Nghệ thuật để có một bài giảng hay theo Đức Phanxicô

806

Nghệ thuật để có một bài giảng hay theo Đức Phanxicô

lavie.fr, Marie-Lucille Kubacki. 10-2-2015

Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích đã phát hành bản “hướng dẫn giảng lễ”, một cẩm nang dành cho các chủng sinh, các linh mục để giảng lễ.

Linh mục Dòng Tên Louis Bourdaloue được cho là “vua của những linh mục giảng lễ và là người giảng lễ cho các vị vua”. Linh mục là bạn của nhà văn Bossuet, là người được bà de Sévigné mến chuộng, là người thân thuộc với triều đình vua Louis XIV nơi ngài hay giảng các buổi tĩnh tâm Mùa Chay. Cha nổi tiếng là người giảng dài nhưng rất hấp dẫn, người không biết luật vàng bảy phút, vì quá bảy phút thì cử tọa bắt đầu nghĩ đến bữa cơm trưa đang chờ. Nếu linh mục Bourdaloue không phải là người ru ngủ giáo dân thì than ôi, ngài cũng không tránh được quy luật của “nhu cầu tự nhiên” và lịch sử kể lại, các quý bà ở triều đình vì không muốn bỏ qua một lời nào của bài giảng nên kín đáo để cái “bô” dưới váy phòng hờ khi “nhu cầu tự nhiên” chợt đến. Cái “bô” được vinh dự có tên “bourdaloue”, bằng chứng đây là một vinh dự lớn, không hề nhỏ!

Trong khi Vatican phát hành bản “hướng dẫn giảng lễ”, một cẩm nang dành cho các chủng sinh, các linh mục để họ giảng lễ thì các bài giảng hay ho của linh mục Bourdaloue làm mọi người mơ ước. Giảng lễ hay cũng là chủ đề Đức Phanxicô quan tâm, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ngài đã dành cho việc giảng lễ 24 điểm trên 288 điểm. Ngài viết: “Bài giảng là hòn đá tảng để định giá sự gần gũi và khả năng gặp gỡ của mục tử với giáo dân của mình. Như thế, chúng ta biết giáo dân đặt tầm quan trọng ở bài giảng rất nhiều; và người giảng cũng như người nghe giảng, cả hai đều đau khổ vì giảng và nghe giảng. Đáng buồn là có tình trạng này”.

Không “mặc cảm tội lỗi hóa” cũng không “than van chú thích”

Thế nào là một bài giảng hay? Linh mục David Lerouge, cha xứ của giáo xứ Cherbourg và tác giả trang blog “Tôi học để nhìn” đã sưu tầm một “tự điển hài hước các bài giảng” đưa ra các trở ngại mà người giảng phải khéo léo chèo chống để không làm cho cử tọa bị đắm: Trong “bài giảng sủi bọt” (kiểu thuốc sủi bọt) dùng những chữ rắc rối (chú ý, hiệu ứng phụ bất ngờ, nhất là bị chứng nhức đầu vì nghe giảng), “mặc cảm tội lỗi hóa: làm cho mọi người có cảm giác khó chịu khi nghe những câu hỏi trìu mến kiểu trả thù, không cãi được, coi thường”, “Than van chú thích: dí cho chết với những giải thích có tính cách phê phán lịch sử, tu từ học hay chú thích Thánh Kinh ngang dọc đủ bề”, “Lẩm bẩm giảng: làm bài giảng bắt mọi người học theo mình mà không hề hỏi ý kiến họ”, “Giảng kiểu Ikea: Trang trí quá thể với các vật dụng có phẩm chất đáng ngại về lâu về dài” hay kiểu “Bốc hơi: trích liên tu bất tận các đoạn trong công đồng mà đọc văn viết cũng đã khó hiểu, lại muốn mọi người phải hiểu qua… văn đọc!”

Đối với Antoine, người đã ngoài sáu mươi, “một bài giảng thành công khi nghe xong, cử tọa còn nhớ ít nhất một câu”, một câu giúp họ “tốt hơn” trong đời sống thiêng liêng. Đối với ông, bài giảng lý tưởng bắt đầu bằng một “câu chuyện vui, tiếu lâm, gây sốc hay ngạc nhiên kỳ thú” và “phải làm cho cử tọa nghĩ rằng nếu họ chăm chỉ nghe, họ sẽ được nghe thêm những chuyện vui khác”. Tuy nhiên bài giảng cũng không được quá “nổi bật” để không giam cử tọa vào loại suy gẫm ám ảnh gây thiệt hại cho phần sau. Cũng không được nói những chữ lạ, những tiếng lóng tân thời, những câu chuyện nhạt nhẽo. Theo ông Antoine, một bài giảng hay phải lôi cuốn cả những người không muốn nghe. Bài giảng phải được xây dựng có cơ cấu, chứng tỏ người giảng biết mình giảng gì chứ không phải gặp đâu giảng đó.

Một bài giảng hay? Hỏi các em còn nhỏ, em Sarah 8 tuổi, em François 6 tuổi và Louise 3 tuổi đồng loạt trả lời: “Đừng quá dài và linh mục phải nói về Chúa Giêsu bởi vì Chúa Giêsu mới hấp dẫn.” Còn cử chỉ thì sao? Theo cô Elise, một sinh viên 22 tuổi thì cử chỉ là quan trọng nhưng không được đóng như đóng kịch: “Tôi thích những cử chỉ nhỏ đơn giản, những chú ý như khi linh mục nhìn những người ở bên cạnh”. Một vài linh mục có những chiêu đặc biệt như có linh mục lúc nào cũng có những phụ tùng bất lịch sự như đôi ủng cà-rốt. Cử chỉ phải đi đôi với lời giảng để thu hút sự chú ý của cử tọa.

“Làm sao để Lời Chúa đốt cháy chúng tôi…”

Đối với cô Anne, 30 tuổi người dấn thân làm việc cho Giáo hội, “bài giảng phải nói về điều thiết yếu, về sự cứu rỗi và linh mục phải nhất quán với những gì mình nói: chẳng hạn linh mục giảng về đề tài không được nói xấu thì ngài phải làm gương.” Linh mục Jean-Baptiste Nadler ở giáo xứ Tours cũng đồng quan điểm: “Người giảng hay nhất vẫn là Chúa Giêsu, vì chính Ngài là lời Ngài giảng, là Lời Thiên Chúa. Ở giáo xứ, giáo dân biết chúng tôi và bài giảng không được đi ra ngoài nội dung. Bài giảng chạm đến lòng người không nhất thiết phải là bài giảng xuất sắc nhất nhưng chính là bài giảng quân bình giữa những gì mình nói và những gì mình sống. Cuộc sống thiêng liêng của linh mục là chất liệu của bài giảng.”

Linh mục Vianney Jamin ở giáo xứ Maison-Laffite cũng cùng một phân tích, “bài giảng góp phần vào phụng sự Lời Chúa: bài giảng phải là Lời Chúa của ngày hôm nay. Có nghĩa người giảng phải để chỗ cho Thần Khí, một cách nào đó là “trong Chúa Kitô”, chính xác “trong Chúa Kitô” lúc dâng Thánh Thể… Như thế cần phải chuẩn bị trong cầu nguyện, xin Chúa cho mình biết Ngài muốn nói gì với dân Ngài.”

Linh mục François Vanandruel ở Bruxelles bắt đầu chuẩn bị bài giảng từ ngày thứ ba: “Thứ ba, thứ tư tôi cầu nguyện Lời Chúa. Thứ năm tôi đọc các bản văn chú giải… Thứ sáu tôi xem những gì tôi sẽ giữ lại để giảng cho giáo dân.” Linh mục Olivier de Saint-Martin, giám tỉnh dòng Đa Minh ở Toulouse nhấn mạnh đến việc chuẩn bị, cha thường chuẩn bị từ 3 đến 5 tiếng đồng hồ: “Bài giảng đòi hỏi phải đơn giản nhưng chính vì đơn giản mà phải cần rất nhiều thì giờ sửa soạn!”. Ngài nói tiếp: “Phải tự hỏi xem giáo dân cần nghe gì, họ quan tâm gì, những gì họ muốn nuôi dưỡng, đó là điều mà các Tổ phụ của Giáo hội, những người đi trước đã làm. Nhưng bài giảng tùy thuộc rất nhiều ở linh mục, bài giảng phải nói làm sao để Lời Chúa đốt cháy tâm hồn chúng ta. Như thánh Bernanos đã viết, “Một linh mục khi từ chiếc ghế Sự thật đi xuống, thì cái miệng như con gà, sôi sục một chút nhưng hài lòng, ông không giảng, ông gừ gừ…”

Điều không ngờ tới

Có một hiệu ứng ít người biết về bài giảng, đó là điều không ngờ tới. Đôi khi linh mục ngạc nhiên thấy những gì gây ấn tượng cho cử tọa là điều ông không ngờ tới. Olivier de Saint-Martin kể câu chuyện về bạn của mình, sau buổi lễ, một giáo dân tìm đến ngài và cho ngài biết mình đã thay đổi cuộc sống sau khi nghe cha giảng cách đây vài tháng. Được khen và cũng tò mò, cha hỏi: “Vì sao?” Và người đàn ông đó trả lời: “Đến một đoạn, cha giảng: “Khi tôi kết thúc điểm thứ nhất, tôi sẽ nói qua điểm thứ nhì”, lúc đó con tự nhủ, mình đã xong điểm thứ nhất đời mình, bây giờ mình phải phải bước qua giai đoạn kế tiếp”…

Để tiến đến gần điều bất ngờ này, cứ mỗi bài giảng linh mục Olivier de Saint-Martin nhờ hai người khác nhau đọc lại và ngài hay hỏi ý kiến các đồng bạn của mình sau thánh lễ. Ngài kể phản ứng của một trong hai người bạn sau khi họ họ nghe bài giảng. “Về hình thức, tôi được đóng khung. Còn về nội dung thì anh bạn trả lời cho tôi: ‘Rất tốt, bạn giảng những gì người khác đã giảng cách đây năm mươi năm.” Tôi đang chờ anh sẽ cho tôi là thánh Đa Minh tái thế, cha nói đùa, nhưng tôi nghĩ, chẳng có gì để người bạn không nói sự thật cho mình biết. Tuy vậy, tôi không thích kiểu phản ứng như nạn dịch của một giáo dân, sau thánh lễ hấp tấp chạy đến chỉ trích linh mục ngay, theo tôi nghĩ, lúc đó cả hai đều ở trong tình trạng rất mỏng giòn, điều quan trọng là giáo dân phải biết nói sự thật với chúng tôi một cách đơn giản”.

Linh mục Claude Babarit, 80 tuổi ở Sables d’Olonne kể: “Một vài người bỏ thì giờ để nói một vài chữ ở cửa nhà thờ, nhưng chung chung không phải là không do thôi thúc. Trong những trường hợp thái quá, có người còn vùng vằng bỏ ra về ngay giữa bài giảng để tỏ ra mình bất đồng, hoặc ngược lại, có người được hõi sau thánh lễ: ‘Ông nghĩ gì về bài giảng?’ và họ trả lời: ‘Ủa, có bài giảng à?’…”

Louis Bourdaloue

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch