Sách mới về giáo hoàng từ Phát ngôn viên thần học của Đức Phanxicô, hồng y Walter Kasper

668

NCR – Christa Pongratz-Lippitt  |  24-02-2015

KasperNewBook

Hồng y người Đức Walter Kasper nổi lên như phát ngôn viên thần học của Giáo hoàng Phanxicô. Trong quyển sách ‘Cuộc Cách mạng Trìu mến và Yêu thương của Giáo hoàng Phanxicô’ vừa được phát hành ngày 18 tháng 2, hồng y Kasper mô tả giáo hoàng là người không bảo thủ cũng không cấp tiến, nhưng là người mong muốn thực hiện một cuộc cách mạng của lòng thương.

Hồng y mở đầu bằng việc mô tả tân giáo hoàng đã mang đến cho giáo hội một làn gió mới đến thế nào, đồng thời ngài cũng sớm thu hút sự chú tâm ái mộ toàn cầu. Trong vòng 18 tháng sau khi được bầu, có rất nhiều sách xuất bản viết về giáo hoàng Phanxicô. Kasper nhận định, hầu hết các sách đều mang tính ái mộ, nhưng cũng có một số với tông điệu chỉ trích. Và trong một số nhóm, ngày càng có nhiều chỉ trích ngầm lẫn công khai đối với Đức Phanxicô.

‘Có một số khá đông không tin tưởng vào lửa mến mới mẻ này, họ đang điềm đạm dè dặt, và chờ đợi xem xét thái độ thế nào. Những gì mà người khác thấy là một mùa xuân mới, thì họ chỉ xem là một cơn cuồng nhiệt, không phải một khởi đầu mới, nhưng chỉ là khúc giao mùa mà thôi.’

Nhưng, hồng y không định đi sâu vào các nhận định chính trị trong giáo hội, các chi tiết tiểu sử, giai thoại, hay các câu chuyện nội bộ về những gì thực sự hay có vẻ đang xảy ra sau các bức tường Vatican. ‘Những chuyện này đều hấp dẫn, nhưng chúng không đi vào trọng tâm vấn đề.’

Thay vào đó, quyển sách của Kasper cố gắng ‘tiếp cận hiện tượng Phanxicô một cách thần học,’ để soi sáng nội dung thần học của triều giáo hoàng hiện thời và làm sáng tỏ các viễn cảnh mới được mở ra. Đức Phanxicô không phải là một ngôi sao, cũng không lơ mơ về thần học, nhưng ngài là một con người thần nghiệm sâu sắc.

Dù không thể quy thần học của giáo hoàng vào một trường phái tư tưởng đặc thù nào, nhưng với Kasper, chắc chắn Romano Guardini (1885-1968), một linh mục Đức, tác giả và học sỹ, một trong những nhân vật phong phú nhất trong đời sống trí thức Công giáo thuộc thế kỷ XX, đã có tác động sâu sắc đến Đức Phanxicô, bởi giáo hoàng đã nghiên cứu các tác phẩm của cha Guardini trong thời gian ở Đức vào năm 1986. Theo Kasper, quyển ‘Những cố gắng Triết học về những gì Cụ thể và Sống động’ củ cha Guardini đã có tác động lớn đến Đức Phanxicô.

Trong 12 chương ngắn gọn súc tích, hồng y Kasper phân tích các gốc rễ Argentina và Âu châu trong thần học của giáo hoàng, và dành trọn một chương để nói về lòng thương xót, mà theo ngài là điểm chủ đạo của triều giáo hoàng này. Hồng y Kasper viết rằng, việc Đức Phanxicô nhấn mạnh vào lòng thương xót như là nguyên tắc diễn dịch căn bản, đã tạo nên một sự đảo chiều về mặt luận thuyết từ phương pháp suy diễn đến phương pháp nhìn-phán đoán-hành động.

‘Một sự đảo chiều như thế này, có thể khơi lên sự bất bình và hiểu lầm, khi cho rằng những gì đã từng được viết ra trước đây không còn đứng vững nữa. Tuy nhiên, nếu hiểu được cho đúng, sự đảo chiều về luận thuyết này, không thay đổi nội dung của những sự vốn vẫn nguyên giá trị cho đến tận bây giờ, nhưng thay đổi góc nhìn và quan điểm nhìn và hiểu giá trị này.’

Trong lời bạt, hồng y Kasper phác thảo về tương lai và xem xét các viễn cảnh liệu Đức Phanxicô sẽ thành công trong việc cải tổ Giáo hội hay không. Chắc chắn giáo hoàng đầy lôi cuốn với mọi người trong và ngoài giáo hội, nhưng cho đến hôm nay, ngài vẫn chỉ cho chúng ta một chút của cuộc cách mạng ‘say mê’ của trìu mến và yêu thương này. Điều này khiến chúng ta phải tự hỏi xem chương trình của ngài cụ thể đến mức nào.

‘Liệu Đức Phanxicô sẽ thực sự cho nổ ra một cải tổ toàn diện hay triều giáo hoàng của ngài sẽ gây thất vọng cho các kỳ vọng? Đây là câu hỏi mà nhiều người, kể cả những người yêu mến ái mộ ngài vẫn đang thắc mắc.’

Chắc chắn, Đức Phanxicô sẽ tiếp tục xác định các điểm riêng rẽ trong nghị trình cải tổ của mình theo từng bước một, và chúng ta có thể kỳ vọng thêm nhiều bất ngờ nữa, nhưng ‘về mặt con người thì không thể nào’ nói được liệu ngài có thể thực hiện một tiến trình cải cách không thể đảo ngược, và sẽ tồn tại suốt cả sau triều giáo hoàng của ngài hay không.

Hơn nữa, câu trả lời không phụ thuộc vào giáo hoàng mà thôi, nhưng còn vào việc Giáo triều Roma các giáo hội địa phương, các dòng tu, cộng đoàn, các giáo sư thần học và toàn thể Kitô hữu thực hiện những thúc đẩy của giáo hoàng như thế nào

‘Người ta không thể cứ rụt lại và nói ‘cứ chờ và xem giáo hoàng làm gì.’ Chúng ta phải liều mình đi ra khỏi khối vỏ của mình.’ Hồng y Kasper cũng chỉ ra rằng,

các thách thức của triều giáo hoàng Phanxicô mang tính căn bản thiết yếu hơn là mọi người tưởng. Đây là thách thức với những người bảo thủ không chấp nhận cải cách, nhưng cũng là thách thức với những người cấp tiến mong muốn những giải pháp đặc thù và thành công ngay lập tức.

‘Cuộc cách mạng của trìu mến và yêu thương, có thể khiến cho cả hai bên đều thất vọng, nhưng đến cuối cùng lại được chứng minh là đúng đắn. Chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo trong tông thư ‘Niềm vui Tin mừng’ vượt ngoài hệ tư tưởng phản động và ngoài cả sự bùng nổ kiểu không tưởng. ‘Những gì giáo hoàng đề nghị, là một con đường khiêm nhượng của những người dấn thân, có thể dời cả núi non. Một chút lòng thương, có thể chuyển vần cả thế giới, chính Đức Phanxicô đã nói thế. Đây chính là cách mạng Kitô giáo, một cuộc cách mạng đúng nghĩa thật của từ này, cụ thể là biến đổi theo cốt lõi thông điệp của Tin mừng để hướng đến tương lai, một cuộc cách mạng của lòng thương.’