Giáo hoàng Phanxicô, Dostoyevsky, và những giọt nước mắt trẻ thơ

627

Hãy học biết khóc cho các trẻ em bị xâm hạiPhong cách ứng khẩu của Đức Phanxicô cho ngài sức mạnh để nói thật thấu tình những vấn đề đạo đức của nhân loại. Và cũng có thể đem lại kết quả ngoài mong muốn.

Jason Berry – 24-01-15

Trong mỗi chuyến đi, Giáo hoàng Phanxicô đều cho thính giả toàn cầu một thoáng manh mối để nhìn vào tâm trí không đơn giản của ngài.

Giáo hoàng ứng khẩu đầu tiên trong thời đại truyền thông đại chúng, đã có nhiều buổi họp báo dài giờ trên các chuyến bay, cũng như câu trả lời nổi tiếng, ‘Tôi là ai mà phán xét,’ khi được hỏi về các linh mục đồng tính trên chuyến bay từ Brazil về Roma.

Giáo hoàng Bênêđictô tránh các nhà báo, và Đức Gioan Phaolô đầy lôi cuốn cũng hiếm khi tỏ lòng lâu giờ trong các cuộc họp báo. Cả hai giáo hoàng đều có những bài phỏng vấn dành riêng, với các nhà báo hay tiểu sử gia mà mình tin tưởng.

Đức Phanxicô thì có được sự nhanh nhạy trí tuệ khi được phỏng vấn, một nét đặc trưng của nền đào tạo dòng Tên, theo phương pháp Socrates: câu hỏi nảy sinh câu trả lời, và câu trả lời điều hướng câu hỏi, cứ thế vòng tìm hiểu diễn tiến.

Nhưng những lời ứng khẩu cũng rơi vào những hoàn cảnh không ngờ trước.

Trong thánh lễ sáng chúa nhật với 40 ngàn người tại Đại học Manila, cô bé 12 tuổi Glyzelle Palomar, đang sống trong một nhà dành cho các trẻ em bị bỏ rơi, đã đọc một bài phát biểu bằng tiếng bản xứ, và được dịch lại cho Giáo hoàng và báo giới.

Ăn vận tươm tất với chiếc váy trắng xinh xắn, cô bé nói: ‘Có nhiều trẻ em bị chính cha mẹ mình bở mặc … và nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của nhiều chuyện khủng khiếp xảy đến, như thuốc phiện hay mại dâm.

Lạc cả giọng, Glyzelle hỏi, ‘Tại sao Thiên Chúa để những điều này xảy ra, dù trẻ em không có tội gì?’

Khi cô bé òa khóc, Đức Phanxicô tiến lại gần, cô bé ôm lấy giáo hoàng, vùi mặt vào lòng ngài mà khóc.

Trong lời đáp dài, gần như mang tính kịch, giáo hoàng nói rằng, ‘Những hiện thực cụ thể của cuộc sống, chỉ có thể thấy được với đôi mắt được rửa sạch bằng nước mắt.’

Và trên chuyến bay trở về từ Phi Luật Tân, câu trả lời đầy xúc động của Đức Phanxicô cho cô bé, gần như bị chìm nghỉm trong trận lụt bài bác dấy lên hầu như ngay lập tức trước nhận định của ngài về kiểm soát sinh sản.

‘Tôi xin lỗi về cách dùng từ, nhưng một vài người nghĩ rằng, làm người Công giáo tốt, chúng ta phải sinh đẻ như thỏ vậy. Không. Mà phải là làm cha mẹ có trách nhiệm.’

Và tờ USA Today giật tít: ‘Giáo hoàng: Người Công giáo không cần sinh đẻ ‘như thỏ.” cùng tông giọng với nhiều tờ báo khác, như thể giáo hoàng đang tấn công vào cuộc tranh luận không người thắng về phá thai. Đức Phanxicô không bao giờ nói ‘sinh đẻ’ nhưng ngài đang xác nhận, dù một cách vụng về, về việc kiêng khem tình dục, tán thành tông thư năm 1968 của Đức Phaolô VI, cấm phá thai nhân tạo, một quan điểm khi đưa ra khảo sát được ít người Công giáo ủng hộ.

Theo dữ liệu của Tổ chức Mạng lưới Bảo vệ Trẻ em vào năm 2009, Phi Luật Tân, 35% trẻ em sống trong cảnh nghèo đói, và khoảng 1.2 triệu trẻ em sống vô gia cư trên đường phố.

Cũng trong thánh lễ ở Manila trên, một bé trai 14 tuổi, được cứu khỏi cảnh vô gia cư, Jun Chura, đã nói với Đức Phanxicô về việc ‘ăn những gì tìm được trong đống rác … ngủ bên lề đường.’

Giáo hoàng ôm lấy cả Jun và Glyzelle trong vòng tay của mình, một hình ảnh thật hùng hồn.

Những nhận định của giáo hoàng, được Vatican chuyển từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh, đã cho thấy giáo hoàng nắm bắt câu hỏi ám ảnh trong quyển Anh em nhà Karamazov, tiểu thuyết của Fyodor Dostoyevsky, mà giáo hoàng thường gọi là ‘thầy dạy cuộc sống cho tôi.’

Cô bé Glyzelle  đã vọng lại câu hỏi của Ivan Karamazov, con người bị hành hạ trong lòng. Làm sao một Thiên Chúa đầy yêu thương, lại để trẻ em bị ngược đãi, bỏ rơi, và tra tấn, nô lệ, hãm hiếp và bị giết? Với Ivan, nỗi khốn khổ của trẻ em mâu thuẫn với sự hiện hữu của một Thiên Chúa yêu thương.

Ivan nói với người em Alyosha, đang là một tu sinh rằng, ‘Nghe này, Nếu tất cả mọi người phải chịu đau khổ để trả gá cho sự hòa hợp vẻ ngoài, thì trẻ em có liên can gì trong việc này, nói cho anh xem? Không thể hiểu được vì sao trẻ thơ phải chịu đau khổ.’

Alyosha phản biện rằng Ivan đã quên mất sự hi sinh của Chúa Kitô, Đấng đã chuộc lấy tội lỗi nhân loại. Và Ivan lấy đó mà chế giễu.

Đức Phanxicô nói với Glyzelle, với người dân Phi Luật Tân, và với toàn thể mọi người rằng.

‘Phụ nữ có khả năng nhìn nhận khác với nam giới. Phụ nữ có thể hỏi được những câu mà nam giới không có được. Hãy để ý. Hôm nay cô bé hỏi một câu hỏi không có câu trả lời. Và cô bé không thể nói thành lời. Cô bé phải nói bằng tiếng khóc.’

Giáo hoàng tiếp lời, nói với cậu bé Jun Chura: ‘Cha cảm ơn con, Jun, vì đã dũng cảm nói lên những cảm nghiệm của mình.’

Ngài hướng về cô bé: ‘Cây hỏi của con, tận sâu thẳm là một câu hỏi không lời giải.’

Và rồi ngài bắt đầu trả lời: ‘Chỉ khi chúng ta có thể khóc cho những điều mà con đã trải qua, thì chúng ta mới có thể hiểu được, và trả lời được đôi chút. Câu hỏi lớn cho tất cả mọi người là: ‘Tại sao trẻ em chịu đau khổ? … Chỉ khi lòng chúng ta có thể đặt ra câu hỏi này và biết khóc thương, thì mới có thể bắt đầu hiểu được.’

Đức Phanxicô, như Ivan, kinh hoàng trước câu hỏi không lời đáp này, nhưng giáo hoàng tiếp lời bằng một thỉnh nguyện mạnh mẽ: ‘Những người ngoài rìa xã hội đang khóc, những người bị bỏ mặc đang khóc, những người bị khinh miệt đang khóc, nhưng những người có cuộc sống tương đối thoải mái như chúng ta, chúng ta không biết cách để khóc. Các hiện thực cụ thể của cuộc sống chỉ có thể thấy được với đôi mắt được tẩy sạch nhờ nước mắt. Tôi muốn từng người các bạn hãy hỏi rằng: Tôi có thể khóc không? Tôi có thể khóc khi thấy một đứa trẻ đang đói, dinh vào thuốc phiện, phải sống ngoài đường, vô gia cư, bị bỏ rơi, đối xử tệ bạc hay bị xã hội bóc lột như nô lệ?’

Còn Ivan, khi trả lời cho tiếng khóc của một đứa trẻ bị ngược đãi, đã nói với em mình rằng: ‘Những giọt nước mắt này không được chuộc lấy. Mà phải chuộc lấy những giọt nước mắt trẻ thơ nếu không thì chẳng thể có hòa hợp … Và nếu đau khổ của trẻ thơ được quy vào tổng thể đau khổ cần có để trả giá cho chân lý, thì anh quả quyết rằng chân lý không xứng cái giá như thế.

Đức Phanxicô, tìm cách xoa dịu cô bé nhỏ bên cạnh mình, nói rằng: ‘Hãy học các khóc thương, cách mà Glyzelle đã dạy chúng ta ngày hôm nay. Đừng quên chứng tá này. Cô đã hỏi một câu hỏi lớn – tại sao trẻ em chịu đau khổ? bằng nước mắt dâng trào, và câu lời lớn mà chúng ta có thể có được, chính là tất cả chúng ta phải học cách để khóc.’

Đức Phanxicô gắn câu hỏi của cô bé với một mầu nhiệm lớn hơn: Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khóc: Ngài khóc cho người bạn thân thương của mình. Ngai khóc trong lòng trước cảnh gia đình nọ mất đứa con gái. Ngài khóc khi thấy bà góa nghèo phải chôn con mình … Nếu các bạn không học cách khóc, thì các bạn không phải là Kitô hữu tốt … Hãy can đảm, đừng sợ khóc!’

Can đảm là hành động vượt qua nỗi sợ. Đức Phanxicô đang bảo mọi người hãy bỏ đi những kìm hãm của xã hội và đứng ra làm chứng.

Nhưng nước mắt có chữa lành , xoa dịu cho những người đau khổ, có là một dạng công lý hay không?

Trong bài phỏng vấn hồi tháng 12 với Andrea Tornielli của Vatican Insider, Đức Phanxicô đã nói rằng vấn đề các trẻ em chịu đau khổ ‘luôn luôn quanh quẩn trong lòng tôi. Không giải thích được. Khi tôi đến với một đứa trẻ chịu đau khổ, lời cầu nguyện duy nhất xuất hiện trong đầu là ‘Tại sao. Lạy Chúa, Tại sao?’ Ngài không giải thích gì cho tôi. Nhưng tôi có thể cảm nhận Chúa đang nhìn đến tôi. Vậy nên tôi có thể nói: Chúa biết tại sao, còn con thì không biết, và Chúa không nói cho con, nhưng Chúa nhìn đến con, và con tin cậy Chúa, con tin cậy vào ánh mắt Chúa nhìn con.’

Các chính trị gia hẳn sẽ ủng hộ cái nhìn của Chúa, và tiếp tục hợp lý hóa cuộc chiến chống đói nghèo của mình. Nhưng Đức Phanxicô thấy nơi Chúa khuôn mặt của người nghèo, và đã chỉ ra cảnh ngộ của những người tị nạn và nhập cư có liên quan đến ‘sự lãnh đạm toàn cầu.’

Trở về Roma, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Phanxicô đã nói rằng, các gia đình lớn không gây nên đói nghèo, một cái gật đầu với những người thấy khó chịu với hình ảnh ‘như con thỏ,’ nhưng ngài lên án ‘một hệ thống kinh tế đã đẩy con người ra khỏi vị tri trung tâm, và thay vào đó bằng thần tiền bạc.’

Cố gắng trả lời câu hỏi kiểu Dostoyevsky của cô bé Glyzelle, Đức Phanxicô kể lại một thời điểm mỏng manh hiếm có của ngài, và một mặt khác của lòng thương đã khiến ngài được mọi người yêu mến.

Nhưng ngài chưa xác định thật rõ về các thái độ công lý cho tất cả những ai đang cheo neo miệng vực. Và trong khi con người đạo đức gan dạ này tiếp tục tìm đường cho cương lĩnh của mình, thì cả thế giới vẫn dõi theo ngài.

Jason Berry cũng là tác giả của quyển Trả lại cho Roma: Đời sống tiền bạc bí mật trong Giáo hội Công giáo

J.B. Thái Hòa dịch