Bất chấp nhiều chông gai trên đường, Đức Cha Phanxicô vẫn tiếp tục tiến bước
international.la-croix.com, Robert Mickens, 2024-02-25
Trong vài ngày qua, bệnh cúm đang hoành hành trên khắp thành phố Rôma, và quý vị đoán xem ai đang bị? Đức Phanxicô. Ngày thứ bảy 24 tháng 2, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Phanxicô phải hủy buổi tiếp kiến với các phó tế giáo phận Rôma vị bị cúm nhẹ.
Chúng ta không biết Đức Phanxicô thực sự bị cảm cúm lúc nào vì tuần qua, ngài và các giám chức Giáo triều vắng mặt để đi tĩnh tâm Mùa Chay. Có vẻ như ngài đi “linh thao” ở Nhà Thánh Marta.
Bệnh cúm chỉ là bệnh gần đây nhất trong chuỗi bệnh lý và sức khỏe ngài thường bị. Nhưng ngài thích nói với người khác: “Tiến lên hoặc tiếp tục!” (Vai avanti!) để khuyến khích mọi người đừng từ bỏ sứ mệnh của mình, đặc biệt là khi họ gặp nghịch cảnh và chống đối. Và rõ ràng, đây là cụm từ ngài cố gắng sống cho ngài.
Trong vài tuần nữa, Đức Phanxicô sẽ kỷ niệm 11 năm ngài làm giáo hoàng, 13 tháng 3 năm 2013, đưa Giáo hội vào một hành trình quyết tâm hướng tới sự đổi mới và cải cách. Và dù hành trình của ngài gặp không ít va chạm trong suốt chặng đường, nhưng gần đây hành trình này còn bị nhiều vấp váp, thậm chí còn có một vài ổ gà. Trước những thách thức khác nhau ngài phải đối diện, ngài sẽ còn đứng vững được bao lâu?
Không còn chạy với bình xăng còn đầy
Người ta không thể phủ nhận, sức khỏe suy giảm và tuổi già đã làm cho ngài suy yếu rõ rệt, chắc chắn về mặt thể chất. Ngài không còn sức chịu đựng và nghị lực như khi đến Rôma với tư cách là một giáo hoàng từ xa đến cách đây mười năm. Nhưng dù đôi chân của ngài không còn vững như trước, nhưng thực tế, như ngài thường nhắc nhở mọi người – ngài dùng cái đầu để điều hành Vatican và cai trị Giáo hội hoàn vũ.
Và dường như ngài đang sử dụng những gì ngài có trong đầu với quyết tâm lớn hơn bao giờ hết. Điều này có lẽ do ngài thấy rõ, thời gian không còn chờ ngài. Ở giai đoạn này trong cuộc đời thọ của ngài, bình xăng của ngài chỉ còn một nửa. Tác giả Thánh vịnh đã nói: “Tuổi thọ của chúng ta là bảy mươi. Tám mươi đối với những người mạnh mẽ.” Đức Phanxicô đã vượt xa tiêu chuẩn này nhiều năm và ngài ý thức cấp bách phải tiến về phía trước. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là sức khỏe của ngài, còn hơn cả tuổi tác. Không chỉ sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tinh thần, tâm lý và thiêng liêng nữa.
Những người bạn đồng hành khó khăn
Những trở ngại khác của hành trình cải cách của ngài có thể thấy trong số những người bạn đồng hành của ngài. Giữa đoàn lữ hành đông đảo gồm các đồng hữu công giáo, còn có những người thực sự họ không thích đến nơi ngài sẽ đưa đến. Một số lo sợ về lộ trình ngài đưa ra. Một số thờ ơ. Đáng sợ hơn là những người phản đối chính cuộc hành trình. Tất cả những người này đều giống như người do thái theo Môsê vào sa mạc: họ muốn hãm phanh và quay lại. Chuyện này thực sự đã xảy ra cách đây không lâu, sau Công đồng Vatican II (1962-65). Sau khi Đức Phaolô VI qua đời năm 1978, ngài đã đấu tranh để cân bằng động lực cải cách-đổi mới của Công đồng với những người muốn quay trở lại hoặc tiến xa hơn nữa, các hồng y đã bầu chọn Karol Wojtyla (Đức Gioan-Phaolô II) sau triều giáo hoàng ngắn ngủi của Albino Luciani (Đức Gioan-Phaolô I). Giáo hoàng Ba Lan không ngừng cuộc hành trình hậu Vatican II được thực hiện cho đến thời điểm đó, ngài sang số và định tuyến lại theo một hướng khác. Dù sao thì hành trình này đã bị gián đoạn.
Ngày nay có những thế lực đe dọa làm điều tương tự. Họ là các hồng y, giám mục và các giáo sĩ khác. Trong số họ có người châu Phi, người kỳ thị đồng tính, những người công giáo có đầu óc bè phái, hẹp hòi, người áp dụng Kinh thánh theo nghĩa đen, “người theo chủ nghĩa giáo lý” không lay chuyển và những người khác, như những người bác bỏ Fiducia supplicans, và chính những nguyên tắc trên đó dựa vào – có nghĩa tất cả chúng ta đều là người có tội; không ai xứng đáng; và tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ dành cho những người tuân thủ, mà còn dành cho mọi người và mọi sinh vật trên trái đất. Đức Phanxicô phải đối diện với những rào cản từ cái gọi là “những người công giáo trung thành”, “những người theo chủ nghĩa truyền thống” và “những người theo chủ nghĩa cực kỳ truyền thống”, hầu hết họ đều cho thấy sự hiểu biết hời hợt của họ về lịch sử và Truyền thống hai ngàn năm của Giáo hội.
Cũng có những người công giáo ở phía bên kia đường muốn Đức Phanxicô nhấn ga để đẩy nhanh tốc độ thay đổi và cải cách Giáo hội. Các giám mục ở Đức và Bỉ rất cởi mở về việc này. Nhưng họ hầu như không đơn độc. Họ đã đưa ra tiếng nói có thẩm quyền và công khai với nguyện vọng của hầu hết giáo dân công giáo trên thế giới, nếu chúng ta tin vào các cuộc khảo sát – bao gồm cả các cuộc tham vấn Thượng Hội đồng với Dân Chúa.
Điều này làm cho người đang điều khiển tay lái có phần khó chịu. Ít nhất đa số những người ngồi trên xe cảm thấy mình bị áp lực. Nhưng Đức Phanxicô dường như không quá bận tâm về việc này. Trên thực tế, có vẻ như ngài còn thích thú với chuyện này.
Kẹt xe và tình trạng nguy hiểm
Triều giáo hoàng hiện nay đang ở trong một thế giới, như đã đề cập trước đó, dường như đã trở nên hơi điên rồ. Tình hình chính trị ở nhiều quốc gia, nếu không nói là hầu hết, nằm ở ranh giới của bất ổn và xáo trộn dân sự. Các quốc gia bị chia rẽ nội bộ giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan (thường theo chủ nghĩa biệt lập) và những người theo chủ nghĩa phổ quát (ủng hộ sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu). Sau đó là sự chia rẽ và đối kháng ngày càng sâu sắc giữa các chủng tộc và tôn giáo, cũng như giới tính ở một số nơi. Tất nhiên, chưa kể đến “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”, như Đức Phanxicô thường nói.
Trong bối cảnh toàn cầu không mấy dễ chịu này, Đức Phanxicô đã cố gắng dùng quyền lực và uy tín của Tòa Thánh để giúp ngăn chặn tình trạng ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát. Gần đây Giáo hội đánh dấu kỷ niệm 5 năm văn kiện lịch sử mà ngài và một trong những nhân vật Hồi giáo hàng đầu thế giới đã ký để thúc đẩy sự chung sống hòa bình, tình bạn và tình huynh đệ giữa những người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và không có tín ngưỡng nào.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm hai năm ngày Nga xâm lược Ukraine, nơi chiến tranh vẫn tiếp tục hoành hành, phá hủy cơ sở hạ tầng, nhà cửa của người dân và các tòa nhà lịch sử; gây ra những thiệt hại không thể kể xiết cho môi trường; lãng phí hàng tỷ đô la vào vũ khí; giết chết một số lượng khủng khiếp thường dân vô tội. Kinh hoàng hơn nữa là tình hình hiện tại ở Đất Thánh, nơi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như quyết tâm loại bỏ bằng mọi cách người Palestine cuối cùng sống ở Dải Gaza.
Trong khả năng của ngài, Đức Phanxicô đã làm tất cả để đóng một vai trò (nếu thực sự không có vai trò nào dành cho ngài) để đưa các bên tham chiến trong những xung đột này và trong tất cả các cuộc xung đột trên khắp thế giới đến một giải pháp hòa bình. Ngài là tiếng kêu trong sa mạc.
Những điểm mù
Giáo hoàng Dòng Tên không phải lúc nào ngài cũng có lý. Có lẽ đó là do quá trình giáo dục, văn hóa hoặc thời đại của ngài, hoặc có thể đó là sự thiếu tầm nhìn hoặc (có thể) thiếu hiểu biết. Dù lý do là gì thì cũng có một số vấn đề ngài chưa xử lý tốt. Và điều này cũng đã tạo ra những trở ngại cho những nỗ lực của ngài trong việc cải cách Giáo hội. Đặc biệt, hai trong số đó đã làm thất vọng, tức giận và thậm chí làm một số người công giáo xa lánh – việc giáo sĩ lạm dụng tình dục (đối với trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương) và vai trò của phụ nữ trong mục vụ và quản trị của Giáo hội.
Gần đây Giáo hội đánh dấu 5 năm hội nghị thượng đỉnh tại Vatican do Đức Phanxicô triệu tập năm 2019 để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Hội nghị này được ca ngợi là mang tính lịch sử và những lời hứa lớn lao cũng như những cam kết cụ thể đã được đưa ra. Các tài liệu và thủ tục mới được đưa ra ngay sau đó. Nhưng năm năm sau? Chỉ có các giám mục và giám chức Vatican dường như hài lòng với những gì đã xảy ra kể từ đó. Các giám chức cao cấp tự điều chỉnh lẫn nhau thì tự đủ và tự mãn. Thật không may, giáo hoàng cũng phải chịu trách nhiệm về việc này hơn ai hết. Ngài đã cho thấy rằng ngài sẵn sàng sử dụng quyền lực và quyền lực của chế độ quân chủ (không may) nằm trong tay Giáo hoàng La Mã trong các vấn đề khác. Ngài đã không làm như vậy ở đây. Trường hợp của cựu tu sĩ Dòng Tên Marko Rupnik là một ví dụ đáng kinh ngạc.
Liên quan đến các vấn đề phụ nữ, dù trong Giáo hội hay xã hội nói chung, Đức Phanxicô dường như bị mắc kẹt trong mô hình văn hóa đang xuống dốc (ít nhất là ở các nước phát triển) gắn liền với xã hội phụ hệ. Điều đó không có nghĩa ngài là người theo chủ nghĩa sô-vanh nam giới, chắc chắn ngài không phải là người ghét phụ nữ. Ngài là người hết sức khen ngợi phụ nữ và sự đóng góp vô giá họ đã thực hiện và cần phải cống hiến nhiều hơn nữa cho Giáo hội và thế giới nói chung. Nhưng ngài thường quá hạ cố. Với một giáo hoàng đang dẫn dắt cuộc nói chuyện về rất nhiều vấn đề khác, ngài không thể tiến thêm bước nào về vấn đề này.
Còn bao lâu nữa chúng ta sẽ tới đích cuối cùng?
Chẳng bao lâu nữa Đức Phanxicô sẽ bắt đầu năm thứ 12 triều của ngài. Điểm nổi bật được mong đợi trong năm (một số người sợ hãi) sẽ là vào tháng 10 sắp tới của phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Giữa ngày kỷ niệm cuộc bầu chọn giáo hoàng và hội nghị sắp tới của Thượng hội đồng, ngài phải đi một số chuyến tông du bên ngoài Rôma – hai chuyến đi trong nước Ý và một số ra nước ngoài. Ngài dự kiến sẽ đến thăm nước Bỉ ở một thời điểm nào đó sớm hơn. Sau đó cuối tháng 8, ngài sẽ có chuyến đi đầy tham vọng nhất trong triều của ngài – chuyến đi 10 ngày đến Indonesia, Papua Tân Ghinê, Singapore và Timor Leste.
Ngoài ra còn có một số bổ nhiệm quan trọng mà ngài sẽ phải thực hiện trong năm thứ 12 triều giáo hoàng. Chẳng hạn, hồng y Sean O’Malley, một trong những cố vấn chính của ngài sẽ tròn 80 tuổi vào cuối tháng 6. Ngài sẽ phải chọn một tân hồng y để làm tổng giám mục giáo phận Boston. Có những giáo phận quan trọng khác trên khắp thế giới đang cần một người lãnh đạo mới và sẽ còn nhiều hơn nữa trong vài tháng tới.
Và có lẽ Đức Phanxicô sẽ mở một công nghị khác để phong hồng y? Hay ban hành thêm tự sắc “moto proprio” để củng cố những cải cách mà ngài cảm thấy cần thiết cho Giáo hội? Chúng ta chuẩn bị tinh thần cho những khả thể này.
Phải nói triều của ngài không được thuận tiện cho lắm. Giáo hội và thế giới xung quanh đang phải đối diện với vô số cuộc khủng hoảng khi ngài được bầu và kể từ đó thế giới đã liên tục rơi vào nhiều cuộc khủng hoảng khác. Người ta có thể suy đoán, một triều giáo hoàng như vậy, mọi thứ đều ngang nhau sẽ như thế nào nếu nó bắt đầu ngay sau Công đồng Vatican II. Nhưng chắc chắn đó là một sự lãng phí thời gian.
Như chúng tôi đã lưu ý ở đây vài năm trước, một giáo hoàng tốt đôi khi đến sai thời điểm. Đó là điều mà hồng y-thư ký của giáo hoàng Adrian VI tin tưởng về giáo hoàng người Hà Lan này, người đã trị vì không hiệu quả chỉ trong một năm rưỡi, trong thời kỳ đầu đầy biến động ở thế kỷ 16.
Adrian, vị giáo hoàng cuối cùng không phải người Ý trước khi Đức Gioan Phaolô II được bầu chọn, được an táng trong một tang lễ công phu tại nhà thờ quốc gia Đức ở Rôma, Santa Maria dell’Anima. Và thư ký của ngài đã ghi những dòng chữ này trên bia: “Than ôi, điều quan trọng là vào thời điểm nào, ngay cả những người giỏi nhất cũng rơi xuống!” (Proh dolor, quantum refert in quae tempora vel optimi cuiusque virtus incidat.”!).
Một vị hồng y khác, hoặc chính lịch sử, một ngày nào đó có thể nói điều tương tự với Đức Phanxicô. Nhưng hiện tại, ngài dường như quyết tâm đảm bảo ngày đó sẽ không bao giờ đến.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch