Đức Phanxicô đã tiếp các nghệ sĩ kể cả nghệ sĩ tác giả bức ảnh báng bổ “Piss Christ”
catholicnewsagency.com, Hannah Brockhaus, 2023-06-23
Ngày thứ sáu 23 tháng 6, Đức Phanxicô đã tiếp khoảng 200 nghệ sĩ hàng đầu từ hơn 30 quốc gia khác nhau ở Nhà nguyện Sixtine. Trong số các nghệ sĩ tham dự có nhiếp ảnh gia Mỹ Andres Serrano, tác giả bức ảnh báng bổ “Piss Christ” năm 1987 chụp cây thánh giá bằng nhựa ngập trong nước tiểu.
Cuộc gặp này do bộ Văn hóa và Giáo dục Vatican tổ chức đánh dấu 50 năm khánh thành bộ Sưu tập Nghệ thuật hiện đại và đương đại của Viện bảo tàng Vatican. Các khách mời gồm các họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sĩ, diễn viên và đạo diễn.
Đức Phanxicô nói, Giáo hội có một tình bằng hữu tuyệt vời với nghệ thuật, nghệ thuật mang lại niềm hy vọng rất cần thiết cho thế giới thông qua vẻ đẹp, nét hài hòa và sự thật.
Đức Phanxicô nói với các nghệ sĩ: “Thông thường, với vai trò nghệ sĩ, anh chị em cố gắng thăm dò chiều sâu của thân phận con người, những vực thẳm đen tối của nó. Không phải tất cả chúng ta đều vui vẻ và anh chị em nhắc chúng tôi điều này. Nhưng đồng thời, chúng ta phải để ánh sáng hy vọng chiếu vào bóng tối, giữa những ích kỷ và thờ ơ của chúng ta. Xin anh chị em giúp chúng tôi thoáng thấy ánh sáng để vẻ đẹp cứu chúng tôi.”
Chín nhà sáng tác Hoa Kỳ có mặt trong buổi gặp này, trong đó có ông Abel Ferrara, đạo diễn phim Padre Pio do Shia LaBeouf đóng vai chính.
Trong bài diễn văn, Đức Phanxicô nói, cả nghệ thuật và đức tin, cả hai đều tạo xao xuyến bất ổn: “Nghệ thuật và đức tin không để mọi thứ theo nguyên trạng của nó: nghệ thuật và đức tin làm thay đổi, làm biến đổi, làm di chuyển. Nghệ thuật không bao giờ là thuốc mê; mang lại bình yên, không làm mê ngủ, nhưng làm tỉnh thức.”
Đức Phanxicô suy tư về mối liên hệ giữa nghệ thuật và cái đẹp.
Đức Phanxicô nói: “Như triết gia Simone Weil đã viết, ‘cái đẹp quyến rũ cơ thể để thấm nhập vào tâm hồn’. Nghệ thuật chạm đến các giác quan để làm sống động tinh thần qua cái đẹp, phản ánh những điều tốt đẹp, công bằng và chân thực.”
Ngài nói tiếp: “Cái đẹp làm chúng ta nhận ra cuộc sống hướng về thành tựu, hường về viên mãn. Trong cái đẹp đích thực, chúng ta bắt đầu cảm nhận được ước muốn của Chúa. Nhiều người ngày nay hy vọng nghệ thuật có thể ngày càng trở lại với văn hóa của cái đẹp.”
Đức Phanxicô tố cáo một loại vẻ đẹp bề ngoài hay “mỹ phẩm” và nói rằng vẻ đẹp thực sự được nhận ra từ hài hòa.
Ngài nói: “Vẻ đẹp đích thực luôn là phản ánh của sự hài hòa. Hài hòa là đức tính của cái đẹp, tinh thần sâu sắc nhất của nó, nơi Chúa Thánh Thần, người điều hòa vĩ đại của thế giới hoạt động. Là nghệ sĩ, anh chị em có thể giúp chúng tôi tìm chỗ cho Chúa Thánh Thần.”
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Mỹ Serrano thường bị chỉ trích nặng nề vì ông thường bỏ các chất dịch cơ thể, phân người hoặc ảnh các xác chết vào tác phẩm.
Bức ảnh “Piss Christ” của ông bị cho là báng bổ và là chủ đề gây tranh cãi từ cuối những năm 1980. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Al D’Amato, Jesse Al D’Amato và Jesse Helms đã rất phẫn nộ khi nghệ sĩ nhận được 5.000 đô la từ Quỹ Quốc gia cho nghệ thuật (National Endowment for the Arts) năm 1986.
Cố hồng y George Pell, khi đó là tổng giám mục giáo phận Melbourne đã không thành công để ngăn Phòng tranh Quốc gia Victoria trưng bày bức tranh năm 1997. Cuộc triển lãm sau đó đã bị hủy khi có người tìm cách gỡ bỏ tác phẩm nghệ thuật khỏi tường và hai thiếu niên đã dùng búa tấn công bức tranh.
Một bản in bức ảnh này cũng cũng bị những người tín hữu biểu tình trong một cuộc triển lãm tại một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Avignon, Pháp năm 2011.
Nghệ sĩ Serrano đã bảo vệ bức ảnh trước cáo buộc báng bổ, ông cho đây là “hành động sùng kính” của một người sinh ra và lớn lên trong đạo công giáo và bây giờ là người giữ đạo sốt sắng.
Các nghệ sĩ khách mời khác
Nhà thơ Patricia Lockwood, nhà văn Enuma Okoro và Jhumpa Lahiri, nhà viết kịch người Mỹ gốc Hàn Jean Lee, nhiếp ảnh gia Bill Armstrong, nghệ sĩ Daniel Arsham và nhà điêu khắc Barry X Ball cũng đại diện cho Hoa Kỳ.
Một trong những tác phẩm gần đây nhất của Ball là bức chân dung điêu khắc Thánh Gioan-Phaolô II, một nhân vật cuốn hút ông từ khi ông còn ở tuổi đôi mươi.
Trong phần mô tả tác phẩm, ông giải thích dù ông được nuôi dạy theo đạo tin lành chính thống nghiêm ngặt, nhưng sau khi học lịch sử nghệ thuật ở trường đại học, ông đã phát triển một thiện cảm đặc biệt với nghệ thuật Giáo hội, một loại nghệ thuật gần như chỉ có Giáo hội công giáo la-mã mới có.
Nhà điêu khắc cho biết ông được cảm nghiệm và bắt đầu học các khóa học để trở lại đạo công giáo dù ông chưa bao giờ theo con đường này.
Ông nói: “Dù cuối cùng tôi không trở lại, nhưng tôi vẫn tiếp tục đến nhà thờ công giáo, nhất là trong những dịp tôi đi du lịch để xem nghệ thuật ở đây và đắm mình trong tâm linh cảm nhận được rất rõ ở đây – rất khác với các nhà thờ tin lành trắng xóa, nghiêm túc, không có nghệ thuật. ”Những chiếc hộp” tin lành mà tôi đi nhà thờ khi còn nhỏ ở Nam California.”
Nghệ sĩ dương cầm Hàn Quốc Yiruma, ca sĩ-nhạc sĩ pop rock người Ý Ligabue và ca sĩ kiêm diễn viên Ukraine Tina Karol cũng có mặt.
Tại sự kiện này, nghệ sĩ cello người Nhật Issei Watanabe đã biểu diễn một bài hát trên cây đàn cello được làm từ những mảnh gỗ lấy từ những chiếc thuyền di cư.
Đức Phanxicô kêu gọi các nghệ sĩ đừng quên người nghèo, “những người đặc biệt gần gũi với trái tim của Chúa Kitô, những người bị ảnh hưởng bởi nhiều hình thức nghèo đói ngày nay.” Ngài nói, người nghèo cũng cần nghệ thuật và cái đẹp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Video buổi gặp 200 nghệ sĩ tại Nhà nguyện Sixtine ngày thứ sáu 23 tháng 6-2023