Con đường bác ái tri thức của Thánh Phaolô VI

152

Con đường bác ái tri thức của Thánh Phaolô VI

Thánh Phaolô VI © Michel Cool, Phaolô VI, Dina Bellotti

fr.aleteia.org, Michel Cool, 2023-05-27

Giáo hội mừng kính Thánh Phaolô VI ngày 29 tháng 5. Nhà báo chuyên mục Michel Cool của trang Aleteia nhắc lại nét đặc biệt trong cá tính của ngài: ngài có ý thức sâu sắc về cái mà ngài gọi là “bác ái tri thức”. Ngài đã dùng nó với hai vũ khí của trí óc: trò chuyện và hài hước, và không phải là không dũng cảm.

Ngày thứ hai 29 tháng 5, Đức Phanxicô sẽ trao Giải thưởng Quốc tế Phaolô VI cho Tổng thống Cộng hòa Ý, Sergio Mattarella. Danh hiệu này được Học viện Phaolô VI của thành phố Brescia thuộc vùng Lombardi trao. Học viện lưu trữ và nghiên cứu này duy trì công việc và tư tưởng của giáo hoàng của Công đồng Vatican II, không xa nơi sinh của ngài ở Concesio. Tổng thống Ý nổi tiếng với hành động chính trị phục vụ lợi ích chung của ông.

Giải thưởng danh giá này được thành lập năm 1979, minh họa cho nhiều lãnh vực hoạt động của con người, nơi mà đức ái kitô giáo được triển khai qua tài năng: triết học với triết gia Paul Ricoeur năm 1983, thần học với thần học gia Hans Urs von Balthasar năm 1984; âm nhạc với nhạc sĩ Olivier Messiaen năm 1988; đại kết với Oscar Cullman năm 1993; nhà xuất bản  với bộ sưu tập “Nguồn kitô giáo” năm 2009, v.v. Năm nay, lãnh vực chính trị với chính trị gia, tổng thống Mattarella, vào chính ngày lễ kính Thánh Phaolô VI.

Khí cụ là nói chuyện và hài hước

Lễ trao giải này đưa ra một khía cạnh ít được biết đến nhưng rất thời sự trong nhân cách của Đức Jean-Baptiste Montini-Paul VI (1897-1978): ngài có ý thức sâu đậm về điều mà ngài gọi là “bác ái tri thức”. Theo ngài, đó là lắng nghe và đánh giá các quan điểm trái ngược với quan điểm của mình. Không bao giờ nguyền rủa hay coi thường các quan điểm khác mình. Không hung hăng phản ứng với sự hung hăng có thể có của họ theo cùng một cách nói.

“Bác ái tri thức” là không phủ nhận mình, cũng không hèn nhát sợ hãi khi tuyên bố màu da của mình. Ngược lại! Theo ngài, đó là nghệ thuật kiên nhẫn và bền bỉ để thuyết phục, chuẩn bị lý lẽ, điều chỉnh lời nói, kiểm soát, làm cho lời nói và hành động của mình nhất quán. Vì thế ngài ưa chuộng hai khí cụ của trí óc: trò chuyện và hài hước, đừng nhầm lẫn với mỉa mai gây tổn thương. Giai thoại sau thường được nhắc lại về chủ đề này: sau khi đọc bài phát biểu của thần học gia Hans Küng chống lại sự không thể sai lầm của giáo hoàng, ngài nói: “Ông chỉ trích sự bất khả ngộ của tôi theo một cách không thể sai lầm!”

Từ kinh nghiệm cá nhân, ngài biết “bác ái tri thức” là một thử thách khó khăn. Khi còn trẻ, ngài đã cộng tác với các tạp chí công giáo tận tụy chiến đấu trên hai mặt trận cùng một lúc, chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa thế tục cánh tả. Các chiến hữu của ngài và ngài đã phải chịu đựng sự yếu đuối của họ trước sự bạo ngược và giận dữ của các đối thủ của họ. Nhưng cuối cùng, điều họ tin tưởng đã thắng; dù luôn bấp bênh cho phần còn lại, của tự do và phẩm giá con người. Ngài đã rút từ lịch sử đau thương này một bài học cuộc sống cho chính mình: thận trọng và kiên trì, như công tước Sully đã nói, là “hai bầu ngực” của lòng bác ái tri thức. 

Một hình thức phản kháng thiêng liêng

Ngày nay, ngài là tấm gương khi sự không khoan dung và đe dọa đã lên đỉnh cao đáng lo ngại trong đời sống chính trị, văn hóa và xã hội của chúng ta. Tín hữu kitô xứng đáng với danh xưng không thể tham dự vào sự độc hại của môi trường này. Họ không thể hét với chó sói để làm dịu cơn giận hay oán hận của mình. Họ không thể cắn đối thủ để làm vui lòng giới truyền thông sai lầm. Họ không thể tuân theo luật sắt mới, phổ biến dữ dội và tầm thường hóa: “Bạn phải ghét người anh em của mình,” chỉ vì họ nghĩ khác bạn! Nếu không thì người tín hữu kitô này hoàn toàn không ở trong tinh thần đạo đức của phúc âm, đơn giản vì: họ thành kẻ khai man, báng bổ, phản bội điều răn tối cao của Chúa Kitô.

Bác ái tri thức là hình thức phản kháng thiêng liêng với chủ nghĩa man rợ, từng bước, từng chút một, len lỏi vào chính nó và ngự trị trong các phương thức tồn tại tập thể của chúng ta.

Vì thế, con đường trung thành, khôn ngoan và can đảm là con đường của “bác ái tri thức”. Nó liên quan đến việc vận dụng không mệt mỏi trí tuệ, tìm kiếm các giải pháp đáng tin cậy cho các vấn đề thời sự và vươn lên một chút để tránh rơi xuống những rãnh nước vốn đã chật lối; nhưng nó cũng đòi hỏi chúng ta phải liên tục dán tai vào tiếng ồn của thế giới, giống như khi chúng ta nghe tiếng vo vo của biển trong vỏ sò. Bác ái tri thức là hình thức phản kháng thiêng liêng với chủ nghĩa man rợ, từng bước, từng chút một, len lỏi vào chính nó và ngự trị trong các phương thức tồn tại tập thể của chúng ta.

Sự thánh thiện của ngài đã được che giấu từ lâu

Năm 1944, khi ngài là cộng tác viên của giáo hoàng Piô XII, ngài đã viết cho triết gia người Pháp Maurice Blondel: “Đức bác ái tri thức người Samari nhân hậu của ngài, bằng cách dựa vào nhân loại bị tổn thương, bằng cách cố gắng hiểu và bằng cách nói bằng ngôn ngữ bác ái, sẽ góp phần hiệu quả vào việc đặt đức ái trở lại trong những viễn cảnh không thể thay đổi và cứu rỗi của ơn gọi thiêng liêng của nó”. Đoạn trích dẫn trong bức thư này phản ánh và bộc lộ rõ nét sự thánh thiện đã bị che giấu từ lâu của một người, trở thành giáo hoàng từ năm 1963 đến năm 1978, sẽ có thể nhận ra trong Phúc âm của người Samaritanô nhân hậu, linh đạo nội tại của Công đồng Vatican II.

Đúng, người Samaritanô nhân hậu vẫn là nguồn cảm hứng đòi hỏi và cấp thiết cho người tín hữu kitô khi họ đối diện với cơn cám dỗ tai hại hiện nay là xung đột hóa mọi sự, khi họ can đảm lựa chọn lòng bác ái tri thức, để không từ bỏ chính mình và nhất là không từ bỏ Chúa Kitô.

Marta An Nguyễn dịch