Suy tư từ lâu của Đức Phanxicô về vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội
Sự huấn luyện Dòng Tên của Đức Phanxicô đã giúp ngài phát triển tư duy của mình theo cách vừa thực tế, vừa thần học và vừa tâm linh.
international.la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2019-08-08
Đức Phanxicô ý thức được “không khoan nhượng” của Đức Bênêđictô XVI dù có hiệu quả trong việc trừng phạt các lạm dụng trong tương lai, nhưng vẫn chưa đầy đủ như một biện pháp phòng ngừa. (Ảnh của Maurizio Brambatti / EPA / MaxPPP)
Để hiểu thái độ của Đức Phanxicô đối với tai họa lạm dụng tình dục đã làm tổn thương Giáo hội, chúng ta cần nhìn lại những năm tháng ngài ở Argentina.
Cũng như nhiều giám mục Châu Mỹ La Tinh khác, sự thông hiểu về cuộc khủng hoảng của Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio chỉ được phát triển dần dần.
Sư huynh Juan Ignacio Fuentes Dòng Marista, chuyên gia về các vấn đề lạm dụng tình dục trong hệ thống giáo dục Công giáo Argentina thừa nhận: “Ở Argentina, vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội cũng như trong xã hội, chỉ thực sự được khơi lên trong tám hoặc mười năm qua. Về mặt văn hóa, nó vẫn là một chủ đề cấm kỵ.”
Nhìn thấy vết thương của Chúa Kitô trong nạn nhân
Sư huynh Fuentes nhắc lại tâm trạng của các nhà lãnh đạo Giáo hội sau các năm tháng độc tài, khi các vấn đề đạo đức được quân đội sử dụng để hạ uy tín các linh mục phản kháng. Thầy nhấn mạnh: “Người lớn ngày nay sau ba mươi hay bốn mươi năm lớn lên dưới chế độ độc tài đã thực sự được huấn luyện trong im lặng! Dù mọi chuyện đã thay đổi trong những năm gần đây, nhưng không có cái gọi là văn hóa minh bạch.”
Các nạn nhân chỉ vừa mới được mở ra gần đây.
Chính giáo hoàng tương lai đã biết được vấn đề này qua việc tiếp xúc với nạn nhân. Với tư cách là tổng giám mục của Buenos Aires, ngài đã làm việc chặt chẽ với các nạn nhân của nạn bóc lột và buôn bán người.
Ngài công khai ủng hộ các phụ nữ bị đe dọa, rao giảng chống lại những kẻ bóc lột họ và giúp họ tái hòa nhập vào với xã hội.
Ngài tâm sự: “Tôi thấy vết thương của Chúa Kitô trong họ”.
Khi làm giáo hoàng, ngài áp dụng một tiếp cận tương tự như vị tiền nhiệm của mình đối với các nạn nhân lạm dụng tình dục mà ngài thường xuyên gặp. Trên thực tế, ngài vẫn tiếp tục gặp nạn nhân dù họ thường có những lời nói cay nghiệt chống Giáo hội.
Ngài nhanh chóng nhận ra, dù chính sách “không khoan nhượng” của Đức Bênêđictô XVI có hiệu quả trong việc trừng phạt các lạm dụng trong tương lai, nhưng vẫn chưa đầy đủ như một biện pháp phòng ngừa.
Ngoài ra, còn có vấn đề lạm dụng mà trước đây đã được che đậy.
Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã được đào tạo về thần học quần chúng ở Argentina, một nhánh của thần học giải phóng chủ yếu dựa trên trường phái xã hội học.
Cái nhìn “xã hội học quần chúng” kết hợp với kinh nghiệm Dòng Tên của ngài trong các tình huống khó khăn đã giúp ngài hiểu được sự lạm dụng xảy ra trong Giáo hội như một tổ chức.
Do đó, trong bức thư gửi giáo dân Chi-lê, Đức Phanxicô nêu vấn đề “văn hóa lạm dụng và hệ thống che đậy đã kéo dài” trong Giáo hội công giáo.
Ngài kêu gọi phát triển một “nền văn hóa bảo vệ sẽ thấm vào trong các quan hệ, cầu nguyện, suy nghĩ và trải nghiệm thẩm quyền, vào chính phong tục và ngôn ngữ của chúng ta cũng như mối quan hệ của chúng ta với quyền lực và tiền bạc”.
Thần học quần chúng đã đào tạo Đức Phanxicô và vì thế ngài hiểu được mức độ mà nạn giáo quyền đã tạo con đường lạm dụng, bằng cách gạt bỏ quan niệm Giáo hội là Dân Chúa, giảm thiểu Giáo hội xuống thành “từng giới tinh hoa nhỏ” bất chấp sự ưu tiên mà Công đồng Vatican II dành cho khái niệm này. Tôi đã đưa ra khái niệm này.
Tuy nhiên, phân tích Đức Phanxicô không thể được xem như chỉ thuần túy mang tính xã hội học và thần học. Là tu sĩ Dòng Tên, ngài cũng nhấn mạnh vào chiều kích tâm linh mạnh mẽ. Đối với Đức Phanxicô, một trận chiến tâm linh thực sự chống lại ma quỷ đã can dự vào.
Trong những năm 1980, với kinh nghiệm lưu đày khi bề trên gởi ngài đến Cordoba ở miền bắc Argentina, linh mục Bergoglio đã dành thì giờ để suy tư về các “thử thách” mà các tu sĩ Dòng Tên đã trải qua vào thời điểm đó, khi so sánh các sự kiện dẫn đến việc triệt hạ Dòng vào thế kỷ 18.
Sau đó, ngài đã phân tích cuộc chiến tâm linh cần thiết để đối phó với các cuộc tấn công của Quỷ dữ.
Ma quỷ thể hiện như thử là nó có thật
“Ba mươi năm sau, chúng ta ở trong một bối cảnh khác nhưng cuộc chiến vẫn vậy và nó duy nhất thuộc về Chúa”, ngài giải thích trong lời tựa cho một ấn bản mới các lá thư ngài xuất bản vào tháng hai, trong đó có cả các lá thư gần đây ngài gởi cho giáo dân Chi-lê và cho dân Chúa.
Ngài viết trong những năm 1980: “Trong những khoảnh khắc của bóng tối và thử thách gian truân, khi các “rắc rối chằng chịt” và các “nút thắt” không thể gỡ rối và không có gì rõ ràng, thì lúc đó là lúc chúng ta phải im lặng”.
Ngài viết tiếp: “Sự dịu dàng của thinh lặng cho chúng ta thấy chúng ta còn yếu hơn. Vì thế ác quỷ thể hiện như thử là nó có thật với các chủ đích thật sự, không còn ngụy trang là thiên thần của ánh sáng mà lộ ra một cách trơ tráo và xấu hổ.”
Cách duy nhất để cho Chúa “có một khoảng không gian” là: im lặng, cầu nguyện và chịu sỉ nhục
Sau đó, linh mục Bergoglio giải thích, trong một số cuộc khủng hoảng, sự “bất lực nội tại” của các giải pháp của con người có thể cần đến “ân sủng của sự im lặng”. Ngài cũng nhấn mạnh, khi đối diện với nghịch cảnh, chỉ có Chúa Kitô mới có thể buộc sự dữ lộ rõ khuôn mặt thật của nó, do đó mới có thể tạo được một khoảng không gian cần thiết cho ánh sáng của Chúa.
Theo quan điểm của Bergoglio, những cách duy nhất để đến với một mặc khải như vậy chính xác là những cách được Chúa Giêsu chấp nhận trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài.
“Chỉ có một cách để “tạo không gian” cho Chúa, đó là cách chính Chúa đã dạy, chịu sỉ nhục và quên mình. Im lặng, cầu nguyện và chịu sỉ nhục.”
Điều này đưa đến một cảnh báo chống lại các giải pháp quá con người, như gần đây ngài đã lặp lại với các giám mục Mỹ.
Trong tinh thần này, kỳ tĩnh tâm bốn ngày theo đúng nghi thức Dòng Tên khi ngài triệu tập các chủ tịch Hội đồng Giám mục thế giới về Rôma, buổi phụng vụ ăn năn đã được cử hành tối thứ bảy 23 tháng 2 cùng với Đức Phanxicô và các chủ tịch Hội đồng Giám mục là một sự kiện chính yếu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch