Đời sống hàng ngày của một giáo hoàng ngoại hạng

598

Le Point, Jérôme Cordelier, 23-1-2014

Đâu là con người thật của Bergoglio? Ngài nói gì với người thân? Đức giáo hoàng gây ngạc nhiên này sẽ đi đến đâu? Điều tra về giáo hoàng siêu sao này ở Rôma.

 «Bây giờ con phải xưng với cha như thế nào đây? Phải xưng là Đức Thánh Cha?

– Đương nhiên là không, con cứ gọi cha là cha Jorge như thường lệ!»

Từ khi Đức Phanxicô nhậm chức, Franc Rodé, hồng y nhanh nhẹn hoạt bát người Nam Tư có lẽ là người thích hợp nhất để nhận ra có một cái gì đang thay đổi ở Vatican. Ngài biết Jorge Bergoglio từ hơn bốn mươi năm nay. Hai người cùng thế hệ, gặp nhau ở Ljubljana từ đầu những năm 1970. Một cuộc gặp gỡ khó có thể quên… «Jorge ở nhà chúng tôi, các tu sĩ dòng Vinh Sơn, và chúng tôi cùng nhau đi đến Opéra để nghe vở nhạc kịch Vị hôn thê của Nga hoàng của nhà soạn nhạc Rimski-Korsakov, đức hồng y Rodé kể, mỗi lần chúng tôi gặp nhau, ngài đều nhắc đến chuyện này». Hồng y Rodé được Đức Bênêđictô XVI phong hồng y năm 2006, ngài nhiệt tình đón nhận các bước đầu của Đức Phanxicô. Một vị lãnh đạo mà theo ngài là người mang đến một sứ mệnh mới. «Đức giáo hoàng này đang làm một đơn vị hiệp nhất giữa hai thế giới, thế giới của người tin và của người không tin, hồng y nhấn mạnh. Với ngài, Giáo hội ít nhấn mạnh đến các đòi hỏi luân lý của Kitô giáo nhưng đòi hỏi nhiều hơn về những gì Thiên Chúa gợi ra. Và… tôi chưa đọc bài nào phê bình.» Theo hồng y Franc Rodé, ngẫu biến cũng theo thứ bậc thâm trầm sâu kín. «Trước khi là giáo hoàng, hồng y xác nhận, Jorge luôn có vẻ hơi trầm ngâm, buồn, đúng hơn là im lặng; ngài không cười. Nhưng bây giờ, ngài cười hoài. Ngài đã thay đổi cách nói chuyện trước công chúng rất nhiều, nhưng, trong thân tình, ngài vẫn như trước. Ngài vẫn thêm gia vị hài hước và nói các chữ bình dân trong buổi trò chuyện của mình».

Một sự gần gũi như thế, những người đi hành hương ở Rôma thấy rõ. Phải thấy, sau thánh lễ Đức Phanxicô ở lại rất lâu ở Quảng trường Thánh Phêrô giữa đám đông, có khi lên đến 80 000 người, ngài chúc lành, tươi cười, thăm hỏi, nghe tâm sự, tự nhiên để cho bất cứ ai cũng có thể đến gần, chạm vào, ôm hôn… Có thể nói ngài giống như bất cứ một cha xứ làng quê nào, sau thánh lễ, ra đứng chào bắt tay giáo dân. Một phóng viên của tờ Rolling Stone- tạp chí văn hóa Mỹ rất phổ thông-, đã vội vã từ New York đến Vatican để điều tra về ngài, «người đã mang một hy vọng rất lớn đến cho thế giới, giống như Obama thời gian đầu của ông», thật không thể tin được.

Tin đồn

Làn sóng «mê Phanxicô» đã thật sự xâm chiếm hành tinh chúng ta nên cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican, đã phải chêm một ít nét khắc khổ vào để làm dịu bớt sự nồng nhiệt. Tin đồn gần đây mà ngài phải cải chính: theo đó, ban đêm, Đức Phanxicô đã lén đi thăm người nghèo. Tin này do diễn sai lời nói của cha tuyên úy của ngài, người có nhiệm vụ thay Đức Phanxicô làm các việc bác ái, được lan truyền nhanh như gió – ai trả được mới cho mượn. Tin đồn này tin được, vì tính đơn giản, «thương hiệu» của Đức Phanxicô thì không giả tạo. Hồng y Philippe Barbarin, người biết Jorge Bergoglio từ 15 năm nay (giáo hoàng nhớ mãi hồng y người Pháp này được tấn phong hồng y vào ngày 17-12, ngày sinh nhật của ngài) có thể làm chứng. «Tôi hay gởi điện thư cho ngài, ngài trả lời hoặc gọi điện thoại cho tôi, hồng y  Barbarin nói. Đức Gioan Phalô II hay Đức Bênêđictô XVI không bao giờ để lại tin nhắn trên máy cho tôi  Tôi, khi tôi muốn nói chuyện với ai, tôi đều nhờ thư ký; còn Đức Phanxicô, ngài gọi trực tiếp: «Xin chào, tôi là giáo hoàng Phanxicô», ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha». Hồng y Barbarin nói đây là «ân sủng của tinh thần khó nghèo Phan Sinh của Đức Phanxicô, ý thức về sự nghèo khó với một đức khiêm tốn thật tuyệt vời. «Khi ngài làm tổng giám mục Buenos Aires, ngài từ chối không ở biệt thự dành riêng cho ngài, hồng y Barbarin nói. Còn tôi, khi tôi nhận chức ở Lyon, tôi ở căn nhà thật đẹp trên đồi Fourvière. Nói vậy không có nghĩa tôi thích trưởng giả, nhưng trong đầu tôi, tôi không nghĩ một phút nào là mình phải từ chối căn nhà dành cho mình. Còn Đức Phanxicô, ngài có ân sủng này. «Một ân sủng ngài mang trong mình, một tấm gương trong nhiều tấm gương, ngài mời bốn người vô gia cư đến dự thánh lễ riêng với ngài, mời họ đến ăn với ngài trong dịp sinh nhật ngày 17-12 với ngài.

Và cứ thế, trong một thời gian ngắn, Đức Phanxicô đã trở thành nhà lãnh đạo được cả thế giới lắng nghe vì lòng thương cảm của ngài với những người yếu đuối nhất, vì tinh thần phóng khoáng thấy rõ, vì khuynh hướng chống «sự vô cảm trên toàn cầu», «lối suy nghĩ kiểu thế gian», lối tiêu thụ một cách biến chất… Một nhà lãnh đạo có tài năng thu hút mà từ khi nhậm chức, 13-3-2013, đã không ngần ngại tố cáo một Giáo hội tự-tập trung quyền trong tay những người kiêu căng, những công chức và không ngần ngại xô lấn các thói quen của giáo triều. Các vị tiền nhiệm của ngài là «một khối thuần nhất», Đức Phanxicô là một giáo hoàng của một thế giới trong tình trạng xáo trộn, muốn tạo nên sự ngạc nhiên, thậm chí còn đi đường vòng. «Đó là một người mà mình không bao giờ có thể xếp họ ở trong thể loại nào, đức ông giáo sư François Bousquet, giám đốc trường Saint-Louis-des-Français cho biết. Tôi chưa bao giờ thấy một giáo hoàng nào trích lời bà nội trong bài diễn văn của mình như ngài đã làm. Đó là một tu sĩ Dòng Tên sống tinh thần linh đạo khó nghèo Phan Sinh, một người cai quản ở tầm mức hoàn cầu nhưng vẫn giữ tấm lòng quan tâm đến người nhỏ nhất, một người chín mùi trong những quyết định của mình nhưng vẫn giữ nét bộc phát, không ngần ngại biểu lộ cảm xúc của mình». Đức ông Bousquet còn nhớ một giám mục người Syria kể câu chuyện, rằng giám mục kể cho Đức Phanxicô nghe, ông thấy hai linh mục của ông bị giết ngay trước mặt ông. Đức Phanxicô đã ôm chặt ông trong tay, một vòng ôm kiểu Tây Ban Nha, rồi Đức Phanxicô hôn hai bàn tay của ông…

Áo thun

 Cả thế giới đều thấy, vừa được bầu chọn, Đức Phanxicô đã quyết định ở Nhà trọ Thánh Mác-ta, ngài ăn ở phòng ăn chung, ngài không thích ăn một mình – dù ngài vẫn tiếp khách thăm viếng chính thức ở Dinh Tòa Thánh. Người ta hay thấy ngài một tay ôm hồ sơ đi với một linh mục ở Vérone, linh mục này bán cho ngài một áo thun lấy tiền gây quỹ cho một cơ quan từ thiện và ông ngạc nhiên khi thấy ngài lấy tiền túi ra trả – và còn đòi tiền thối như mọi người… Những ngày đầu tiên của Jorge Bergoglio ở Vatican có những nét giống như Ông Smith ở Thượng viện (Monsieur Smith au Sénat) một cuốn phim của Frank Capra do James Stewart đóng. Tuy nhiên phải cẩn thận: nhất là đừng đóng khung vị giáo hoàng này trong nụ cười nồng ấm của ngài. Rôma đã kinh ngạc khi thấy ngài, vừa mới được bầu chọn, đã «bỏ» một buỗi nghe nhạc của Đài Truyền hình Ý (RAI) ở thính đường Phaolô VI, Vatican vào tháng 6. Tất cả mọi người chờ ngài… Cái ghế của ngài để trống. «Tôi không phải là hoàng tử của Thời Phục Hưng,  bỏ làm việc để đi nghe nhạc,» ngài nói như thế với những người gần ngài.

Ông Jean-Louis de La Vaissière, ký giả báo AFP ở Vatican từ ba năm nay, tác giả quyển Từ Đức Bênêđictô XVI đến Đức Phanxicô, một cuộc cách mạng thầm lặng, nhấn mạnh, «Đức Phanxicô là tất cả, trừ hiền lành nhu nhược». Từ những nguồn tin đáng tin cậy ở gần ngài cho tôi biết, trong công việc ngài rất cứng rắn và dễ nỗi giận. Như tổng quyền Dòng Tên, ngài quyết định dứt khoát. Ngài có thể cứng rắn với những người ngài không thích. Ở một vài điểm, người ta tiếc thời Đức Bênêđictô XVI, dù Đức Bênêđictô XVI có bị cho là «chó ‘pitbull’ hung dữ của Chúa» nhưng khi tiếp xúc thì ngài rất dịu dàng. «Đàng sau nụ cười là quả đấm?» «Ngài khá trực tính và có những phương pháp làm việc dứt khoát, hồng y Philippe Barbarin nói. Đây không phải là người quản lý kiểu dụ con lừa cho cũ cà-rốt. Sự phức tạp của các trạng huống không làm cho ngài sợ. Đường lối chủ trương rõ ràng: giáo triều La Mã không phải là một «quyền lực tối thượng», một chính quyền ở cấp cao, nhưng là một cơ chế phục vụ cho sự hiệp thông giữa giáo hoàng và các Giáo hội địa phương.» Ai hiểu được thì tốt… «Tôi không muốn làm giảm tầm lớn lao của giáo triều Đức Bênêđictô XVI, nhưng đúng Đức Phanxicô là một người quản trị, hồng y Franc Rodé nói rõ. Đó là một người làm việc cật lực. Các hồ sơ không để trì trệ trên bàn, ngài giải quyết. Người này là người xông xáo. Và nếu Đức Bênêđictô XVI khẳng định toàn khối ở lại vị trí của họ sau khi ngài được bầu chọn một tuần thì Đức Phanxicô cân nhắc từng trường hợp riêng trước khi quyết định. Điều này làm cho các cột trụ của thánh Phêrô phải run rẫy. «Có rất nhiều sự bực bội ở Vatican, ông Jean-Louis de La Vaissière ghi nhận. Không ít người nhớ tiếc thời của Đức Bênêđictô XVI. Họ cho rằng Đức Phanxicô nói nhiều, ngài giải thiêng lời nói của Tòa Thánh. Và đó không phải chỉ những người bảo thủ quá khích lo lắng… rất nhiều người chưa được xác nhận vị trí của họ, họ luôn làm việc trong tình trạng tạm thời». Chỉ một phần ba cấp cao trong giáo triều được tái bổ nhiệm. Hai phần ba chưa biết trong tương lại họ có giữ được việc làm không». Đức ông François Bousquet ghi nhận, có rất nhiều tưởng tượng trong hành động của Đức Phanxicô, ngài đối diện với những vấn đề đáng sợ. Sự kháng cự lớn nhất là sự trơ ì của thể chế. Một thử thách khác: làm sao vượt lên được cái nghịch lý, một mặt là phải giải quyền trung ương của một hệ thống quyết định và một mặt phải giữ đơn vị hợp nhất của đức tin?

«Bản lập lại y đúc»

Chính xác, người ta đã nói, muốn cải cánh giáo triều ở Vatican cần phải mất nhiều năm. «Nếu tôi nhìn lại tất cả các giáo hoàng mà tôi đã phục vụ kể từ Đức Gioan XXIII, tôi thấy, không những chúng ta có một giáo hoàng khác mà còn có một thêm một giáo hoàng, hồng y Paul Poupard nói, người đã làm việc ở Rôma từ năm 1959 và biết Jorge Bergoglio từ năm 1985. Nhưng để nói đó là «một người cắt đứt», một nhà «cách mạng» thì không! Tôi từ chối tất cả mọi bản lập lâi y đúc này! Giống như thánh Phanxicô de Salles nói, người ta không thể nào lấn qua Đấng Quan Phòng. Giáo hội là một thể chế có hàng ngàn năm, nơi, quy tắc là làm mới trong tiến trình liên tục». Trong căn phòng khách rộng của khuôn San Calisto, có khoảng gần 15 000 quyển sách, hồng y Poupard, chủ tịch danh dự của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa đặt lại chỗ đứng của Đức Phanxicô trong một tiến trình liên tục của lịch sử. «Tôi đồng ý với những gì Hồng y Loris Francesco Capovilla nói với tôi, người đã từng là thư ký cho giáo hoàng Gioan XXIII: Đức Phanxicô là ‘giáo hoàng Gioan XXIII sống trở lại», hồng y Poupard nói tiếp. Nhưng, về thực chất, thì chính Đức Phaolô VI là giáo hoàng được ngài trích dẫn nhiều nhất, hơn cả chục lần trong Tông huấn được công bố vào tháng 11 vừa qua. Đức Phanxicô, giáo hoàng tổng hợp giữa những người bảo thủ và tiến bộ? «Cải cách không có nghĩa là cắt đứt», Hồng y Barbarin nhấn mạnh. «Đức Phanxicô không phải là một nhà cách mạng nhưng là một người tiến hóa, một nhà ngoại giao La Mã, người biết hết ngóc ngách ở Vatican nêu bật. Chúng ta đừng chờ có những thay đổi lớn về thực chất! Từ năm 1980, giáo điều của Giáo hội dựa trên hai vai của Joseph Ratzinger, đại đa số các hồng y được phong hồng y là dưới thời Đức Gioan Phalô II và Đức Bênêđictô XVI. Về mặt giáo lý, Giáo hội đang ở thời điểm rất hiệp nhất của mình trong lịch sử. Phải chờ có những thay đổi về mặt mục vụ, nhưng không về mặt giáo điều. Đức Phanxicô đặt tất cả vấn đề lên bàn thảo luận và mong muốn triển khai các cuộc thảo luận chung giữa các giám mục, như Công đồng đã dự kiến – và sẽ có cuộc triệu tập hai thượng hội đồng về gia đình vào năm 2014 và 2015. Nhưng ngài không buông quyền uy giáo hoàng của mình. Khi ngài đã quyết định, nếu có ai muốn tìm cách đặt lại vấn đề, ngài rất bực».

Không thể đầu hôm sớm mai thay đổi một cơ cấu khổng lồ như kim tự tháp, đã siêu mã hóa, mà chức năng là tuân theo nguyên tắc cổ xưa, nơi những điều không nói rõ vẫn ngự trị. «Chúng ta đang ở trong một giai đoạn trôi nổi, như con thuyền trong cơn bão tố, một linh mục thành viên của một trong các bộ của Vatican ghi nhận. Các nhân viên không biết trong sáu tháng tới họ sẽ làm việc trong những điều kiện nào, nên đã gây bất ổn và không tiện nghi. Khi mới nhận chức, Đức Bênêđictô XVI đã tái nhiệm tất cả các giám đốc của các bộ. Còn Đức Phanxicô, ngài nói: ‘Tất cả anh chị em vẫn làm việc cho đến khi tôi có quyết định mới’.  Ba phần tư vẫn chưa được xác nhận. Rốt cuộc sự bất an này làm mất lòng. Tất cả những ai làm việc ở giáo triều đều lo lắng nhìn sự việc. Đặc biệt là với người Ý, đối với họ công việc ở Vatican là một công việc nhàn rỗi. Ở Pháp, làm việc được bảo đảm, nhân viên được hưởng bảo vệ xã hội – điều này không có được ở Ý. Chẳng hạn, ở Ý, giai đoạn thử việc là ba năm, ở Vatican là một năm. Điều khó khăn nhất cho Đức Phanxicô là tấn công vào cách quản trị giáo triều, bộ máy khổng lồ có khả năng rất mạnh để kiên nhẫn chịu đựng những cú tấn công».

Các chuyên gia về Vatican đã nhận thấy trong nhóm 8 hồng y đảm trách việc cải cách, đứng đầu là hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga người Honduras, trong nhóm 8 hồng y này chỉ có một hồng y Giuseppe Bertello người Ý. Tháng 12-2013 họ họp ở Nhà trọ Thánh Mác-ta thay vì họp ở dinh Tông Tòa. «Ông Jean-Louis de La Vaissière dự đoán, tiến đến một sự đơn giản hóa của quyền lực, sẽ có sự sát nhập lại các bộ và chắc chắn sẽ có một người giữ chức điều hành trong giáo triều để xử lý các mâu thuẫn giữa hai mươi Hội đồng giáo hoàng và làm tốt hơn việc trao đổi». Trong bối cảnh này, việc bổ nhiệm các tân hồng y ngày 22-2 tới đây sẽ rất được mong đợi. Chỉ có Đức Cha mới quyết định số người được bổ nhiệm và các quy tắc của việc bổ nhiệm này. Và, linh mục Lombardi nói rõ, «người ta không biết các tiêu chuẩn nào Đức Phanxicô sẽ áp dụng». Rôma hồi hộp chờ.

Hồng y Etchegaray nói: «Ngài sẽ quyết định»

Giữa các tài liệu đủ mọi ngôn ngữ nằm trên bàn của ngài ở khuôn San Calisto, có hai kỷ niệm được ghi dấu… Fidel Castro. Một máng cỏ làm bằng giấy thô của nhà lãnh đạo Cuba tặng và một tấm hình lưu lại kỷ niệm ông đến thăm Vatican. Đó là chủ nhân của những nơi này, hồng y Roger Etchegaray, người dàn xếp cho cuộc gặp gỡ lịch sử này. Vị tu sĩ ngoài tám mươi mang thập giá và đội mũ bêrê được Đức Gioan Phalô II gởi đi khắp nơi, nhận định những bước khởi đầu của Đức Phanxicô.

«Ngài đã tạo ra chung quanh ngài một ‘kỳ trăng mật’ kéo dài. Nhưng đến một lúc ngài phải quyết định. Đôi khi người ta xem ngài như một cha xứ dũng cảm ở làng, nhưng đừng quên ngài đảm trách vụ của thánh Phêrô, lãnh đạo một Giáo hội đang ở trong mọi giòng xoáy. Đây có phải là một giáo hoàng của cắt đứt hay của liên tục? Người này không ngăn người kia làm việc. Giáo lý không thay đổi. Điều cần thay đổi là mối liên quan giữa loan báo Tin Mừng và một thế giới bị băng hoại, không còn tin vào gì. Có một số người sợ Đức Phanxicô cải cách tất cả vì ngài nói thẳng. Nhưng, sau năm mươi năm hợp tác với các giáo hoàng, tôi biết phải chấp nhận thời gian của mình nhưng không bị cuốn hút vào tính thời sự. Đức Phanxicô không những chỉ muốn thay đổi Giáo hội trong các cơ cấu mà còn muốn thay đổi trong các não trạng. Và đó là lý do vì sao ngài đụng chạm với những kháng cự ít hay nhiều cho thấy. Giáo hội luôn luôn cần cải cách, có nghĩa là có khả năng đối diện với một thế giới đang thường xuyên tiến hóa».

Sẽ có bao nhiêu hồng y?

Theo truyền thống thì phải phong các tân hồng y ở tuổi dưới 80 để có đủ túc số 120 khi bầu chọn giáo hoàng». «Nếu Đức Phanxicô tuân theo quy tắc này thì ngài sẽ phong ít hồng y», linh mục Lombardi nói. Nhưng ngài có tự do để làm những gì ngài muốn. Đức Bênêđictô XVI tôn trọng quy tắc 120 này, Đức Gioan Phalô II đôi khi phong quá số này và cũng phong một số hồng y lớn tuổi hơn». Đức Phanxicô sẽ quyết định như thế nào khi phong các hồng y của ngài vào ngày 22-2 tới đây?

Cùng với các người trẻ Công giáo ở Đền thờ thánh Phêrô ngày 28-8-2013
Cùng với các người trẻ Công giáo ở Đền thờ thánh Phêrô ngày 28-8-2013.

Đức Phanxicô để người khác đến gần, chạm vào, ôm hôn một cách tự nhiên.

Nguyễn Tùng Lâm dịch