Cécilia Dutter, nữ văn sĩ người Pháp, thành viên Hiệp Hội các Văn sĩ có đạo, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề thiêng liêng, bà đã viết một quyển sách về Etty Hillesum. Một cách biểu tượng, hình ảnh giáo hoàng Phanxicô đã làm cho bà xúc động và bà thấy đây là một dấu hiệu cho thế giới đang trong cơn khủng hoảng.
“Hồng y Jorge Mario Bergoglio, người Argentina vừa được bầu làm giáo hoàng, lấy danh hiệu là Phanxicô, sau khi đức giáo hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm vào ngày 11 tháng 2 vừa qua. Tôi, người tự cho mình là kitô hữu nhiều hơn là công giáo, nói cho đúng, tôi không thấy mình thuộc về một cộng đoàn mà đúng hơn là theo một trào lưu tư tưởng, một cách suy nghĩ về thế giới theo Chúa Kitô và theo Phúc Âm nên tôi không nghĩ mình sẽ xúc động khi thấy khói trắng bay lên từ Nhà nguyện Sixtine. Chiều hôm đó, dù dè dặt, tôi cũng kết hiệp với tất cả người công giáo trên hoàn vũ, tôi ngồi dán mắt vào máy truyền hình. “Habemus papam!” Nhưng ai đây? Một giờ sau, ngài xuất hiện ở ban công Thánh đường Thánh Phêrô, ngay từ khi “bước ra sân khấu” ngài đã chuyển đi các dấu hiệu rõ ràng cho một sự thay đổi.
Không kèn trống ầm ỉ như mọi người mong chờ, cha chọn áo chùng trắng, không phụ tùng rườm rà, cực kỳ giản dị theo gương thánh Phanxicô, một hình ảnh khiêm tốn tuyệt đối và còn vững chãi hơn, cha đã nổi tiếng là người đấu tranh kiên định chống nghèo khổ, đã làm cho tôi tin rằng một thời đại mới sẽ mở ra dưới thời vị giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh này. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế này, làm sao lại không đặt hy vọng nơi ngài? Của một hệ thống phân phối tài nguyên phong phú của quả đất công chính hơn. Theo tôi, giáo hội đóng vai trò của một thế lực mạnh chống với bầu khí của chủ nghĩa siêu tự do. Giáo hoàng Phanxicô là tấm gương khi ngài luôn luôn ở bên cạnh những người bấp bênh nhất, giúp họ qua các hoạt động của các giáo xứ và các nhóm hoạt động của ngài. Nhưng nhất là, trong thời buổi khủng hoảng đạo đức, đứng trước sự thất bại của xã hội tiêu thụ, không cách nào lấp đầy tâm hồn chúng ta, một xã hội không đủ khả năng mang lại hạnh phúc thì làm sao chúng ta lại không nhìn nơi vị tân giáo hoàng này một con đường khác có thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta? Con đường quay về với lối sống từ bỏ và tăng giá trị đời sống nội tâm, không chú trọng đến bề ngoài. Những gì tôi mong chờ nơi giáo hoàng: ngoài cuộc đấu tranh chống nghèo khổ, một cuộc đấu tranh cao cả và hữu ích, tôi mong ngài làm cho những người chuộng “vật chất” nếm được niềm vui của Điều Thiết Yếu và làm cho họ tái khẳng định trọng tâm cuộc sống, mở lòng ra với Đấng Vô Tận dù phải có những việc cần giải quyết. Vì vậy tôi mong ngài bỏ qua các giáo điều, trở về với điều cốt yếu trong suốt của sứ điệp kitô. Cha là người mà các hồng y đi đến “tận cùng trái đất” để tìm, tôi muốn ngài dẫn dắt chúng ta đến một miền khác của thế giới, miền có chiều kích thiêng liêng, trở về với đơn sơ và tinh tuyền của Lời Nguyên Thủy, lời duy nhất nói được với dân chúng. Có thể lúc đó tôi sẽ cảm thấy thuộc về cộng đồng Công giáo, một cộng đồng mà tôi kết hiệp hôm nay.”
Nguyễn Tùng Lâm dịch