Phỏng vấn Đức Phanxicô nhân kết thúc năm 2023

102

Phỏng vấn Đức Phanxicô nhân kết thúc năm 2023

fr.zenit.org, Ban biên tập, 2023-11-14

Bà Bernarda Llorente phỏng vấn Đức Cha Phanxicô © Vatican Media

Hai tháng trước khi kết thúc năm 2023, Đức Phanxicô kết thúc năm bằng cuộc phỏng vấn mới với hãng tin Yesla của Nhà nước Argentina, Ngài nói về những chuyến tông du tiếp theo, những cuộc khủng hoảng và tình hình Giáo hội.

Xin cha cho biết về những chuyến tông du quan trọng cha cần hoàn thành trong triều của cha.

Đức Phanxicô. Trước hết là Argentina, tôi muốn về thăm quê hương. Còn những chuyến đi xa nhất, tôi vẫn còn Papua New Guinea. Vì tôi sắp đi Argentina nên có người khuyên tôi nên dừng ở Rio Gallegos, sau đó đi Nam Cực, đến Melbourne và thăm Tân Tây Lan và Australia. Sẽ hơi lâu một chút…

Cha nghĩ gì về những cuộc khủng hoảng hiện nay và chủ nghĩa giải phóng kiểu thiên sai, về các phong trào cực hữu, những khủng hoảng này là nhất thời hay sẽ kéo dài? Chúng ta có thể làm gì để tránh?

Tôi thích từ khủng hoảng vì sẽ có chuyển hóa trong nội bộ.  Nhưng chúng ta thoát ra khỏi khủng hoảng bằng cách đi lên, chúng ta không thoát ra bằng những mánh khóe. Chúng ta thoát ra từ trên cao và không thoát ra một mình. Những ai muốn thoát ra một mình, họ biến lối thoát của họ thành mê cung vòng vòng. Cuộc khủng hoảng là một mê cung. Hơn nữa, khủng hoảng làm chúng ta trưởng thành: khi một người, một gia đình, một đất nước hay một nền văn minh gặp khủng hoảng, nếu họ vượt qua tốt thì họ sẽ trưởng thành.

Tôi lo khi các vấn đề bị kẹt và không thể giải quyết được. Một trong những điều chúng ta cần dạy cho các em bé là làm sao xử lý được khủng hoảng. Làm sao giải quyết được khủng hoảng? Vì nó làm cho chúng ta trưởng thành. Chúng ta đã từng là người trẻ và thiếu kinh nghiệm, đôi khi các thanh thiếu niên bây giờ bám vào phép lạ, vào giải phóng kiểu thiên sai, vào ý tưởng rằng mọi việc có thể được giải quyết theo cách của người thiên sai. Đấng Thiên sai là người duy nhất đã cứu tất cả chúng ta. Những người khác chỉ là những chú hề thiên sai. Không ai trong số họ có thể hứa hẹn giải quyết xung đột, họ chỉ làm khủng hoảng leo thang. Và không chỉ thế. Chúng ta hãy nhìn về bất cứ cuộc khủng hoảng chính trị nào, ở một đất nước không biết phải quyết định điều gì, ở châu Âu có một số… Chúng ta phải làm gì? Có phải chúng ta đang tìm kiếm một thiên sai bên ngoài đến cứu chúng ta không? Không. Chúng ta phải đi tìm xung đột xuất phát từ đâu, nắm bắt và giải quyết nó. Quản lý xung đột có nghĩa là thể hiện sự khôn ngoan. Nhưng không có xung đột thì không có con đường phía trước.

Cha sẽ có hai thông điệp về trí tuệ nhân tạo, mở rộng huấn quyền trong lãnh vực này, thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2024 và thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới 2024. Sự phát triển công nghệ tăng nhanh, trong đó có trí tuệ nhân tạo, cha nghĩ làm thế nào để nó được quản lý ở góc độ nhân văn hơn?

Tôi thích chữ “tăng nhanh”. Khi một cái gì đó được tăng tốc, tôi lo vì nó không có thời gian đủ để ổn định. Từ cuộc cách mạng công nghiệp trong những năm 1950, chúng ta thấy sự phát triển không tăng nhanh, chúng có các cơ chế kiểm soát và hỗ trợ. Khi những thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt, cơ chế đồng hóa không có thời gian tiến hành và cuối cùng chúng ta trở thành “nô lệ”. Việc trở thành nô lệ cho một người hoặc một công việc cũng nguy hiểm cho văn hóa.

Đường hướng chỉ đạo của tiến bộ văn hóa, kể cả trí tuệ nhân tạo, là khả năng của mọi người trong việc quản lý, tiếp thu và kiểm soát nó. Nói cách khác, mọi người, nam cũng như nữ đều là chủ nhân của sáng tạo và chúng ta không được đi chệch khỏi điều đó. Tính ưu việt của cá nhân là trên hết! Những thay đổi khoa học nghiêm túc là những tiến bộ. Chúng ta phải sẵn sàng làm điều này.

Về lãnh vực chính trị, xin cha giải thích khái niệm “an ninh toàn diện” do cha đưa ra là gì?

Chúng ta không thể có được an ninh từng phần cho một quốc gia nếu không có an ninh toàn diện cho mọi người. Chúng ta không thể nói về an sinh xã hội nếu không có an ninh phổ quát hoặc đang trong quá trình trở thành như vậy. Tôi nghĩ đối thoại không chỉ mang tính quốc gia mà còn mang tính phổ quát, đặc biệt ngày nay với tất cả các phương tiện liên lạc. Đó là lý do vì sao tôi nói về một đối thoại phổ quát, hòa hợp phổ quát, gặp gỡ phổ quát. Và tất nhiên, kẻ thù của tất cả những điều này là chiến tranh. Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc cho đến ngày nay, khắp nơi đều có chiến tranh. Đây chính là điều làm cho tôi phải nói, chúng ta đang trải qua cuộc chiến tranh thế giới từng phần. Ngày nay chúng ta nhận ra điều này vì cuộc chiến tranh thế giới này đang đến.

Về tình hình của Giáo hội, chúng ta cần loại Giáo hội nào trong thời buổi này?

Ngay từ đầu Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã có một nhận thức rất rõ ràng: Giáo hội phải thay đổi. Đức Phaolô VI đồng ý và tiếp tục, các giáo hoàng tiếp theo cũng vậy. Đó không chỉ là một thay đổi về phong cách, mà còn là một tiến bộ hướng tới phẩm giá con người. Và có một tiến hóa thần học, thần học luân lý và mọi khoa học giáo hội, kể cả việc giải thích Kinh thánh, đã phát triển theo ý nghĩa của Giáo hội. Luôn hòa hợp. Các cắt đứr là không tốt. Hoặc chúng ta tiến bộ bằng cách phát triển, hoặc chúng ta sẽ kết thúc một cách không tốt. Những cuộc cắt đứt làm chúng ta mất đi tiến bộ. Tôi thích dùng hình ảnh cây và rễ của nó. Rễ lấy hết độ ẩm từ đất và kéo lên cao qua thân cây. Khi chúng ta cắt đứt với rễ, chúng ta thấy mình khô khan và không có truyền thống. Truyền thống theo nghĩa tốt của từ này. Tất cả chúng ta đều có một truyền thống, một gia đình, tất cả chúng ta sinh ra đều có văn hóa của một đất nước, văn hóa của một chính trị. Tất cả chúng ta đều có một truyền thống và chúng ta cần phải chăm sóc.

Làm thế nào cha giải quyết được khó khăn giữa việc thay đổi và không đánh mất một phần bản sắc?

Giáo hội, đối thoại và những thách thức mới, đã thay đổi nhiều điều. Ngay cả trong vấn đề văn hóa. Chẳng hạn, khi nói đến đời sống của một giáo hoàng. Việc một giáo hoàng trả lời các phỏng vấn như thế này không phải là chuyện phổ biến vào cuối Công đồng Vatican I. Trong một thế kỷ rưỡi, bây giờ chuyện này đã được làm. Trong một thế kỷ rưỡi, mọi thứ đã phát triển rất nhiều, nhưng luôn theo cùng một hướng. Một nhà thần học thế kỷ thứ 4 cho rằng những thay đổi trong Giáo hội phải đáp ứng ba điều kiện mới có thể xác thực: ổn định, phát triển và hoàn thiện theo năm tháng. Đây là định nghĩa truyền cảm hứng của Thánh Vincent de Lerins ở thế kỷ thứ IV. Giáo hội phải thay đổi, chúng ta nghĩ về việc Giáo hội đã thay đổi như thế nào kể từ Công đồng cho đến ngày nay và Giáo hội phải tiếp tục thay đổi về hình thức, về cách đề xuất một chân lý không thay đổi. Nói cách khác, Mặc khải của Chúa Giêsu Kitô không thay đổi, giáo điều của Giáo hội không thay đổi, nhưng lớn lên, phát triển và hoàn thiện như nhựa cây. Ai không đi trên con đường này, họ lùi lại một bước và thu mình vào chính mình. Những thay đổi trong Giáo hội xảy ra theo đường hướng bản sắc của Giáo hội này. Nó phải thay đổi tùy theo những thách thức đặt ra cho nó. Đó là lý do tại sao trọng tâm của sự thay đổi này mang tính chất mục vụ và không phủ nhận những yếu tố thiết yếu của Giáo hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Không, tôi không cô đơn”: những tâm sự cân nhắc của Đức Phanxicô