Phỏng vấn Đức hồng y Fernando Filoni

573

Filoni-Hanoi-Radio Vatican , 21-1-2015

Đức hồng y đã trả lời cuộc phỏng vấn của nữ ký giả Hélène Destombes.

Sau ngày thứ hai ở Hà Nội, ngày thứ ba, Đức hồng y Filoni thăm địa phận Hưng Hóa, tại đây ngài làm lễ rửa tội và thêm sức cho 200 giáo dân, họ là những người ở miền Núi. Một niềm vui lớn lao cho Bộ trưởng bộ Truyền giáo các Dân tộc, ngài được Đức ông Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam tháp tùng.

Trước đó, ngài cũng đã gặp các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân, ngài thán phục sức sống đạo của họ. Hồng y Filoni cũng đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 

Giáo hội Công giáo Việt Nam mà Đức hồng y gặp như thế nào?

Tôi có thể nói, tôi chứng kiến tận mắt sức sống của họ, lòng nhiệt thành phi thường của Giáo hội ở đây. Điều này đã làm cho tôi xúc động vô cùng, vì lòng trung tín với Giáo hội, vì tình yêu cho Chúa và tấm lòng lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ của họ. Hôm nay là một ngày rất tốt đẹp, tôi đã rửa tội cho hơn 200 giáo dân. Đó là những người ở miền Núi, họ được nhận phép Thêm sức và chịu Mình Thánh Chúa. Đối với giáo phận Hưng Hóa, đây là một ngày rất tốt đẹp cho tình yêu của Chúa và cho sức sống của Giáo hội.

Ngày thứ ba ở Hà Nội, hồng y đã có buổi nói chuyện với các linh mục cũng như Hội đồng Giám mục Việt Nam. Hồng y đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Vì lý do nào ngày nay Giáo hội Việt Nam cần một tài liệu tham khảo như vậy?

Tôi nhấn mạnh đến Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức giáo hoàng vì tài liệu này mang lại cảm hứng, cho chúng tôi một tầm nhìn cho những năm sắp đến. Nhất là cho các giám mục là những người có trách nhiệm hàng đầu trong việc rao giảng Phúc Âm ở đất nước này, nhưng cũng cho các linh mục nữa vì họ là những người ở gần các giám mục để phụ giúp trong việc rao giảng cũng như với các nữ tu, những người tận hiến trong lãnh vực tông đồ. Như thế, tất cả cùng nhau chọn theo tầm nhìn này của Đức Thánh Cha để việc rao giảng Phúc Âm trong đất nước này đến được với tất cả mọi người.

 

Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam đã gặp Đức giáo hoàng. Bây giờ thì hồng y đến gặp nhà cầm quyền Việt Nam. Hồng y được tiếp đón như thế nào và hồng y cho biết quan hệ hiện nay giữa Tòa Thánh và Chính quyền Việt Nam như thế nào?

Thứ nhất Thủ tướng Việt Nam đã nhắc đến cuộc gặp gỡ của ông với Đức giáo hoàng và ông cho biết, ông rất ấn tượng qua nhân cách dễ mến của Đức Thánh Cha và nhất là một tình thương của ngài đối với đất nước Việt Nam. Thứ nhì Thủ tướng nói với tôi là, “rất tốt, Giáo hội Việt Nam đã làm việc trong tinh thần hợp tác”, nhất là trung thực với dân tộc, với đất nước nhưng cùng một lúc trung thành với đức tin. Ông nói với tôi, ông yêu mến những chữ này: trung thực với dân tộc, với đất nước nhưng cùng một lúc trung thành với đức tin. “Chúng tôi nghĩ như đó là hai chân, ông nói với tôi, tín hữu dùng để hợp tác vào sự phát triển, vào cuộc sống và vào sự tiến bộ của đất nước”. Tôi nghĩ đây là một cuộc gặp gỡ tích cực làm thuận lợi hơn cho sự đồng thuận, giao hảo và nhất là sự tôn trọng giữa Tòa Thánh và dân tộc Việt Nam. Chúng tôi phải đi từ sự tôn trọng đến tình thương cho dân tộc Việt Nam và chúng tôi cam kết làm trong tinh thần này, tôi nghĩ trong tương lai sẽ mang lại rất nhiều hoa quả.

Tòa Thánh và Việt Nam không có quan hệ ngoại giao nhưng từ năm 2011, Tòa Thánh đã có một đại diện không thường trú tại Hà Nội, Đức ông Girelli. Cuộc viếng thăm của hồng y nằm trong khuôn khổ một sự xích lại gần của hai bên?

Đúng, chắc chắn như vậy. Nhất là chuyến viếng thăm của cấp cao với Đức Thánh Cha và trong dịp này, tôi nhận được sự cam kết của Thủ tướng ở Hà Nội. Họ cho tôi biết họ vui mừng và đánh giá cao các quan hệ của chúng tôi. Phải còn đi thêm nhiều bước nhưng chúng tôi hy vọng những bước này, dần dần, sẽ phát triển được sự phong phú của các quan hệ giữa Tòa Thánh và đất nước Việt Nam.

Hồng y cho biết Giáo hội Việt Nam có một sức sống mạnh, một Giáo hội thiểu số vì chỉ có 10% dân số Việt Nam theo đạo. Hồng y có nhận được các chứng tá? Làm sao người Công giáo ở đây có thể sống đức tin của mình trong những tình huống đôi khi khó khăn?

Tôi đã nghe nhà cầm quyền rất nễ phục người Công giáo và các đóng góp của họ cho xứ sở. Tôi hy vọng sự đóng góp mà chúng tôi có thể đem lại, cũng như của Giáo hội cho sự phát triển và cho các quan hệ với dân tộc Việt Nam, dần dần sẽ cho Việt Nam sự phong phú mà Giáo hội mang đến trong hòa bình, trong  đối thoại ngay chính trong lòng đất nước. Với khả năng của mình, chúng tôi hy vọng Giáo hội sẽ mang đến tất cả các ơn của gặp gỡ, của đối thoại, của tha thứ, của lòng thương xót để cùng nhau giữ hy vọng cho tương lai. Và tôi hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp. Ngày mai tôi sẽ đi Huế để viếng thăm Đền thờ Đức Mẹ La Vang và tôi sẽ mang đến đây ba bông hồng bạc: một cho việc rao giảng Phúc Âm ở Việt Nam, một cho rao giảng Phúc Âm ở Á châu và một cho hòa bình thế giới.

Nguyễn Tùng Lâm dịch