Đức Phanxicô cảnh báo về sự kiêu hãnh của “mô hình kỹ trị”
Đức Phanxicô phát biểu tại Khoa Công nghệ Thông tin và Sinh học trường Đại học công giáo Péter-Pázmány – Vatican Media
cath.ch, I.Media, 2023-04-30
Phát biểu ở Đại học công giáo Péter-Pázmány, trước giới Khoa học máy tính và Khoa học Sinh học, Đức Phanxicô lên tiếng: “Văn hóa thực sự đại diện cho việc bảo vệ con người.” Trường đại học này đặc biệt đi đầu trong khoa học thần kinh học và cùng hợp tác với các trường đại học ở Trung Đông. Ngài đưa ra hình ảnh ẩn dụ từ sông Danube, văn hóa cũng “như dòng sông lớn, chảy qua những nơi chốn khác nhau của cuộc sống và lịch sử nối liền chúng. Nó giúp chúng ta vững tay chèo trong thế giới này và đến với các quốc gia, cả ở những vùng đất xa xôi, nó làm dịu tinh thần, tưới mát tâm hồn, làm cho xã hội phát triển”.
Ngài giải thích: “Chữ văn hóa bắt nguồn từ động từ trau dồi: kiến thức là hạt giống hàng ngày gieo vào các luống đất thực tế và sẽ đơm hoa kết trái.” Trích dẫn nhà thần học người Đức Romano Guardini, người mà ngài bắt đầu luận án trong những năm 1980, ngài cảnh báo chống lại “sự gò bó của sinh vật đang phát triển khi sự sống bị đóng khung trong một hệ thống máy móc”.
Đặc biệt, ngài cảnh báo chống lại “sự tự phụ với những gì mình là, với những gì mình có mà ngay từ buổi bình minh của văn hóa châu Âu, nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homère đã xem đây là mối đe dọa và là điều mà mô hình kỹ trị làm nổi bật, với việc sử dụng một số thuật toán có thể gây thêm rủi ro cho sự mất ổn định của con người”.
Bế tắc của một loại “chủ nghĩa nhân đạo” lừa đảo
Đức Phanxicô mời gọi chúng ta suy tư về nguyên nhân và hậu quả của cuộc khủng hoảng sinh thái, qua “việc thiên nhiên chỉ phản ứng lại với những gì chúng ta đã dùng công cụ để chống lại nó”. Ngài tố cáo sự thiếu giới hạn mà sự phát triển của xã hội đã cho phép, đã để cho “cá nhân tập trung vào nhu cầu của mình, mong muốn làm giàu cho bản thân và chiếm lấy thực tế”.
Ngài trích dẫn quyển sách Người chủ trái đất (Le maître de la terre) xuất bản năm 1910 của nhà văn Anh Robert Benson. Tác giả là linh mục anh giáo, sau đó trở lại công giáo mô tả “một tương lai bị công nghệ thống trị, trong đó mọi thứ đều được tiêu chuẩn hóa nhân danh sự tiến bộ”. Tác giả mô tả “một ‘tân chủ nghĩa nhân đạo’ xóa bỏ khác biệt, giảm cuộc sống của các dân tộc xuống thành con số ‘không’ và xóa bỏ các tôn giáo”.
Trong thế giới được Benson mô tả, “rõ ràng là phải loại bỏ người bệnh và áp dụng cái chết êm dịu, xóa bỏ ngôn ngữ và văn hóa quốc gia để có một nền hòa bình phổ quát, trên thực tế, đã biến thành một cuộc đàn áp dựa trên sự áp đặt của thỏa thuận”. Theo Đức Phanxicô, các sự kiện hiện tại cho thấy “phân tích đen tối” này đã có chiều kích “tiên tri”.
Trường đại học như một liều thuốc giải độc cho việc công cụ hóa ý thức hệ
Ngài giải thích tiếp, “trong bối cảnh này, vai trò của văn hóa và trường đại học nổi bật hơn.” Theo ngài, trường đại học “là ‘ngôi đền’ nơi kiến thức được kêu gọi giải thoát khỏi những giới hạn hẹp hòi của việc có và sở hữu để trở thành văn hóa, nghĩa là ‘tu luyện’ con người và các mối quan hệ nền tảng của nó: với cái siêu việt, với xã hội, với lịch sử, với tạo dựng”.
Vì thế các học giả phải sống nghiên cứu của họ “với mối quan tâm lành mạnh”, nhận ra những giới hạn của chính họ và hạn chế “sự tự đủ” của mình. Trong khi “tư tưởng kỹ trị theo đuổi sự tiến bộ không chấp nhận giới hạn, thì con người chân chính cũng được tạo nên từ sự mong manh; và thường ở đó, con người hiểu mình phụ thuộc vào Chúa và phải kết nối với người khác và với tạo vật”. Ngài nhấn mạnh: “Sự mong manh và sự vĩ đại của con người” phải kết hợp với nhau “trong một biện chứng đạo đức”. Ngài nhận xét, “Hungary đã chứng kiến sự kế tiếp nhau của các hệ tư tưởng xem mình là chân lý, nhưng không mang lại tự do”.
Đề cập đến “sự chuyển mình từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tiêu thụ”, ngài cảnh báo chống lại những bế tắc của quá trình chuyển đổi “từ tự do có phanh sang tự do không phanh”. Ngài nhấn mạnh, chỉ có Chúa Giêsu mới “giải phóng con người khỏi những lệ thuộc và khép kín”, đồng thời mời gọi trường đại học trở thành “phòng thí nghiệm của hy vọng”.
Rời trường đại học, Đức Phanxicô ra phi trường Quốc tế Budapest để về Rôma, dự kiến ngài sẽ về Rôma khoảng 6 giờ chiều.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô tại Khoa Công nghệ Thông tin và Sinh học trường Đại học công giáo Péter-Pázmány – Vatican Media
#PapaFrancesco entra nell'Aula della Facoltà di Informatica e Scienze Bioniche dell' Università Cattolica “Péter Pázmány” – #Budapest
👉🏼 Segui la diretta su https://t.co/WKdTBkVXQj pic.twitter.com/CAsCUt5N5Z
— Vatican News (@vaticannews_it) April 30, 2023
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Đức tin công giáo chân chính” bao gồm việc đón nhận người di cư
Trẻ em Ukraine bị bắt cóc, Đức Phanxicô sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine