Michel Houellebecq: “Tôi không còn vô thần”

269

pope-1-aplavie.fr, Marie Chaudey và Jean-Pierre Denis, 27-1-2015

 

Báo La Vie đã gặp tác giả quyển Phục tùng (Soumission), quyển sách gây tranh cãi từ đầu năm nay. Sự xuống dốc của Kitô giáo, đạo Hồi, giáo hoàng… đó là những đề tài của buổi nói chuyện.

 

Một trận chiến văn chương đã bắt đầu khi quyển sách Phục tùng được phát hành. Như thường lệ, các phê phán giá trị về con người của Houellebecq lẫn vào giá trị của các nhân vật của ông. Nhưng lần này, các tranh cãi về văn chương lẫn vào một cuộc thảo luận gay gắt về Hồi giáo và hội chứng sợ Hồi giáo. Có những phê bình cho tác phẩm này gây sốc hoặc tầm thường. Có những phê bình khác thì cho là gây giao động và xuất sắc. Chủ đề chính của tác phẩm là sự suy thoái của Kitô giáo, trong đa số trường hợp chủ đề này lại né tranh, có thể xem như bị gạt ra hoàn toàn. Để làm sáng tỏ, chúng tôi đã gặp và nói chuyện với tác giả trong ba giờ liền, trong mịt mờ khói thuốc, từ lối nói ngắn gọn đến cách nói nước đôi chung quanh và che giấu của tác giả kỳ lạ Houellebecq, tạo nên sự dẫn lối cho một cuộc trao đổi đích thực. Lần này thì tùy độc giả lượng định lời nói của ông. Bây giờ trong hồ sơ của tác giả chỉ thiếu một chuyện: chính tác giả.

Sau đây là một vài đoạn trích dẫn sẽ đăng trong ấn bản ngày 29-1 của báo La Vie.

 

Ông có vẻ giận?

Lời tuyên bố của Đức giáo hoàng về vụ khủng bố tờ báo Charlie làm tôi rụng rời. Khi ngài nói “Nếu ai nói xấu mẹ tôi, tôi đấm cho họ một đấm”, ngài đã làm hợp pháp một vụ tấn công viết lách bằng một vụ tấn công tay chân. Tôi hoàn toàn không đồng ý, tôi mong ngài đừng nói đến vấn đề này. Tôn giáo không có quyền giới hạn tự do phát biểu. Nếu có những giới hạn, thì nó không ở thứ trật này nhưng ở thứ trật vu khống, vi phạm đến đời tư, vv. Tôi hiểu tôi muốn nói gì vì tôi thường bị kiện tụng. Cả quyển sách Bản đồ và Vùng đất (Carte et le Territoire) của tôi, tôi cũng bị Hiệp hội Dignitas ở Đức kiện vì cổ động cho trợ tử và nhà xuất bản của tôi đã thắng kiện. (…)

 

Từ lâu ông rất thích thú với vấn đề tôn giáo…

Đúng. Trong văn chương, ngay từ tác phẩm đầu tiên của tôi Vẫn còn sống (Rester vivant, 1991), một tác phẩm ảnh hưởng Thánh Phaolô và tính ngạo mạn của ngài rất nhiều. Rồi còn tác phẩm Hạt cơ bản (Particules élémentaires) và vụ rửa tội có thể xảy ra của tôi trong quyển Bản đồ và Vùng đất. Nhưng tôi đã nói về cám dỗ trở lại của tôi trong quyển sách Những kẻ thù công khai (Ennemis publics) viết chung với Bernard-Henri Lévy. Từ khi con nhỏ, ở nhà ông bà của tôi, tôn giáo là số không. Ông bà tôi thật sự không ác cảm với tôn giáo, ngược lại với các bạn cộng sản của ông bà, những người này chống các cha xứ thì đúng hơn. Đối với họ, Nước Trời và tiến bộ là ở thế gian này. Nhưng từ khi tôi 13 tuổi hay nhỏ hơn thì tôn giáo đã đi vào cuộc đời của tôi. Hồi đó một người bạn cùng lớp đã thử làm cho tôi hoán cải. Tôi còn giữ quyển Thánh Kinh bạn cho tôi. Tôi đã đọc khá nhiều bây giờ (…) Tôi có một cái nhìn về tôn giáo gần với điều kỳ diệu! Tôi ấn tượng với phép lạ! Giây phút thiêng liêng mà tôi thích nhất trong mọi phim ảnh là đoạn cuối cuốn phim Ordet, một phim của điện ảnh gia Dreyer, kết thúc bằng một phép lạ. Và đó là điều làm cho tôi rúng động. (…) Tôi muốn biết thế giới này có một người tổ chức và cách nào họ tổ chức. Tôi làm các nghiên cứu khoa học. Tôi rất hiếu kỳ muốn biết cách nào vũ trụ vận hành. Đó là điều làm cho ngày nay tôi không còn tự xem mình là người vô thần. Tôi trở thành người theo thuyết bất khả tri, chữ này là chữ đúng nhất. Một trong các bạn của cha tôi nói họ sẽ thiêu xác mình và sẽ không có tang lễ theo nghi thức tôn giáo. Cha tôi vặn lại: “Tôi thấy anh tự phụ quá.” Một chút theo nghĩa cá cược của Pascal.

 

Nếu độc giả theo dõi tiểu thuyết của ông, thì họ sẽ cho rằng Kitô giáo đang hấp hối…

Không, tôi không nghĩ như thế chút nào. Đó chỉ là quan điểm của một nhân vật. Xem lại. Có một khía cạnh tích cực nơi những người Công giáo trong tiểu thuyết: khi người trẻ đến tham dự một buổi đọc của tác giả Péguy. Diễn giả với “khuôn mặt cởi mở và thân thiện” đã làm mê hoặc người kể chuyện. Tôi đã có dịp quan sát khuôn mặt của những người trẻ này khi họ tham dự Ngày Giới Trẻ ở Paris, tôi đi vì tò mò. Chung chung, tôi không nghĩ các viễn cảnh về Kitô giáo trong sách của tôi chỉ toàn khía cạnh tiêu cực. Bây giờ, ý tưởng một vũ trụ được tổ chức có vẻ thích đáng hơn thời Voltaire: luận chứng của chiếc đồng hồ vĩ đại vẫn đứng vững, sự hiển nhiên của một tổ chức toàn bộ của Vũ trụ. Các khám phá khoa học củng cố cảm nhận có một tổ chức chung hơn là không có… (…)

 

Với quyển tiểu thuyết mới này, người ta kết án ông quá sợ Hồi giáo. Hoặc người ta có thể kết án ngược lại: ông lập lại biện giải cho truyền thống Hồi giáo khi nói Kitô giáo đã chấm dứt. (…) Và ông còn nhìn Hồi giáo với tấm lòng khoan dung hơn trước. Cái gì đã cho phép ông tiến đến điểm này?

Đọc kinh Coran và các tác phẩm khác, trong số đó là các tác phẩm của Bernard Lewis và thời gần đây là của Gilles Kepel. Và rất nhiều chuyện chỉ trích Hồi giáo là có từ trước, đó là điều không chối cãi. Hồi giáo không phát minh ra việc ném đá (một trong những cảnh tượng trưng nhất là cảnh ở trong Phúc Âm, ‘Ai là người không phạm tội thì ném cục đá đầu tiên’), việc cắt bỏ âm vật hay nạn nô lệ. Tôi đã đọc kinh Coran để viết quyển tiểu thuyết này. Trước đó, tôi chỉ lật coi sơ sơ. Đối với tôi, vấn đề là lượng định xem mức độ nguy hiểm của nó. Đọc xong, tôi yên tâm. Sau khi đọc, tôi có những kết luận tương đối lạc quan, dù trên thực tế, tôi không nghĩ người Hồi giáo đọc kinh Coran nhiều hơn là người Công giáo đọc Thánh Kinh. Như vậy cả trong hai đạo, vai trò của tu sĩ là vai trò nền tảng. Phải có người diễn dịch, phải có tu sĩ. Tôi không hình dung một tôn giáo mà không có linh mục, không có người đưa đò.

