Giáo hội sẽ phải tiếp tục đối diện với lịch sử của mình  

108

Giáo hội sẽ phải tiếp tục đối diện với lịch sử của mình

cath.ch, Ban biên tập, Bernard Hallet dịch và chuyển thể, 2022-07-31

Giáo sư Mariano Delgado, thần học gia và sử gia Giáo hội | Roland Juchem / CIC  DR

Trong chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Canada, một lần nữa, vai trò của Giáo hội công giáo trong việc thực dân hóa châu Mỹ được nhấn mạnh. Trong phỏng vấn với hãng tin CIC, sử gia Mariano Delgado, giáo sư tại Khoa Thần học Đại học Fribourg, Thụy Sĩ thảo luận về vai trò của huấn quyền giáo hoàng trong lịch sử thuộc địa.

Tại Canada, đại diện các dân tộc bản địa yêu cầu Đức Phanxicô rút lại các tài liệu giáo hoàng trước đó đã góp phần vào “học thuyết khám phá”. Làm thế nào để dịch điều này sang tiếng Pháp?

Giáo sư Mariano Delgado: Phần lớn là bằng tiếng Anh. Thuật ngữ này xuất hiện trong những năm gần đây ở các nước nói tiếng Anh như một phần của sự phê phán tận căn chủ nghĩa thực dân, khi các tượng đài vinh quang của những người chinh phục, thám hiểm và truyền giáo châu Âu bị lật đổ. Theo nghĩa này, vấn đề này là một phần của “văn hóa hủy bỏ”, chính nó đã bị chỉ trích, muốn xóa bỏ mọi thứ sai và không hợp pháp theo các tiêu chuẩn hiện tại.

Các học sinh Cree và giáo viên tại trường bản địa Các Thánh (Trường Truyền giáo Anh giáo), Lac La Ronge, Saskatchewan, tháng 3 năm 1945 | © Flickr / Bud Glunz /

Chính xác thì học thuyết khám phá là gì?

Nếu chúng ta đề cập đến Giáo hội công giáo thì chúng ta hiểu điều này là đồng trách nhiệm giáo hoàng và giáo triều với việc châu Âu mở rộng thuộc địa. Nhất là điều này đã thể hiện trong ba sắc chỉ của các giáo hoàng ký vào thế kỷ 15: Dum Diversas năm 1452 (Dù khác nhau) và Romanus Pontifex năm 1455 (Giáo hoàng La mã) của Giáo hoàng Nicholas V, sắc chỉ Inter Caetera 1493 (Trong số những thứ khác) của Giáo hoàng Alexander VI. Giáo hoàng Nicholas V đã cho phép các vua Bồ Đào Nha chinh phục vùng đất của những kẻ ngoại đạo, khuất phục cư dân của họ và bắt họ làm nô lệ.

Trước hết điều này liên quan đến cuộc chiến chống lại người Saracens ở bờ biển phía tây châu Phi và trao cho người Bồ Đào Nha độc quyền buôn bán với châu Á. Sau khi nhà thám hiểm Christopher Columbus từ châu Mỹ trở về, giáo hoàng Alexander VI cũng trao quyền này cho người Tây Ban Nha theo chương trình “Tân Thế giới” mà hồi đó người ta chưa biết nó trông như thế nào.

Đã có những lời chỉ trích chống lại những tài liệu giáo hoàng này chưa?

Rất ít lời chỉ trích, nhưng chúng đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Có một số người nói: giáo hoàng có nhiều quyền lực nhất “potestas” với thế giới kitô. Nhưng ngài cũng có quyền di cư và nghĩa vụ truyền giáo, biện minh cho việc mở rộng châu Âu. Có một số khác nói: không, giáo hoàng cũng cho phép tuần phục bằng vũ lực, vì người bản địa không phải chỉ là kẻ ngoại đạo, mà còn là những kẻ man rợ thấp kém với những hình thức sống trái với quy luật tự nhiên.

Cách giải thích thứ ba là của linh mục truyền giáo người Tây Ban Nha Bartolomé de Las Casas *, từ thế kỷ 16 ngài đã cảnh báo: sắc chỉ Inter Caetera chỉ cho phép truyền giáo bằng các phương tiện hòa bình và tôn trọng tự do của người nhận. Người bản địa và người châu Âu có phẩm giá ngang nhau, sứ mệnh nên đánh giá cao các nền văn hóa và tôn giáo khác và phải không chính thức.

Chỉ có người công giáo mới phát triển một cách dạy dỗ như vậy không?

Không. Sau khi đổ bộ lên bờ biển phía đông Bắc Mỹ năm 1620, người Thanh giáo đã hình thành quan niệm sau đây vào năm 1635: “Trái đất thuộc về Thiên Chúa. Chúa có thể ban đất cho dân tộc được chọn của Ngài – và lấy nó từ những người khác. Chúng ta là những người được chọn. Đó là cùng một suy nghĩ, nhưng họ không có giáo hoàng. Do đó, trong lịch sử thuộc địa châu Âu có một “chủ nghĩa đại kết của thất bại”.

Hơn 12 triệu người châu Phi bị bắt làm nô lệ ở châu Âu và châu Mỹ | © Tim Brauhn / Flickr / CC BY-NC-SA

Tại Canada, một số người đã yêu cầu Đức Phanxicô dứt khoát thu hồi các sắc chỉ của những giáo hoàng tiền nhiệm. Ngài có thể và có nên làm không?

Trong lịch sử Giáo hội, người ta thấy nên giải thích lại các tài liệu trước đây hơn là thu hồi rõ ràng. Vì thế từ năm 1537, trong sắc chỉ Sublimis Deus (Thiên Chúa tối cao) của giáo hoàng Phaolô III, ngài cấm bắt người anh-điêng làm nô lệ. Theo ngài, người bản địa Mỹ là những người tự do và là chủ nhân hợp pháp vùng đất của họ, và việc truyền giáo chỉ có thể làm trong hòa bình.

“Có một“ chủ nghĩa đại kết thất bại ”trong lịch sử thuộc địa châu Âu.

Bức thư được viết dưới áp lực của các nhà truyền giáo ủng hộ người dân bản địa. Điều đáng lưu ý là cuối sắc chỉ, Giáo hoàng Phaolô III đã viết: “Bất cứ điều gì trái với những điều khoản này đều vô hiệu”. Như thế nó đã gián tiếp thu hồi một số khía cạnh trong sắc chỉ Inter Caetera của giáo hoàng Alexander VI.

Nhưng nó có rất ít tác dụng.

 Điều này cũng là do Hoàng đế Charles Quint phản đối sự can dự này của giáo hoàng và rằng các vua Tây Ban Nha và những người chinh phục sau này đã bỏ qua tài liệu này. Họ tiếp tục quy chiếu vào sắc chỉ Inter Caetera, được biết đến ở Tây Ban Nha với tên “sắc chỉ nhượng bộ.”

Lãnh vực giáo hoàng cũng chưa bao giờ đặt vấn đề rõ ràng về việc người Tây Ban Nha quy chiếu vào sắc chỉ Inter Caetera, bởi vì như thế là không chấp nhận quyết định quan trọng của một giáo hoàng – với những xung đột ngoại giao kèm theo.

Vì vậy, một tuyên bố của công giáo về việc bãi bỏ “học thuyết khám phá” mà người bản địa yêu cầu có thể sẽ như thế nào?

Tôi cho rằng chúng ta có thể nhấn mạnh sự ưu việt của sắc chỉ Sublimis Deus. Chúng ta cũng có thể xem việc hiến tặng của giáo hoàng cho các nhà cầm quyền Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là dị giáo trong bối cảnh chủ nghĩa giáo hoàng thái quá.

Đức Phanxicô được các đại diện dân tộc bản địa chào đón ở Edmonton | © Vatican Media

Điều này là vì giáo hoàng tự cho mình thống trị trên các quốc gia của những kẻ ngoại đạo, điều mà các nhà thần học công giáo cao cả thời Trung cổ và Phục hưng đã đặt vấn đề, và không phải chỉ các nhà cải cách. Và chúng ta có thể tham khảo lập luận của linh mục Bartolomé de Las Casas, ngài đã nói: chỉ khi nào người dân có tự do chấp nhận kitô giáo và sự thống trị của kitô giáo thì sự thống trị của kitô giáo mới hợp pháp.

“Việc các giáo hoàng có tham vọng quyết định thống trị các quốc gia không theo đạo thiên chúa gây phẫn nộ.”

Đâu là các nhiệm vụ khác của Giáo hội công giáo trong việc nghiên cứu lịch sử thuộc địa của mình?

Giáo hội Công giáo La Mã sẽ phải tiếp tục đối diện với lịch sử của chính mình. Đặc biệt là chế độ nô lệ của người da đen ở châu Phi, mà Giáo hoàng Nicolas V đã phê chuẩn rõ ràng trong sắc chỉ Romanus Pontifex của ngài năm 1455. Chỉ vào thế kỷ 18 và 19, chúng ta mới chứng kiến những lời lên án giáo hoàng rụt rè về chế độ nô lệ da đen.

Chủ nghĩa giáo hoàng gay gắt của thiên niên kỷ thứ hai phải được xem xét bằng con mắt phê phán. Nó bắt đầu với sắc chỉ Dictatus Papae năm 1075 (Do giáo hoàng ấn định) của giáo hoàng Gregory VII, xem giáo hoàng là người cai trị thế giới, trao vùng đất phong cho những người cai trị thế tục. Sau đó việc này đã xảy ra khi năm 1130, giáo hoàng đã giao Sicily làm đất phong cho người Norman để xua đuổi người hồi giáo và người ly giáo. Việc các giáo hoàng có tham vọng quyết định thống trị các quốc gia không theo đạo thiên chúa gây phẫn nộ.

Một nhà lãnh đạo anh-điêng tại Thượng hội đồng vùng Amazon | © Trang Maurice

Điều đặc biệt là kể từ năm 1992, năm kỷ niệm 500 năm ngày Christopher Columbus khám phá châu Mỹ, đã có sự nhấn mạnh đến giá trị và quyền tự chủ của các nền văn hóa bên ngoài châu Âu, và chúng ta đã chứng kiến một thay đổi trong tư duy lớn hơn về sứ mệnh và chủ nghĩa thực dân. Một mặt, những người kitô giáo đã tham dự vào việc chinh phục và lệ thuộc, họ biện minh cho điều này; mặt khác, sự phê phán chủ nghĩa thực dân ngay từ đầu đã dựa trên Phúc âm và các truyền thống Hy-La cổ đại.

* Bartolomé de las Casas, linh mục dòng Đa Minh, nhà truyền giáo, nhà văn và nhà sử học người Tây Ban Nha (1474 – 1556). Ngài nổi tiếng với việc tố cáo các tập quán của những người định cư Tây Ban Nha và bảo vệ quyền lợi của người Mỹ bản địa.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Người bản địa mong Đức Phanxicô lên án “học thuyết” nền tảng của việc khai thác thuộc địa

Học thuyết khám phá: Một tuyên bố mới đang tiến hành