Làm sao nói với trẻ con khi có các cuộc khủng bố?

249

parismatch.com, 2015-11-14

Làm sao nói với trẻ con khi có các cuộc khủng bố

Sau các cuộc khủng bố đầu năm 2015, Paris lại bị thêm các vụ khủng bố khác vào chiều thứ sáu 13-11. Bà Valérie, nhà giáo và phân tâm học; ông François Dufour, trưởng ban biên tập “Báo hàng ngày cho trẻ con” cho chúng tôi các lời khuyên để làm sao có thể đề cập đến các biến cố này với trẻ con và các em vị thành niên.

Paris Match. Trước tiên có cần trấn an các em không?

François Dufour. Trong cương vị ký giả, bổn phận của tôi là giải thích chứ không phải trấn an. Chúng ta không thể vẽ màu hồng trên một thực tế đen. Như các tâm lý gia đã nói, mập mờ thì không trấn an được trẻ con. Cha mẹ xem các câu hỏi con mình đặt ra và bảo đảm là câu trả lời đúng theo câu hỏi con đã đặt. Phải đặt mình vào trình độ của trẻ con.

Valérie. Cách hay nhất để trấn an là nói với chúng. Chúng nghe và thấy quá nhiều chuyện. Chúng ta phải giải thích.

Làm sao giải thích cho trẻ con và các em vị thành niên vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo?

François Dufour. Không có cách nào khác cách nào để nói với ba độ tuổi, vì sự kiện thực tế chỉ có một. Đơn giản là chúng ta không dùng cùng danh từ. Chẳng hạn với các em bé còn rất nhỏ, thì trước hết phải giải thích chữ “khủng bố”.

Valérie. Phải phù với từng độ tuổi. Đây là công việc giáo dục kể cả cha mẹ cũng như nhà trường, chứ không hẳn là công việc của tâm lý gia. Và không hẳn những gì mình trả lời hôm nay là sẽ ổn, đây là công việc về lâu về dài. Phải có môn công dân giáo dục để dạy các đề tài như: đâu là lời được phép nói, lời bị cấm trong một chế độ dân chủ? Thế nào là dân chủ? Làm thế nào để có thể sống chung với nhau dù phải ở trong chế độ độc tài hay quân chủ chuyên chế? Thêm vào đó là vấn đề thế tục, vì thế trường học là tuyến đầu để dạy dỗ các chuyện này. Với các em còn nhỏ, tôi khuyên cha mẹ đừng vặn máy truyền hình hay đài phát thanh quá nhiều trước mặt các em. Chúng ta có thể giải thích sự việc theo cách sau: có một tờ báo, người ta viết về những chuyện mà không phải ai cũng đồng ý, và có một vài người, vì họ không đồng ý nên họ nghĩ họ có quyền giết những người làm báo này. Nhấn mạnh đến sự kiện, đây là chuyện nghiêm trọng và luật cấm không được làm, vì thế nên cảnh sát mới can thiệp.

Trên các trang mạng xã hội, đã có các cuộc tranh luận nơi người trẻ. Chẳng hạn, một vài em trẻ thắc mắc vì sao trong trường hợp của báo Charlie, quần chúng được huy động để bảo vệ tự do phát biểu, trong khi với danh hài Dieudonné thì lại bị kiểm duyệt…

François Dufour. Phải giải thích có những ký giả và những người không phải là ký giả. Charb là ký giả còn danh hài Dieudonné không phải là ký giả. Phải tách ra sự việc và quan điểm, điều không phải dễ với các em tuổi vị thành niên. Một bên là quan điểm, hợp pháp và không hợp pháp. Tòa án sẽ xử về các tranh biếm họa của Mahomet và của  Dieudonné. Một bên là các sự việc: chúng ta ở trong một thể chế Cộng hòa, trong đó có ghi các khái niệm về tự do báo chí và tuyệt đối phát biểu, mà các giới hạn được luật pháp ấn định. Tự do phát biểu là của tất cả mọi người, các quan tòa sẽ quyết định. Đó là điều phải nói cho các em.

Valérie. Có thể giải thích cho các em đây không phải là tự do phát biểu “hoàn toàn”. Nếu muốn có tự do phát biểu thì kèm theo nó là phải có một luật rất mạnh. Chẳng hạn nói các lò hơi ngạt trong thời Đức quốc xã là không có, thì đây là một tội. Những gì báo Charlie Hebdo viết không đẩy đến hận thù, nhưng những lời của ông Dieudonné nói đẩy sự hận thù lên người khác. Đó là những giá trị quan trọng phải được cha mẹ truyền cho con cái. Đây là dịp để giải thích phạm vi tôn giáo là phạm vi riêng tư, không được dẫm lên phạm vi công cộng, và điều này có trong hiến chương nước Cộng hòa Pháp.

Buổi tuần hành lớn sẽ tổ chức vào ngày chúa nhật (11-1-2015) có giúp được người trẻ ý thức được thực tế của các sự kiện này không?

Valérie. Chúng ta cần họp nhau lại, mời nhau, ăn chung với nhau, thảo luận chung với nhau, giữa tất cả các thế hệ, dĩ nhiên là cố gắng tránh các rạn nứt nhưng tôi cũng không biết câu chuyện này sẽ quay ra như thế nào, tôi nghĩ là phải rất cẩn thận.

Luca Nguyễn Trung Tín chuyển dịch