái.’

Không khó để hiểu vì sao lại thế. Trong một loạt các bài phỏng vấn và diễn văn, Đức Phanxicô đã phàn nàn về các giáo sĩ  ‘chơi trò Tarzan’ nghĩa là các lãnh đạo giáo hội quá tự tin vào tầm quan trọng, sức mạnh tinh thần, và khả năng thấu suốt trên cương vị bề trên của mình.  Theo ngài, các lãnh đạo tôn giáo tốt nhất phải ‘có chỗ cho hoài nghi.’ Các lãnh đạo xấu ‘đặt luật quá đáng bởi chính sự tự phụ của mình.’ Một linh mục ‘làm hư hoại việc ra quyết định’ của dân mình không phải là một linh mục tốt, ‘mà là một độc tài giỏi’. Bergoglio từng nói rằng có những người nghĩ rằng việc mình có tất cả mọi câu trả lời là ‘bằng chứng Chúa ở cùng mình.’ Những người này luôn luôn tìm kiếm ‘các giải pháp kỷ luật … thèm khát một ‘sự bảo an’ giáo lý quá mức, ngoan cố nỗ lực khôi phục lại một quá khứ không còn tồn tại’ một cách nhìn bất động và hướng nội đối với mọi sự, và đã biến đức tin thành một hệ tư tưởng. Và như thế, thì cảm nghiệm thất bại, thấy được giới hạn của mình, chính là trường dạy chân thực nhất và tốt nhất cho tinh thần lãnh đạo. Đức Phanxicô đã tuyên bố mình đã được biết ‘thần học của thất bại’ và một phong cách cầm quyền kiên nhẫn, và học được qua việc từng không chịu tham vấn người khác.

Có một điểm trong tự thuật của ngài cho thấy những điều này. Năm 1973, khi mới hơn 30 tuổi, Jorge Bergoglio đã là bề trên giám tỉnh của dòng Tên ở Argentina. Hàng giáo phẩm Argentina thời đó thỏa hiệp sâu sắc bằng cách mặc nhận chế độ cầm quyền đàn áp man rợ của hội đồng quân phiệt, nhưng nhiều linh mục dòng Tên đã giữ vững tinh thần cấp tiến về mặt chính trị và thần học trong thập niên 1970. Là bề trên dòng Tên, Bergoglio tránh đối đầu trực diện với chế độ, cố gắng điều hòa giữa các đòi hỏi của công lý và lòng thương dành cho những người chịu đau khổ, với nhu cầu cần phải giữ gìn hiến pháp và sứ mạng của dòng cũng như bảo vệ mạng sống cho các tu sĩ dòng Tên.

Lòng mộ đạo truyền thống sâu sắc của ngài, lại không đồng cảm với nhiều người theo chủ nghĩa thực nghiệm cả trong xã hội lẫn tôn giáo thời đó. Ngài được nhiều người ái mộ như anh hùng bởi uy tín cá nhân và các nét đẹp thiêng liêng, nhưng lai bị số khác căm ghét, xem ngài là đàn áp, ngăn cản việc làm của Thần Khí trong một thời kỳ khủng hoảng, và về sau ngài còn bị cáo buộc là đã phản bội trao nộp các tu sĩ dòng Tên cấp tiến về mặt chính trị cho hội đồng quân phiệt.

Tất cả những nhà tiểu sử viết về Đức Phanxicô gần đây đều đồng ý rằng lời cáo buộc cuối cùng là không đúng, nhưng phải thừa nhận trên cương vị giám tỉnh ngài đã gây chia rẽ trong dòng Tên Argentina. Quyển sách của Paul Valleyly, Giáo hoàng Phanxicô: Mở nút thắt [Untying the Knots], là một trong những quyển mới nhất về điểm này. Ái mộ giáo hoàng, nhưng đặt ra những nghi vấn sắc sảo, với những phân định tốt. Với Valleyly, các thất bại của Bergoglio về mặt khôn ngoan và kiên cường trong thập niên 1970, đã vạch ra một đường phân ranh trong đời ngài, tỉnh thức ngài biến đổi triệt để theo đường khiêm nhượng và quyết tâm ưu tiên hàng đầu cho nhu cầu của người nghèo, những đặc nét của ngài khi làm tổng giám mục Buenos Aires, và bây giờ là giáo hoàng.

Quyển Người Cải cách Vĩ đại [The Great Reformer] của Austen Ivereigh thu lượm những cái nhìn riêng của một số người đã góp phần bảo đảm lá phiếu bầu giáo hoàng cho Đức Phanxicô, và cả từ hiểu biết thân thuộc của ông về châu Mỹ La tinh. Ông lập luận rằng, ngược lại, Bergoglio không phạm sai lầm khi làm giám tỉnh, xét căn bản, ngài đã điều hành khôn ngoan và tốt đẹp trong một thời kỳ bão táp, và các giá trị nhân bản lẫn thiêng liêng của ngài vẫn được giữ vững suốt đời.

Dù gì đi nữa, bản thân Bergoglio cũng đã nhìn nhận rằng, khi làm giám tỉnh, ‘tôi đã phải học từ những lỗi lầm qua thời gian, bởi nói thật, tôi đã phạm hàng trăm lỗi lầm. Lỗi và tội.’ Nhưng đáng lưu ý là, ngài không nói đó là những tội do các phản ứng về mặt tôn giáo hay chính trị, nhưng là do thiếu kinh nghiệm và không nghe tham vấn: ‘Tôi chưa bao giờ là một người cánh hữu. Chính lối độc đoán trong việc ra quyết định của tôi đã gây nên nhiều vấn đề.’

Nhận thức này ăn sâu vào tâm khảm cha Bergoglio, và đã hình thành nên các hành động của ngài trên cương vị giáo hoàng. Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên được phong linh mục sau Công đồng Vatican II, sự tận tâm của ngài với các giá trị của công đồng mang tính bản năng, mạnh mẽ, và khác với các bậc tiền nhiệm trước mình. Trong Niềm vui của Tin mừng, tuyên bố quan trọng nhất của ngài trên cương vị giáo hoàng cho đến nay, ngài đã chỉ ra nhu cầu cần phải ‘nhận thức các dấu chỉ của thời đại,’ rút từ một đoạn then chốt trong văn kiện công đồng về giáo hội và thế giới hiện đại, mà giáo hoàng Bênêđictô đặc biệt không thích và nhiều lần chỉ trích.

Nhưng, trên hết, Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên toàn tâm toàn ý với khát vọng của Công đồng Vatican II mong muốn một giáo hội trong đó thẩm quyền được chia sẻ chung giữa toàn giám mục đoàn, chứ không tập trung cố kết vào giáo hoàng mà thôi. Cuối công đồng vào năm 1965, Giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập một Thượng hội đồng Giám mục thường xuyên để làm một diễn đàn cho sự hợp tác bền vững lâu dài giữa giáo hoàng và các giám mục. Nhiều người thấy hội đồng giám mục như là biểu hiện chính của ‘tính đồng sự’ đóng vai trò lớn trong việc đưa ra những quyết định từ Giáo triều Roma đến các giám mục trong hội đồng, và qua đó là đến với các giáo hội địa phương.

Thực tế cho thấy, những hy vọng trên có vẻ xa vời, khi các giới chức Roma xem hội đồng vẫn là một quán tán gẫu vô lực, không có thẩm quyền thực hay mang tính độc lập. Bergoglio chia sẻ sự bất mãn chung của các giám mục về tình trạng này, và trên cương vị giáo hoàng, trong một đoạn đánh động nhất của Niềm vui của Tin mừng, ngài đã kêu gọi ‘biến đổi chế độ giáo hoàng’ về vấn đề này. Đức Phanxicô nhắc nhở rằng, thánh Gioan Phaolô II đã mời mọi người có những đề xuất đổi mới vị trí giáo hoàng để trở thành một cương vị phục vụ khả thị hơn, nhưng ‘chúng ta chẳng làm gì nhiều về việc này.’ Cương vị giáo hoàng và các cơ cấu trung ương của Giáo hội phải để tâm đến tiếng gọi ‘biến đổi mục vụ’ bởi ‘sự tập quyền quá đáng, không đem lại ích lợi, cho bằng khiến cho đời sống và sứ mạng vươn ra của Giáo hội bị rắc rối.’ Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, đặc biệt, mọi người đã không nhìn nhận được tinh thần đồng sự thực sự trong giáo hội, và các hội đồng giám mục cần phải ‘được trao thẩm quyền giáo lý đích thực.’

Thượng hội đồng Giám mục 2015 sẽ là lúc cơn bão nổi lên dữ dội lần cuối cùngVà ngài đã dùng hành động minh chứng cho lời nói. Khi mở Hội đồng về gia đình vào tháng 10 năm 2014, kết hợp với các việc khác nữa để giải quyết các vấn đề phức tạp về tính dục, tránh thai, ly hôn, và tái hôn, Đức Phanxicô thúc đẩy các giám mục hãy thể hiện quan điểm của mình một cách thẳng thắn. Không một ai phải im lặng hay giấu kín các ý kiến thực của mình, bởi ‘nghĩ rằng Giáo hoàng có thể có cách nghĩ khác.’ Làm như thế sẽ là một thất bại cho ‘tính công nghị, bởi cần phải nói ra hết tất cả những gì mà trong Chúa, người ta thấy cần phải nói, không cần dè dặt, không sợ mất lòng.’ Đây không phải là những lời nói suông: dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, các chất vấn về những lập trường chính thức đều thường bị đóng nhãn là ‘bất đồng quan điểm,’ và các giám mục đi trệch dù chỉ chút xíu khỏi đường lối chính thức đều bị khiển trách hay thuyên chuyển. Việc một giáo hoàng khuyến khích các giám mục lên tiếng công khai không sợ hãi, là một chuyện lạ đến giật mình.

Các thảo luận diễn ra sau khi giáo hoàng Phanxicô mở cửa, là những tranh luận cởi mở nhất kể từ sau thời Công đồng Vatican II 1965. Báo giới tập trung chú ý vào một nghị sự mục vụ tự do nổi bật nhất, về việc cho người Công giáo li dị rồi tái hôn được rước lễ và về thái độ chào đón đối với những người đang có quan hệ đồng tính luyến ái. Các chuyện này gây nên tranh cãi dữ dội trong số những người xem các nhượng bộ này là một sự quy hàng trước một nền văn hóa không có Chúa. Giáo hoàng Phanxicô, đã có lời nhận định nổi tiếng với báo giới rằng, ‘nếu một người đồng tính tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện tâm, thì tôi là ai mà phán xét?’ và cũng chính ngài đã tuyên bố trong tông thư Niềm vui của Tin mừng rằng phép Thánh Thể không phải là một phần thưởng cho những người hoàn hảo, nhưng là thuốc thang cho người yếu. Và người ta xem ngài ủng hộ cho những lời kêu gọi mang tính tự do hóa này. Thất bại của hội đồng khi không quyết được các biến chuyển về đường hướng này, đã được báo giới xem là một thất bại cá nhân của giáo hoàng.

Nhưng, ngài lại không thấy như vậy. Trong bài diễn văn bế mạc hội đồng, ngài nhắc các giám mục rằng thảo luận vẫn chưa chấm dứt: các giám mục đang bước vào một cảm nghiệm thực sự của hội đồng, ‘một hành trình cùng nhau’ trong đó ngay cả sự đối đầu cũng là một dấu chỉ của hành động do tay Thần Khí. Giáo hoàng nhất quyết rằng, ‘tôi sẽ rất lo lắng và buồn lòng … nếu tất cả đều được đồng thuận, hay thinh lặng sai lầm, và hòa bình câm nín.’ Và ngài nhắc rằng tất cả các bên thảo luận về những mối nguy cố thủ khăng khăng các quan điểm của mình.

Một mặt, có cám dỗ ‘cứng rắn đến mức thù địch,’ ‘muốn đóng cửa bản thân, … không để mình được kinh ngạc trước Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy kinh ngạc,’ và cứ bám chặt vào ‘sự tin chắc những gì mình biết mà thôi.’ Đây là cám dỗ đặc biệt của những người nhiệt thành, và những người có thể gọi là ‘theo chủ nghĩa truyền thống.’ Mặt khác, giáo hoàng cảnh báo chống lại ‘khuynh hướng hủy hoại của chủ nghĩa làm cho đẹp mặt’ nghĩa là ‘dưới danh nghĩa của một lòng thương giả dối, băng bó các vết thương mà không làm thuốc và điều trị trước, chữa các triệu chứng mà không chữa các nguyên do và gốc rễ căn bệnh.’ Đức Phanxicô nói rằng, đây chính là cám dỗ đặc biệt của những người ‘làm cho tốt,’ và những người có thể gọi là ‘theo chủ nghĩa cấp tiến và tự do.’ Không được làm như cả hai kiểu trên, nhưng phải tiếp tục điềm tĩnh lắng nghe nhau, xác tín rằng Thần Khí sẽ hướng dẫn Giáo hội (hay có thể nói là một giáo hội nhiễu sự, theo cái nhìn của những người bên ngoài) băng qua dòng nước lớn.

Dù luôn luôn tôn trọng từng li từng tí với các bậc tiền nhiệm, nhưng giữa Đức Phanxicô và các giáo hoàng ngay trước ngài, có một sự khác biệt rất rộng và rất sâu. Và chúng ta thấy rõ điều này khi cách ngài tổ chức hội đồng đã đem lại một sự rõ ràng, rất quan trọng đối với Giáo hội. Việc ngài không tin tưởng các lãnh đạo tôn giáo ‘chơi trò Tarzan’ bảo vệ các tin chắc cố hữu của mình, rõ ràng không cùng kiểu với những người hâm mộ thánh Gioan Phaolô II hay ngưỡng mộ phong cách lãnh đạo của cố giáo hoàng. Dù đã khen ngợi sự ‘cẩn trọng’ của Đức Bênêđictô XVI khi phục hồi phụng vụ La Tinh cũ, Đức Phanxicô vẫn nghi ngờ những hệ quả hệ tư tưởng phản động thường có trong việc giữ nghi lễ La Tinh, và ngài cũng xem thường các nghi thức tráng lệ phô trương.

Giáo lý đề cao về chức linh mục, đã được ưu ái trong hai triều giáo hoàng trước, chắc chắn đã góp phần cho chủ nghĩa giáo quyền nổi lên (và cả hứng thú thêm thắt cho các lễ phục nữa) trong tâm thức những người được đào tạo linh mục từ sau thập niên 1970. Nhưng điều này lại không có trong những phát biểu của Đức Phanxicô, ngài đã bỏ những danh từ danh xưng và phục trang tôn kính đối với các giáo sĩ trẻ tuổi làm việc trong Giáo triều, bởi với ngài chức linh mục về căn bản là để phục vụ người nghèo và người yếu đuối, chứ không phải là một địa vị biểu tượng hay một quyền hành bí tích.

Có lẽ trọng yếu nhất là việc Đức Phanxicô đã chỉ hướng cho giáo hội tránh xa các cuộc chiến tranh văn hóa với xã hội thế tục, vốn từng là một đặc nét của triều giáo hoàng Bênêđictô, thay vào đó, ngài hướng đến một cách tiếp cận bớt đối đầu hơn với các hoàn cảnh xã hội mà các tín hữu phải sống trong đó, và đồng thời, ngài hướng đến gắn bó hiệu quả với sứ mạng của giáo hội dành cho người nghèo và người bị thiệt thòi, những người ngài thấy là các thính giả tự nhiên và dễ tiếp thu của Tin mừng. Trong khi Đức Bênêđictô có chiều hướng xem việc Kitô giáo ở xã hội Tây phương ngày càng bị thu hẹp là lỗi của một sự bỏ đạo chung bắt rễ từ chủ nghĩa vật chất nông cạn của một xã hội hiện đại thế tục, thì Đức Phanxicô lại có chiều hướng xem sự sụt giảm người Công giáo ở châu Mỹ La tinh là do những thiếu sót của giáo hội.

‘Có lẽ Giáo hội đã quá yếu, có lẽ đã quá xa cách nhu cầu của dân … có lẽ đã quá lạnh lùng, có lẽ đã quá chăm chăm vào bản thân, có lẽ là một tù nhân của những công thức cứng ngắc, có lẽ thế giới đã biến Giáo hội thành một di tích của quá khứ, không còn hợp với những vấn đề mới nữa, và có lẽ Giáo hội có thể nói với người dân lúc còn nhỏ tuổi, nhưng khi họ đã lớn rồi thì lại không thể nữa.’

Trong triều giáo hoàng Bênêđictô, có một tâm thức rằng, lời đáp tốt nhất đối với cuộc khủng hoảng thế tục hóa, chính là một sự cự tuyệt mạnh mẽ với văn hóa thế tục và cố kết vào trong một giáo hội nhỏ hơn, thuần khiết hơn, và quả quyết hơn. Ngược lại, Đức Phanxicô tin rằng giáo hội được kêu gọi đi ra khỏi bản thân mình và đi đến các vùng ngoại biên, không chỉ về mặt địa lý, nhưng còn là những ngoại biên hiện sinh, là những gì tăm tối của tội lỗi, của đau đớn, của bất công, của ngu dại và lãnh đạm với tôn giáo, của các dòng tư tưởng trí thức, và của tất cả mọi cảnh nghèo.

Giáo hội phải ‘có khả năng tái hồi cung lòng người mẹ đầy thương cảm’ trong ‘một thế giới của những con người bị tổn thương đang cần được thông hiểu, tha thứ, và yêu thương.’ Giáo hội không bao giờ được rút vào bản thân mình, không bao giờ được ‘cứng ngắc và thủ thế.’ Giáo hội làm việc với mọi người, như những gì họ là, chứ không phải như những gì họ nên là. Giáo hội phải mạo hiểm mục vụ để gặp được những nhu cầu của nhân loại, ngay cả nếu như để làm được thế thì phải ‘để đôi giày lấm bùn đất trên đường.’

Quan điểm mục vụ và phúc âm hóa cởi mở này đã được tóm lược đáng ghi nhớ trong Tuần Thánh đầu triều giáo hoàng Phanxicô, tháng 3 năm 2013, khi ngài cử hành nghi lễ trọng thể ngày Thứ Năm Tuần Thánh, không phải ở Vương cung Thánh đường Lateranô như thông lệ, nhưng là ở một trại cải tạo thanh thiếu niên, nơi ngài rửa chân và hôn chân 12 tù nhân, trong đó có cả một phụ nữ Hồi giáo. Có thể hiểu được, khi hành động này đã khiến những người theo nghi lễ và các luật gia giáo luật thấy chướng mắt, họ chỉ ra rằng giáo luật ngăn cấm việc rửa chân nghi thức cho người không phải nam giới trong ngày thứ năm tuần thánh, bởi nghi thức này là để tưởng niệm việc Chúa Kitô mở ra chức linh mục chỉ cho người nam mà thôi.

Thiên hướng nghi thức phụng vụ long trọng của giáo hoàng Bênêđictô đã được áp đặt rộng rãi như là hình mẫu của phụng vụ đúng chuẩn. Những người nghiêm ngặt, ủng hộ sự tuân giữ chặt chẽ và chính xác các luật, thấy phiền lòng, và bây giờ lại nhất quyết rằng hành động nghi thức phụng vụ của giáo hoàng là một đặc quyền độc nhất vô nhị, vượt trên luật, và không phải là một hình mẫu để noi theo. Nhưng không chút dao động, Đức Phanxicô lại một lần nữa phá vỡ điều cấm kị này vào ngày thứ năm tuần thánh 2014, khi ngài rửa chân cho các ông bà cụ trong một nhà dành cho người già và người đau yếu.

Rõ ràng, Đức Phanxicô đang tìm cách đặt triều giáo hoàng của mình và giáo hội vào một đường hướng khác với đường hướng trong suốt 35 năm qua. Bằng lời nói và các mẫu gương hành động, ngài đang tạo nên hình mẫu cho một phong cách lãnh đạo mang tính cá nhân mà không chuyên quyền, khuyến khích phát ngôn và trách nhiệm của địa phương, và hướng đôi mắt của giáo hội vươn ra ngoài những bận tâm thể chế mà tim đến nhu cầu của nhân loại đang đau khổ. Khi thành lập hội đồng hồng y cố vấn, ngài đã mở ra việc xem xét lại cơ chế điều hành trung ương của giáo hội, và cả tài chính Vatican, nhưng ngài còn bận tâm hơn nữa việc đổi mới bộ máy giáo hội. Bận tâm hăng say của Đức Phanxicô dành cho người nghèo, vốn là nền tảng cho việc lên án ‘những nền kinh tế loại trừ’ [trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng, một việc làm mất lòng những người Công giáo tân bảo thủ], và cũng là trái tim của giáo hội mà ngài mong muốn. Không chỉ cải tổ cơ chế, ngài còn kêu gọi một sự cởi mở mới trong đó giáo hội xác định mình, không phải bằng những gì giáo hội loại trừ, nhưng là bằng những ai giáo hội vươn đến.

Ngài có thành công hay không vẫn là chuyện đang còn bàn cãi. Để đạt được thay đổi, giáo hoàng cần có sự trung thành của những người quanh mình. Một giáo hoàng trị vị lâu dài có thể bảo đảm được những người chung quanh cùng chia sẻ quan điểm với mình. Roma chỉ định tất cả mọi giám mục Công giáo trên toàn thế giới, và chính giáo hoàng quyết định ai sẽ là hồng y. Triều giáo hoàng lâu dài của thánh Gioan Phaolô II, và sự kế vị từ cánh tay phải của ngài, Đức Bênêđictô XVI, đã tạo nên một hàng giáo phẩm cùng chia sẻ với nhau quan điểm về giáo hội. Gerhard Müller, vẫn là trưởng thánh bộ có ảnh hưởng nhất Vatican, Thánh bộ Giáo lý Đức tin, cũng là tổng biên tập các bài viết của Đức Bênêđictô XVI, dù cho sự ngưỡng mộ mà hồng y dành cho thần học giải phóng chắc chắn đã khiến giáo hoàng Phanxicô để mắt đến.

Bản thân Đức Phanxicô có lẽ sẽ không có một triều giáo hoàng lâu dài, ngài đã cao tuổi, và chỉ có một lá phổi. Tại Roma và các giáo phận trên toàn thế giới, ngài đang lặng lẽ cắt đặt những người cùng quan điểm với mình. Nhưng công bố hồi tháng 1, 2015 về việc tấn phong các tân hồng y, đã rất xôn xao, bởi giáo hoàng đã có một danh sách gây giật mình cho 20 hồng y tân chức, vói 15 người dưới 80 tuổi nghĩa là sẽ phải dự bỏ phiếu trong mật nghị hồng y kế tiếp. Đây là một tiếng kèn lệnh tích cực cho quan điểm của Đức Phanxicô về Giáo hội Công giáo. Một lần nữa, không có tân hồng y Bắc Mỹ nào trong danh sách này. Bỏ qua các thông lệ, các tòa chính ở Hoa Kỳ và châu Âu với giám mục quản tòa vốn thường được xem là sẽ được tự động gia nhập Hội đồng hồng y, như tòa Chicago, Venice, và Turin, đều bị bỏ qua, để chọn lấy các giám mục từ những giáo phận nhỏ ở châu Á, châu Phi, và châu Đại dương, hầu hết đều chưa từng có hồng y trước đây, như Myanmar, Tonga, và Cape Verde. Dường như các tấn phong mới này, có ý quá rõ ràng là tăng cường cho ‘giáo hội ở vùng ven’ thăng tiến các giám mục mục vụ ‘mang mùi của chiên trên mình,’ theo một cụm từ của chính giáo hoàng, đồng thời khi khước từ việc nâng cấp tự động cho các tòa được trọng vọng, ngài đã gây nản lòng cho thói thăng quan tiến chức trong hàng giáo sĩ mà ngài vốn không chấp nhận.

Đức Phanxicô đã dần dần loại bỏ các chỉ trích và phản ứng đối lập. Ngay cả việc giáng cấp hồng y Raymond Burke khỏi cương vị trưởng Tối cao Pháp viện Tòa thánh, vẫn bị xem là khá chậm trễ, khi Burke thường xuất hiện với capa magna, áo choàng lụa với đuôi dài lượt thượt vốn là phục trang của hồng y cho đến trước thập niên 1960, thể hiện một nhận thức về giáo hội hoàn toàn khác biệt với giáo hoàng.

Sự khiêm nhượng và tự phát của Đức Phanxicô đã được báo giới toàn cầu hoan nghênh, nhưng phong cách của ngài lại khiến mất lòng nhiều người trong chính tổ chức mà ngài lãnh đạo. Hai thế hệ giáo sĩ, ý thức về sự trọng vọng của chức linh mục và được đào tạo trở thành những chiến sĩ văn hóa dưới thời hai giáo hoàng Gioan Phaolô và Bênêđictô, không dễ gì nồng hậu với việc Đức Phanxicô coi khinh chủ nghĩa giáo quyền và bỏ qua các tục lệ nghi lễ phụng vụ. Dù quan điểm giáo lý của Đức Phanxicô có truyền thống ra sao đi nữa, một số người vẫn thấy các phát biểu không soạn sẵn và cá tính tự phát của ngài là một mối nguy tiềm ẩn xói mòn di sản đức tin. Bài diễn văn Giáng Sinh với Giáo triều, là nhắc lại các bài giảng trong những thánh lễ Tạ ơn thường niên mà tổng giám mục Buenos Aires, Bergoglio chủ trì trong đó ngài thường trách mắng các chính sách và thiếu sót của tổng thống Néstor Kirchner, và các chính trị gia khác, vốn thường đến dự lễ này, cho đến khi ông tổng thống nóng mặt quyết định không đến dự nữa.

So sánh như thế để thấy, phương pháp trực tiếp của Đức Phanxicô không phải lúc nào cùng được lòng những người có thế giá, Ngay cả những nhân vật giáo triều thân thiện nhất, có lẽ cũng thấy mếch lòng vì giáo hoàng, dù mục đích của ngài có là gì đi nữa. Không một giáo hoàng nào, dù có đầy lôi cuốn, có thể một mình thay đổi giáo hội, các giáo hoàng cần sự hỗ trợ từ các nhân viên của mình. Mà ở Roma có câu rằng, các giáo hoàng đến rồi đi, còn Giáo triều thì mãi mãi. Thế đó.

Pope curia

J.B.Thái Hòa chuyển dịch