Sự lựa chọn có tính cách lịch sử của các hồng y

493

Trích sách Giáo hoàng của Thế Giới Mới, Michel Cool

Cả một chương trình cho Giáo hội

Sự ngạc nhiên quá lớn! Cuộc bầu cử mang một chiều kích lịch sử tuyệt đối. Vượt tất cả mọi dự đoán, lần đầu tiên kể từ thế kỷ VIII, một trăm mười lăm vị hồng y đã bầu một vị giáo hoàng đến từ lục địa khác, không phải là lục địa châu Âu: kế vị Thánh Phêrô là tổng giám mục Jorge Mario Bergoglio, ở Buenos Aires, Á Căn Đình. Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những người đầu tiên vui mừng chào đón “giáo hoàng đầu tiên của châu Mỹ.” Theo một cách nào đó, một đầu tiên khác: đức giáo hoàng này “đen”. Đúng vậy, vì cha thuộc dòng Tên, mà cha giám tỉnh dòng thường được gọi là “giáo hoàng đen” vì cha mặc áo chùng đen, khác với giám mục La Mã mặc áo chùng trắng! Vậy, đức giáo hoàng Phanxicô là đức giáo hoàng đầu tiên dòng Tên của Giáo hội Công giáo kể từ khi dòng Tên được thánh Inhaxiô Loyola sáng lập vào thế kỷ thứ mười sáu. Ước mong đổi mới được thể hiện nơi con người bảy mươi sáu tuổi này! Vậy mà cha không ở trong danh sách “ngắn gọn” của những người đứng hàng đầu trong mật viện này. Từ mười ba thế kỷ nay, đây là đức giáo hoàng đầu tiên ở ngoài châu Âu; từ thế kỷ mười lăm, khi ông Kha Luân Bố khám phá châu Mỹ, đây là giáo hoàng đầu tiên từ các nước Thế giới Mới, và cuối cùng, đây là giáo hoàng dòng Tên đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Cuộc bầu rất nhanh, vòng thứ năm, sau hai ngày mật nghị của các hồng y ở nhà nguyện Sixtine. Cuộc bầu cử này còn nhanh hơn so với lần bầu Đức Phaolô VI, dù Đức Phaolô VI gần như là người được mến chuộng nhất của các Hồng y năm 1963 và về mặt dễ dàng thì cũng ngang bằng lần bầu đức giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI, ở vòng thứ tư, năm 2005! Theo cha Federico Lombardi, dòng Tên, giám đốc văn phòng báo chí Vatican thì các hồng y đã cho thấy bằng chứng có sự làm việc của Chúa  Thánh Thần, một sự việc táo bạo của ngày 13 tháng 3 năm 2013, cha tin chắc: “Họ có can đảm băng qua đại dương và mở rộng quan điểm của Giáo Hội.”

Một lựa chọn táo bạo, cũng là một phản ảnh thực tế: thay đổi địa hình trong thế giới Công giáo.

Sự lựa chọn của họ quả là sự thay đổi trung tâm trọng lực đã diễn ra trong các thập kỷ gần đây trong địa lý toàn cầu của đạo Công giáo. Đúng là phía Nam bán cầu có số lượng tín hữu lớn nhất và đức tin còn cuốn hút một số lượng dân chúng đáng kể trong các nhà thờ, các trung tâm hành hương. Bầu một giáo hoàng Nam Mỹ là biểu hiệu tượng trưng cho sự kết thúc ưu thế của phương Tây về các giáo hoàng có từ 1200 năm nay. Nhưng nhất là việc công nhận một Giáo hội phổ quát và sống động trên khắp các châu lục, mà từ nay nhịp đập của trái tim và hướng thiêng liêng đang ở nơi các nước đang phát triển phía Nam.

Các nhà lãnh đạo các nước lớn trên thế giới không lầm. Công nhận chiều kích lịch sử của sự kiện, họ nhanh chóng phản ứng cuộc bầu cử đáng ngạc nhiên của đức giáo hoàng Phanxicô. Barack Obama, nhà lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới đã là một trong những người đầu tiên chúc mừng “lời chúc nồng nhiệt” của mình cho tân giáo hoàng, xem ngài là “Nhà vô địch bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta.” Ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã bày tỏ mong muốn tân giáo hoàng tiếp tục thúc đẩy cuộc đối thoại liên tôn như vị tiền nhiệm, đức giáo hoàng danh dự Benêđictô XVI đã làm, ông nói thêm: “Chúng tôi cũng chia sẻ niềm xác quyết, rằng những thách thức liên kết với nhau trong thế giới ngày nay chỉ có thể giải quyết qua đối thoại.” Một số nguyên thủ quốc gia Châu Mỹ Latinh bày tỏ niềm vui và niềm tự hào của các dân tộc họ đã có một người trong số họ được bầu lên ở chức vị giáo hoàng. Tổng thống Argentina, Cristina Kirchner, vượt lên các bất đồng chính trị với cựu tổng giám mục Buenos Aires, được coi là đối thủ chính của bà, đã chúc mừng cuộc bầu cử người đồng hương của mình. Với một thái độ thẳng thắn, bà chúc giáo hoàng thành công “trong việc thực hiện các trách nhiệm lớn như vậy để theo đuổi công lý, bình đẳng, tình huynh đệ và hòa bình của nhân loại.” Có lẽ tìm cách để sửa lại các ấn tượng xấu đã đưa ra khi ông nói đùa về việc đức giáo hoàng danh dự Benêđictô XVI từ chức, François Hollande, tổng thống Pháp, là một trong những nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên ngõ lời với tân giáo hoàng, “lời chúc chân thành nhất của tôi cho nhiệm vụ cao cả vừa được giao phó cho ngài.” Ông nói thêm: “Trung thành với lịch sử của mình và với các nguyên tắc phổ quát tự do, bình đẳng và huynh đệ, là nền tảng hoạt động của mình trên thế giới, nước Pháp sẽ tiếp tục đối thoại trong tin tưởng, luôn luôn duy trì với Tòa Thánh, trong việc phục vụ hòa bình, công lý, tình liên đới và phẩm giá con người.” Trong số rất nhiều điện tín ngoại giao khác gửi đến đức giáo hoàng Phanxicô, có điện tín của Tổng thống Israel Shimon Peres chính thức mời ngài đến thăm Israel. Cùng đồng ký, ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Quốc Hội Âu Châu, và ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Âu Châu chúc một triều đại giáo hoàng “lâu dài và được chúc lành” để “bảo vệ và phát huy các giá trị cơ bản của hòa bình, đoàn kết và phẩm giá con người.” Rõ ràng là các đại sứ quán đã không thể nào cự lại được làn sóng nhiệt tình và hy vọng gây ra do cuộc bầu cử đức giáo hoàng Phanxicô. Một cuộc bầu cử thực sự ngoài dự đoán theo chương trình dự định, từ nhà báo chuyên nghiệp đến ý kiến của quần chúng Mỹ Latinh, họ không còn tin vào dịp may của “Đức tổng giám mục của người nghèo,” biệt danh của ngài ở các khu phố bình dân Buenos Aires. Làm sao giải thích sự kiện ngoài mọi mong chờ này, hồng y Bergoglio được bầu làm giáo hoàng ở nhà nguyện Sixtine?

Nguyễn Tùng Lâm dịch