Cả một chương trình cho Giáo hội

345

Trích sách Giáo hoàng của Thế Giới Mới, Michel Cool

Đối với các thần học gia, họ chăm chú nhìn việc bổ nhiệm tân giáo hoàng và tìm hiểu kỹ các lời nói đầu tiên, các cử chỉ, các biểu tượng tân giáo hoàng đã chọn để định giá tầm mức. Đó là trường hợp của cha Laurent Villemin, giáo sư ở Theologicum, Phân khoa Thần học và Khoa học Tôn giáo ở Viện Công giáo Paris.

Cả một chương trình cho Giáo hội

“Sự xuất hiện của tân giáo hoàng ở bao lơn Thánh Phêrô luôn luôn là một giây phút hân hoan và mong chờ.” Hân hoan được có tân giáo hoàng và mong chờ để biết ngài là ai và sẽ làm gì. Vài câu cha nói sau khi được bổ nhiệm chiều ngày 13-03 cho thấy đàng sau sự khiêm tốn này là cả một thần học của Giáo hội.

Không có một lần nào cha nói chữ “giáo hoàng” hay “Đức Thánh Cha.” Cha tự giới thiệu mình như vị giám mục thành phố Roma và nhấn mạnh về vai trò này: “Như quý vị biết, Mật viện có nhiệm vụ bầu lên một giám mục cho thành phố Roma,” “Giáo phận Roma đã có vị tân giám mục: Xin cám ơn! Và trước hết tôi xin quý vị cầu nguyện cho vị Giám mục danh dự Bênêđictô XVI của chúng ta1,” Cha nói đến vị tiền nhiệm là “giám mục danh dự” chứ không phải “giáo hoàng danh dự,” trong khi giáo hoàng danh dự mới đúng là tước hiệu sau khi ngài từ chức. Các dấu hiệu cũng chính tự nó nói lên: cha mặc áo trắng, không mặc áo khoác ngắn đỏ, chiếc áo tượng trưng cho quyền uy giáo hoàng. Cha giữ cây thánh giá hồng y bằng sắt và không mang cây thánh giá bằng vàng khối đã được chuẩn bị cho cha. Đương nhiên đó là dấu hiệu của lòng khiêm tốn nhưng cũng mang một ý nghĩa lớn về mặt Giáo hội học.

Cha tiếp tục: “Và bây giờ chúng ta cùng đi con đường này: Giám mục và dân. Con đường này của Giáo hội Roma (…) Một con đường của tình huynh đệ, tình thương và tin tưởng giữa chúng ta. Chúng ta luôn luôn cầu nguyện cho nhau: người này cầu nguyện cho người kia.” Ngài cũng cho thấy quan điểm của chức giám mục đặt trên quan hệ nền tảng với dân mà ngài được giao phó để cùng nhau đi chung một con đường. Hơn nữa, ngài phối hợp lời nói và hành động, trước khi chúc lành cho đám đông, ngài nghiêng mình xin dân chúng: “Tôi xin quý vị một đặc ân: trước khi Giám mục chúc lành dân mình, xin quý vị cầu nguyện với Thiên Chúa để Ngài chúc lành cho tôi: lời cầu nguyện của dân xin chúc lành cho Giám mục của mình. Chúng ta cùng thinh lặng cầu nguyện.” Một giám mục xin tín hữu cầu nguyện cho mình trước khi ban phép lành. Hành vi này không thể nào không nhớ đến thánh Âu-Tinh, ngài xin dân chúng cầu nguyện cho ngài nhân dịp kỷ niệm ngày chịu chức: “A! Xin quý vị giúp tôi lời cầu nguyện để Thiên Chúa rủ lòng gánh cùng tôi gánh nặng này, gánh nặng của chính Thiên Chúa (…)  vì là giám mục tôi ở cùng quý vị, là kitô hữu, tôi ở cùng quý vị.”

Làm như thế, giám mục Phanxicô không những vẽ lên một thần học giữa quan hệ giám mục Roma và dân mình của giáo phận Roma mà còn cho thấy cách ngài nhìn giáo phận và tương quan của nó với vị Giám mục, thể hiện tất cả tầm quan trọng ngài đặt nơi giáo phận và giáo hội địa phương.

Lúc tiền mật nghị, các hồng y đã tỏ ý muốn các Giáo hội địa phương có một chỗ đứng mạnh hơn. Các lời phát biểu đầu tiên của giáo hoàng Phanxicô cho thấy ngài đã hiểu yêu cầu này, một yêu cầu dựa trên Truyền thống lớn của Giáo hội đã được công đồng Vatican II nhắc lại, đáng kể trong hiến chế Tín Lý Lumen Gentium về Giáo hội. Số 23 của chương này nêu lên mối liên hệ nội tại giữa Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội điạ phương (các giáo phận). Nhưng để thực hiện thì cả là một vấn đề. Từ thời giáo hoàng Grégoire VII ở thế kỷ 11, đã có một Giáo hội tập trung quyền trung ương rất mạnh. Công đồng Vatican II đã làm cho các Giáo hội địa phương hy vọng sẽ tìm lại được sự tự lập hợp pháp, nhưng năm mươi năm sau, người ta không thể nói đến một sự hội nhập của chính quyền, của Lời Chúa, của phụng vụ… Ngoài bài diễn văn mở đầu, còn lại là cả một thử thách cho nhiệm kỳ của tân giáo hoàng.

Đúng vậy, rất nhiều vấn đề hiện nay chỉ có thể giải quyết ở tầm thế giới. Sẽ có thể có một quyết định chỉ được quyết định ở nơi này mà không phải ở một nơi khác. Chẳng hạn rất nhiều Giáo hội đã làm việc trên vấn đề chấp nhận cho các người ly dị được rước lễ. Và đó là cách để xem kinh nghiệm này được đón nhận và thực hiện ở một vài nơi. Không có vấn đề làm nghèo đi hình ảnh của giáo hoàng, nhưng để tìm cách, trong một xã hội toàn cầu hóa, làm sao tiếp tục tương hợp trong thế mạnh của một sứ vụ hiệp nhất mà vẫn cho các Giáo hội địa phương đảm nhận một trách nhiệm đích thực.

Khi tự cho mình trước hết là “Giám mục,” giáo hoàng Phanxicô cũng nói lên ý muốn của mình, đặt nền tảng giá trị trên chức năng giáo phận. Đúng là có mạo hiểm vì chỉ thấy nơi giáo hoàng đơn độc là một người, trong khi Công đồng Vatican II và lịch sử cho thấy trách nhiệm của giáo hoàng được ghi sâu đậm trong cộng đồng giám mục. Như số 22 của hiến chế Tín Lý Lumen Gentium, có một tương quan nội tại và năng động giữa giám mục đoàn và chức năng đặc biệt của giáo hoàng “Cũng như thánh Phêrô và các thánh Tông đồ thành lập, từ cơ sở của Thiên Chúa, một giáo đoàn tông đồ, tương tự như giáo hoàng Roma, người kế vị thánh Phêrô và các giám mục kế vị các thánh Tông đồ, thành lập giữa họ một đơn vị hiệp nhất.” Đó là cách nhận thức vai trò giáo trưởng trong cộng đồng các giám mục, là biểu tượng mạnh so với các Giáo hội Chính thống, cũng như thành ngữ đức giáo hoàng Phanxicô diễn tả: “Một Giáo hội đứng đầu tất cả các Giáo hội trong đức ái.” Đây không phải là sự thay đổi đơn thuần của tước vị nhưng là cả một giáo hội học được phát triển ở đây và phần còn lại của bài diễn văn.

Những lời nhắn đầu tiên của tân giáo hoàng ở quảng trường thánh Phêrô không những chỉ nhắm đến người La Mã và giáo phận La Mã, điều này giáo hoàng đã biết. Giáo hội toàn thể không bị bỏ quên. Giáo hoàng trước hết là giám mục của Giáo hội Roma, và trên cương vị của Giáo hội này, một Giáo hội xây dựng trên máu các thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, thì giám mục thành phố Roma có một vai trò đặc biệt trong Giáo hội hoàn vũ. Thần học này là một trong những truyền thống vì thành ngữ “đứng đầu trong đức ái” được thánh Ignace d’Antioche dùng lần đầu tiên để nói đến Giáo hội Roma từ đầu thế kỷ thứ hai. Mặt khác, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng dùng những chữ này trong lời cầu nguyện angelus ngày 19 tháng 2 năm 2012, nhân dịp lễ ngai tòa thánh Phêrô: “Từ thế kỷ thứ hai, thánh Ignace d’Antioche, đã giao phó cho Giáo hội ở Roma một vị trí hàng đầu đặc biệt, trong thư gởi tín hữu Roma, đã chào Giáo hội này như một Giáo hội “đứng đầu trong đức ái.” Bổn phận phục vụ đặc biệt này là vai trò của cộng đồng La Mã và vị giám mục của mình, qua sự kiện lịch sử đây là thành phố mà các thánh Phêrô và Phaolô đã đổ máu của mình, ngoài máu của nhiều thánh tử đạo khác. Như thế, chúng ta nhìn lại chứng tá của máu và của đức ái. Như thế, ngai tòa của thánh Phêrô là dấu hiệu của uy quyền, nhưng là uy quyền của Chúa Kitô, được xây dựng trên đức tin và tình yêu.1” Nhấn mạnh sự kiện này trong lời nói đầu tiên chứng tỏ ý chí muốn thiết lập một kiểu quan hệ khác giữa các Giáo hội địa phương và rõ ràng là với các Giáo hội kitô khác.

Đúng vậy, có một sự gần gũi những lời này với các lời trong thông điệp Để chúng nên một, Ut unum sint của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II về tính hiệp nhất của kitô hữu (1995). Thông điệp này bao gồm một đoạn về chức vụ của Giám mục Roma, nhất là quan hệ với các giám mục khác: “Khi Giáo hội công giáo khẳng định chức vụ của Giám mục Roma là chức vụ đáp ứng với ý muốn của Chúa Kitô thì chức vụ này không tách ra khỏi chức vụ của sứ mạng được giao phó cho toàn thể các Giám mục, họ cũng là “các đại diện và đặc sứ của Chúa Kitô.” Giám mục Roma thuộc về thuộc “giám mục đoàn” và họ đều là anh em với nhau trong sứ vụ.” Không nghi ngờ gì, giáo hoàng Phanxicô sẵn sàng dùng lại các chữ của vị tiền nhiệm trong cùng thông điệp này: “Tôi xin gởi đến Tổ Phụ đại kết, Đức ông Dimitrios Ier, như tôi đã nói, tôi nhận thức, rằng “vì các lý do rất khác nhau, và ngược với ý muốn của người này người kia, điều đáng lý là một sứ vụ phục vụ thì lại thể hiện dưới một góc độ khá khác biệt. Nhưng, trong ước muốn được vâng lời theo ý Chúa Kitô mà tôi được chọn để làm Giám mục Roma để thực hiện sứ vụ này. Tôi xin Thần Khí soi cho chúng ta ánh sáng của Ngài và chiếu rọi lên trên tất cả các chủ chăn và các nhà thần học của Giáo hội chúng ta, để chúng ta có thể tìm, đương nhiên là cùng tìm với nhau, các hình thức theo đó sứ vụ này có thể thực hiện được trong tình yêu thương lẫn nhau.”

Ngỏ lời xin chúc phúc là câu kết thúc bài diễn văn đầu tiên rằng Giáo hội của giáo hoàng Phanxicô là Giáo hội của “tất cả những người có thiện tâm”, cho toàn thể nhân loại: “Bây giờ, tôi sẽ ban phép lành cho quý vị và cho toàn thế giới, cho tất cả những người có thiện tâm.” Thành ngữ “tất cả những người có thiện tâm” là thành ngữ kín đáo nhắc câu dẫn nhập của thông điệp Hòa Bình Dưới Thế Pacem in Terris của giáo hoàng Gioan XXIII. Tất cả là cả một chương trình!

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch