Lời biện hộ khẩn thiết của giáo hoàng để ủng hộ chính sách gia đình
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2021-05-14
“Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của cho đi”, Đức Phanxicô lên tiếng báo động tại Rôma trong ngày thứ sáu 14 tháng 5, nhân cuộc hội thảo về Tình trạng Nhân khẩu, nhằm cổ động cho vấn đề nhân khẩu ở Ý.
Kể từ đầu giáo triều của ngài năm 2013, rất hiếm khi Đức Phanxicô gióng lên lời báo động để ủng hộ gia đình. Ngài phản ứng trước tình trạng suy giảm nhân khẩu học trầm trọng ở Ý cũng như ở châu Âu: “Một chính sách, một kinh tế, một thông tin và văn hóa thúc đẩy tỷ lệ sinh sản hiện nay là điều cần thiết.” Việc theo đuổi mục tiêu này đòi hỏi “các chính sách gia đình rộng rãi, không dựa trên sự đồng thuận trước mắt mà dựa trên lợi ích chung lâu dài”.
Ngài đã phát biểu vào sáng thứ sáu tại Rôma trong buổi hội thảo về nhân khẩu trước các nhân vật chính trị của Ý, trong đó có Thủ tướng Mario Draghi, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý. Ngài cũng chúc mừng chính phủ Ý vừa bỏ phiếu cho một chính sách nhân khẩu mới, trả 250 âu kim hàng tháng cho mỗi trẻ em cho đến 21 tuổi. Cho đến nay, chỉ có khoản tài trợ 130 âu kim cho mỗi gia đình, nhưng không phải cho tất cả.
Năm 2020, Ý đạt mức thấp nhất từ trước đến nay với tỷ lệ 1,24 trẻ em/phụ nữ, có 400.000 ca sinh hàng năm. Để so sánh, Pháp có 753.000 ca sinh mỗi năm. Ý hiện là quốc gia có nhiều người lớn tuổi nhất Âu châu – trung bình tuổi là 45 – và hàng năm mất đi một thành phố tương đương với hơn 200.000 dân.
“Điều gì thu hút chúng ta, gia đình hay con số doanh thu?”
Đó là lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Phanxicô. Ngài nói với Âu châu và với người Ý: “Lục địa già nua không còn thời vinh quanh, nhưng thời lớn tuổi , nếu gia đình không là trọng tâm của hiện tại, thì không có tương lai và nếu gia đình khởi đi lại thì mọi sự sẽ bắt đầu lại.”
Ngài cũng thẳng thừng tố cáo: “Tôi nghĩ đến nỗi buồn của những phụ nữ phải giấu bụng để không lộ ra mình có thai!”. Làm sao người phụ nữ lại có thể cảm thấy xấu hổ trước món quà đẹp đẽ nhất mà sự sống ban cho! Không phải người phụ nữ phải xấu hổ, nhưng là xã hội, bởi vì một xã hội không chào đón sự sống, xã hội đó không còn sự sống… Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của cho đi. Chúng ta phải tìm lại can đảm để cho đi, can đảm để chọn sự sống!” Sau đó, ngài đặt câu hỏi thiết yếu: “Đâu là kho báu của chúng ta, kho báu của xã hội, ở con cái hay ở tài chánh? Điều gì thu hút chúng ta, gia đình hay con số doanh thu?”
Và ngài cảnh báo: “Chúng ta sẽ không thể sản xuất và không chăm lo môi sinh nếu chúng ta không quan tâm đến gia đình và con cái. Sự tăng trưởng bền vững đi qua bằng con đường này”. Ngài nhắc lại: “Lịch sử dạy chúng ta, trong các giai đoạn tái thiết sau chiến tranh tàn phá châu Âu và thế giới trong những thế kỷ gần đây, không có khởi động lại nào mà không có sự bùng phát sinh sản, không có khả năng xây dựng niềm tin và hy vọng vào các thế hệ trẻ.”
“Giữ cho mình trẻ không phải là chụp hình selfie và chỉnh sửa hình”
Đức Phanxicô cũng tố cáo một loại “ung hoại tinh thần” ảnh hưởng đến mọi tương lai: “Điều cần thiết là những người trẻ phải tiếp xúc với những mô hình cao, đào tạo trái tim và tinh thần của họ”. Vậy mà, “thật đáng buồn khi các mô hình họ bắt chước chỉ là những mô hình luôn phải xinh đẹp, trẻ trung và phong độ. Tuổi trẻ không lớn lên bằng hào quang của ngoại hình, họ trưởng thành nếu họ được thu hút bởi những người dũng cảm theo đuổi ước mơ cao cả, hy sinh bản thân vì người khác, làm điều tốt cho thế giới.” Như thế, “giữ cho mình trẻ không phải là chụp chụp hình selfie hay chỉnh sửa hình, nhưng để một ngày nào đó mình nhìn lại mình trong mắt của con. Vậy mà đôi khi thông điệp lan truyền, muốn thể hiện thì phải kiếm nhiều tiền và thành công, việc có con sẽ đi vào ngõ cụt, không nên có vì cản trở khát vọng cá nhân của mình”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch