Bài đọc về Cuộc Khổ Nạn thay đổi quan điểm của chúng ta
cath.ch, Carole Pirker, 2020-04-09
Theo triết gia René Girard, những gì Cuộc Khổ Nạn cho chúng ta thấy, đó là khả năng xây dựng một hình thức hiệp nhất mới, hoàn toàn thoát ra khỏi bạo lực.
Chúa Giêsu bị đóng đinh, họa sĩ Matthias Grünewald, khôi phục lại ở Issenheim (1512-1516)
Theo triết gia René Girard, dê tế thần không còn là phép ẩn dụ đơn giản trong Thánh Kinh, nó trở thành một khái niệm theo đúng nghĩa của nó, làm mới lại sự hiểu biết của chúng ta về Cuộc Khổ Nạn. Bernard Perret, nhà khảo luận, kinh tế gia, tác giả quyển “Nghĩ về đức tin kitô giáo sau René Girard” (Penser la foi chrétienne après René Girard), là một trong các tác giả am tường nhất về nhà nhân chủng học René Girard cho chúng ta biết về các điểm chính.
Qua đời năm 2015, René Girard để lại một một di sản ấn tượng thổi một ngọn gió mới trên nhân chủng học tôn giáo, tưới tẩm cho khoa học xã hội và con người cũng như cho thần học.
Trong quyển sách “Nghĩ về đức tin kitô giáo sau René Girard”, nhà khảo luận Pháp Bernard Perret là một trong những người am tường về triết gia Girard ở Pháp khám phá chiều kích kitô giáo trong tác phẩm của nhà nhân chủng học. Nhờ lý thuyết dê tế thần của ông, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu mang một dung mạo khác, cũng khác như Phục Sinh năm nay không có thánh lễ, không có bữa ăn gia đình, không có đi tìm trứng Phục Sinh…
Nhà khảo luận Pháp Bernard Perret | © DR
René Girard là ai mà theo ông đã cho chúng ta sự hiểu biết về kitô giáo?
Theo tôi, Girard là tác giả đầu tiên mở con đường hiểu biết về nhân chủng học của thông điệp kitô và một hiểu biết về Chúa hoàn toàn thoát khỏi mọi bạo lực. Ông cũng giúp định vị lại vấn đề đạo đức phúc âm như một vấn đề nhân chủng học, có nghĩa đằng sau vấn đề này, sâu hơn có một vấn đề xoay quanh sự hoán cải của ham muốn, nghĩa là khả năng tự phê phán đối với ham muốn riêng của mình và hiểu biết về những gì trong các ham muốn riêng này dẫn đến bạo lực và giết người. Vì vậy qua ba yếu tố này, trong thực tế, có các neo cắm để tụ lại một tiến trình của đức tin, một tiến trình để hiểu biết chính mình và một tiến trình để hiểu thế nào là xã hội và văn hóa con người.
René Girard khai triển khái niệm “khao khát bắt chước”, đó là gì?
Theo triết gia Girard, “khao khát bắt chước” là khao khát bắt chước những gì người kia muốn, để có những gì người đó có. Không phải thứ này tự bản thân nó là quý, là hấp dẫn nhưng vì người kia có khiến nó trở nên vật hấp dẫn, đến mức kích động các xung năng bạo lực để có cho được. Theo ông, các khát khao của chúng ta bắt chước các khát khao của người khác và từ đó nảy sinh ra ganh đua và bạo lực mà ông gọi đó là bắt chước.
“Cơ chế này làm cho chúng ta xây dựng các đơn vị hiệp nhất của chúng ta và các căn tính của chúng ta trên lưng của người bị tế thần”
Đối với nhiều người, ẩn dụ trong Thánh Kinh về dê tế thần tóm tắt đúng nhất suy nghĩ của triết gia. Làm thế nào nó lại ăn khớp trong xã hội chúng ta?
Chúng ta lấy kinh nghiệm mà mọi người có thể làm. Nếu bạn đang ở tiệm ăn với một nhóm bạn, bầu không khí ngay lập tức trở nên tốt khi nhóm bạn xác định được một vật tế thần mà họ nhất trí nói xấu và tất cả đều đồng ý. Trước đây chúng ta đốt phù thủy. Bây giờ chúng ta đủ sáng suốt để không đi tới cùng, nhưng chúng ta luôn quan sát cơ chế này trong các hiện tượng đánh hội đồng của truyền thông hay trong các vụ sách nhiễu ở trường học.
Dê tế nhần
Vì thế nó là cơ chế để chúng ta đoàn kết chống ai đó để được thống nhất?
Chính xác. Cơ chế này làm chúng ta xây dựng tất cả đơn vị của chúng ta trên vật tế thần. Giáo sư Girard cho chúng ta thấy nhờ kitô giáo và di sản kitô, chúng ta có thể đặt tên cho cơ chế này, bởi vì chúng ta biết thế nào là dê tế thần. Giáo sư nhấn mạnh chữ này chưa từng có trong các xã hội tiền-kitô giáo. Kết quả, nó đã hoạt động hết công suất vì con người không nhận thức được. Chúng ta càng nhận thức, nó càng ít hoạt động.
Nhưng cơ chế này có một phát triển khác, phải không?
Đúng, Girard còn đi xa hơn bằng cách cho rằng, các xã hội chúng ta chưa hoàn toàn chuyển sang kitô giáo nhưng thấm nhuần trong văn hóa kitô, đã thúc đẩy tình trạng nạn nhân trở thành một cách mới, để nói xấu về một ai đó và tiếp tục làm một hình thức bạo lực tập thể nào đó. Bởi vì ở đó, khi mình là nạn nhân hoặc mình đứng về phía họ, mình có quyền thực hành một bạo lực nào đó.
“Bằng cách đặt mình vào cương vị của vật tế thần, Chúa Giêsu tiết lộ cơ chế này bằng cách vô hiệu hóa nó”
Nơi cái gì ẩn dụ vật tế thần này làm sáng rõ thông điệp kitô?
Nó giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu tiết lộ cơ chế này bằng cách vô hiệu hóa nó theo một cách nào đó, bằng cách đặt mình vào vị trí của vật tế thần. Tin Mừng Thánh Luca nói điều này rất rõ khi ngài để vào miệng của thầy thượng tế lời nói có hai nghĩa này: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Ngài cũng nói khi đóng đinh Chúa Kitô, vua Hêrôđê và quan tổng trấn Philatô trở thành bạn. Do đó Chúa Giêsu đã tự đặt mình trong vị trí của vật tế thần, điều làm mọi người nhất trí chống Ngài, kể cả các kẻ thù cũ như vua Hêrôđê và quan Philatô.
Theo triết gia René Girard, ẩn dụ vật tế thần là cấu thành của một loại tội nguyên thủy của nền văn minh. Ông có ý gì ở đây?
Girard giúp chúng ta hiểu rằng văn hóa được sinh ra từ một cơ chế trục xuất như vậy, kể từ khi những con người tiền-lịch sử (pré-humains) đã hiểu trong các cuộc khủng hoảng bạo lực bắt chước đe dọa sự thống nhất của nhóm, họ có thể tìm thấy hòa bình bằng cách giết hay trục xuất một trong số họ. Sự khám phá vĩ đại của Girard là tính phổ quát của lô-gích hy sinh. Ban đầu được tìm thấy trong tôn giáo, lô-gích này hoạt động trong các nghi thức hiến tế, rồi sau đó trong toàn bộ cấu trúc văn hóa. Và như vậy, nó thực sự là tội nguyên khai của văn hóa và luôn hiện diện ở giữa chúng ta.
“Những gì Cuộc Khổ Nạn mang lại cho chúng ta, đó là khả năng xây dựng một hình thức hiệp nhất mới, thoát khỏi mọi hình thức bạo lực.”
Vì vậy theo Girard, Chúa Giêsu không dâng đau khổ của mình cho một Thiên Chúa báo thù để đền bù các lỗi lầm của con người, điều này gần như ngược lại?
Theo cách giải thích của Girard, những gì Cuộc Khổ Nạn cho chúng ta thấy là khả năng chúng ta kết hợp với nhau xung quanh các nạn nhân, Đấng bị đóng đinh cho chúng ta hình ảnh phổ quát và xây dựng một hình thức hiệp nhất mới, thoát khỏi mọi hình thức bạo lực. Tầm nhìn này trùng với trực giác của các nhà thần nghiệm lớn, nhưng triết gia Girard làm rõ mọi thứ, bằng cách đánh dấu sự khác biệt giữa cách giải thích đúng đắn này của kitô giáo và tất cả những gì tiếp tục truyền tải trong trí tưởng tượng kitô giáo về ý tưởng của một Thiên Chúa trừng phạt.
Chúa Kitô đã thay đổi cách nhìn của chúng ta về cái chết | DR
Theo Girard, Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô đóng một vai trò nào?
Vấn đề ở đây không phải chỉ đơn giản vượt qua cái chết mà còn là vượt qua bạo lực. Thần học gia người Anh James Alison, người từ lâu đã áp dụng lý thuyết nhân chủng học của Girard vào thần học kitô giáo đã chứng minh cho thấy tầm quan trọng của việc khôi phục cơ chế bạo lực này, qua đó Chúa Giêsu bị chết như một người bị kết án mà không qua xét xử. Ông nói và tôi trích dẫn: “Chúa Kitô không những chỉ đến để chiến thắng cái chết mà còn thay đổi cái nhìn của chúng ta về cái chết. Đối với chúng ta, cái chết không tách rời khỏi thực tế xấu hổ, bất lực, đau đớn, thất bại và mất mát.
Chúa Giêsu không giới hạn mình để giữ không gian của cái chết theo nghĩa trừu tượng (…), Ngài giữ không gian nơi con người bị ruồng bỏ để những người khác có thể sống. Nói theo nghĩa khác, Ngài đi đến cái chết như một nạn nhân, nghĩa là trong tư cách một người mà các người khác liên kết. Tại sao lại quan trọng như vậy? Bởi vì nó làm chúng ta ngạc nhiên trong tư thế xấu nhất mà chúng ta có thể tìm thấy chính mình. Không gian của nạn nhân là không gian mà không ai trong chúng ta muốn có, không bao giờ và trong mọi trường hợp. Và nếu chúng ta có muốn thì chúng ta vừa la hét vừa vật lộn.”
Vì sự bất công là cơ sở để chỉ định của nạn nhân này, chúng ta không muốn bất cứ ai bị làm vật tế thần…
Đúng, và bằng cách đặt mình ở địa vị vật tế thần, nạn nhân vô tội và tha thứ, Chúa Giêsu hiến mạng sống mình để tiết lộ cho chúng ta lô-gích đã đóng kín chúng ta trong những cuộc ganh đua chết chóc. Ngài giúp chúng ta cố gắng vượt qua lô-gích này.
Đây thực sự là sự đảo ngược quan điểm…
Điều này giúp chúng ta giải thoát được khỏi nỗi sợ cái chết bị cho như lời nguyền rủa, bởi vì đó là vi trí chúng ta đi qua bằng sự Sống lại. Vì thế tầm nhìn của ông giúp chúng ta hiểu cái chết này như một cái gì mà qua đó chúng ta đã được Chúa đi trước, Ngài đưa tay ra để cho chúng ta thấy chúng ta có thể đi qua và vượt qua nếu chúng ta chấp nhận đi theo bước chân dâng hiến này.
René Girard | © DR
René Girard, người tiên phong
René Girard (1923 – 2015) là cựu học sinh của trường nổi tiếng Ecole des chartes. Trở lại đạo công giáo, toàn bộ sự nghiệp của ông là ở Mỹ. Ông là giáo sư danh dự Văn học so sánh ở Đại học Duke, Mỹ, là người khai sáng “lý thuyết về sự khát khao bắt chước” mà khởi đi từ đó là khám phá tính cách bắt chước của ham muốn, tìm cách xây dựng một nhân chủng học mới của bạo lực và tôn giáo.
Lý thuyết này giống như thuyết tiến hóa của Darwin, một ví dụ hiếm hoi vì lý thuyết trong khoa học nhân văn đã vượt xa các khám phá mới trong khoa học thực tiễn hàng vài thập kỷ. Công trình của René Girard cơ thể được xem là một cấu trúc ở ba cấp độ. Cấp độ thứ nhất là lý thuyết của ham muốn. Cấp độ thứ nhì là lý thuyết của linh thiêng và nguồn gốc của văn hóa, cấp độ thứ ba là việc dùng kiến thức này để đọc lại các văn bản của do thái-kitô giáo.
Cái chết như một ơn hiến dâng là gì?
Đúng, vì đó là cách nó xuất hiện trong Tin Mừng của Thánh Gioan, ngài dùng ngôn ngữ của ơn rất nhiều. Cái chết như một ơn dâng hiến, chúng ta có thể lấy ví dụ ở chính Chúa đã ban chính Ngài cho chúng ta. Vì vậy chúng ta hy sinh cho người khác và chúng ta theo Ngài trong tiến trình đi qua cái chết này. Và đây là những gì chúng ta được dẫn dắt để sống trong thời kỳ này, khi mà cái chết hiện diện một cách bi thảm…
“Điều này giúp chúng ta giải thoát được khỏi nỗi sợ cái chết bị cho như lời nguyền rủa, bởi vì đó là vi trí chúng ta đi qua bằng sự Sống lại.”
Cụ thể trong thời đại dịch vì coronavirus, nỗi lo âu về cái chết được trải nghiệm mỗi ngày. Tầm nhìn của René Girard có mang đến một thông điệp hy vọng không?
Tầm nhìn hy vọng này mang tính cách rất bí ẩn và rất thần nghiệm. Nó bao gồm niềm tin rằng, những gì xảy ra trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô thực sự là sự đột nhập của thiêng liêng trong đời sống chúng ta. Chính Chúa đến trong lịch sử con người để biến đổi nó.
Vậy Cuộc Khổ Nạn đúng là ơn chứ không phải hy sinh?
Chính xác. Khi tôi nghĩ đến các người săn sóc ngày nay, họ sống ơn này theo cách của họ và chúng ta được mời để mang lại nhiều ý nghĩa hơn cho những chuyện này qua các nghi thức kitô giáo, bằng cách kết nối với ý tưởng của một sáng tạo mới.
Ông nghĩ gì về một sáng tạo mới?
Nền tảng của nhân loại với tư cách là một cộng đồng được thành lập dựa trên sự Phục sinh của Chúa Kitô và sự hiệp nhất, không còn dựa trên bạo lực tiềm ẩn. Những gì cái chết của Chúa Kitô mang lại như nhà thần học James Alison tóm tắt, là khả năng con người hình thành một xã hội không cần nạn nhân cũng không cần loại trừ.
“Cái chết của Chúa Kitô mang đến khả năng cho con người thành lập một xã hội không đòi hỏi phải có nạn nhân hay người bị loại trừ.”
Còn kitô giáo thì sao, nếu chúng ta xem đó là con đường cứu rỗi mà Chúa ban cho mỗi con người?
Từ quan điểm của René Girard, cứu rỗi trước hết là hiểu biết. Ông nói, từ chối Nước Chúa trước hết là từ chối hiểu biết mà Chúa Giêsu mang lại, một hiểu biết về bạo lực và về công việc của Ngài. Theo Girard, do đó bạo lực không thể tách rời một ý chí không muốn biết, trong khi nhận thức về hiểu biết này là sức mạnh của một sự biến đổi sâu đậm, cho cá nhân cũng như cho xã hội.
Đó thực sự là một tầm nhìn phá vỡ các quy tắc, bởi vì cứu rỗi luôn được tín hữu kitô hiểu như lời hứa vĩnh cữu gởi đến từng người…
Thật vậy, đối với thần học gia James Alison, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô có khả năng tạo ra một trí tưởng tượng mới, có khả năng biến đổi con người một cách sâu đậm. Nhưng ông xác định, nhận thức lương tâm cho chính sự can dự của chúng ta trong bạo lực là con đường duy nhất có thể khám phá được gương mặt thật của Chúa…
Rất nhiều thần học gia chịu ảnh hưởng của triết gia René Girard, trong số này có các nhà thần học Raymund Schwager, James Alison, John Williams.
Nghĩ về đức tin kitô giáo sau René Girard (Penser la foi chrétienne après René Girard), Bernard Perret, nxb. Ad Solem, 2018.
Marta An Nguyễn dịch