“Có” và “không” của Đức Phanxicô: đây là cách Vatican đã thay đổi

126

“Có” và “không” của Đức Phanxicô: đây là cách Vatican đã thay đổi

ilgiornale.it, Nico Spuntoni, 2022-12-11

Điều gì đã thay đổi và điều gì vẫn giữ nguyên trong Giáo hội trong gần mười năm dưới triều giáo hoàng của Bergoglio? Đức Phanxicô thường bày tỏ những thông điệp rất rõ ràng, với một số gợi ý.

Ngày 13 tháng 3 năm 2023, mười năm trôi qua kể từ cuộc bầu chọn Đức Phanxicô. Một thập kỷ Giáo hội đã thay đổi ít hơn nhiều so với gì người ta tưởng. Vì, như Bergoglio đã nói trong một cuộc phỏng vấn, “Giáo hội là Tin Mừng, không phải là con đường của những ý tưởng”. Ngài đã phong một phần lớn các giám mục trên khắp thế giới và bổ nhiệm hồng y đoàn “theo ni tấc của mình”, cũng như thực hiện nhiều thay đổi trong quản lý. Tuy nhiên trong triều giáo hoàng của ngài, không có biến động nào về giáo lý và truyền thống.

Độc thân? Đừng đụng vào

Phần lớn cái gọi là những đề nghị của Đức Phanxicô là những đề nghị thảo luận về các chủ đề – đặc biệt là với hai tiền nhiệm của ngài – được xem là không thể thương lượng và chỉ xuất hiện từ các nhóm thiểu số trong Giáo hội. Tuy nhiên, các thảo luận này thường chính Đức Phanxicô là người chấm dứt nó, theo Truyền thống và do đó là theo Công đồng Vatican II. Điều này đã được nhìn thấy trong vấn đề độc thân giáo hội: Thượng hội đồng về Amazon mùa thu năm 2019 dường như đánh dấu sự kết thúc của nghĩa vụ và việc thông qua với cái gọi là viri probati như một giải pháp chống lại sự suy giảm ơn gọi. Tài liệu cuối cùng của hội đồng, sử dụng trường hợp cụ thể của Amazon, đã thực hiện các yêu cầu của những người muốn phong chức cho cả những ông đã có gia đình và cũng yêu cầu một “cách tiếp cận phổ quát đối với chủ đề”.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã không quan tâm đến những người ủng hộ việc tự nguyện sống độc thân, qua tông huấn hậu thượng hội đồng, Querida Amazonia, trong đó ngài xin giải quyết tình trạng thiếu linh mục bằng lời cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, mà không hề đề cập đến yêu cầu này theo bất kỳ cách nào do đa số các nghị phụ làm. Một quyết định được ngài giải thích trước trong cuộc gặp gỡ với các giám mục Hoa Kỳ mà ngài nói rõ ngài sẽ không tiếp tục với các linh mục kết hôn vì ngài không cảm thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong việc này. “Không” đối với việc bãi bỏ luật độc thân bắt buộc, phù hợp với câu nói của Đức Phaolô VI mà Đức Phanxicô thường thích trích dẫn: “Tôi thà hy sinh mạng sống mình trước khi thay đổi luật độc thân”.

Hôn nhân duy nhất là giữa một người nam và một người nữ

Kể từ câu nổi tiếng “tôi là ai để đánh giá?” được đưa ra vài tháng sau khi bầu cử trên chuyến bay trở từ Rio về Rôma, triều giáo hoàng của ngài được đánh dấu bằng cách tiếp cận thân thiện với người đồng tính. Với việc ngài lên ngôi thánh Phêrô, việc giảng dạy giáo lý của Giáo hội công giáo đã trở nên rõ ràng theo quan điểm mục vụ, kêu gọi tránh “mọi hình thức phân biệt đối xử bất công”. Khía cạnh này, được đưa lên phương tiện truyền thông, đã không tránh khỏi một số trường hợp chập mạch,  như khi một đoạn trích từ một cuộc phỏng vấn được đưa vào bộ phim tài liệu và  trình bày như một chứng thực của luật về kết hợp dân sự. Một trường hợp giật gân đã làm cho Phủ Quốc vụ khanh gửi công hàm cho các sứ thần trên toàn thế giới để làm rõ Đức Phanxicô đề cập đến một đạo luật của Argentina, qua đó trong tư cách là tổng giám mục của Buenos Aires ngài đã chống lại, cho rằng đạo luật đó là một yêu cầu bảo vệ pháp lý cho những người cùng giới tính.

Cũng trong cuộc phỏng vấn mà từ đó đoạn clip được đưa vào bộ phim tài liệu – Phủ Quốc vụ khanh đã chỉ định – Đức Phanxicô đã tuyên bố đó rằng “thật là phi lý khi nói về hôn nhân đồng giới”. Một lập trường phù hợp với giáo lý của Giáo hội mà ngài đã có dịp nhắc lại trong những dịp khác: chẳng hạn, trên chuyến bay trở về từ chuyến đi Hungary và Slovakia vào năm 2021, khi ngài tuyên bố “hôn nhân là hôn nhân, đó là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ”.

Cứng rắn chống phá thai

Trong triều giáo hoàng này, không những giáo huấn của Giáo hội về phá thai không thay đổi mà việc lên án còn gay gắt hơn quá khứ. Giống như những  giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Phanxicô cho thấy ngài muốn phân biệt giữa phán đoán luân lý về việc phá thai và sự hiểu biết về hoàn cảnh cụ thể của người phụ nữ trải qua kinh nghiệm này. Nhưng trong mười năm qua, ngài đã dùng những lời lẽ rõ ràng để lên án việc phá thai, nhiều lần được xem là “một vụ giết người”. Trong số những lời cảnh báo chống lại việc phá thai, ngài so sánh mạnh mẽ khi nói việc phá thai giống như “thuê  sát thủ để giải quyết một vấn đề”. Một sự không khoan nhượng nằm trong việc bảo vệ nguyên tắc cơ bản của đạo đức sinh học công giáo, cũng như quan điểm của ngài trong việc giúp người di cư.

Xin cho người ly dị và tái hôn được rước lễ

Triều giáo hoàng của Đức Phanxicô chắc chắn sẽ được nhớ đến với Amoris Laetitia, tông huấn được công bố năm 2016 sau hai hội đồng thượng hội đồng về gia đình năm 2014 và 2015 gây tranh cãi gay gắt, trong đó bài diễn văn giới thiệu được ủy thác cách rõ ràng của hồng y Walter Kasper, nhà thần học người Đức ủng hộ việc cho người ly dị rước lễ sau khi sám hối đầy đủ.

Cuộc tranh luận đã chia rẽ hồng y đoàn cả trong Công nghị và trong các Thượng hội đồng tiếp theo và cũng đã chứng kiến ​​những quan điểm gây tranh cãi chống lại, như việc xuất bản cuốn sách có chữ ký của năm nhà phê bình nhắc lại cách “Tân Ước cho chúng ta thấy Chúa Kitô là ai”, rõ ràng cấm ly hôn và tái hôn sau đó.

Trong chương VIII của Amoris Laetitia, có lời mời đến con đường phân định, tùy thuộc vào câu chuyện cá nhân của từng người, có thể cho phép tái nhận các bí tích của những người được gọi là gia đình bất thường. Một cởi mở mà theo hầu hết các nhà phê bình đã tạo ra sự nhầm lẫn liên quan đến giáo huấn của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân và là nguồn gốc của vấn đề dubia nổi tiếng do bốn hồng y Raymond Burke, Carlo Caffarra, Walter Brandmüller và Joachim Meisner nêu ra.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch