Bài phỏng vấn Tổng giám mục Georg Gänswein

552

10689939_1550228231860993_7597189104512063978_nBài nguyên gốc bằng tiếng Đức ỏ trang christundwelt.de.

Dịch từ trang benoit-et-moi.fr, 23-1-2015

“Đương nhiên có những trường hợp mà phát ngôn viên Tòa Thánh đã phải làm sáng tỏ sự việc sau khi báo chí đăng các lời tuyên bố của Đức Phanxicô. Cải chính là cần thiết khi một vài tuyên bố này có thể gây hiểu lầm.

…”

“Nói ngụy giáo hoàng là một chuyện ngu xuẩn và cũng không có trách nhiệm, cũng giống như tự đốt lửa gây hỏa hoạn về mặt thần học.”

“Giáo hoàng rất khéo léo trong việc dùng truyền thông.”

Tổng Giám mục George Ganswein, giám sự điện giáo hoàng và là thư ký riêng của Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI, đã nói lên những lời này trong bài phỏng vấn với tạp chí Đức ‘Christ und Welt’. Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn của ngài.

C&W: Vào dịp lễ Noel, Đức Phanxicô đã gây giận dữ với bài diễn văn nêu lên 15 bệnh của Giáo triều La Mã. Cha đã ngồi bên cạnh giáo hoàng. Kể từ lúc nào cha không còn đếm tội nữa?

Georg Gänswein: Là giám chức của Tòa Thánh, gần như luôn luôn tôi ngồi bên phải Đức giáo hoàng. Và lúc nào tôi cũng có một bản sao trong cặp nhưng hôm đó tôi chưa có thì giờ để đọc trước. Khi ngài bắt đầu đọc danh sách các tội, tôi tự nhũ: “À, hấp dẫn đây”, và càng lúc càng hấp dẫn. Tôi đếm được đến chín bệnh…

Khi đó cha nghĩ gì trong đầu?

Bình thường, trong buổi gặp gỡ với Giáo triều trong dịp lễ Giáng Sinh, giáo hoàng kiểm lại các việc trong năm vừa qua và nhìn đến các việc sẽ làm trong năm tới. Lần này thì khác hẳn. Đức Phanxicô muốn đưa một tấm gương ra để các hồng y, giám mục soi để xét mình, trong số này đã có một vài vị đã về hưu…

Cha có nghĩ danh sách này cũng là của cha không?

Đương nhiên, tôi tự hỏi, “Ai bị ngắm đây?” Mình có bệnh nào? Bệnh nào cần phải sửa chữa đây?”. Có lúc tôi đã nghĩ đến rất nhiều thùng khi tôi dọn nhà.

 

Cha muốn nói đến câu chuyện dọn nhà của một tu sĩ Dòng Tên với rất nhiều của cải phải không? Đức Phanxicô có nói khi dọn nhà cho thấy dấu hiệu của “bệnh tích trữ của cải”.

Đúng vậy. Sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm vào tháng 2-2013, tôi dọn khỏi Dinh Tông Tòa, rất nhiều đồ đạc của tôi vẫn còn nằm trong thùng. Nhưng tôi không nghĩ đó là dấu hiệu của một căn bệnh.

 

Đâu là ý muốn của Đức Phanxicô khi ngài muốn đánh tội như vậy? Nó cũng có thể làm nản lòng.

Đó cũng là câu hỏi mà rất nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đã đặt ra. Đến nay, Đức Phanxicô đã ở tại chức hai năm, ngài nắm rõ Giáo triều. Và đương nhiên ngài thấy cần thiết phải nói rõ ràng và khơi dậy việc xét mình.

 

Và các phản ứng như thế nào?

Đương nhiên đối với báo chí thì đây là một bữa tiệc linh đình. Trong khi ngài đọc diễn văn, tôi đã thấy báo chí chạy tít lớn: Đức giáo hoàng đánh các giám chức của Giáo triều; Đức giáo hoàng đọc luật cho các cộng sự viên của mình! Và khổ thay bên ngoài lại nghĩ có bất đồng giữa Giáo hoàng và Giáo triều. Cảm tưởng này là sai và không phù với thực tế. Nhưng bài diễn văn đã bao phủ hết tất cả những chuyện này.

Bài diễn văn có bị trong nội bộ chỉ trích không?

Các phản ứng đi từ ngạc nhiên đến sốc và không thấu hiểu.

Có thể đối với Đức Phanxicô, Giáo triều cần phải thường xuyên thích ứng với các bài tập linh thao?

Giáo triều đã thích ứng từ lâu. Đức Phanxicô không giấu giếm gì về sự đào tạo con đường thiêng liêng của mình. Ngài là tu sĩ Dòng Tên được đào tạo kỹ càng theo linh đạo của Thánh I-Nhã, nhà sáng lập Dòng Tên.

 

Sau hai năm ngài được bầu chọn, cha nghĩ gì về Đức Phanxicô?

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã cho thấy mình sẽ tiếp cận sự việc một cách khác, ngài nhìn vấn đề một cách khác. Và đúng với các lựa chọn của ngài, từ lối sống, xe dùng, cách ngài điều hành các buổi tiếp kiến, đặc biệt là các nghi thức. Mới đầu, người ta nghĩ ngài sẽ thích ứng vào sự việc và muốn một cách nào đó uyển chuyển hơn. Bây giờ thì nó trở thành tiêu chuẩn. Đức Thánh Cha là một người có óc sáng tạo phi thường và một phong cách đậm tính chất Châu Mỹ La Tinh.

 

Rất nhiều người còn hỏi chúng ta sẽ đi về đâu?

Nếu chú tâm nghe các lời nói của ngài thì chúng ta sẽ thấy chỉ dẫn rất rõ ràng. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn hay đặt ra là: Đức Phanxicô muốn đưa Giáo hội đi về đâu, đâu là mục đích của ngài?

 

Cách đây một năm cha đã nói: “Chúng tôi chờ các đường lối căn bản”. Bây giờ người ta có thể thấy chưa?

Bây giờ thì đã rõ ràng hơn cách đây một năm. Các bạn xem trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Với Tông huấn này, thì đây là kim chỉ nam cho triều giáo hoàng của ngài. Ngoài ra ngài còn công bố các văn kiện quan trọng, đọc các bài diễn văn lớn trong năm như bài diễn văn ngài đọc ở Nghị viện Âu châu, Strasbourg và trước Hội đồng Âu châu. Các ngõ ngách đã thấy rõ và các ưu tiên thì được chỉ dẫn rõ ràng.

Như?

Ưu tiên quan trọng nhất là sứ vụ, là phúc âm hóa. Khía cạnh này là đường chỉ đỏ dẫn lối. Không có chuyện quy về mình, tự quy chiếu, nhưng chia sẻ Phúc Âm với toàn thế giới. Và đó là châm ngôn của ngài.

Cha có biết tổng giám mục Francis George, địa phận Chicago đã về hưu, ngài chỉ trích các lời nói của Đức Phanxicô thường là khó hiểu, phải không?

Đúng là có những trường hợp phát ngôn viên của Tòa Thánh phải làm sáng tỏ một vài lời tuyên bố đặc biệt. Cải chính là cần thiết khi một vài tuyên bố này có thể gây hiểu lầm.

Đức Phanxicô là người kiểm soát được truyền thống tốt hơn là Đức Bênêđictô XVI phải không?

Đức Phanxicô xử lý với truyền thông một cách chủ động hơn. Ngài dùng truyền thông một cách trực tiếp và rất mạnh.

 

Và cũng khéo léo hơn?

Đúng, ngài dùng rất khéo léo.

Ai là các cố vấn thân cận nhất của ngài?

Câu hỏi này cứ được hỏi hoài và hỏi một cách có hệ thống. Tôi không được biết.

Với các cuộc họp Thượng Hội Đồng về gia đình, như cuộc họp tháng mười vừa qua và cuộc họp vào mùa thu sắp tới, Đức Phanxicô đã tạo một điểm chuẩn. Đặc biệt là vấn đề rước lễ của những người ly dị rồi tái hôn, vấn đề này đã gây nhiều bất bình. Một vài người có cảm tưởng Đức Phanxicô quan tâm đến mục vụ hơn giáo điều…

Tôi không chia sẻ cảm tưởng này. Điều này tạo ra một sự chống đối giả tạo mà trên thực tế không có. Đức giáo hoàng là người đầu tiên bảo đảm và canh giữ cho giáo điều của Giáo hội và cũng là người chăn chiên, người mục tử đầu tiên. Giáo điều và mục vụ không đối nghịch nhau, đó là anh chị em sinh đôi với nhau.

Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI có những điểm nào chống nhau trong cuộc thảo luận về những người ly dị rồi tái hôn không?

Tôi không biết có một tuyên bố về Giáo điều nào của Đức Phanxicô lại trái với các tuyên bố của vị tiền nhiệm. Và sẽ là phi lý. Có một điều cần nhấn mạnh là các cố gắng mục vụ phải rõ ràng hơn vì tình thế đòi hỏi như thế. Và đó là một điều hoàn toàn khác với việc thay đổi giáo quyền. Tôi chỉ có thể làm mục vụ một cách tế nhị, nhất quán và có lương tâm khi tôi dựa trên toàn bộ giáo huấn Công giáo để làm. Các phép bí tích không phải do các mục tử để lại mà do Chúa trao ban cho Giáo hội. và vì thế nó cũng đúng cho bí tích hôn nhân.

Có hay không trong thời gian Thượng Hội Đồng, các giám mục đến xin Đức Bênêđictô XVI can thiệp để cứu giáo điều?

Một sự viếng thăm Đức Bênêđictô XVI như vậy là không có và một sự can thiệp của giáo hoàng danh dự là chuyện hoàn toàn bịa đặt.

Làm sao Đức Bênêđictô XVI trả lời cho những đề nghị của nhóm bảo thủ truyền thống xem Đức Phanxicô như một ngụy giáo hoàng?

Không phải nhóm các người bảo thủ truyền thống thử đề nghị nhưng các đại diện của khoa thần học và một vài ký giả. Nói ngụy giáo hoàng là một chuyện ngu xuẫn và cũng không có trách nhiệm, cũng giống như tự đốt lửa gây hỏa hoạn về mặt thần học.

Gần đây có một vài kích động chung quanh sự đóng góp vào tập bốn trong Tác phẩm Toàn bộ của Đức Joseph Ratzinger vừa được xuất bản. Tác giả đã thay đổi một vài kết luận về vấn đề những người ly dị rồi tái hôn theo một nguyên tắc chặt chẽ hơn. Đức Bênêđictô XVI có muốn can sự vào vấn đề này trong cuộc thảo luận của Thượng Hội Đồng không?

Hoàn toàn không. Việc xem lại tài liệu của năm 1972 đã được làm xong và đã gởi đến nhà xuất bản từ lâu, trước lúc Thượng Hội Đồng họp. Cũng cần nhắc lại, mỗi tác giả có quyền sửa đổi lại những điều họ viết. Những người am hiểu đều biết Đức Bênêđictô XVI không bao giờ chia sẻ các kết luận của tài liệu này từ năm 1981, có nghĩa là đã trên 30 năm! Là Bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin, ngài đã giải thích rõ ràng trong các phản hồi khác nhau.

Thời điểm xuất bản ấn bản mới trùng với thời gian họp Thượng Hội Đồng, vậy thì có phải là có can thiệp…

Tập bốn trong Tác phẩm Toàn bộ trong đó có in tài liệu nói trên đáng lý xuất bản năm 2013. Nhưng vì nhiều lý do việc xuất bản bị chậm lại và chỉ đến năm 2014 mới được xuất bản. Thượng Hội Đồng về Gia đình lại xảy ra lúc này, đó là một chuyện hoàn toàn ngoài dự tính trong tiến trình xuất bản nhiều tập khác nhau.

Khi về hưu, Đức Bênêđictô XVI có nói ngài sẽ sống “ẩn kín với thế giới bên ngoài”. Tuy nhiên ngài vẫn còn xuất hiện trong một vài dịp. Tại sao?

Khi ngài xuất hiện trong những dịp lễ quan trọng của Giáo hội là do Đức Phanxicô đích thân mời ngài, như Công nghị tháng 2-2014, dịp phong thánh Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II tháng tư và dịp phong thánh Đức Phaolô VI tháng 10. Ngài cũng viết một tin nhắn cho lễ khai trương Hội trường Giáo hoàng học viện  Urbania ở Rôma, ngài được mời nhưng ngài không đến dự.

Trong một thông điệp mà cha đọc nhân danh ngài khi đó, ngài đã có những tuyên bố về mặt thần học rõ ràng. “Sự loại bỏ chân lý là sự chết của đức tin” ngài đã viết.

Thông điệp đó là một đóng góp lớn lao cho chủ đề “Chân lý và Sứ vụ”. Khi thông điệp đó được đọc lên trong hội trường chật ních, bầu khí thật thinh lặng, người ta có thể nghe tiếng muỗi bay. Về nội dung thì đó là một văn bản cổ điển về mặt thần học. Trước đó, Đức Phanxicô có nhận một bản tài liệu của Đức Bênêđictô XVI, ngài rất xúc động và đã cám ơn Đức Bênêđictô XVI.

Thỉnh thoảng Đức Bênêđictô XVI có nói về việc ngài về hưu không? Ngài có cảm thấy nhẹ lòng không?

Ngài bình tâm và xác quyết quyết định của ngài là đúng và cần thiết. Đó là một quyết định của lương tâm sau khi đã cầu nguyện, khi chỉ có một mình mình đứng trước mặt Chúa.

Cha đã đấu tranh lúc Đức Bênêđictô XVI quyết định từ nhiệm vào tháng 2 năm 2013. Bây giờ cha nhìn lại giai đoạn này như thế nào?

Đúng là quyết định này đã rất khó khăn đối với tôi. Về mặt riêng tư thì không phải dễ để chấp nhận. Tôi đã đấu tranh để đối diện với nó. Bây giờ cuộc đấu tranh này đã chấm dứt từ lâu.

Cha đã thề là trung thành với Đức Bênêđictô XVI đến chết. Có nghĩa là cha sẽ ở bên cạnh ngài và như thế là ở Vatican?

Ngày ngài được bầu chọn làm giáo hoàng, tôi đã hứa với ngài là tôi giúp ngài trong khi sống và đến khi chết. Đương nhiên lúc đó tôi không nghĩ đến chuyện về hưu. Nhưng lời hứa vẫn luôn luôn đúng và luôn luôn có giá trị.

Các giám mục cũng phải là các mục tử. Là tổng giám mục trong Giáo triều La Mã, cha có bao giờ có cảm tưởng  mình là mục tử nhưng không có đàn chiên không?

Có, thỉnh thoảng. Nhưng càng ngày tôi càng nhận các lời mời đi làm lễ thêm sức, làm các dịp lễ sinh nhật và các lễ khác. Mới đầu tôi còn ngần ngại và chỉ nhận một số ít lễ nhưng gần đây tôi đã thay đổi. Việc tiếp xúc trực tiếp với giáo hữu rất quan trọng. Vì thế tôi nhận lo mục vụ khi thì giờ cho phép. Đó là một điều tốt và cần thiết. Và đó cũng là liều thuốc tốt để chống lại một trong các bệnh mà Đức Phanxicô nêu ra: nguy cơ trở thành người của bàn giấy!

Nguyễn Tùng Lâm dịch