 

Theo ông, vấn đề của người Hồi giáo ngày nay có phải là họ không có người đưa đường giỏi?

Trước hết là họ không có giáo hoàng! Giáo hoàng sẽ gạt đi các vụ trệch đường. Nếu Hồi giáo có giáo hoàng, chủ nghĩa cực đoan (djihadisme) sẽ bị nhổ tiệt trong vòng 20 năm. Hình phạt: không có quyền tham dự vào các buổi cầu nguyện, không có quyền vào các nguyện đường… Ngắn gọn, một hình thức dứt phép thông công. Không có một tổ chức như thế, không thể thực hiện trong hai năm, thì phải giúp cho một vài thầy cả Hồi giáo.

 

Các người trẻ tham dự vào các tổ chức khủng bố (djihad) có phải vì các lý do tôn giáo không? Hay vì chúng ở trong một xã hội mà ý nghĩa không còn như ông mô tả? Theo một nghĩa nào đó, ông có hiểu các người trẻ này không?

Tôi xem họ rất nghiêm túc. Tôi cho rằng nhu cầu thiêng liêng là một nhu cầu rất nghiêm túc. Tôi nghĩ thật tức tối khi xã hội hóa mọi sự. Không phải tất cả các người trẻ đều đi trệch đường như người ta hay nói. Một vài người trong số họ thuộc tầng lớp trung lưu. Tránh không nên xem họ chỉ là những người loạn óc. Sự choáng váng của họ thì sâu hơn thế. Dù sao, sức hấp dẫn của Hồi giáo không dính gì với chính trị nhưng với tôn giáo, ngược với những gì chúng ta nghe lâu nay. Theo tôi, đó là một cách diễn giải Hồi giáo. Ý nghĩa tốt ở phía tôi: đôi khi, một cách tình cờ, người ta có những vị tử đạo vì chính trị nhưng còn nhiều hơn nữa đối với tôn giáo…

 

Ông trả lời như thế nào với những người chỉ trích ông quấy động việc Hồi giáo hóa?

Những người cho tôi có trách nhiệm trong vụ này ư? Ồ, không.. Không, tôi không phải vậy. Tôi quan sát thấy có một sự suy kém tinh thần nơi một vài người đối thoại với tôi. Những khái niệm phân biệt rạch ròi trước đây như hội chứng sợ Hồi giáo hay kỳ thị chủng tộc nay không còn nữa.

 

Chữ hội chứng sợ Hồi giáo chính nó gây vấn đề. Ông sẽ diễn giải như thế nào?

Thực tế quyển sách của tôi không phải quyển sách về hội chứng sợ Hồi giáo. Chính những người Hồi giáo cực đoan tìm cách để khêu lên hội chứng này theo đúng nghĩa đen của chữ này, có nghĩa là gieo cái sợ. Tất cả hành động của họ không có mục đích nào khác hơn mục đích này.

 

Ông có nghĩ sự cần thiết của tôn giáo như một hệ thống để nối kết con người lại với nhau không?

Có, tôn giáo giúp cho xã hội rất nhiều. Cũng như triết gia Auguste Comte, tôi nghĩ về lâu về dài, một xã hội không thể đứng vững nếu không có tôn giáo. Thực tế, bây giờ người ta thấy những dấu hiệu tan rã của một hệ thống đã có từ vài thế kỷ nay. Nhưng tôi tin vào sự trở lại của tôn giáo. Dù tôi không thể nào nói cho ông hiểu vì sao nó lại xảy ra trong lúc này. Nhưng tôi cảm nhận như vậy. Trong tất cả mọi tôn giáo. Trong Do Thái giáo, tôi thấy người trẻ tin hơn và giữ đạo hơn cha mẹ của họ. Nơi người Công giáo cũng có những dấu hiệu như Ngày Giới Trẻ, như các buổi tổ chức của phong trào Manif pour tous.

 

Nguyễn Tùng Lâm dịch