Đương đầu với linh hồn của mình

327

Đương đầu với linh hồn của mình

Ronald Rolheiser, 2022-07-11

Chúng ta có nhiều ảnh của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chị Céline của Thánh Têrêxa đã chụp nhiều ảnh của Têrêxa, nhưng trên những ảnh này có một điểm đáng chú ý. Nữ tu dòng người Anh dòng Cát Minh Ruth Burrows từng nghiên cứu những tấm ảnh này, sơ thấy trong các bức ảnh đó, không hiểu vì sao Têrêxa luôn cô đơn, kể cả khi chụp ảnh chung.

Đây là điều bất thường. Têrêxa là người thân ái, nồng hậu, giỏi giao tiếp và được quá nhiều người yêu mến. Nhưng trong mọi tấm ảnh chụp, kể cả khi chụp Thánh Têrêxa chụp chung với gia đình mà ngài thương yêu hết lòng, vẫn luôn có một nỗi cô đơn nào đó, một sự cô độc rõ ràng. Tuy nhiên, cô đơn mà ngài thể hiện không phải kiểu cô độc của người xung khắc với gia đình và cộng đồng, mà là một tách biệt nào đó của linh hồn, một điều có thể gọi là nỗi cô đơn tinh thần. Nó là gì? Linh hồn của chúng ta có thể cô đơn khi đang đắm mình trong tình bạn, tình yêu và gia đình sao?

Có, và nó đúng với tất cả chúng ta, đúng với thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và đúng với Chúa Giêsu.

Nhìn vào các sách phúc âm mô tả cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta thấy điều mà các thánh sử nhấn mạnh không phải là nỗi đau thể xác. Trong khi những đau đớn thể xác đó rất khủng khiếp, nhưng các phúc âm không chăm chăm vào đó. Điều mà các thánh sử nêu bật là sự thống khổ về cảm xúc của Chúa Giêsu, sự cô độc, cô đơn của linh hồn khi Ngài chịu khổ nạn và chịu chết. Các phúc âm viết, trong giờ tuyệt vọng nhất, khi chỉ còn một mình, bị bỏ rơi, bị phản bội, bị hiểu lầm, bị sỉ nhục, trở thành kẻ bị tất cả đồng lòng loại ra, thì nỗi đau khổ Ngài phải chịu là nơi tâm hồn hơn là thể xác.

Phúc âm theo thánh Luca nói, cơn thống khổ của Ngài diễn ra trong vườn Giếtsêmani. Và điều này thể hiện quá rõ ràng. Chúa Giêsu cũng chịu đau khổ ở nhiều nơi khác, trong đền thờ, nơi sa mạc, ở quê nhà, nhưng cơn thống khổ khốc liệt nhất diễn ra trong vườn Giếtsêmani. Tại sao lại là trong vườn? Như chúng ta biết, trong khuôn mẫu văn học, khu vườn không phải là nơi trồng rau, mà là nơi của niềm vui. Khu vườn hình mẫu là một nơi huyền bí của niềm vui, nơi tình nhân gặp gỡ, nơi bạn bè nâng chén thù chén tạc, nơi Adam và Eva trần truồng, ngây thơ, chưa biết đến tội. Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu không phải là Chúa Giêsu Thầy dạy, Chúa Giêsu Chữa lành hay Chúa Giêsu Làm phép lạ. Trong vườn, Ngài là Chúa Giêsu người yêu, một người vui mừng trong tình yêu và đau khổ trong tình yêu, và Ngài gọi mời chúng ta đến với khu vườn của đau khổ, thân mật và vui mừng này.

Các phúc âm nhấn mạnh, điều Chúa Giêsu chịu đựng nhất khi bị đóng đinh không phải là nỗi đau của đòn roi và bị đóng đinh xuyên qua tay, nhưng là sự cô đơn sâu sắc của tâm hồn, một nỗi đau quá lớn so với những đau đớn thể xác kinh khủng đó. Chúa Giêsu không phải là một chiến sĩ về thể chất, nhưng là chiến sĩ về tinh thần, đang chiến đấu với tâm hồn mình.

Sự cô đơn tinh thần là gì?

Lần đầu tiên tôi gặp từ này là khi đọc những bài viết của tác giả Robert Coles mô tả bà Simone Weil. Và từ này nói lên, trong mỗi người chúng ta có một chốn thâm sâu, một tâm điểm thuần khiết, nơi mọi dịu hiền, thiêng liêng, đáng trân quý được giữ gìn và bảo vệ. Chính ở đó, chúng ta là chính mình một cách chân thực nhất, chân thành nhất và ngây thơ nhất. Đó là nơi chúng ta vô thức nhớ ra rằng, rất lâu trước khi có ý thức, chúng ta đã được nâng niu bởi đôi tay êm ái hơn đôi tay của chúng ta nhiều. Đó là nơi chúng ta vẫn cảm nhận được nụ hôn ban đầu của Thiên Chúa.

Ở nơi này, hơn bất kỳ nơi nào khác, chúng ta sợ sự khắc nghiệt, vô lễ, sỉ nhục, giễu cợt, bạo hành, dối trá. Ở nơi này, chúng cực kỳ dễ bị tổn thương và vô cùng cẩn trọng về việc để cho ai bước vào không gian này, dù không gian sâu sắc nhất của chúng ta là tìm được ai đó để chia sẻ không gian này với mình. Hơn cả khao khát tìm được ai đó ngủ cùng mình về mặt tình dục, chúng ta khao khát ai đó ngủ cùng mình ở không gian đó về mặt tinh thần, trở thành người tri kỷ của mình. Khao khát thâm sâu nhất của chúng ta chính là được hòa hợp về tinh thần.

Nhưng không dễ có được thế. Người bạn đời tinh thần hoàn hảo rất hiếm gặp, kể cả trong tình bạn hoặc trong một hôn nhân tốt đẹp. Và chúng ta luôn mãi đối diện với một cám dỗ kép: Giải quyết xung lực này bằng cách an phận với những thứ bù đắp nào đó, giúp ta sống qua tạm hôm nay, hoặc tệ hơn nữa, vì chúng ta quá nhức nhối không thể sống nỗi, nên đã thả mình chiều theo cay đắng, giận dữ và cay nghiệt, khinh rẻ ước mơ lớn lao của mình. Dù cách này hay cách khác, chúng ta đều bán rẻ mình và an phận với cái tốt thứ hai.

Trong cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu với nỗi cô đơn tinh thần, có điều gì đó để chúng ta rút ra không? Đó là Ngài từ chối cả chấp nhận thứ bù đắp và chai đá tâm hồn. Ngài vẫn tiếp tục hành trình và đưa xung lực này đến điểm tới hạn của nó.

Sự cô đơn tinh thần của chúng ta có thể kinh khủng lắm. Tuy nhiên, nó không phải là sự phê chuẩn hay lời mời gọi để bắt đầu từ bỏ những cam kết, trách nhiệm, luân lý, hay bất kỳ điều gì cần thiết để tìm được người tri kỷ khó tìm mà chúng ta thiết tha mong mỏi. Điều mà Chúa Giêsu (và những người như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và triết gia Simone Weil) làm gương cho chúng ta, chính là cách mang lấy xung lực đó một cách lý tưởng, cách để đưa cô độc của mình lên một tầm cao mới, và cách để bất chấp đang đau đớn như thế nào, cũng vẫn đương cự lại việc xem cái tốt thứ hai như là cái tốt nhất có thể.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Nỗi sợ bị bỏ lỡ