CNS | Carol Glatz | 09-01-2016
Trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã có tiếng là không thích phỏng vấn.
‘Thực sự, tôi không trả lời phỏng vấn. Nhưng tôi không biết vì sao. Tôi không thể, chỉ thế thôi. Tôi thấy nó khá là khó chịu, nhưng tôi cảm ơn anh chị em đã đồng hành với tôi.’ Đây là những lời của ngài với hơn 70 ký giả từ khắp nơi trên thế giới đi cùng ngài trên chuyến bay công du đầu tiên đến Brazil dự Đại hội Giới trẻ Thế giới, 07-2013.
Đức Giáo hoàng, người không e ngại khi phá vỡ các lề lối có từ lâu, dường như cũng sẵn sàng để bỏ đi truyền thống trả lời phỏng vấn trên chuyến bay giáo hoàng có từ hàng chục năm nay.
Một nhà báo kỳ cựu từ Mễ Tây Cơ trấn an Đức Giáo hoàng rằng, dù cho ngài nghĩ là mình bị ném vào chuồng sư tử khi đi vào khoang gặp các ký giả, nhưng ‘sự thực thật thì chúng con không dữ tợn thế đâu.’
Cuối cùng, có gì đó đã khiến ngài đổi ý, bởi 6 ngày sau, trên chuyến bay trở về Roma, Đức Phanxicô đã mở hết lòng mình với các ký giả, trả lời tất cả mọi câu hỏi đặt ra cho ngài trong suốt 80 phút.
Và kể từ đó, vị mục tử vốn không bao giờ thích phỏng vấn, giờ trở thành giáo hoàng trả lời phỏng vấn nhiều nhất lịch sử.
Gần 600 câu trả lời của ngài cho các câu hỏi từ ký giả trong suốt 3 năm qua, giờ được biên soạn thành quyển sách 368 trang bằng tiếng Ý, ‘Đức Giáo hoàng Phanxicô trả lời: Mọi Phỏng vấn và Họp báo.’
Trong khi Đức Giáo hoàng Phanxicô là nguồn tin không bao giờ dứt của báo chí, thì sự can đảm kể trên của ngài hóa ra là một nét chung của các giáo hoàng thời hiện đại.
Ông Vian, tác giả quyển sách trên, dò theo chi tiết các cuộc phỏng vấn với giáo hoàng, và cách mà các ngài trở nên ngày càng tự tin và cởi mở với truyền thông thế giới.
Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử ‘đi vào chuồng sư tử’ là Đức Leo XIII, khi vào tháng 7, 1892, ngài ngồi lại với Caroline Remy, một người chủ trương phi chính phủ, bênh vực nữ quyền, và người Công giáo bỏ đạo, một trong những ký giả nổi tiếng nhất nước Pháp thời điểm đó.
Người phụ nữ 37 tuổi từng 2 lần li dị này, với bút danh là Severine, đã viết thư gởi phủ Quốc vụ khanh, giới thiệu mình là một ‘phụ nữ từng là Kitô hữu’ nhưng ghi nhớ về tầm quan trọng của việc ‘yêu thương người nhỏ nhất và bảo vệ người yếu đuối,’ và là ‘một người theo chủ nghĩa xã hội, và dù không quá yêu mến nhưng vẫn giữ nguyên vẹn trong lòng mình một sự tôn trọng sâu sắc đối với đức tin, và một sự kính trọng đối với vị giáo hoàng cao niên.’
Buổi phỏng vấn giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử hiện đại được sắp xếp, và kéo dài 70 phút.
Bà Remy, ghi chú lại và ngay chiều đó viết bài, rồi ngày hôm sau, đệ trình bản thảo cho quốc vụ khanh, và với chỉ một ít thay đổi, ngày hôm sau bài viết xuất hiện trên trang nhất báo Le Figaro.
Vài tháng trước đó, Đức Leo đã ngồi lại với Ernest Judet, biên tập viên người Pháp của tờ báo sẽ sớm nổi danh Le Petit Journal. Buổi tiếp kiến riêng này, không được tính như một buổi phỏng vấn thực sự, do bởi Đức Giáo hoàng gặp ông không phải để trả lời các câu hỏi, nhưng là để cho ông một ‘công bố’ về tông thư sắp đến của ngài ‘Về Giáo hội và Nhà nước ở Pháp.’
Lần tiếp theo một giáo hoàng ngồi lại với một ký giả, là vào chúa nhật Lễ Lá 1959, sau khi thư ký của Đức Gioan, bây giờ là hồng y Loris Capovilla, liên lạc với ký giả Indro Montanelli, hiện đang làm việc cho tờ Corriere della Sera ở Ý.
Vài năm về sau, ký giả Montanelli cho biết Đức Giáo hoàng muốn có buổi phỏng vấn với một ký giả không thuộc ‘thế giới Công giáo’ và do đó đã bỏ qua đồng ngiệp của ông, nhà báo Công giáo kỳ cựu Silvio Negro.
Ông Montanelli nói rằng lời mời của giáo hoàng khiến biên tập viên của ông khó chịu, bởi ông này ‘hoàn toàn không muốn giáo hoàng tham dự phỏng vấn’ nhất là với một tờ báo thế tục. ‘Theo tôi, Đức Giáo hoàng nên nói bằng tiếng La Tinh.’
Bất chấp sự táo bạo lịch sử này, bài phỏng vấn đó chỉ nằm ở trang 3, bởi biên tập viên e ngại rằng làm thật to thì sẽ khiến nhà báo kỳ cựu Negro tổn thương.
Điểm xoay chiều thực sự trong cách tiếp cận của các giáo hoàng với báo giới, là nhờ vào chân phước giáo hoàng Phaolô VI, vào cuối Công đồng Vatican II. Một tối nọ vào năm 1965, Đức Giáo hoàng ngồi lại với một ký giả từ tờ Corriere della Sera, ông Alberto Cavallari, người về sau cho biết ‘ Đức giáo hoàng thẳng thắn bỏ đi lối độc bạch của các giáo hoàng.’
Ông Cavallari viết rằng giáo hoàng bảo ông là, ‘Thời đại đã thay đổi, và ngày nay hàng triệu người không còn có đức tin tôn giáo. Do đó, giáo hội cần mở ra. Chúng ta cần phải hướng đến những ai không còn niềm tin và những ai không còn tin nơi chúng ta.’
Chân phước Phaolô VI thấy rằng ngồi lại với một tờ báo thế tục là một sự cần thiết trong việc truyền thông của giáo hoàng, ‘Đây là đối thoại. Nói chuyện, giải thích về mình, muốn người nói không còn cảm giác bị cô lập, biết cách để lắng nghe, luôn luôn tìm cách để phá vỡ các bức tường bị dựng lên giữa người ta với giáo hoàng.’ Và theo ông Cavallari, dường như đây là điểm mấu chốt trong nhân cách của Đức Phaolô VI. Buổi trao đổi diễn ra thẳng thắn, thoải mái, ứng khẩu, và cho thấy Đức Giáo hoàng biết rằng ‘ngài phải đối diện với nguy cơ của việc truyền thông trực tiếp, nhanh nhạy và thực sự mang tính con người.’
Cách tiếp cận này, đặc biệt trong việc tìm kiếm và đáp lời với thế giới thế tục, đã được nối tiếp trong nửa thế kỷ sau, khi các bậc kế vị Đức Phaolô VI, đã ngồi lại trả lời phỏng vấn với đủ loại ký giả, từ vô thần, triết gia, trở lại đạo, hay người Công giáo bỏ đạo.
Đức Phaolô VI là giáo hoàng đầu tiên mời báo chí lên máy bay giáo hoàng để đi cùng ngài trên các chuyến công du hải ngoại.
Trong khi Đức Phaolô VI chỉ đơn giản là chào hỏi các nhà báo bay cùng, thì Đức Gioan Phaolô II bắt đầu nói chuyện trực tiếp với các ký giả trên máy bay và mở ra các buổi họp báo trên máy bay giáo hoàng, một truyền thống được tiếp nối qua thời Đức Bênêđictô XVI và rồi là Đức Phanxicô, một người bẩm sinh sợ phỏng vấn.
Trên chuyến bay trở về từ Brazil, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết ngài thấy thật hạnh phúc và đổi mới tinh thần khi được ở cùng với nhiều người trẻ tuổi thế này. Ngài nói rằng, ‘Cha có thể ở cùng với mọi người, ôm lấy họ, thăm hỏi họ, mà không cần xe chống đạn. Đây là an ninh của sự tin tưởng, nơi mọi người và nơi Thiên Chúa. Cha thích sự điên rồ của việc đi ra và mạo hiểm.’ Đây có lẽ là một điều đã khiến Đức Phanxicô mạo hiểm đi vào hang sư tử giữa các nhà báo, nhưng ngài thừa nhận là ‘Cha thấy các con sư tử cũng không dữ tợn lắm.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch