Đức Phanxicô có thể đưa người tị nạn tử Sýp về Rôma
cath.ch, I. Media, 2021-11-26
Nicosia, thủ đô của Sýp, nơi Đức Giáo hoàng sẽ có bài phát biểu đầu tiên khi ngài đến đây | © ChrisSavid / CC BY-SA 3.0 / Wikimedia commons
Đức Phanxicô sắp lên đường cho chuyến tông du thứ 35 của ngài ở nước ngoài, trước tiên ngài đến Sýp từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 12, sau đó ngài đến Hy Lạp cho đến ngày 6 tháng 12. Tại Sýp, ngài sẽ gặp người tị nạn và di cư trong buổi cầu nguyện đại kết ngày 3 tháng 12 tại một nhà thờ ở Nicosia.
Linh mục Jerzy Kraj thuộc dòng Phanxicô, tổng đại diện Thượng phụ Sýp thuộc Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem từ năm 2013. Linh mục là một trong những nhân vật điều phối chuyến tông du của Đức Phanxicô đến đảo Sýp. Linh mục trả lời cho hãng tin I. Media một tuần trước khi Đức Phanxicô đến đây.
Đức Phanxicô sẽ ở Sýp 2 ngày. Xin cha cho biết những điểm nổi bật trong chuyến đi này?
Linh mục Jerzy Krajg: Điểm nổi bật là thánh lễ Đức Phanxicô dâng ở sân vận động GSP ở Nicosia. Đây là giây phút cảm động, tất cả người Sýp chia sẻ với nhau quanh Đức Phanxicô. Trong sân vận động lớn nhất thủ đô Nicosia, chúng tôi có 7.000 chỗ ngồi cho mọi người. Chúng tôi không chỉ mời người công giáo – người la-tinh và người maronite – nhưng chúng tôi còn mời cả người Sýp. Trong số này, những người theo đạo hồi đã nhận lời. Điều này không thành vấn đề khi đó là một lễ kỷ niệm công giáo.
Một giây phút quan trọng khác theo tôi, đó là buổi cầu nguyện đại kết với người di cư và tị nạn, sẽ tổ chức vào ngày 3 tháng 12 lúc 4 giờ chiều với tất cả đại diện của các cộng đồng kitô giáo trên đảo – Chính thống giáo, Armenia, Anh giáo, Giáo phái Phúc âm, Latinh, Maronite. Đây là buổi cầu nguyện cuối cùng của giáo hoàng trên đảo.
Trong nhà thờ, tôi nghĩ sẽ có khoảng 150 người, trong đó có khoảng 60 người di cư. Những người này hầu hết là những người xin tị nạn, không phải tất cả họ là tín hữu kitô giáo. Nhiều người đến từ Châu Phi – Algeria, Nigeria, Congo hoặc Cameroon. Những người khác đến từ Syria, và cũng sẽ có người Phi Luật Tân và Sri Lanka làm việc tại Sýp. Họ là những người di cư kinh tế có thẻ thường trú. Trên tất cả, Đức Phanxicô đến để nghe ho, sẽ có hai người sẽ làm chứng trước Đức Phanxicô trong dịp này.
Đức Phanxicô có thể đưa người di cư về Rôma với ngài không?
Chúng tôi đang làm việc cho tiến trình này, chúng tôi hy vọng nhưng chúng tôi chưa có chi tiết cụ thể. Một cách biểu tượng, ngài sẽ đem một nhóm về để biểu thị việc mở các hành lang nhân đạo. Điều này nhắc chúng ta nhớ về sự cần thiết phải cụ thể nâng đỡ người di cư; cử chỉ này lặp lại cử chỉ ngài đã làm trong chuyến đi Hy Lạp năm 2016 của ngài.
Đức Phanxicô và các người tị nạn từ Lesbos ngày 16 tháng 4-2016 tại phi trường Roma/Fiumicino
Có thể đây là một nhóm hơn mười người tị nạn?
Có thể nhiều hơn, có thể là ba mươi. Nhưng tôi không có con số cụ thể.
Chuyến đi của Đức Phanxicô có thể xem là “chuyến đi đại kết” không?
Chắc chắn. Ngài đến các vùng ngoại vi, ngoại vi của châu Âu, ngoại vi của các cộng đồng kitô giáo. Ngày thứ sáu 3 tháng 12, ngài sẽ gặp Thượng Phụ Chrysostom II, Tổng Giám mục Chính thống của Sýp. Đức Phanxicô sẽ có bài phát biểu tại nhà thờ chính tòa Chính thống giáo trước Thượng hội đồng Thánh. Ngài cũng sẽ có buổi cầu nguyện với người chính thống, một dấu hiệu của đối thoại và cởi mở. Ngài đến để xem, để gieo hạt giống cho sự thông hiểu lẫn nhau hơn giữa các tín hữu kitô.
Tại Sýp, Đức Phanxicô có thể có thông điệp cho sự thống nhất của hòn đảo vẫn còn bị chia cắt giữa người Hy Lạp và người Thổ Nhĩ Kỳ không?
Tôi không nghĩ ngài sẽ làm một cách trực tiếp, nhưng một trong những thông điệp của ngài có thể là đi tìm đối thoại và hiểu biết giữa mọi người. Như ngài thường lặp lại, ngài có thể kêu gọi xây dựng những cây cầu chứ không xây tường, chúng ta phải nhận nơi mỗi người phẩm giá của họ.
Như thế ngài có thể khuyến khích chúng ta làm việc để sống trong hòa bình và hòa hợp, theo đường hướng của Thánh Banabê, biểu tượng của chuyến tông du, có nghĩa là “đứa con của sự an ủi”.
Xin cha cho biết có bao nhiêu người công giáo sống ở Sýp?
Cộng đồng công giáo ở Sýp có hai nhóm: người la-tinh và người maronite. Theo thống kê năm 2011, có khoảng 25.000 người la-tinh và 5.000 người maronite. Các con số có thể đã thay đổi, nhưng tôi không nghĩ có những thay đổi lớn nào.
Một số lớn người la-tinh là công nhân từ nước ngoài, chủ yếu từ Phi Luật Tân, Ấn Độ, Sri Lanka và một vài nước ở châu Âu. Vì thế cộng đồng la-tinh của chúng tôi có nhiều văn hóa, ngôn ngữ và nguồn gốc khác nhau. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi.
Ở phía bắc hòn đảo, cũng có nhiều tín hữu công giáo sống thành cộng đồng, đặc biệt họ là sinh viên, chủ yếu là người Phi châu. Họ không có quyền đi qua biên giới vì họ đến Sýp với thẻ thông hành của nước Cộng hòa Bắc Sýp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Họ không thể đến Sýp để dự các lễ của chúng tôi. Vì thế mỗi chúa nhật chúng tôi đến miền bắc để cử hành thánh lễ ở ba nơi khác nhau. Mỗi chúa nhật, chúng tôi gặp khoảng 500 tín hữu ở đó.
Như thế một số tín hữu kitô không được phép vượt biên từ bắc vào nam?
Đây là vấn đề liên quan đến thẻ thông hành, chính quyền không cấp vì lý do chính trị. Điều này liên quan đến những người đã đến khu vực này dưới sự quản lý và giám sát của Cộng hòa Bắc Sýp thuộc Thổ Nhĩ Ky, đặc biệt áp dụng cho sinh viên và khách du lịch. Họ không nhận được thẻ thông hành thông thường để đi Sýp và không thể qua biên giới. Một số làm một cách bất hợp pháp, nhưng họ không được chấp nhận.
Những người sống ở phía bắc nhưng đã đăng ký là công dân Sýp của Hy Lạp có thể qua biên giới mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Chương trình chuyến tông du của Đức Phanxicô đến đảo Sýp và Hy Lạp