Vì sao giáo hoàng tông du?

367

Vì sao giáo hoàng tông du?

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2018-01-17

Sau các chuyến đi đầu tiên bằng xe lửa của Đức Piô và Gioan XXIII làm mọi người ngạc nhiên, Đức Phaolô VI là giáo hoàng đầu tiên dùng phương tiện hàng không để đi Đất Thánh năm 1964.

Hồi mới đầu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô năm 2013, những người thân cận ngài đều nói ngài sẽ không là giáo hoàng di chuyển nhiều. Gần năm năm sau, chuyến đi Chi-lê và Pêru là chuyến đi lần thứ 22 và ngài đã chạm đất 30 nước! Chuyện gì đã làm ngài thay đổi? Thật ra, như các vị tiền nhiệm của ngài, từ chuyến đi Đất Thánh của Đức Phaolô VI năm 1964, thì từ nay các chuyến đi quốc tế của giáo hoàng là một thực tế cần thiết để gieo hy vọng của hòa bình và hiệp nhất trên thế giới.

Đức Phaolô VI, nhà vô địch trên không

Sau chuyến đi Đất Thánh của Đức Phaolô VI 50 năm trước, Đức Phanxicô giải thích chuyến đi của mình và vòng ôm lịch sử với thượng phụ Athënagoras như sau: “Cách đây 50 năm, Đức Phaolô VI đã can đảm đến đây và từ đó khởi đầu thời đại của tông du. Tôi cũng vậy, tôi muốn đến đây để gặp người anh em Báctôlômêô, thượng phụ Constantinople, và để cùng ngài kỷ niệm năm mươi năm chuyến đi này”. Và thế là mở đầu đối thoại và mở đầu con đường giải hòa giữa hai lá phổi – đông và tây – của kitô giáo.

Sau chuyến đi này, các chuyến đi khác của Đức Phaolô VI ngắn hơn – chúng ta đừng quên máy bay thời đó… bay chậm hơn bây giờ -, các chuyến đi từ năm 1964 đến năm 1977 mang hình ảnh một “giáo hoàng hành hương” cho người kế nhiệm Thánh Phêrô. Ở Ấn Độ, Liên Hiệp Quốc, New York, Fatima Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Cô-lông-bi, Ouganda và còn xa hơn ở Úc, ở Oceani.. Tất cả đều có gót chân của những “cuộc gặp gỡ phong phú giữa Rôma và thế giới”. Giáo hội cho thấy mình lắng nghe các vấn đề của thế giới để rồi có thể hành động và vượt qua các khoảng cách to lớn để truyền sứ điệp đến cho thế giới. Chúng ta không còn ở thời xa xưa của những chuyến đi đầu tiên của giáo hoàng Clément VII đi Marseille năm 1533, Giáo hoàng Piô VI đi Fontainebleau năm 1804 để dự lễ tấn phong hoàng đế Napoléon Đệ nhất và việc tái hồi hòa bình tôn giáo ở Pháp.

Vatican II, một bước ngoặt…

Và rồi phải chờ đến kết quả của Công đồng Vatican II — công đồng thứ 21 của Giáo hội công giáo – đóng cửa gần ba năm để thảo luận. Đức Gioan-Phaolô II trong triều giáo hoàng dài 27 năm của ngài, ngài đã đi 129 nước, tổng cộng ba lần vòng quanh thế giới; Đức Bênêđictô XVI đi 24 chuyến trong 7 năm, các giáo hoàng đã đi để khẳng định đức tin của Giáo hội, để củng cố lương thức của một Giáo hội hoàn vũ, để phục vụ cho tất cả, đặc biệt là các vùng ngoại vi của thế giới.

Mỗi chương trình đi được chú ý để không một thành phần nào bị loại ra – gia đình, người nghèo, người bệnh, các tín hữu của mọi tôn giáo và không tôn giáo – để nâng cao các hành vi có tính biểu tượng và thường là nhắc lại các hành vi đầu tiên của Chúa Kitô. Các vấn đề của xã hội, công chính, tham nhũng, đạo đức suy đồi, sự trộn lẫn các văn hóa là các vấn đề càng ngày càng được đề cập đến một cách cởi mở.  Các phép lành cho đám đông nhiều gấp bội, vì như hồng y Ratzinger và là giáo hoàng tương lai Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh, một “đức tin vững mạnh không khép kín, nhưng mở ra”, và rốt cùng, những gì người dân nhớ trong ký ức của mình, đơn giản là “hình ảnh của một người đưa bàn tay ra”. 

Không có “máy bay giáo hoàng”

Và giáo hoàng không có “máy bay giáo hoàng” như Tổng thống Mỹ có đội bay Air Force one, giáo hoàng sẽ đi máy bay thường và sau chuyến đi, chiếc máy bay này trở về hoạt động như thường lệ. Thường thường, khi ra đi giáo hoàng dùng máy bay của hãng hàng không Ý và khi về thì dùng máy bay nước chủ nhà, khi bay trong nước thì dùng máy bay nội địa. Trong các chuyến đi của mình, Đức Phaolô VI đã dùng máy truyền thanh để gởi lời chào đến nguyên thủ Quốc gia mình đang bay trên không phận. Bây giờ việc này đã trở thành thông lệ và lời chào được gởi bằng điện tín. 

Khi các giáo hoàng đi xe lửa

Bây giờ không còn các chuyến đi bằng xe lửa như thời Đức Piô IX và Đức Gioan XXIII năm 1849 và năm 1959, và chỉ đi trong nước Ý. Các chuyến đi này hồi đó đã gây chú ý rất nhiều vì lần đầu tiên đức Piô IX đi xe lửa chạy bằng hơi nước để khánh thành đường hỏa xa đang phát triển thời đó. Và rồi chuyến đi của Đức Gioan XXIII ngày 4 tháng 10 năm 1962 cũng rất được chú ý, ngài đi từ Lorette đến Axixi chỉ vài ngày trước khi mở công đồng trên chiếc xe lửa của tổng thống Ý. Năm 1986 và năm 2002, Đức Gioan-Phaolô II cũng đi xe lửa đến Axixi để mừng lễ Đức Mẹ các Thiên thần, ngày thế giới liên tôn cầu nguyện cho hòa bình. Năm 2011, Đức Bênêđictô XVI cùng các phái đoàn các tôn giáo khác nhau trên thế giới cũng đi xe lửa đến Axixi để kỷ niệm 25 năm ngày đầu tiên của ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch