CNA | Mary Rezac | 13-12-2015
Trên chuyến bay về từ châu Phi, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực, và trong số đó có câu hỏi về việc dùng bao cao su để ngăn chặn HIV.
Nhà báo hỏi, ‘Chúng ta biết điều mấu chốt là ngăn chặn. Chúng ta biết bao cao su không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết nạn dịch này, nhưng nó là một phần giải pháp quan trọng. Có phải đến lúc Giáo hội thay đổi quan điểm về vấn đề này? Cho phép sử dụng bao cao su để ngăn chặn truyền nhiễm?
Và Đức Phanxicô nói rằng, câu hỏi này dường như quá hạn hẹp để bàn đến một vấn đề trải rộng và phức tạp như thế này. Sử dụng bao cao su, tự nó không bao giờ giải quyết được khủng hoảng HIV hay các vấn đề khác mà các quốc gia châu Phi đang phải đối mặt.
‘Vấn đề lớn hơn thế.’
Đức Giáo hoàng nói rằng, ‘Câu hỏi này khiến cha nghĩ về câu hỏi có người từng hỏi Chúa Giêsu: ‘Thưa thầy, xin nói cho tôi biết, chữa lành ngày Sabbath có hợp luật không? Có cần phải chữa bệnh ngày Sabbath không?’ Câu hỏi này, cái kiểu ‘Làm thế có hợp luật không’ … nhưng còn nạn suy dinh dưỡng, sự phát triển của con người, nạn nô lệ lao động, thiếu nước uống, các vấn đề đang có đó.’
Giáo hội Công giáo luôn luôn xác định việc dùng các biện pháp tránh thai nhân tạo là vô luân. Trong bài phỏng vấn năm 2010, Đức Bênêđictô XVI đã nói rằng, trong khi việc dùng bao cao su có thể là một bước tiến theo đường hướng đúng nếu như nó là một sự bận tâm cho tha nhân, nhưng nó vẫn là một giải pháp vô luân cho cuộc khủng hoảng HIV.
Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô có đúng khi bỏ qua việc dùng bao cao su? Bao cao su có thực sự đóng một vai trò quan trọng và thực tế trong cuộc chiến chống HIV?
Nhiều chứng thực nói rằng ‘không’.
Tiết chế và chung thủy ở Uganda
Khi đại nạn HIV nổ ra vào thập niên 1980, đất nước Uganda là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất, theo Washington Post, đến năm 1991, có gần 25% dân số dương tính HIV.
Với sự hỗ trợ của các lãnh đạo tôn giáo trong nước, tổng thống Yoweri Museveni đã áp dụng sự can thiệp đơn giản và ít tốn kém nhất cho đất nước nghèo và bị chiến tranh giằng xé này, đó là một chương trình giáo dục công tiền hôn nhân, nhấn mạnh về sự tiết độ và chung thủy, và không cần dùng bao cao su trừ những trường hợp nguy cơ cao.
Trong vòng 8 năm, đất nước này đã tạo dược sự tụt giảm tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới.
Theo bài báo năm 2004 của tờ ‘Nhật báo Phát triển Thế giới,’ thì ‘việc ít cổ vũ sử dụng bao cao su trong thập niên 1980 và đầu 1990, đã góp phần trong thành công tương đối của chiến lược thay đổi hành vi ở Uganda.’
Nhưng ngay khi Uganda đang chứng kiến sự thoái trào của HIV, thì Hoa Kỳ lại can thiệp, tái cấu trúc đường lối của đất nước này, tập trung hơn vào bao cao su chứ không phải sự tiết chế và sống một vợ một chồng. Trong một bài viết trên Washington Post, nhà nghiên cứu HIV hàng đầu của Harvard, tiến sỹ Edward Green cùng với Wilfred Mlay, cựu phó chủ tịch của World Vision châu Phi, đã viết rằng trong khi Hoa Kỳ thật rộng tay giúp đỡ, nhưng các hệ tư tưởng và cách tiếp cận của Tây phương thực sự đã làm xóa mòn thành công trước đó của Uganda.
‘Sự thay đổi toàn diện của Uganda đang diễn tiến, thì các chuyên gia AIDS nước ngoài đến hồi đầu thập niên 1990, đem theo những cách tiếp cận y tế công, và cả các giá trị của Tây phương. Họ bắt đầu thay đổi các nỗ lực ngăn chặn dịch AIDS của Uganda, bỏ đi sự tiết chế và chung thủy, những mục tiêu mà nhiều người phương Tây thấy là không thực tế. Khi việc sử dụng bao cao su ngày càng phổ biến, thì tỷ lệ thanh niên độc thân quan hệ tình dục tăng từ 27% lên 7% từ năm 1995 đến 2000. Các viên chức y tế lo lắng rằng tỷ lệ nhiễm HIV cũng sẽ tăng theo.’
Vấn đề với bao cao su
Không bàn đến niềm tin tôn giáo, thì việc sử dụng bao cao su để hạn chế nhiễm HIV, đang cho thấy nhiều vấn đề vì nhiều lý do.
Một trong những vấn đề lớn nhất với việc khuyến khích dùng bao cao su như giải pháp đối với HIV, là việc hầu hết mọi người không phải lúc cũng dùng hay dùng cho đúng bao cao su, dù cho họ đã được giáo dục về tình dục.
Một nghiên cứu của ‘Biên niên Dược Trị liệu’ [The Annals of Pharmacotherapy] cho thấy trong số 500 cặp được bác sỹ nhắc đi nhắc lại là hãy dùng bao cao su, thì chỉ có 8 cặp lúc nào cũng dùng, còn những người khác thì không có dù biết đối tác của mình mang sùi mào gà. Một nghiên cứu khác cho thấy chỉ có 50% các cặp có một trong hai người mang HIV, sử dụng bao cao su không gián đoạn.
Một phần nữa của vấn đề là nguy cơ bù trừ. Trong một bài phỏng vấn với BBC, tiến sỹ Green nói rằng nguy cơ bù trừ xảy ra khi người ta dùng các công nghệ hạn chế nguy cơ nhưng lại nghĩ là nó tiệt trừ hết mọi nguy cơ.
Để làm ví dụ, tiến sỹ so sánh việc dùng bao cao su với kem chống nắng. Ông nói rằng, sự bảo vệ của kem chống nắng không còn nữa, khi mà người sử dụng cho rằng họ được bảo vệ hoàn toàn và do đó tắm nắng nhiều hơn thời gian chuẩn.
Cũng tương tự như thế, người dùng bao cao su cũng dấn vào các hành vi tình dục nguy cơ hơn, bởi vì họ tưởng mình được bảo vệ hoàn toàn, trong khi sự thật là việc cứ lao vào những người đã bị nhiễm HIV sẽ làm giảm tỷ lệ bảo vệ của bao cao su.
Hiện tượng nguy cơ bù trừ này cũng có nghĩa là những người sử dụng bao cao su có con số bạn tình lớn hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục hơn. Nhiều bệnh lây nhiễm qua đường tình dục gây nên các vết nhiễm trùng hở miệng, là cổng vào thuận tiện cho HIV lây nhiễm.
Một lý do khác khiến cho việc dùng bao cao su không thể bảo vệ người ta khỏi HIV, là bởi khả năng truyền nhiễm của nó qua thời gian. Theo bài báo trên TheLancet năm 2001, người ta càng đổi bạn tình thường xuyên, thì càng dễ lây truyền HIV.
Điều này là bởi HIV có tính lây nhiễm cao ngay từ lần quan hệ đầu tiên, nhưng lại lặn và chỉ phát tác một thời gian về sau. Do đó, một người đã nhiễm, có thể nghĩ là mình không mắc HIV, và họ cứ tiếp tục lây lan cho người khác cho đến khi biết được sự thật. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thời gian đổi bạn tình, ít nhất là 6 tháng, thì sẽ hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV rất nhiều.
Câu chuyện của hai quốc gia: Phi Luật Tân và Thái Lan
Hai đất nước khác nhau ở châu Á sẽ giúp minh họa rõ hơn về hiệu lực của chương trình khuyến khích tiết chế và chung thủy hơn là chương trình khuyến khích dùng bao cao su.
Năm 1984, cả hai quốc gia đều báo cáo ca nhiễm HIV đầu tiên. Nhưng, chính phủ hai nước đã có các phản ứng khác nhau về căn bản.
Phản ứng của Thái Lan là khuyến khích dùng bao cao su khắp cả nước, còn quốc gia Phi Luật Tân, phần đông là người Công giáo, lại tập trung vào việc khuyến khích tiết chế trước hôn nhân và chung thủy sau khi kết hôn.
Đến năm 2005, tỷ lệ nhiễm HIV ở Thái Lan cao hơn ở Phi Luật Tân đến 50 lần.
Và trong khi một vài chuyên gia khen ngợi Thái Lan thành công hơn Phi Luật Tân, bởi trước đó tình trạng của nước này còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng các chuyên gia khác đã khẳng định không phải ngẫu nhiên khi đạo Công giáo thâm căn trong văn hóa Phi Luật Tân đã dẫn đến tỷ lệ nhiễm HIV thấp.
Công giáo và tỷ lệ nhiễm HIV
Dù cho một vài chuyên gia ngại ngần công nhận hiệu lực của các chương trình tiết chế và chung thủy được Giáo hội Công giáo khuyến khích, nhưng bài báo năm 2005 trên British Medical Journal đã khen ngợi thành công này.
‘Tỷ lệ người Công giáo ở một quốc gia càng lớn, thì tỷ lệ nhiễm HIV càng thấp.’ Nếu Giáo hội Công giáo đang thúc đẩy thông điệp về HIV ở các quốc gia này, thì có vẻ nó đang hoạt động tốt.
Theo cơ sở dữ liệu từ WHO, ở Swaziland, nơi 42.6% dân số nhiễm HIV, thì chỉ có 5% dân số là người Công giáo. Ở Botswana, nơi có 37% dân số nhiễm HIV, thì chỉ có 4% dân số là người Công giáo. Ở Nam Phi, 22% nhiễm HIV, chỉ có 6% dân số là Công giáo. Ở Uganda, với 43% dân số là Công giáo, tỷ lệ nhiễm HIV là 4%.’
Tiến sỹ Green cũng nêu bật trong bài báo năm 2009 rằng, việc ông ủng hộ các chương trình tiết chế và chung thủy, không phải là do thế giới quan bảo thủ, nhưng là từ kinh nghiệm của ông ở châu Phi và dựa vào các kết quả.
‘Tôi là một người theo chủ nghĩa tự do nồng nhiệt, tôi không đi lễ, không bao giờ bầu cho một người đảng Cộng hòa.’
Trong bài báo ở phần trước của bài này, ông cũng thêm rằng thật sai lầm ki đặt chính trị và hệ tư tưởng lên trên mạng sống của những người đang gặp nguy cơ.
‘Hàng tỷ đôla và mạng sống của vô số đàn ông, đàn bà, và trẻ em, sẽ bị vứt đi, nếu như để cho hệ tư tưởng thắng thế trên một chính sách y tế đã được chứng minh là đúng đắn.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch