Vì sao các giáo hoàng tông du khi tuổi đã cao?

63

Vì sao các giáo hoàng tông du khi tuổi đã cao?

dw.com, Christoph Strack, 2024-08-28

Đầu tháng 9, Đức Phanxicô sẽ đi chuyến tông du Á châu và châu Đại Dương dài nhất của ngài. Giáo sư sử gia Jörg Ernesti giải thích vì sao tông du quan trọng như thế nào với các giáo hoàng.

Ở tuổi 87, ngày 2 tháng 9 Đức Phanxicô sẽ bắt đầu chuyến tông du dài nhất đến các nước Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore. Trong một phỏng vấn với trang Deutsche Welle, giáo sư Jörg Ernesti giải thích sự việc.

Từ 60 năm nay, kể từ thời Đức Phaolô VI (1963-1978), các giáo hoàng đi tông du rất nhiều. Điều này thay đổi gì trong sứ vụ của các giáo hoàng?

Giáo sư Jörg Ernesti:  Các giáo hoàng đã đi trong thời Cổ đại và Trung cổ. Năm 753, Giáo hoàng Stêphanô II vượt dãy Alpes để nhờ Pépin, cha của Charlemagne giúp chống lại người Lombard. Nhưng thường thường các giáo hoàng ở Rôma và hiếm khi ra ngoài. Trước Đức Phaolô VI, giáo hoàng cuối cùng rời nước Ý là Đức Piô VII (1742-1823), ngài đi ngoài ý muốn của ngài. Ngài bị vua Napoléon bắt cóc đến Pháp.

Tháng 12 năm 1963, Đức Phaolô VI tuyên bố ngài sẽ tông du, đó là một bất ngờ lớn cho Giáo hội hoàn vũ và cho các giám mục đang về Rôma để dự Công đồng Vatican II. Việc này có ba ý nghĩa: thứ nhất ngài muốn rời Vatican và đi ra ngoài; thứ hai ngài muốn đi máy bay; thứ ba ngài muốn sau Thánh Phêrô, ngài là Giáo hoàng đầu tiên đi Đất Thánh. Đức Gioan Phaolô II (1978-2005) đi rất nhiều. Ngày nay, tông du là một phần không thể thiếu trong chức vụ giáo hoàng và thật khó tưởng tượng chức vụ của các ngài không có tông du.

Chuyến tông du đầu tiên của Đức Phaolô VI trong kỷ nguyên hiện đại là năm 1964, ngài đi Giêrusalem. Ảnh: MP/Leemage/picture-alliance

Các nhà báo có mặt trên mỗi chuyến đi. Các chuyến đi cũng như các sự kiện truyền thông tốn bao nhiêu?

Ban đầu việc các nhà báo đi theo là vì Vatican không có sân bay hoặc hãng hàng không riêng. Các nhà báo đi cũng tài trợ cho các chuyến bay, nhưng các chuyến đi cũng là sự kiện truyền thông lớn, được bộ Ngoại giao Vatican lên kế hoạch và sắp xếp để có các phương tiện truyền thông tháp tùng, kể cả các chuyến đi nhỏ như chuyến đi Mông Cổ năm 2023, nơi chỉ có một số ít người công giáo sinh sống.

Đức Phanxicô họp báo trên chuyến bay từ Budapest về Rôma năm 2023. Ảnh: Johannes Neudecker/dpa/picture

Nhưng điều này cũng áp dụng cho những sự kiện lớn. Khi Đức Gioan-Phaolô II cử hành thánh lễ trước 4 triệu giáo dân ở Manila vào cuối Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 1995, đây là một trong những cuộc tụ họp đông đảo nhất và là sự kiện tôn giáo lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Một sự kiện được thiết kế riêng cho giới truyền thông.

Năm 1900 có khoảng 266 triệu giáo dân và năm 2024 có gần  1,4 tỷ giáo dân. Các chuyến đi có phải là biểu hiện của sự đa dạng hay đúng hơn là nỗ lực duy trì tính đồng nhất?

Trên thực tế, chúng ta có thể xem chuyến tông du của các giáo hoàng là dấu hiệu cho thấy Giáo hội Công giáo đang đa dạng hóa chính mình như một giáo hội hoàn vũ. Mặt khác vào thời của Đức Gioan Phaolô II, ngài biết rõ ngài muốn gì cho Giáo hội, ngài luôn có một thông điệp cho thấy ngài có cách tổ chức riêng của ngài, còn Đức Phanxicô thì hoàn toàn không thể đoán trước được.

Có quy định nào cho các chuyến đi của giáo hoàng không? 

Đức Phaolô VI, giáo hoàng đầu tiên tông du đã nói điều này. Ngài tiếp cận vấn đề một cách sâu đậm và phát triển một khái niệm thế nào là tông du. Theo đó, tông du phải có gặp gỡ với nhà cầm quyền, với giới trẻ, với các đại diện của do thái giáo và các tôn giáo khác.

Ngài đặt một mục tiêu. Ngài không muốn Giáo hội địa phương xem giáo hoàng là đại diện của Thánh Phêrô, như thế sẽ mang tính tập trung. Ngài muốn giáo hoàng hiện diện trong các giáo hội địa phương, việc đánh giá cao Giáo hội địa phương phù hợp với suy nghĩ của Công đồng Vatican II (1962-65).

Sau đó Đức Gioan-Phaolô II bị cho là theo chủ nghĩa tân tập trung. Theo tôi, các chuyến đi của ngài mang ý nghĩa tân tập trung, theo nghĩa phụ thuộc vào Rôma và đánh giá cao Rôma hơn Giáo hội địa phương. Ngài muốn duy trì quyền tối thượng chức vụ giáo hoàng ngay cả ở những vùng xa xôi nhất thế giới.

Tôi khó quên hình ảnh chụp chuyến đi Nicaragua của ngài năm 1983. Thần học gia nổi tiếng quốc tế Ernesto Cardenal, người bị Đức Gioan-Phaolô II cách chức khỏi mọi chức vụ trong Giáo hội vì dính líu đến phe Sandinistas cánh tả, đã quỳ gối trước ngài. Ngài đứng với vẻ mặt nghiêm nghị và giơ ngón trỏ lên, thể hiện sự phục tùng Rôma.

Còn Đức Phanxicô tạo một cảm giác vỡ mộng ở Đức và Trung Âu: Ngài đi khắp nơi, nhưng không đến với họ.

Sử gia Jörg Ernesti tại Đại học Augsburg. Hình ảnh: Nicolal Kaestner

Các giáo hoàng trước đây rất quan tâm đến việc đi thăm các nơi trên thế giới và các quốc gia công giáo lớn trong các chuyến đi. Nhưng Đức Phanxicô thì không vậy, ngài muốn đến các vùng ngoại vi. Khi rời Vatican lần đầu năm 2013, ngài đến trại tị nạn trên đảo Lampedusa ở Địa Trung Hải. Ngài khuyên các linh mục đi ra vùng ngoại vi và ngài đến các vùng ngoại vi trong các chuyến đi của ngài. Ngài nhấn mạnh đến việc đi đến các quốc gia hồi giáo, nơi chỉ có một số ít người theo thiên chúa giáo. Đối thoại liên tôn của ngài tiếp nối truyền thống của Đức Gioan-Phaolô II, ngài muốn quy tụ tất cả các tôn giáo trên thế giới lại với nhau để đối thoại. Ngài tập trung vào mối quan hệ kitô giáo-hồi giáo, ngài đến các nước hồi giáo vì ngài thấy mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình thế giới nằm ở các cuộc xung đột giữa kitô giáo và hồi giáo, và đó cũng là cơ hội lớn nhất để ngài đóng góp cho hòa bình thế giới.

Gần đây ngài phải ngồi xe lăn trong các chuyến đi, ngài đã 87 tuổi và đi vòng quanh thế giới với nhiều hạn chế. Đây có phải là điều ngài muốn nói với một thế giới chỉ có tuổi trẻ mới được đề cao không?

Chúng ta có thể thấy điều này về mặt thiêng liêng, rằng giai đoạn cuối đời cũng có giá trị và chúng ta có thể đóng góp cho xã hội trong giai đoạn này. Nhưng theo tôi vấn đề tuổi tác của các giáo hoàng vẫn chưa phản ánh đúng trong Giáo hội, có nghĩa mọi thứ đều có giới hạn của nó. Hiện nay chương trình tông du của giáo hoàng đã bị rút ngắn đáng kể và sự hiện diện của giới truyền thông bị hạn chế. Điều vẫn còn ấn tượng với tôi, đó là Đức Bênêđíctô XVI (2005-2013) đã biện minh cho việc từ chức của ngài khi ngài nói ngài không thể đi xa. Sau này chúng ta được biết trong chuyến đi Cuba năm 2012, ngài đã bị  té nặng ban đêm.

Và chúng ta có thể thấy nơi Đức Phaolô VI vấn đề này. Năm 1970 khi ngài 73 tuổi, ngài có chuyến đi quan trọng đến Ba Tư, Pakistan, Úc, Indonesia, Hồng Kông. Quá sức chịu đựng, ngài yếu đi nhiều với khí hậu ẩm ướt vùng Đông Á. Sau đó, ngài nhận ra giới hạn của người lớn tuổi vừa khỏi bệnh ung thư. Từ đó ngài không rời Ý cho đến khi ngài qua đời năm 1978. Tầm cao cả không chỉ biểu tượng qua các chuyến đi, chúng ta còn phải tính đến giới hạn chịu đựng thể chất, đến tuổi tác của các giáo hoàng.

Giáo sư Jörg Ernesti, linh mục công giáo 57 tuổi, sử gia giáo hội. Linh mục dạy lịch sử hội thánh thời trung cổ và hiện đại tại Đại học Augsburg. Từ năm 2010, nghiên cứu chính của linh mục là lịch sử giáo hoàng hiện đại. Linh mục là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Châu Âu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch