lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2015-09-28
Sự thành công của chuyến đi Mỹ của Đức Phanxicô củng cố cho đường lối mục vụ chủ trương thích ứng với các vấn đề xã hội đương thời của Giáo hội.
Trở về sau chuyến đi mười ngày dốc cạn sức của mình ở Cuba và Mỹ, Đức Phanxicô được củng cố sâu đậm bởi sự thành công ngoài tưởng tượng của chuyến đi của mình. Đặc biệt ở New York, thành phố khổng lồ này đã gần như mặc cho Đức Phanxicô chiếc áo nhân vật tạo “khuynh hướng”. Một biểu tượng của ảnh hưởng toàn cầu mà bức vẽ trên màn hình khổng lồ ở Times Square trung tâm thành phố, không thể nào làm cho ai lẫn tránh đi được.
Đây là bức vẽ phù du, nhưng tượng trưng cho nét thanh lịch cuối cùng của thế giới này. Nhất là, một cách sâu đậm hơn, khoảng không gian xa cách của chuyến đi thứ mười ngoài nước Ý, nối một cách tượng trưng bảy thành phố, từ Rôma La Havana đến Washington, đã khẳng định tầm mức chín chắn mà triều giáo hoàng của Đức Phanxicô đã thụ đắc, chỉ hai năm rưỡi sau khi được bầu chọn. Xa rồi thời gian, dù nó chỉ mới một năm, khi một số hồng y cho rằng người Argentina họ vừa bầu “chưa hoàn toàn vào chức vụ của mình”. Qua chuyến đi này, xem như chuyến đi quay về châu Mỹ – chuyến đi làm cho ngài được người dân xem mình là “người Mỹ” chứ không còn là “người Latinô” -, Đức Phanxicô đã tuyệt đối áp đặt được cách làm giáo hoàng của mình. Ngài sẽ không bao giờ bị gán cho mình là nhân vật này, nhân vật kia. Vì thế, chỉ trong vòng một tuần, ngài thật sự đã nắm được quyền uy luân lý. Cả ở bên ngoài Giáo hội, nơi ngài rất được kính trọng và cả bên trong Giáo hội, điều đã đến đúng lúc cho ngài… Cách đây một năm, Đức Phanxicô thật sự bị trở ngại khi một vài hồng y và giám mục đi ngược ý muốn cải cách mục vụ về hôn nhân của ngài. Sự căng thẳng bị thắt lại trong kỳ họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Gia đình tháng 10 năm 2014, khi số phiếu cuối cùng về các vấn đề người ly dị tái hôn và người đồng tính chỉ có đa số phiếu thường, chứ không phải 2/3 đa số. Đó là hình thức của một bước thất thế của ngài.
Trong suốt năm nay, ngài liên tục chuẩn bị tâm trí để làm chấp nhận sự cần thiết cho một bước đi lịch sử của Giáo hội, hướng về những người ly dị tái hôn, những ai sốt sắng ước ao được rước lễ và chịu các phép bí tích khác. Để bước tới trong lãnh vực này, đầu tháng 9 năm nay, Đức Giáo hoàng đã ra tự sắc (motu proprio) – trước khi tiến hành giai đoạn hai của Thượng Hội đồng – để làm dễ dãi và miễn phí các thủ tục giáo luật để “tiêu hôn”, đó cũng là một nửa cải cách của ngài. Nửa còn lại ngài muốn hoàn tựu là: trong một vài trường hợp, chấp nhận cho những người ly dị tái hôn nào đã ổn định cuộc sống, nhưng chưa được hủy hôn, họ ước ao được kết hiệp với Giáo hội. Hai trận tuyến thần học chống nhau. Một cho rằng tiến bộ này là không thể được vì qua đó, nó sẽ làm nguy hại cho tính bất khả phân ly của hôn nhân; phía kia, được Đức Phanxicô thúc đẩy, khẳng định vẫn giữ tính bất khả phân ly của hôn nhân nhưng đã đến lúc phải chấp nhận sự thất bại và giúp đỡ những người ở trong tình trạng này, thay vì loại trừ họ.
Ván bài này sẽ được quyết định trong ba tuần tới, bắt đầu từ chúa nhật 4 tháng 10. Tất cả đã được chuẩn bị và tổ chức kỹ – kể cả sự lựa chọn các tham dự viên thượng hội đồng của Đức Giáo hoàng để thuyết phục các giám mục theo đường hướng mà ngài muốn. Trong nghĩa này, sự thành công ngoạn mục của chuyến đi vượt Đại Tây Dương củng cố cho đường lối mục vụ mở ra và thích ứng với các vấn đề đương thời của Giáo hội, một vấn đề “không riêng gì với người công giáo”, như ngài đã lặp lại ở Mỹ. Như thế không có gì làm Đức Phanxicô ngừng, vì ngài vừa cho thấy bản chất quy mô tác động mục vụ của ngài đối với người công giáo cũng như không công giáo, không phải chỉ ở trong phạm vi Vatican với những bài diễn văn của ngài. Đường lối mục vụ này dựa trên năm trụ: đi ra khỏi nhà thờ và đến thẳng với giáo dân; nói ngôn ngữ bình dân và có những hành vi mạnh; rao giảng lòng thương xót và tình yêu của Chúa, đặt các nguyên tắc đạo đức công giáo vào đúng chỗ của nó; đặt trọng tâm là chăm sóc người nghèo – cả về mặt vật chất lẫn tinh thần – và lấy đây là chuẩn mực cho uy tín tinh thần Kitô; và cuối cùng là mời gọi giáo dân, nếu họ muốn, giải hòa với Chúa và với Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch