Hồng y Zuppi: “Giáo hội không thể trở thành phòng khách”

221

Hồng y Zuppi: “Giáo hội không thể trở thành phòng khách

Gần gũi với Đức Phanxicô, trong quyển sách mới của ngài với tiêu đề hơi khiêu khích, “Ngươi sẽ ghét người anh em của mình”, hồng y Zuppi quay trở lại cội nguồn của sự thù hận và chủ nghĩa cá nhân. Ngài nói về niềm hy vọng vào một Giáo hội theo Lời Chúa, và luôn hướng tới một cộng đồng, một dân tộc hơn.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2021-04-28

Tổng Giám mục giáo phận Bologna, Matteo Maria Zuppi, thuộc cộng đồng Sant’Egidio, cùng với 12 tân hồng y khác được Đức Phanxicô phong hồng y tại Đền thờ thánh Phêrô ngày 5 tháng 10 năm 2019. VANDEVILLE ERIC / ABACAPRESSE.COM

Đó là người trung thực với chính mình: thẳng thắn, cụ thể và suy nghĩ chín chắn, đôi mắt long lanh và hay cười, đầu óc sôi sục ý tưởng, luôn di chuyển.

Mang tinh thần rất Bergoglio, gần với Đức Phanxicô, và được yêu mến ở bất cứ nơi nào ngài đến, hồng y Matteo Maria Zuppi, 65 tuổi, ở trong danh sách những hồng y có thể làm giáo hoàng của các nhà vatican học, họ xem ngài là một hồng y Martini mới, qua chân dung cải cách, trí thức và mục vụ, qua việc dấn thân cho người nghèo và đối thoại giữa các tôn giáo của ngài.

Là nhân vật hàng đầu trong cộng đồng Sant’Egidio và Rôma, ngài sống ở giáo phận Rôma, nơi ngài là giám mục phụ tá cho đến năm 60 tuổi, năm 2019, ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm hồng y. Ngài là một trong những nhân vật chính của các cuộc đàm phán trong thời chiến tranh ở Mozambique, dẫn đến các hiệp định hòa bình được ký kết ở Rôma năm 1992, và sau đó là ở Trung Phi, gần đây là các hành lang viện trợ nhân đạo. Ngài cũng biện hộ để có một tiếp nhận tốt hơn với người đồng tính trong Giáo hội và ngài đã viết lời tựa cho ấn bản Ý quyển sách của tu sĩ Dòng Tên người Mỹ James Martin, Xây dựng một cây cầu, Làm thế nào để Giáo hội công giáo và cộng đồng người đồng tính LGBT có thể có mối quan hệ trong Tôn trọng, Trắc ẩn và Nhạy cảm (Construire un pont, Comment l’Église Catholique et la communauté LGBT peuvent entrer dans une relation de Respect, Compassion et Sensibilité).

Được đào tạo trong ngành văn học và triết học, hồng y Zuppi viết luận án về hồng y Schuster, Tổng giám mục Milan, người, khi luật phát xít ban hành vào cuối những năm 1930 ở Ý, trên bục giảng đã tố cáo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như một “dị giáo.”

Dù khéo léo xử lý các khái niệm, ngài vẫn dè chừng một chủ nghĩa trí thức phòng trà, lạc lõng với đời sống của người dân. Trên thực tế, “Don Matteo” thích đường phố, ngài đi xe đạp và đôi khi còn đi ngược chiều như chúng ta thấy trong bộ phim tài liệu được phát cho công chúng trên truyền hình Ý. Việc này đã làm cho ông thị trưởng thành phố Bologna hùng hồn ca ngợi: “Hồng y luôn đi ngược chiều. Quan trọng là ngài tiếp tục đi như vậy vì chúng ta cần ngài.”

Quyển sách “Ngươi sẽ ghét người anh em của mình” vừa được nhà xuất bản Salvator phát hành tại Pháp, ngài đã dành cho chúng tôi một trong những cuộc phỏng vấn hiếm hoi của ngài trên báo chí Pháp.

Cha là Tổng Giám mục giáo phận Bologna, miền bắc nước Ý, vùng bị ảnh hưởng đại dịch nặng nề. Cha cảm nhận như thế nào về cơn đại dịch chúng ta đang sống?

Hồng y Matteo Maria Zuppi: Tôi nghĩ đại dịch đã mang đến cho chúng ta những dấu hiệu rất rõ ràng. Vì nó phá vỡ mọi thói quen của chúng ta, và bởi vì, ở một khía cạnh nào đó, đó là một điều xấu, không tôn trọng chủ nghĩa cá nhân. Đức Phanxicô đã đặt một câu hỏi quan trọng: làm thế nào hình dung được có một tình trạng sức khỏe tốt trong một thế giới bệnh hoạn? Chúng ta hiểu, nếu thế giới bệnh, nếu môi sinh xuống cấp, chúng ta cũng bệnh theo, nếu đất nước láng giềng có chiến tranh, chiến tranh cũng có thể sẽ đến với chúng ta. Đó là lẽ thường. Điều điên rồ, phi lý, là chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể sống như chúng ta đã làm.

Tìm những gì gắn kết chúng ta và học cách giải trừ hận thù.

Đại dịch đã tràn ngập vào tất cả những gì là an toàn của chúng ta, dấy lên nỗi sợ hãi, và lòng căm thù tăng lên trong nỗi sợ, vì nó thúc đẩy chúng ta đi tìm một kẻ thù, một biện minh, một vật tế thần! Trong bối cảnh này, tập trung vào nhu cầu xây dựng một mối quan hệ đích thực và tốt đẹp với người khác là điều cấp bách. Ý thức chúng ta cùng ở trên một con thuyền và cùng nhau suy nghĩ về con đường đoàn kết, tìm xem điều gì làm chúng ta hiệp nhất và học cách giải trừ hận thù.

Ngươi sẽ ghét người anh em của mình, tựa đề quyển sách thật hài hước cho quyển sách của một hồng y!

Nó thực sự như một điều răn cho thế giới! Để sống còn trong khu rừng trở nên kỹ thuật số này, có vẻ như chúng ta phải ghét người láng giềng của mình… Vì thế, lòng hận thù dựa trên một cơ chế sai lầm: bạn diễn tả một điều quan trọng, và từ đó, bạn hướng tới ý tưởng, bằng cách làm điều này, bạn bảo vệ một điều tốt đẹp thuộc về bạn, bạn có lý và bạn đứng bên phía tốt. Vì vậy, ai không chia sẻ lựa chọn của bạn, sẽ tạo cho bạn một định kiến, khi đó bạn xem người đó như kẻ thù.

Kỹ thuật số làm bình thường hóa và gia tăng các cơ chế của hận thù. Trong thế giới ảo, đo lường hậu quả của lời nói và hành động của một người sẽ không dễ dàng như khi gặp họ bằng xương bằng thịt, vì trên thế giới ảo, sẽ khó hơn khi xem người kia là thật. Cái ảo làm suy yếu khả năng phân định.

Cha nói về cuộc khủng hoảng của chúng ta” trong thế giới đương đại: cha nghĩ đâu là gốc rễ của chủ nghĩa cá nhân?

Tôi nghĩ chủ nghĩa cá nhân có rất nhiều gốc rễ. Thế hệ của tôi tin vào “chúng ta”, một cảm nhận thuộc về được xây dựng trên trên ý tưởng chung về bình đẳng và công lý… Tôi bước vào trường trung học năm 1968, ở thời buổi mọi người nghĩ rằng hạnh phúc cá nhân tự động trở thành tập thể, nhưng thay vì như vậy thì chỉ còn một chút hạnh phúc cá nhân và thật tầm thường.

Và kết thúc ở thời buổi các ý thức hệ đã kéo theo sự sụp đổ giấc mơ thuộc về một cái gì đó vượt ra ngoài “bản thân” nhỏ bé của một người. Chiến thắng của chủ nghĩa tiêu dùng đã giảm thiểu chúng ta thành những người tiêu dùng-cá nhân. Và đức tin – kể cả đức tin! – đôi khi đã trở thành một loại thuốc an thần, nhằm mang đến cho chúng ta một chút thoải mái, thuộc về cộng đồng trở thành một cái gì rất tương đối. Và điều này này đã không làm cho mọi sự được trôi chảy.

Trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti’, Đức Phanxicô không quy định tình huynh đệ như một nghĩa vụ đạo đức, nhưng ngài nói, nếu chúng ta muốn tìm thấy chính mình, thì “tôi” của chúng ta phải gặp “chúng ta”, vì chính người kia mới định hình chúng ta. Đó là điều cơ bản: chủ nghĩa cá nhân làm cho chúng ta nghĩ rằng, chúng ta có thể là “chính mình” mà không cần người khác, bản thể kia trong cấu hình ảo có thể hoán đổi, dùng một lần và ảo. Để khẳng định cái “tôi” mà chúng ta đang tìm kiếm, chúng ta chỉ tìm thấy được khi chúng ta tìm được người kia, mà theo tôi, đó là câu trả lời tốt nhất cho chủ nghĩa cá nhân.

Cha viết: “Địa ngục, không phải là người khác. Đó là soi mình trong gương như thử là đời đời kiếp kiếp”… Có phải mình phải quên mình để được hạnh phúc không?

Đây không phải là tự hủy bản thân, nhưng là tìm lại chính mình. Ngày xưa chúng ta hay nói, chúng ta nghĩ phải hủy mình và thực tế, chúng ta đã bị cuốn vào một chủ nghĩa cá nhân khốc liệt. Bây giờ chúng ta đang sống trong một loại “căng thẳng của hạnh phúc” đến mức chúng ta nói đến một loại “bệnh tưởng hạnh phúc”, đau khổ trước bất cứ điều gì có thể làm trở ngại cho hạnh phúc, bị ám ảnh bởi “bản thân”…

Đó là chấm dứt tình trạng tập trung quá mức vào bản thân. Nhưng phải làm như thế nào?

Tin Mừng cho chúng ta chìa khóa. Chúa Giêsu nói: “Yêu người như mình vậy.”  Để yêu người kia, mình phải biết yêu chính mình trước. Chìa khóa là lòng khiêm tốn. Lòng khiêm tốn không chống lại “bản thân”, trái lại, nó cho phép chúng ta thấy chiều kích thực sự của mình. Trên thực tế, chính kiêu ngạo mới chống lại “bản thân”, bởi vì nó làm chúng ta căng thẳng, không cho phép chúng ta tìm thấy những gì chúng ta đang tìm kiếm…

Nếu chúng ta yêu một người nào đó, chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi cho họ tất cả, hạnh phúc khi quên mình. Chúng ta không nói về người yêu như “một nửa” của mình đó sao? Chẳng hạn, hôn nhân là như vậy, là đi ngược với lô-gích cho-nhận.

Nhưng chúng ta thường cảm thấy bất lực và choáng ngợp trước các sự kiện và thế giới, và tự nhủ: “Tốt để làm gì?”

Tôi nghĩ sự phản kháng luôn là vấn đề của tình yêu. Khi yêu ai, mấy núi chúng ta cũng trèo. Những tấm gương của các bà mẹ khi con cái đau ốm không cho chúng ta thấy sao? Tình yêu là liều thuốc giải độc tốt nhất cho chủ nghĩa thất bại. Một trong các bài giảng của ngài, Đức Phanxicô đã nêu ra ba nguy hiểm: tự cho mình là nạn nhân, thói tự mê và chủ nghĩa bi quan. Hoặc: cám dỗ để giảm mọi thứ theo ý mình, liên tục phàn nàn về người khác, nhìn mọi sự với màu đen. Từ tất cả những điều này, chúng ta phải giải thoát  chính mình.

Những người trẻ, kể cả người công giáo, họ gặp khó khăn khi dấn thân trong lãnh vực chính trị, và tính chiến đấu đang gặp khủng hoảng … Làm thế nào để tìm được ý nghĩa của sự dấn thân?

Vấn đề của những người trẻ và chính trị là rất thực tế, và nó rất nguy hiểm, điều này làm chúng ta có suy nghĩ “chẳng có gì đáng phải làm”, và cuối cùng mọi thứ sẽ luôn như cũ.

Nếu người lớn tuổi mơ thì người trẻ cũng sẽ mơ

Đức Phanxicô thường hay nói, “thời gian thì lớn hơn không gian” và đây là một nguyên tắc thông minh. Nếu người lớn và người già không còn tin ở gì, thì người trẻ sẽ không có động lực để đi tìm hy vọng, để vượt ra khỏi cái “ở đây và bây giờ” mà họ bị giam hãm trong đó.

Chúng ta bỏ thì giờ để viết các hướng dẫn mà chúng ta không dùng, có những diễn giải chẳng giúp được gì. Tại Thượng Hội Đồng Giới Trẻ, từ 3 đến 28 tháng 10 – 2018 –thượng hội đồng duy nhất tôi tham dự, Đức Phanxicô đã nói: “Nếu người lớn tuổi mơ thì người trẻ cũng sẽ mơ”, có nghĩa: tôi sẽ không dạy cho bạn một bài học, nhưng bạn hãy nhìn về tương lai như tôi nhìn về tương lai. Chính trị là quan trọng, đến mức Đức Phanxicô nói đến một “tình yêu cho chính trị” – như một thứ ôxy, trong khi mọi người xem chính trị là bẩn thỉu – nhưng qua công thức này, ngài gợi lên một tình yêu đáng để làm, một đam mê.

Một trong những điều gây tranh cãi giữa người công giáo là mối quan hệ với hồi giáo và việc đón nhận người di cư, điều này làm dấy lên nỗi sợ hãi. Một số người cho rằng Đức Phanxicô ngây thơ…

Ngài không ngây thơ! Ngài không làm chính trị, ngài bảo vệ nhân loại, và chính trị phải trả lời và phải tìm câu trả lời, nhưng đó không phải là câu trả lời để lên án nhân loại.

Ngài chỉ nói lên một cách đơn giản và đúng đắn: hãy nhìn xem, có những người di cư đang bỏ trốn, họ phải được đối xử cẩn thận như con người. Ngài không ngây thơ, đó là cách ngài nhìn tương lai. Ngài không nói mọi chuyện là dễ dàng – không có gì là dễ dàng – nhưng với lòng kiên trì, ngài không làm gì khác ngoài việc nhắc nhở chúng ta, con người phải luôn ở trọng tâm của suy nghĩ, nếu không, các câu trả lời sẽ không có hiệu quả và chúng ta tạo ra những loại an toàn giả hiệu.

Còn về vấn đề sợ hãi, chúng ta phải có câu trả lời nghiêm túc vì nó cho thấy một nhu cầu. Nếu nó trở thành công cụ trong trò chơi chính trị, mà không có được câu trả lời đích thực thì rất nguy hiểm.

Cha cũng đưa ra vấn đề về sự thiếu hiểu biết, trong việc gia tăng hận thù. Làm thế nào để giải thích mức độ tranh luận trí tuệ bị xuống cấp?

Câu hỏi của ông chính xác: vì sao lô-gích thương mại lúc nào cũng thắng? Vì ở một thời buổi nào đó, giới trí thức đã mê trí tuệ của mình, nó trở thành phòng khách. Phòng khách có thể là nơi trí tuệ, nhưng cũng là nơi kẻ nào nói to nhất hoặc phóng loa hét tàn bạo nhất sẽ chiến thắng.

Chúng ta có thể lấy làm tiếc cho cái lô-gích này của tiếng hú, than thở việc người nói năng suy nghĩ, một cách vô ích, nhưng trước hết phải học cách để trau dồi thêm. Giáo hội cũng phải trau dồi hơn nữa, không chỉ trong ý nghĩa học thuật, nhưng còn ở ý nghĩa các giá trị của cuộc sống, về những chìa khóa cho phép mọi người hiểu những gì họ sống. Chúng ta làm điều này quá ít, vì vậy những gì người khác làm với tất cả những hậu quả kéo theo.

Nhiều người cũng đã xa Giáo hội…

Bản thân Giáo hội đã không đủ khả năng để chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, và nó có nguy cơ biến thành một loại bánh ngọt tinh thần, phân phát những lời khuyên cho cuộc sống. Làm thế nào để hiểu kitô giáo nếu chúng ta không thành lập một cộng đồng, nếu chúng ta không sống trong tinh thần huynh đệ? Làm thế nào để nói về tình yêu tha nhân, khi chúng ta ít xây dựng mối quan hệ dựa trên tình huynh đệ, tình bạn, đến chú tâm, đến cộng đoàn theo chiều kích cộng đồng của Giáo hội, của hiệp thông, không trừu tượng, không ảo, nhưng thể lý với những người khác?

Chủ nghĩa tiêu dùng đang thắng thế. Nhưng khi người dân ở đó, hiện diện, tụ họp, thì họ cho thấy một vấn đề, được giấu kín trong lòng của Chúa, Đấng sẽ trả lời cho họ, cho dân chúng.

Trên thực tế, chẳng hạn ở Pháp, kitô giáo phổ thông đã cạn sức: làm thế nào chúng ta có thể kết nối lại?

Tôi không biết tình trạng này có thể so sánh với Ý hay không, nhưng phải nói ở đây, cũng như nhiều nơi khác, có một vấn đề về lòng sùng kính, mà Đức Phanxicô đã nhấn mạnh một cách đúng đắn, khi ngài nói, sự chú ý, sự sùng kính không phải chỉ là chuyện của quá khứ.

Ở Ý, vẫn còn một kitô giáo bình dân, gắn liền với đời sống của người dân, với lối suy nghĩ, và nó là gốc rễ, mà chúng ta thấy nó có thể mong manh và cá nhân hóa đến mức nào, nhưng nó cũng là một tài nguyên phong phú cho toàn thể Giáo hội. Giáo hội sẽ không bao giờ trở thành phòng khách, và nếu có, Chúa sẽ ở bên kia. Giáo hội là Hiện Xuống, là cánh cửa rộng mở, kết hợp các môi trường khác nhau về lại với nhau, và điều này không phải là phòng khách!

Người nghèo giúp chúng ta rất nhiều, bởi vì ngay khi người nghèo bước vào phòng khách, phòng khách không còn là phòng khách. Vì vậy, hy vọng của tôi là về một Giáo hội, theo Lời Chúa, và luôn hướng tới cộng đồng, tới giáo dân. Nguyên tắc này là một trong những ơn lớn của Công đồng Vatican II.

Giáo hội trong đó cá nhân và hiệp thông nuôi dưỡng lẫn nhau: đây là điều tôi hình dung và tôi hy vọng.

Sách “Ngươi sẽ ghét người anh em của mình. Tình huynh đệ là không nhân nhượng” (Tu haïras ton prochain. La fraternité n’est pas négociable, Matteo Maria Zuppi, nxb. Salvator.)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch