Crux | John L. Allen Jr. | 13-12-2015
Khi tôi xuất bản quyển ‘Chiến tranh Toàn cầu chống Kitô hữu’ [The Global War on Christians] cách đây gần 4 năm, cố gắng kể lại các câu chuyện bách hại Kitô giáo trên khắp thế giới, tôi nhớ rõ ràng một câu hỏi mở thường gặp nhất đặt ra với tôi trong các buổi phỏng vấn.
Có thể nói, câu đó như sau: ‘Có thực sự có chuyện chiến tranh chống các Kitô hữu hay không?’
Ở thời điểm đó, nhiều người Tây phương thật khó tin về bạo lực bài Kitô giáo, và cho rằng chỉ là chuyện rải rác, thậm chí còn nghĩ chuyện này là một chiêu chính trị để lấy đồng cảm cho các quan điểm Kitô giáo trong cuộc chiến văn hóa ở phương Tây.
Tất nhiên, người ta vẫn nghĩ thế, trước khi ISIS tuyên bố chế độ caliph ở Irắc và Syria, và trước khi nó dấy lên chiến dịch khổng lồ chống Kitô hữu và người Yazidi ở đồng bằng Nineveh hồi tháng 8, 2014.
Nếu không có cơn đại nạn ISIS, thì hẳn người ta vẫn cố bác bỏ nạn bách hại bài Kitô giáo. Thật vậy, ngày nay có vẻ như quan điểm công đang thực sự nhắm đến một phản ứng chính trị cho chuyện này.
Một khảo sát mới phát hành hôm thứ ba 15-12-2015, của Hiệp sỹ Columbus, cho thấy có 20% người Mỹ đồng ý rằng hành động bạo lực mà ISIS nhắm đến các Kitô hữu và các nhóm thiểu số có thể xem là hành động diệt chủng.
Tuy nhiên, đến tận hôm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn không chịu xem chiến dịch của ISIS tấn công các Kitô hữu là một cuộc diệt chủng, dù cho đã thừa nhận điều này cho nhóm thiểu số Yazidi trong vùng.
Cũng cuộc khảo sát này, cho thấy 59% người Mỹ nói rằng họ đã nghe nói nhiều chuyện về việc ISIS tấn công có chiến dịch nhắm đến các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác.
Tuy nhiên, chính xác bởi ISIS quá rành rành và quá tàn bạo, nên nếu trong một hoàn cảnh khác, có nguy cơ mọi người đang chối bỏ nạn bách hại bài Kitô giáo. Người ta cứ nghĩ tất cả chuyện này là do ISIS, hay rộng hơn là do Hồi giáo cực đoan.
Ví dụ như, người ta sẽ nghĩ thế nào về các nguy hiểm các cộng đồng Kitô giáo thiểu số ở Ấn Độ phải chịu trước làn sóng dân tộc Ấn giáo cực đoan với chính phủ hậu thuẫn.
Người ta sẽ nghĩ gì về việc các linh mục và nhà hoạt động bị giết ở các vùng Mỹ La tinh, dù là họ đứng lên chống lại việc buôn thuốc phiện hay chống các nhóm vũ trang, mà thường hai nhóm này là một.
Liệu người ta có đoán ra được con số Kitô hữu đang bị giam giữ trong các trại lao động ở những quốc gia như Bắc Hàn và Eritrea, cũng như con số các mục tử Kitô giáo đang bị giam trong tù ở Trung Quốc, hay không? Liệu người ta có biết về con số những giáo lý viên, mục tử, nhà hoạt động xã hội, và các giáo dân, đã bị giết vì những lý do liên quan đến đức tin trong ‘Chiến tranh Công-gô’ ở Phi châu suốt hai thập niên qua hay không?
Khá chắc là người ta sẽ đánh giá thấp các nguy cơ này hơn là mối đe dọa ISIS.
Và một sự khẳng định gián tiếp nữa, là khi chúng tôi khởi động loạt bài về bách hại bài Kitô giáo này. Chúng tôi mở đầu với các bài về Trung Đông, tập trung vào Ai Cập, rồi đến Mỹ La tinh, châu Á, và châu Phi.
Các phản hồi chung là e sợ loạt bài này có thể thổi bùng sự thù ghét đối với người Hồi giáo ở xã hội phương Tây. Một độc giả, khi đọc bài mở đầu,đã bảo tôi rằng, giữa lúc Donald Trump đang dấy cuộc chiến bài Hồi giáo, thì chúng tôi đang chơi với lửa.
Giả định của mọi người là các câu chuyện đau khổ của Kitô hữu ngày nay, luôn luôn là chuyện về sự tàn ác của Hồi giáo.
Và tôi có 3 điểm này, những điểm phải nhắc đi nhắc lại để hiểu được nạn bách hại bài Kitô giáo trong thế kỷ XXI cho đúng.
- Không phải chỉ có Kitô hữu mới tử đạo, và Kitô giáo không phải là nhóm tôn giáo duy nhất đang gặp nguy hiểm.
Nạn nhân của những kẻ Hồi giáo cực đoan, thường là những người Hồi giáo khác hơn. Vì thế, Kitô hữu có thể không phải là nạn nhân, mà là ngược lại. Sự thật rành rành này có thể thấy được nơi các nhóm vũ trang Kitô giáo ở vùng chiến sự Trung Phi.
Nếu các Kitô hữu lên án bạo lực và cực đoan tôn giáo, thì họ phải tự đưa tên mình vào bản truy tố, và đây cũng là điểm mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói đến trong chuyến công du Trung Phi.
- Vừa không chính xác vừa đáng tởm khi cố gắng lợi dụng làn sóng bạo lực bài Kitô giáo ở các vùng khác trên thế giới mà ghi điểm chính trị ở Tây phương.
Những người nghĩ đến các căng thẳng giữa nhà nước và giáo hội ở Hoa Kỳ, lại chẳng màng gì đến cô Kanaka Rekha Nayak, một người phái Baptist và là một tiện dân thất học [tầng lớp thấp nhất trong hệ thống giai cấp Ấn Độ] đã phải chứng kiến chồng mình bị những kẻ Ấn giáo cực đoan ra tay giết chết hồi năm 2008, khi ông không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Nhiệm vụ khẩn thiết phải bảo vệ những con người yếu ớt và gần như không cách tự vệ này, không được để bị nhập nhằng xảo hoạt với cuộc chiến cánh tả cánh hữu ở phương Tây.
- Dù cho Hồi giáo Cực đoan có biến mất khỏi mặt đất ngay ngày mai, thì Kitô hữu cũng như các nhóm tôn giáo khác vẫn sẽ không được an toàn hoàn toàn.
Nói thế không phải là để bác bỏ sự thật rằng Hồi giáo cực đoan là những kẻ đi đầu của nạn thù hận bài Kitô giáo hiện nay, và đương đầu với nguy cơ này là một thách thức nhân quyền mang tính chiến lược cao.
Nhưng cho tôi đưa ra một ví dụ, đất nước có tổng số vụ tấn công thể lý nhắm vào các Kitô hữu trong năm 2014 cao nhất, chính là Ấn Độ, và kẻ gây nên các vụ tấn công này là người Ấn giáo, chứ không phải Hồi giáo.
Chủ nghĩa tôn giáo cực đoan là một câu chuyện dài của thời đại chúng ta, và bách hại bài Kitô giáo là một chương nghiêm trọng nhất của nó. Điều này một phần đơn giản là bởi có nhiều Kitô hữu trên khắp thế giới hơn bất kỳ tôn giáo nào khác, khoảng 2.3 tỷ người, và các Kitô rải rác rộng về mặt địa lý, nên họ càng dễ bị tấn công.
Tuy nhiên, đây không phải là chuyện hoàn toàn do tay Hồi giáo. Khi mọi người hiểu được sự thật này thật rõ như hiểu mối đe dọa từ ISIS, thì mới có được một bước chuyển mình thật sự.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch