Bỏ mặt nạ che mặt

393

osservatoreromano.va, 24-2-2015

Bỏ mặt nạ che mặt

Kết thúc phần suy niệm chiều thứ hai 23 tháng 2, linh mục Bruno Secondin dòng Cát Minh đã giảng, “để có được một Mùa Chay đúng theo tinh thần hoán cải thì trước hết phải khám phá lại sự thật sâu đậm nhất của chính mình, đi từ ngoài vào trong và phải xem hết tất cả ngõ ngách, tránh tất cả mọi nhập nhằng.”

Theo kinh nghiệm của tiên tri Êlia, linh mục Secondin so sánh con đường ngầm mà Chúa kêu gọi tiên tri Êlia phải từ bỏ với con đường ngầm mà chúng ta thường ẩn giấu vào đó, ẩn giấu bằng bộ mặt mộ đạo bên ngoài mà không có can đảm nhìn sự thật.

Suy niệm trong ngày dựa trên chương 18 sách Các Vua, đoạn dân Do Thái và vua Akháp kiệt sức vì nạn đói lâu dài do dân chúng thờ ngẫu tượng Baan và đoạn tiên tri Êlia được Thiên Chúa gọi để chứng tỏ cho vua Akháp thấy và mang ông về đường ngay nẻo chính. Đây không phải là một bài đọc lướt qua nhưng là một bài đọc với các nhân vật, với bối cảnh có thể soi sáng để mỗi người có suy tư riêng của mình, từ đó có thể có các lời gọi, lời thúc đẩy, lời đề nghị cho chính mình.

Kim chỉ nam cho con đường hoán cải là “đi ra để khám phá”, giải thoát khỏi các “nhập nhằng” và có ‘can đảm” sống một cuộc sống theo tinh thần Kitô đích thực.

Lời kêu gọi đầu tiên để thoát ra khỏi con đường hầm là lời Chúa kêu gọi tiên tri Êlia: “Ngươi hãy đi tới gặp vua Akháp”. Êlia, một con người không thể nắm bắt được, một nhân vật huyền thoại thoắt xuất, thoắt hiện, ông phải đứng dậy, đối diện với vua Akháp, người xem ông như kẻ thù. Đó là lời thách thức cho tất cả những ai trong Giáo hội luôn luôn tính toán, luôn luôn hoãn lại, những “nạn nhân của lời nói, của cách xử sự ngoại giao” và “đi lui”. Nhưng đối với người Kitô thì luôn luôn có những con đường mới, những con đường không có sự đe dọa của bất cứ một ông vua Akháp nào, không bị ràng buộc với các huyền thoại, các thành kiến về người, về “tình bạn, về các quan hệ” lợi ích.

Một nhân vật khác được kêu gọi đi ra để khám phá là ông Ôvát-giahu, quản đốc của vua Akháp, người được vua gởi đi để gặp tiên tri Êlia. Ôvát-giahu là người có lương tâm bén nhạy, ông không quên ông thuộc về một truyền thống khác, ông cũng lại là người “không từ chối các lợi ích của quyền lực”. Ông giống như nhiều người ngày nay: người hay sợ, dù trong lòng có tiếng thôi thúc kêu gọi họ phải bảo vệ sự thật.

Cho chính mình, chứ không phải chỉ cho dân chúng, và đây là nhân vật tiếp theo, tiên tri Êlia gióng lên tiếng chuông: “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ”. Linh mục Secondin nhắc lại, như thử bây giờ tiên tri Êlia nói cho họ và cho tất cả mọi người: “Xin quý vị đừng làm trò hề nữa!”.

Ngay khi gặp một thực tế khó khăn, dân chúng im lặng không trả lời: “Hệ thống đã giết của họ”. Cha Secondin giảng, cho đến bây giờ, biết bao nhiêu lần các chế độ, các thể chế đã tiêu diệt dân chúng, biết bao nhiêu lần chúng ta như những khán giả sợ hãi trước các cuộc chiến tranh được ủy quyền; trong nội bộ nhà tu của chúng ta, biết bao nhiêu lần chúng ta ngưỡng mộ các “bề ngoài hoành tráng, nhà thờ vĩ đại, dinh thự tráng lệ”, theo phương cách lấy vinh quang dẫn đầu, bỏ mặc người nghèo tự lo lấy.

Lúc đó tiên tri Êlia triệu tập dân chúng lại và ra cho họ một thách thức, họ phải đối diện với thần Baan của họ và với Thiên Chúa. Và dân chúng bị cuốn hút trong một hình thức “mộ đạo ấn tượng” và khổ thay hình thức này giống với hình thức đo đức tin qua các “con số thống kê”, tóm tắt trong các “biểu hiện mà người ta không biết mình đang xem một tiết mục biểu diễn của sân khấu hay biểu hiện của một đức tin đích thực.” Nhưng linh mục Secondin nhấn mạnh, chính “thái độ tiếp cận với dân để họ cùng tham gia” đó mới là điều quan trọng.

Một khái niệm được lặp lại trong phần suy niệm đầu tiên của ngày thứ ba 24-2: “Chúng ta có can đảm để mời gọi dân chúng không hay chúng ta đi vòng quanh nhà thờ bảy lần trước khi mời gọi họ?”. Như thế đây là một yếu tố để suy nghĩ về một vài lựa chọn của Giáo hội ngày nay: “Chúng ta xử lý những việc quan trọng trong một vòng hạn chế hay chúng ta có biết một chiến lược có tầm xa mà chiến lược này quấy rầy hệ thống không?”. Linh mục Secondin nói, “một vài chủ đề tế nhị đã làm cho chúng ta đau khổ, chúng ta không được che giấu các tai tiếng, điều quan trọng là các nạn nhân của bất công sẽ được chữa lành nhờ lòng khiêm tốn nhận biết lỗi lầm của chúng ta”.

Nhận biết lỗi lầm của Giáo hội làm cho chúng ta liên tưởng đến một thời kỳ khác, thời mà tiên tri Êlia đã có một hành vi kinh khủng là “bắt lấy các ngôn sứ Baan, không để một ai đào thoát”, thời mà Giáo hội có những hành vi bạo lực. Cha Secondin nói, “chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng đã thiêu sống dân chúng, đã giết họ”.  Cha nhấn mạnh, thời bây giờ bạo lực ở dưới nhiều hình thức mà chúng ta gọi là “giết người không gươm”, dùng ngôn ngữ hung bạo, thậm chí dùng cả phương tiện truyền thông” “Đôi khi bàn phím giết người còn hơn là gươm!”

Đó là một trong những khía cạnh mà linh mục Secondin nhấn mạnh trong ngày tĩnh tâm thứ ba. Tiếp tục đọc về tiên tri Êlia, cha phân tích một thái độ cần phải có để hoán cải: sau khi có can đảm đi ra khỏi mình để khám phá, để nói sự thật về chính mình, để vứt bỏ mặt nạ làm tê cứng lương tâm thì tiếp đó, chúng ta phải thấy sự cần thiết phải đi trên “con đường tự do”, loại bỏ thái độ “đu dây bên này bên kia” và nhường chỗ cho Chúa.

Chúng ta đã thấy tiên tri Êlia coi thường loại thờ phượng hung bạo và diễn kịch mà dân Israel cầu bàu với thần Baan của họ, linh mục Secondin nói đến một loại thờ phượng “ồn ào, dị đoan” mà ngày nay chúng ta vẫn còn gặp, nó “không xây dựng được một đức tin đích thực.” Đâu là các thần tượng của chúng ta? Danh sách sẽ rất dài: “kiêu ngạo, tham vọng, thăng chức”. Nhưng ở đây chúng ta phải bước đi tới và đừng nghi ngờ lòng thương xót của Chúa. Câu trả lời của Thiên Chúa là lửa, “lòng thương xót lau khô tất cả, biến đổi tất cả”.

Vì thế tiên tri Êlia đã cho xây một bàn thờ với 12 hòn đá tượng trưng cho 12 bộ lạc của dân Israel: ngài muốn nhắc cho mỗi người biết, họ có căn tính riêng của mình. Và dù cho dân chúng có trơ ì thì cũng không làm cho Thiên Chúa sợ, ngài vẫn “trung thành và sẵn sàng. Thiên Chúa luôn luôn là vòng ôm của lòng thương xót”. Vì thế, phải “nắm trong tay sự thức dậy lương tâm của dân chúng” – như tiên tri Êlia đã làm được – của các chiến thuật khéo léo và sức mạnh của ngôn ngữ biểu tượng. Nhưng muốn được như vậy thì trước hết chúng ta phải tự hỏi: “Quả tim chúng ta có thực sự thuộc về Chúa không” hay chúng ta bằng lòng với thái độ bên ngoài của mình? “Lời cầu nguyện của chúng ta có dám và có nói lên lợi ích của dân chúng không?” Nó có “đồng nhịp trong tinh thần giáo đoàn không?”. Chúng ta có cảm nhận tầm khẩn cấp phải sống với những kinh nghiệm mạnh, phi thường, để lại dấu ấn hay chúng ta đã bằng lòng về mình?

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch