Cầu nguyện trong khủng hoảng

1011

Cha Ron Rolheiser

17/03/2013

Jesus Gethsemane

Làm sao chúng ta đưa được những thời khắc đen tối nhất, khủng hoảng nhất, cô đơn nhất lên Thiên Chúa? Làm sao chúng ta cầu nguyện khi đang rơi vào trạng thái cô đơn cùng cực nhất, vô vọng nhất, và toàn bộ thế giới của chúng ta dường như đang sụp đổ?

Chúng ta có thể học từ Chúa Giêsu và học cách mà Ngài đã cầu nguyện đêm trước tử nạn trong vườn Gethsemane, trong giờ đen tối nhất cuộc đời Ngài. Đêm đã khuya, Chúa vừa dùng xong bữa ăn cuối cùng với những người bạn thân thiết nhất, và Ngài có một giờ để chuẩn bị đối diện với cái chết đang đến. Nhân tính của Ngài rên xiết, và Chúa thấy chính mình đang nằm sấp mặt trên đất, xin được thoát khỏi sự khủng khiếp này. Và Tin Mừng mô tả như sau:

Chúa Giêsu đi ra xa khỏi các môn đệ, khoảng một tầm ném đá, và sấp mình xuống đất mà cầu nguyện. ‘Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này khỏi con.’  Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con.’ Và Ngài trở lại, thấy các môn đệ đang say ngủ. Nên Ngài lại đi vào vườn lần nữa, đau đớn cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa, và mồ hôi Ngài đổ xuống đất như những giọt máu.  Khi chỗi dậy, Ngài về lại với các môn đệ, thấy các ông vẫn ngủ, lòng Ngài đau buồn cùng cực. ‘Tại sao các con lại ngủ? Hãy dậy và cầu nguyện để đừng sa chước cám dỗ.’ Và Ngài đi cầu nguyện lần thứ ba, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài, rồi Ngài đứng dậy mạnh mẽ đối diện với những gì sẽ đến.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Gethsemane có thể là một hình mẫu cho chúng ta biết cách cầu nguyện trong cơn khủng hoảng. Nhìn vào lời cầu nguyện của Chúa, chúng ta có thể nhấn mạnh bảy điểm, mỗi điểm sẽ cho chúng ta những điều kiện để biết cách cầu nguyện trong những thời điểm đen tối nhất đời mình:

  1.      Lời cầu nguyện xuất phát từ sự cô đơn của Chúa:  Tin Mừng nhấn mạnh điều này, trong việc chỉ cho thấy việc cầu nguyện diễn ra trong một khu vườn (hình ảnh tượng trưng cho tình yêu) và cả trong việc Chúa đi xa khỏi các môn đệ Ngài yêu dấu một tầm ném đá bởi các ông chẳng đủ sức lĩnh hội những gì Ngài đang trải qua. Trong những cơn khủng hoảng sâu sắc nhất của mình, chúng ta luôn luôn cô độc trong đau đớn, xa khỏi mọi người trong một tầm ném đá. Lời cầu nguyện sâu sắc sẽ phát đi từ đó.
  2.      Cầu nguyện từ sự vô cùng thân mật:  Chúa Giêsu bắt đầu cầu nguyện bằng tiếng cất lên gọi Cha Ngài, ‘Abba’, tiếng gọi thân mật nhất có thể, tiếng một đứa con nhỏ sẽ cất lên khi ngồi trên chân cha mình. Trong những giờ tăm tối nhất, chúng ta phải biết thân mật nhất với Thiên Chúa.
  3.      Cầu nguyện từ sự chân thật hoàn toàn: Theo Kinh viện, cầu nguyện được định nghĩa là ‘nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa’. Chúa Giêsu đã làm như thế, đã làm một cách triệt để, với sự chân thật cháy bỏng. Ngài xin Chúa Cha cất khỏi thống khổ này, xin cho Ngài một lối thoát. Nhân tính của Ngài run rẩy sợ hãi trước bổn phận này,và Ngài xin được giải thoát. Đó chính là lời cầu nguyện trung thực và chân thật nhất.
  4.      Cầu nguyện từ sự bất lực hoàn toàn:  Ngài sấp mình trên đất, sóng xoài, và chẳng ảo tưởng chút gì về sức mạnh của bản thân. Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, có lời van xin rằng nếu Thiên Chúa làm điều này với Ngài, thì Người phải cho Ngài sức mạnh để thực hiện nó.
  5.      Cầu nguyện từ sự mở lòng, bất chấp sự kháng cự trong bản thân mình: Thậm chí khi run rẩy đến rúm người trước điều sắp phải trải qua, và xin được giải thoát, Chúa Giêsu vẫn trao cho Chúa Cha quyền quyết định tuyệt đối trên tự do của Ngài. Lời cầu nguyện của Ngài mở lòng đón nhận ý định của Chúa Cha, nếu đó là điều tuyệt đối Ngài phải làm.
  6.      Cầu nguyện việc lặp đi lặp lại:  Chúa Giêsu lặp lại lời cầu nguyện trên nhiều lần, và càng lúc càng khẩn thiết, mồ hôi máu của Ngài không chỉ đổ một lần, nhưng nhiều lần đã rơi xuống.
  7.      Cầu nguyện là một sự biến đổi: Cuối cùng, một thiên thần (sức mạnh thiêng liêng) đến và tăng sức cho Ngài, rồi dựa vào một sức mạnh mới đến từ ngoài bản thân, Ngài tự phú mình cho điều mà Chúa Cha muốn Ngài trải qua. Nhưng sức mạnh đó chỉ có thể chảy vào trong Ngài sau khi Ngài, nhờ sự bất lực của mình, đã không cậy dựa vào sức mình. Chỉ sau khi đã trải qua sa mạc lòng khô khốc chúng ta mới mở lòng để sức mạnh Thiên Chúa tuôn đổ vào mình.

Trong quyển sách ‘Tiến bước tới tự do’, Martin Luther King đã kể lại chuyện một đêm nọ, sau khi bị dọa giết, ông đã hoang mang, hoảng sợ, và cũng không khác gì Chúa Giêsu trong vườn Gethsemane, ông đã nằm rạp xuống sàn trong nỗi sợ, cô đơn và bất lực – rồi cầu nguyện. Ông nhận rằng lời cầu nguyện đêm đó gần như là một tiếng van nài xin Thiên Chúa cho ông tìm được những phương thế đường đường chính chính để thoát khỏi tình trạng này, nhưng Thiên Chúa muốn một điều gì đó khác nơi ông.  Và đây là những lời cầu nguyện cuối của ông trong đêm đó:

‘Nhưng giờ con sợ hãi. Người ta tìm đến nhờ con lãnh đạo, và nếu con đứng lên dẫn đầu họ mà trong con chẳng có sức mạnh và can đảm, thì họ cũng sẽ nao núng. Con đã cạn kiệt sức lực rồi. Con chẳng còn gì nữa. Con đã đến điểm mà con phải tự mình đơn độc đối mặt với nó.’  Rồi ông nói thêm: ‘Chính lúc đó, con cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Chí Thánh, một trải nghiệm con chưa có bao giờ.’ Một thiên thần đã đến bên ông.

Khi cầu nguyện thật tâm, thì cho dù nỗi đau của chúng ta có thế nào đi nữa, thiên thần của Thiên Chúa sẽ luôn luôn đến bên chúng ta.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch