Cha Raymond de Souza
Trải nghiệm lưu đày đã dạy cho giáo hoàng tương lai những nguồn đích thực của thanh luyện và canh tân
Một trong những chiêu vận động hành lang lâu đời nhất ở Giáo triều Roma và các nhóm lợi ích là việc đi bước trước trong chuyện tấn phong các tân hồng y. Việc các quyết định bổ nhiệm của Tòa Thánh được xem xét qua lăng kính của Hội đồng Hồng y, là một chuyện khá thường lệ.
Nhưng kiểu vận động này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí là vô ích, khi Giáo hoàng Phanxicô công bố danh sách các tân hồng y hôm 04 tháng 1, trong đó ngài bỏ qua các tòa hồng y, và ưu ái mũ đỏ cho những người tưởng như mơ mới có, rõ nét nhất là trường hợp được phong hồng y của giám mục Tonga.
Không cần phải bàn về công trạng của các giám chức từ Cape Verde hay Tonga, những người chẳng có mấy danh tiếng ở Tòa Thánh, chúng ta cũng thấy rõ rằng Hội đồng Hồng y đang bị chấn động đôi chút. Việc bổ nhiệm các hồng y dựa vào các giá trị lịch sử, đông dân, và giàu có của các giáo phận nhà, cùng với con số ngày càng tăng các hồng y trưởng các cơ quan giáo triều, đã là một kiểu mẫu cố định trong suốt nhiều thập kỷ qua, một thời khá khác biệt so với hiện nay.
Thật dễ để phê phán con số bất cân xứng rõ ràng của các hồng y đến từ Ý quốc, nhưng cũng hoàn toàn hợp lý khi tự hỏi xem liệu các giáo hội đang chết dần ở châu Âu có nên là khối mạnh nhất trong hội đồng hồng y, khi mà nguồn lực của đời sống Công giáo, cả về số lượng lẫn sinh lực, đều nằm ở Nam Bán cầu. Một trăm năm trước, sau khi Thế chiến I chấm dứt triều đại Áo-Hung, thật hợp lý để xem lại liệu các lãnh thổ trước đây của đế chế này, như Nigeria và Uganda, có cần phải có thêm các hồng y hay không.
Phá vỡ các bộ khung cũ, còn quan trọng hơn là xác định được chính xác hình thái mới sẽ có. Nhưng, những gì mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm, còn thể hiện được nhiều hơn cả cái gọi là tính quốc tế của hội đồng hồng y. Hành động này của ngài bắt rễ từ sự nhấn mạnh thường xuyên nhiều lần về tầm quan trọng của vùng ngoại biên, vốn không được thể hiện rõ trong phạm trù địa lý.
Giáo hoàng Phanxicô có quan điểm rằng, các nguồn lực canh tân và cải tổ trong Giáo hội, không chỉ, và không chính yếu, đến từ các cơ cấu thẩm quyền và điều hành trung ương. Các vùng ven là những nơi, hay những cảm nghiệm, xa cách với các tác động, và có lẽ là dễ đón nhận linh hứng của Thần Khí hơn. Và quan điểm này bắt rễ từ chính cảm nghiệm của cha Bergoglio, khi bị loại trừ và đày ải, một điều khiến ngài khác hẳn với hầu hết các vị tiền nhiệm của mình.
Trong quyển tiểu sử về Đức Phanxicô, Người Cải cách Vĩ đại [The Great Reformer], Austin Ivereigh đã kể lại chuyện cha Bergoglio bị loại khỏi vai trò lãnh đạo trong tỉnh dòng Tên ở Argentina, do tay những người chống đối với sự hỗ trợ của cha tổng quyền ở Roma. Sự đày ải đến tận nước Đức, và tiếp đó là tỉnh Cordoba, đã gây nên trong cha Bergoglio một ‘cuộc khủng hoảng nội tâm lớn.’ Sau khi được giải thoát khỏi cảnh lưu đày, vào năm 1992, khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Tổng Giám mục Antonio Quarracino của Buenos Aires chọn ngài làm giám mục phụ tá, sự phân ly giữa ngài và các tu sỹ dòng Tên vẫn tiếp diễn. Từ năm 1992, cho đến khi được bầu làm giáo hoàng năm 2013, Bergoglio không bao giờ đến tổng hành dinh dòng Tên ở Roma, hay nói chuyện với cha tổng quyền.
Cảm nghiệm lưu đày này, hay cảm nghiệm bị đẩy ra ngoài cộng đoàn mà ngài đã chọn, dạy cho cha Bergoglio những nguồn chân thực của thanh luyện và canh tân. Ivereigh viết rằng: ‘Năm 2003, ngài nói với một chính trị gia đang chuẩn bị bãi chức, và đang kinh hoàng vì quyết định này, rằng: ‘Manuel, anh bạn phải sống sự lưu đày của mình. Tôi đã làm rồi. Và sau đó, anh sẽ trở lại. Và khi trở lại, anh sẽ nhân từ, ân cần hơn, và sẽ muốn phục vụ mọi người hơn nữa.’ ‘
Điều này không phải muốn bảo rằng các tân hồng y sẽ phải là những người từng bị đày ải. Nhưng, họ là biểu hiện cho một trực giác của Đức Thánh Cha rằng, những ai đã bị đẩy ra xa, hay chưa bao giờ, ở trung tâm, có một ơn đặc biệt để thăng tiến cho trung tâm đó. Đây không phải là một trực giác hư cấu, bởi lịch sử Giáo hội đã cho chúng ta nhiều ví dụ về tảng đá người thợ xây loại bỏ, trở nên phiến đá góc tường, mà đây cũng là câu thánh vịnh Đức Benedicto XV đã dùng để nói về mình khi được bầu cách đây một thế kỷ. Trực giác này khiến cho việc dự đoán các tân hồng y, trở nên khó khăn hơn, và do đó, có lẽ là bớt lề thói hơn. Đây thực sự là một thay đổi cởi mở trong Hội đồng Hồng y, và cả Giáo hội nữa.
Cha Raymond de Souza là linh mục trong tổng giáo phận Kingston, Ontario, và tổng biên tập của tạp chí Convivium