Robert Sabatier (1923-2012), báo: L’Évènement du Jeudi
Nếu tham ăn là một tội chính, tôi sẽ nghi ngờ việc lên án tất cả các tội khác. Nếu tạo hóa cho chúng ta vị giác là để nó mang lại cho chúng ta khoái cảm. Mặt khác, nếu hóa công đã tạo nên chúng ta với tất cả nước mắt của cám dỗ, là cũng để chúng ta khổ vì nó. Nếu không, tôi sẽ làm sáng tỏ ở đây một vài mẹo vặt của Thượng Đế.
Tất cả đi từ số bảy: Bảy ngày một tuần, thất hiền, thất tinh, thất sơn v.v…, như vậy phải thêm tham ăn vào cho đủ bảy tội. Nếu cho rằng tham ăn là một tật xấu, thì tôi e trong nội bộ của ban quyết định không tránh khỏi tranh cãi, vì không có đức tính đó thì tiến trình đi lên của tạo vật sẽ mau chóng bị đình trệ. Bạn tưởng tượng Thượng Đế vừa tạo ra quả táo, vừa cấm bạn cắn vào đó? Tôi luôn nghĩ đáng lẽ A-đam và Ê-va nên ăn tươi nuốt sống con rắn đi cho rồi.
Gourmandise = tham ăn = chữ dịu ngọt làm sao? Xinh như chữ Gourgandine = người đàn bà tội lỗi. Ngôn từ lại còn ngụ ý bóng bẫy của chữ G đứng trước. Chữ G khum tròn như cái lưng của kẻ phàm ăn cúi xuống cái tô và cái gạch ngang cuối cùng là đôi đũa đưa lên miệng. Nghe đớp hụp, hụp! Và có lắm tình tiết dính liền với chữ G xinh đẹp kia! Phải kể: Goinfre, Glouton, Gueulard, Gonlafre, tuyền một nghĩa phàm ăn, và khi người ta muốn thêm vẻ quí phái, nó sẽ là: Gourmand, Gastronome, Gourmet và ngay cả Gargantua! Điều đó không có nghĩa là không thanh lịch.
Chúng ta hãy chê cười hạng người ăn uống một cách trịnh trọng thiếu tự nhiên và khen thưởng kẻ sành ăn. Tân nghệ thuật về làm bếp chỉ ra đời trước nền tân triết học một thời gian ngắn. Các nhà sáng tạo ngành nấu ăn đã thay thế món thịt heo mà Moncelet ưa thích bằng món chuột bạch. Quan sát tỉ mỉ dưới kính hiển vi, chúng ta sẽ ngạc nhiên thích thú trước món đậu hòa lan nhồi trứng cá. Thật là một thời huy hoàng, khi con người ăn sáu bữa mỗi ngày vẫn còn đói! Rồi chúng ta đi từ thuyết tối thiểu đến thuyết thần chú, từ trường thi của Guillevic đến đại đoản thi của Claudel. Từ sưu tầm này đến sưu tầm khác, người ta trở về với nghệ thuật làm bếp của giới trưởng giả ngày xưa. Trưởng giả ư? Ngay Flaubert cũng không từ chối việc bếp núc nấu nướng của họ. Giữa các thời kỳ nấu ăn ngon lành này, Nhà Đầu Bếp vĩ đại trở thành đồng hội đồng thuyền với nhà Đại Kiến Trúc của Vũ trụ, Michel Ange, Shakespeare hay Mozart. Họ đi vào lịch sử các nhân vật danh tiếng trong Tiểu Tự điển minh họa Larousse. Sau những chuyện này, ai còn nói tham ăn là một cái tội?
Người phụ bếp trở thành nghệ sĩ, đĩa thức ăn được trình bày như một tác phẩm nghệ thuật, con mắt hơn cái bụng, chúng ta nhìn những kiệt tác đó với biết bao thán phục! Khi khói thơm biến mất, người ta không ngớt ca tụng món thịt nai mềm ngọt. Arcimboldo, cũng không xa bao nhiêu. Và, ngay khi vừa đặt nĩa vào thức ăn, ta có cảm giác như đang phá hủy một tác phẩm và e dè nhìn ông đầu bếp với mặc cảm tội lỗi. Một giọng nói thầm thì vào tai bạn: «Ôi chao! Lại một kiệt tác không được… làm xong hết!» Từ dưỡng trấp đến ruột già, dù đã khéo nặn đến đâu, ôi, tất cả đều cặn bã. May thay, có kẻ ái mộ công việc bài tiết.
Và rồi tiệm ăn tràn ngập tiệm sách. Tất cả nhân vật nào đã có chút danh tiếng đều in sách dạy nấu ăn. Các sách dạy nấu ăn được xuất bản đều đều, xem kìa, các kỳ quan được minh họa đẹp đẽ đó đẩy các tác phẩm vốn đã thứ yếu đi lui dần: thơ, kỳ bút, tiểu thuyết, dù cho, theo ý kiến thiên vị của tôi, sự tham ăn đẹp nhất vẫn là sự tham ăn các chữ, các chữ mà khi mình vừa nếm, vừa đọc thầm cho bạn nghe, những chữ giúp cho bạn sống, cho bạn miền vui chứ không mang đến cho bạn phiền toái như thuốc gây mê. Tất cả những người tham ăn này có xuống địa ngục với cái chảo trong tay không? Tôi tin là không.
Một vấn đề quan trọng khác, thói tham ăn khuynh tả hay khuynh hữu? Có cần phải cân các thượng hạ nghĩ sĩ như cân súc vật không? Câu trả lời của tôi: thói tham ăn không có đảng phái. Xin tha cho tôi sự dễ dãi đó: thói tham ăn chống lại tất cả mọi chế độ. Nếu người ta xét đoán đến các chốn lừng danh về ẩm thực như: Roanne, Saulieu, Collonges, Strasbourg, Vonnas, Valence…, thì quyền hành không còn được tập trung nữa!
Ngày nay người ta tưởng đã có được lương tâm trong trắng, có được vệ sinh, kỷ luật, của cải được tôn trọng, khi mà kẻ hút xách quen thuộc với Molière và Baudelaire bị chỉ trích, kẻ say mê tốc độ trở thành tên trọng tội, kẻ hâm mộ điệu vũ pitchegorne và jaja bị lùng bắt, thì thói tham ăn của ngon vật lạ, những món ăn không thể nào quên được có còn bị xem là một tội không? Cái tội xấu xa ấy có còn được gọi là tội không, khi nó chẳng còn được nhà cầm quyền hay các hội đoàn chú ý tới. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ là kẻ phạm tội? Như vậy, chúng ta có nên bắt chước chú bé, ngày xa xưa, trèo lên tủ cao chấm ngón tay vào hũ mứt của bà ngoại? Chúng ta có nên chăng giữ lại một cái gì đó cho niềm khát vọng tuyệt đối của chúng ta? Tự đào mồ chôn bằng răng của mình, có bị cấm không nhỉ?
Tham ăn là một tội? Vậy thì đó là một tội dễ thương. Nếu bạn động lòng ăn năn, thì đừng ngần ngại, cứ xưng tội chè chén của mình. Tôi tin chắc, trước khi ban phép giải tội cho bạn, vị linh mục sẽ hỏi bạn địa chỉ các tiệm ăn ngon.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Tham ăn, một nét tự nhiên