Sơ Nathalie Becquart trong một sứ mệnh

382

Sơ Nathalie Becquart trong một sứ mệnh

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2021-02-08

Sơ Nathalie Becquart, 52 tuổi, nữ tu người Pháp thuộc Tu hội Nữ Thừa sai Thánh Phanxicô Xaviê, Dòng Tên nữ. Ngày thứ bảy 6 tháng 2, Đức Phanxicô bổ nhiệm sơ vào một vị trí rất quan trọng tại Vatican, ở Thượng Hội đồng Giám mục, sơ sẽ là nhân vật số 2 – chính xác là thư ký dưới quyền. Quý vị đừng nhầm với “thư ký”, một chúc vị tương đương thứ trưởng. Và mang tầm quốc tế. Đây không phải là lần đầu tiên Vatican bổ nhiệm một phụ nữ, nhưng bổ nhiệm này rất hiếm cho một phụ nữ.

Nhiều thế hệ thanh niên công giáo Pháp biết rõ sơ Nathalie Becquart. Từ năm 2008 đến năm 2018, sơ đảm nhiệm các trách nhiệm quốc gia liên quan đến việc chăm sóc mục vụ giới trẻ trong Hội đồng Giám mục Pháp. Vì thế sơ ở bên cạnh hàng ngàn bạn trẻ trong các Ngày Thế Giới Trẻ ở Sydney Úc, ở Madrid Tây Ban Nha, ở Rio de Janeiro Brazil, ở Krakow Ba Lan và gần đây là ở Panama. Chúng ta đừng đi tìm sơ trong y phục nữ tu. Chúng ta sẽ thấy sơ trong y phục bình thường nhưng kín đáo theo thời trang. Người phụ nữ giỏi giang, tươi cười và dứt khoát này, thoải mái trong cương vị của mình, sơ không che giấu cây thánh giá sơ mang. Do đó, khác xa với khuôn sáo, sơ được đào tạo đáng kể trước khi đi tu, vừa thấy sơ tốt nghiệp trường Cao đẳng Thương mại HEC, một trường kinh doanh cao cấp, thì lại thấy sơ trên boong một số thuyền buồm trong các khóa tĩnh tâm trên nước, có tên “Đời sống trên biển, bước vào lời cầu nguyện”, và cũng lại thấy sơ trong các môn thể thao dành cho sinh viên như các cuộc đua của Trường Kinh doanh Pháp, Edhec, một trường cao đẳng lớn khác. Luôn luôn ở vị trí thuyền trưởng. Một vấn đề tính khí đôi khi cũng làm các nam tu sĩ co mày.

Người phụ nữ của biển cả, vì thế tác phẩm đầu tiên trong số bốn tác phẩm của sơ được nhà xuất bản Salvatore ấn hành có tên 100 lời cầu nguyện để vượt qua bão tố (100 prières pour traverser la tempête). Nhưng sơ cũng viết Nữ tu, tại sao?: Cuộc sống này đáng sống! (Religieuse, pourquoi? : Cette vie en vaut la peine!) Tuy sơ Nathalie Becquart mang dáng dấp của một hình ảnh năng động và hiện đại, nhưng trước hết sơ là nữ tu thuộc Tu hội Nữ Thừa sai Thánh Phanxicô Xaviê, người đam mê Chúa Kitô, trong tinh thần Dòng Tên. Như thế không phải cái áo làm nên nhà tu, nhưng tinh thần và c uộc sống thực của sơ là muốn đưa mọi sự đi về phía trước. Tác phẩm mới nhất của sơ còn có tên Thần Khí đổi mới tất cả, mục vụ người trẻ với người trẻ (L’Esprit renouvelle tout, une pastorale des jeunes avec les jeunes .).

Đổi mới: cả một chương trình cho chức vụ mới ở Rôma của sơ, nơi tính chất lãnh đạo và kinh nghiệm của sơ về các tổ chức giáo hội quốc tế sẽ không quá khó để vượt qua eo biển Cap Horn đầy sóng gió mà Đức Phanxicô giao cho nhóm quản lý nhỏ này của Thượng Hội đồng Giám mục, được ngài đặc biệt khuyến khích. Vị giáo hoàng cải cách này thực sự muốn thấy cơ cấu này gia tăng quyền lực để cân bằng trọng lượng chủ yếu của giáo quyền Rôma trong các quyết định lớn của Giáo hội.

Để thổi làn sóng mới vào “nền dân chủ” của giáo hội

Nếu thực sự có một Nghị viện trong Giáo hội công giáo thì đây là nơi Vatican thành lập. Được Đức Phaolô VI thành lập năm 1965, cơ quan này không thuộc về thứ bậc nào của cơ quan trung ương Giáo triều Rôma, nhưng phụ thuộc trực tiếp giáo hoàng để giúp ngài trong các định hướng chiến lược. Thượng Hội đồng Giám mục đã được Đức Gioan-Phaolô II mở rộng rất nhiều và đã trở thành trục chính của cuộc cải cách chính quyền Giáo hội của Đức Phanxicô, điều này củng cố thêm tầm quan trọng pháp lý của “Nghị viện” này vào tháng 9 năm 2018.

Thật vậy, Thượng hội đồng giám mục không phải là một phát minh tiến bộ, nhưng là cơ cấu lâu đời nhất trong chính quyền Giáo hội. Hơn nữa, các Giáo hội chính thống còn giữ nguyên vẹn truyền thống này: một giáo chủ, có thể là giáo chủ của Tòa Thượng phụ Moscow hay của Constantinople, hai quyền lực mạnh nhất sẽ không thể tự mình làm gì nếu Thượng hội đồng các giám mục của họ không bỏ phiếu theo đa số những gì họ muốn thực hiện.

Đây được gọi là quyền đồng nghị. Đó là sự nhất trí, nó hạn chế chuyên quyền. Trong một thời gian dài, Giáo hội công giáo la mã đã duy trì quyền lực tập thể này để hỗ trợ cho mô hình đế quốc phát sinh từ luật la mã. Phải đến Công đồng Vatican II (1962-1965) để phối hợp các giám mục một lần nữa với các quyết định lớn của giáo hoàng bằng cách khôi phục hội đồng giám mục bên cạnh giáo triều la mã cực mạnh tập trung toàn quyền.

Vĩ tuyến số 40-50 đầy giông bão sóng gió nguy hiểm của eo biển Cap Horn

Và đây là vùng xoáy đáng sợ mà sơ Nathalie Becquart sẽ phải đối diện: để vượt qua vĩ tuyến số 40-50 giông bão nguy hiểm mà Đức Phanxicô mong muốn thổi thêm “dân chủ” vào hàng ngũ giám mục, trong các quyết định của ngài chống lại một giáo triều la mã mà phần nào ngài phục tùng bởi một quyền lực rất cá nhân, nhưng không phải lúc nào cũng chia sẻ cùng quan điểm cải cách của mình.

Hơn năm mươi năm sau Công đồng, trên thực tế, Thượng hội đồng giám mục Rôma vẫn là một phụ kiện cho chính quyền giáo hoàng. Giống như các vị tiền nhiệm, chắc chắn Đức Phanxicô sẽ triệu tập một thượng hội đồng hai năm một lần để làm cho Giáo hội đi tới: Thượng hội đồng về gia đình, đặc biệt về vấn đề người ly dị và tái hôn; về vùng Amazon, đặc biệt về hôn nhân của các linh mục. Nhưng việc thực hiện cũng rất phức tạp.

Trong nhiệm vụ này, sơ Nathalie Becquart sẽ không đơn độc. Cấp trên của sơ là hồng y Mario Grech, một người Malta rất sâu sắc tinh tường, thân cận với Đức Phanxicô. Bên cạnh hồng y, một thư ký dưới quyền khác là linh mục Luis Marin, người Tây Ban Nha. Cụ thể, nhóm mới này sẽ điều hành Nghị viện của Giáo hội.

Về điểm này, có một mới lạ, nhỏ bé nhưng mang tính biểu tượng cho tương lai. Vì trách nhiệm thứ bậc của mình, sơ Nathalie Becquart sẽ có thể bỏ phiếu trong các cuộc họp thượng hội đồng. Tiếng nói của sơ sẽ không thay đổi sự việc, nhưng đây là lần đầu tiên tiếng nói một nữ tu – trong số 660.000 nữ tu trên 415.000 linh mục – sẽ thực sự được đánh giá cao ở cấp độ này của Giáo hội công giáo.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Nathalie Becquart, phụ nữ số hai của Thượng hội đồng Giám mục

Sơ Becquart: “Dấu hiệu của Giáo hội tin tưởng ở phụ nữ”

Sơ Nathalie Becquart, phụ nữ đầu tiên có thể bỏ phiếu tại Thượng hội đồng Giám mục