Tưởng niệm Richard “Rick” Gaillardetz
Ronald Rolheiser, 2023-11-27
Không cộng đồng nào phải làm hỏng các tang lễ của mình. Triết gia, sử gia Mircea Eliade (1907-1986) đã nói như thế. Hàm ý của ông là sự thật, những gì chúng ta không dâng mừng thì chúng ta sẽ sớm không còn trân trọng.
Với tâm thức đó, tôi muốn nêu bật, chúng ta, cả cộng đồng tôn giáo lẫn thế tục cần phải tôn vinh và trân trọng khi khóc thương cho Richard Gaillardetz vừa mới qua đời (1958-2023).
Richard, hay thường được gọi là “Rick”, là người chồng, người cha, người bạn, và (theo hầu hết mọi mặt) là nhà giáo hội học trong thế giới nói tiếng Anh. Ông dạy ở Đại học Boston, nhưng đi giảng gần như mọi nơi, cả với tư cách giáo sư giảng dạy và diễn giả nổi tiếng. Vượt ngoài tầm vóc hàn lâm, ông còn có lòng nhân đạo, vững vàng tỉnh táo, trí tuệ sắc sảo cùng sự nồng hậu tự nhiên, sự thân thiện và hài hước làm cho ông rất dễ gần và luôn có người ở gần. Ông đem lại bầu khí điềm đạm và yên bình cho mọi người.
Để nêu bật những cống hiến của ông, chúng ta cần nói về mặt nào đây? Chúng ta không nên làm hỏng những gì khi thương tiếc cái chết của ông? Chúng ta phải tôn vinh những gì để tiếp tục trân trọng?
Có nhiều điều cần phải nêu bật, tất cả đều mang tính tích cực, nhưng tôi muốn tập trung vào bốn món quà phi thường mà ông đem lại cho chúng ta.
Trước hết, ông là một thần học gia đã tích cực hoạt động để nối liền khoảng cách giữa giới hàn lâm và giới bình dân. Rick là nhà hàn lâm rất được trọng vọng. Tầm học thuật của ông thì không thể bàn cãi. Nhưng ông lại rất được ưu ái trong tư cách diễn giả đại chúng về tâm linh và chưa hề hy sinh tính học thuật để đổi lấy tầm đại chúng. Sự kết hợp này được cả giới hàn lâm và giới bình dân thông hiểu cũng như tôn trọng, đây là điều hiếm có (khi mà khó để đơn giản nhưng không tối giản) và cũng là một nguy cơ lớn (khi mà tư cách diễn giả đại chúng thường làm cho đồng nghiệp hàn lâm nghi ngờ). Rick đã nhận lấy nguy cơ đó vì ông muốn nền học thuật của mình phục vụ cho toàn thể cộng đồng, chứ không phải chỉ cho những người đủ may mắn để ngồi trong trường lớp đại học.
Thứ hai, ông là nhà giáo hội học đã dùng tính hàn lâm của mình để hiệp nhất thay vì chia rẽ. Giáo hội học là nghiên cứu về giáo hội, nhưng chủ nghĩa giáo phái vẫn đang chia rẽ các tín hữu kitô của chúng ta. Sự chia rẽ giữa chúng ta chủ yếu là về mặt giáo hội. Trong hầu hết mọi chuyện khác, chúng ta đều chung lòng với nhau. Chúng ta cùng chung Chúa Giêsu, chung Kinh Thánh, chung Phép Thánh Thể (trong nhiều thể thức khác nhau), chung một đấu tranh để trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu, và chung nhiều đấu tranh về nhân bản, xã hội và luân lý. Linh đạo hiệp nhất chúng ta, nhưng tính giáo hội vẫn chia rẽ. Công trình của Rick trong ngành giáo hội học là hơi thở tươi mát giúp chúng ta vượt lên nhiều thế kỷ chia rẽ. Ông yêu mến phái công giáo la-mã của ông, nhưng ông hoàn toàn trân trọng các giáo phái khác. Bí quyết của ông là gì? Ông không chỉ để tâm vào thần học của Giáo hội, mà ông còn để tâm vào linh đạo của Giáo hội.
Thứ ba, ông là một người yêu mến Giáo hội, dù trong tình yêu này ông có thể phê phán Giáo hội một cách lành mạnh khi đáng bị chỉ trích. Tôi đã dự buổi diễn thuyết cuối cùng của ông tháng 9 năm ngoái, ông mở đầu bằng những lời này: Tôi là một người công giáo do cha mẹ sinh ra, rồi do lựa chọn và bây giờ là do tình yêu. Ông tiếp tục chia sẻ về việc Giáo hội công giáo là tình yêu lớn nhất trong đời ông, và cách Giáo hội đã cho ông nhiều lần vỡ mộng và đau đớn. Ông thách thức chúng ta yêu thương Giáo hội và đồng thời phê phán Giáo hội. Điều này cho thấy một tâm hồn cao cả và một trí tuệ phi thường. Có người có thể yêu Giáo hội mà không hề thấy lỗi lầm gì của Giáo hội, và cũng có người có thể thấy lỗi lầm của Giáo hội mà chẳng bao giờ yêu Giáo hội. Rick thì có thể làm cả hai.
Cuối cùng, ông là người đối diện cái chết với đức tin, dũng khí và tôn nghiêm, xứng đáng là gương mẫu cho chúng ta. Cách đây 18 tháng, Rick bị chẩn đoán mắc ung thư tụy giai đoạn cuối. Ông biết nếu không có phép lạ thì ông sẽ không sống qua nổi hai năm. Bất chấp bao đau khổ và đấu tranh nội tâm để cố chấp nhận chuyện này, suốt 18 tháng qua, mọi lời ông nói, mọi việc ông làm, và mọi bài diễn thuyết đều thể hiện một đức tin, đức cậy, đức dũng và lòng quan tâm đến người khác. Ông viết nhật ký trong thời gian này và những trang nhật ký đó sẽ sớm được đăng, đóng góp vào món quà lớn cuối cùng mà Rick đem lại cho Giáo hội và thế giới.
Tôi muốn kết thúc bài tưởng niệm ông với giai thoại mà tôi nghĩ ông sẽ hài lòng, xem nó như một nét vui tươi cho bài điếu văn. Vài năm trước, tôi đi nghe Rick diễn thuyết ở một đại học gần nhà. Người giới thiệu ông là thần học gia nổi tiếng Bernard J. Lee của Tu hội Nữ tử Đức Maria. Sau khi nêu lên những thành tựu hàn lâm của Rick, Lee quay qua hỏi ông: “Richard, làm thế nào ông đọc nổi cái họ Gaillardetz của ông vậy?”
Dù cái họ của ông phải đọc thế nào, hay viết thế nào, thì Richard Gaillardetz chắc chắn là một kho báu thần học mà chúng ta đã mất đi quá sớm.
J.B. Thái Hòa dịch