Ở Phi châu, các nữ tu là nạn nhân của luật im lặng

1139

Ở Phi châu, các nữ tu là nạn nhân của luật im lặng

 

la-croix.com, Constance Vilanova, 2019-01-17

Ở Phi châu, các nữ tu bị các nam tu sĩ lạm dụng tình dục thường phải im lặng. Ba mươi năm sau ngày phúc trình về Vatican các sự thật này, loại văn hóa bí mật này vẫn tồn tại mà chưa có một phong trào giải phóng lời cho phụ nữ nào được lên chương trình hành động. Hiện nay, các nữ tu và các giáo sĩ truyền giáo muốn hiểu cơ chế của luật im lặng này, họ xem đây là quả bom nổ chậm.

Từ vài tháng nay, ở Chi-lê, Ấn Độ hay ở Pháp lời của các nữ tu bị các linh mục lạm dụng đã được giải phóng, nhưng ở Phi châu thì các nữ tu chưa thoát ra được luật im lặng. Điện thư này qua điện thư khác, cuộc gọi này qua cuộc gọi khác, câu trả lời có vẻ như họ không nhận điện thư, nhận cuộc gọi, khi nào cũng một câu: “Chúng tôi không muốn nói đến chuyện này”. Khó nói được con số, các trường hợp lạm dụng này vẫn tồn tại trong Giáo hội.

Nữ tu Josée người Công-gô thường hay đến các cộng đoàn nữ tu ở các nước trung Phi để triển khai các nghiên cứu của mình về mặt thần học. Năm 2004, tại một thành phố nhỏ ở Cộng hòa Trung Phi. Một thầy phó tế đến thăm một cộng đoàn. Khi thầy ở một mình với một trong các nữ tu, thầy kêu khát. Khi nữ tu mở tủ lạnh để lấy nước, thầy túm lấy gáy của nữ tu và hiếp. Đó là câu chuyện đau buồn nữ tu Josée kể lại. Một vụ hiếp mà xơ Josée không nghe trực tiếp từ nạn nhân, nhưng nghe qua mẹ bề trên của nữ tu này. Nữ tu Josée không muốn tên của đương sự bị nêu ra, cũng như tên của nhà Dòng. Lạm dụng tình dục, ba phụ nữ lần tìm dấu vết, nhưng ai cũng muốn ẩn danh.

Gom lại các chứng từ thì không có gì để nghi ngờ: các lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ vẫn tồn tại: đôi khi lại ở cấp cao như ở Cộng hòa Trung Phi và ở Kenya. Nhưng họ im lặng hoặc kể trong vòng kín đáo. Một nhà truyền giáo xin giữ ẩn danh nói với báo La Croix: “Nếu một ngày nào đó phải tiết lộ những gì xảy ra ở đây, thì khi đó bom nổ”. Luật cấm nói ngăn chận nên không có một con số nào được đưa ra. Theo đa số các nhà truyền giáo được hỏi, hai mẫu số chung là: giai cấp của các vụ hiếp và cách các nhà dòng xử lý.

Đa số các vụ lạm dụng xảy ra trong các nhà dòng của giáo phận, các cộng đoàn bản địa lệ thuộc tài chánh của một giám mục. Các phụ nữ thánh hiến ở các cộng đoàn này ít được giám sát hơn là ở các cộng đoàn quốc tế, vì thế họ mong manh hơn.

Một mẫu số chung khác: khi một cộng đoàn biết một trong các nữ tu của mình bị lạm dụng, họ đuổi nữ tu này về. Như trong câu chuyện của nữ tu Josée kể. Nữ thần học gia tức giận về thái độ của xơ bề trên: “Tôi hỏi bà: ‘Chị làm gì với nữ tu trẻ?’ bà trả lời: ‘Phạt chị ấy. Chúng tôi gởi chị đến một cộng đoàn xa để chờ sắc lệnh đuổi về. Chị ấy đã làm cộng đoàn mang tiếng xấu.’” Các cộng đoàn yếu ớt và các nữ tu bị cho về, tai tiếng mà Vatican biết từ hai mươi năm nay. Vào cuối những năm 1990, đã có hai bản phúc trình gởi về Rôma. Các cuộc điều tra này vẫn giữ trong vòng riêng tư, nhưng năm 2001 tuần báo Mỹ National Catholic Reporter (NCR) đã cho đăng.

Năm 1994, nữ tu Maura O’Donohue, vào thời đó nữ tu là bác sĩ và điều phối viên về bệnh sida của Tổ chức công giáo Caritas hải ngoại đã thực hiện một cuộc thăm dò các nữ tu của 23 nước, đa số ở vùng thượng sa mạc Sahara Phi châu. Trong số các trường hợp thương tâm, xơ tố cáo các vụ linh mục hiếp dâm các nữ tu, họ được xem là đối tượng “an toàn” trong những nước bị nạn dịch sida tung hoành. Nữ tu Maura O’Donohue người Ai Len qua đời năm 2015, xơ phúc trình tài liệu của mình lên hồng y Eduardo Martínez, khi đó là giám chức của Bộ lo về đời sống thánh hiến (CIVC).

Tháng 11 năm 1998, nữ tu người Ê-cốt Marie McDonald thuộc Dòng Truyền giáo Đức Bà Phi châu cũng gởi một bản phúc trình bốn trang về Rôma. Trong bản phúc trình này, xơ khẳng định: “Sách nhiễu tình dục, thậm chí các nữ tu bị các linh mục, giám mục hiếp dâm là chuyện thường hay xảy ra, đôi khi nữ tu mang thai, linh mục đề nghị nữ tu phá thai”. Báo La Croix đã hỏi nữ tu McDonald về vấn đề này, nữ tu không muốn trả lời. Hai mươi năm sau nữ tu không muốn đề cập đến nữa.

Năm 2002, linh mục người Mỹ Donald Cozzens, giáo sư thần học ở bang Ohio xuất bản quyển sách Im lặng thần thánh. Phủ nhận và khủng hoảng trong Giáo hội. (Silence sacré. Le déni et la crise dans l’Église). Trong tác phẩm này, linh mục phân tích sự mong manh yếu đuối của các nữ tu Phi châu. Để có một phân tích đúng, linh mục đã trao đổi với nữ tu O’Donohue. Linh mục cho biết: “Việc công bố của bản phúc trình trong tuần báo NCR năm 2001 mà không có sự thỏa thuận của xơ là một kinh nghiệm đau thương cho nữ tu Maura. Nữ tu bị công kích nặng trong Giáo hội. Chẳng hạn người ta kết tội nữ tu là kỳ thị”. Linh mục cho biết, để trả lời hai bản phúc trình này, vào cuối những năm 1990, Vatican đã gởi một thư cho các giám mục Phi châu. Linh mục Cozzens phẫn nộ: “Một vài giám mục nhận thư này lại là những người trực tiếp liên hệ. Làm thế nào mà lời cảnh cáo này lại có hiệu lực, nếu đòi hỏi người đi tấn công tình dục phải ngưng hành động do chính họ làm?”

Hiệp hội các Dòng Quốc tế (UISG) đã không trả lời câu hỏi của báo LaCroix đưa ra vào mùa hè vừa qua, họ trả lời một bản thông báo sẽ được đưa ra “sắp tới”. Được công bố ngày 23 tháng 11 vừa qua, bản thông báo cho biết: “Mọi nữ tu bị lạm dụng phải tố cáo việc lạm dụng này với bề trên dòng, với nhà cầm quyền giáo hội hay dân sự tùy theo trường hợp”. Hiệp hội cũng mãnh liệt lên án loại “văn hóa im lặng và bí mật” và một khi nắm vững trường hợp, hiệp hội cam kết lắng nghe và giúp đỡ tất cả ai muốn tố cáo để họ tố cáo đến các cơ quan liên hệ.

Dù đã có hai bản phúc trình nhưng tình trạng của một số nữ tu Phi châu vẫn đáng lo, đôi khi bề trên của họ cũng không trợ giúp họ. Nữ tu Josée nêu vấn đề này ra trong một chứng từ mới. Năm 2011, một nữ tập sinh cho nữ tu Josée biết, một mẹ bề trên đã luân phiên gởi các nữ tu trẻ đến ngủ tại nhà một giám mục danh dự với lý do canh bệnh. Tất cả khi về đều cho biết họ bị giám mục này bắt phải có quan hệ tình dục với giám mục. Nữ tu Josée tố cáo: “Bà bề trên đã trả lời với một trong các nữ tu: ‘Giám mục đã ban ơn cho cả dòng. Để biết ơn, ít nhất chúng ta phải làm như vậy. Nếu con từ chối thì nhà dòng sẽ phạt con.’”

Làm sao giải thích vẫn còn luật cấm nói? Nữ tu Mary Lembo người Togo, Tây Phi đang chuẩn bị luận án tiến sĩ về liên hệ giữa các linh mục và nữ tu ở Phi châu tại Khoa Tâm lý, Viện đại học Gregotian, Rôma. Không tính đến các nước Phi châu vùng thượng sa mạc Sahara, nơi các sự việc đã xảy ra, nữ tu làm việc trên 12 trường hợp tấn công tình dục để tìm hiểu cơ chế tâm hệ của các vụ này. Theo nữ tu chuyên ngành, luật im lặng vẫn còn tác hại trên châu lục, vì hình ảnh của linh mục Phi châu vẫn còn là một hình ảnh đặc biệt: “Hình ảnh này được tôn trọng, thậm chí còn sợ hãi. Các nạn nhân bị mặc cảm tội lỗi. Trong các trường hợp lạm dụng này, thường thường  nữ tu là người bị đặt vấn đề, chính họ mới là người bị chú ý, bị người khác nhìn vào: họ thường bị trực tiếp lên án”.

Theo linh mục Stéphane Joulain, linh mục Dòng Trắng, chuyên gia trong việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục, sự lý tưởng hóa linh mục ở Phi châu là nạn giáo quyền ở châu lục này: “Quan hệ đàn ông-đàn bà ở đây rất khác, dù đã có tiến bộ. Người đàn ông thống trị và người linh mục lại càng thống trị hơn.” Nhưng theo linh mục Joulain, luật cấm nói vẫn còn thống trị vì nếu lời của các nữ tu được giải phóng, thì vấn đề độc thân của các linh mục sẽ tự động được đưa ra ngay. Linh mục cho biết: “Trong lần họp Thượng Hội đồng giám mục về Phi châu năm 2009, vấn đề độc thân đã được đề nghị đưa ra thảo luận, nhưng nhiều giám mục chống đối. Theo họ, điều này sẽ in dấu lên các linh mục Phi châu, họ bị xem là những người không đủ khả năng sống đời sống độc thân khiết tịnh như các linh mục khác”.

Một cơ sở khác của luật im lặng là các nữ tu trẻ vào các nhà dòng của địa phận trong các điều kiện rất bấp bênh. Tình trạng nghèo nàn đã làm cho một số linh mục lạm dụng. Một nhà truyền giáo khác thú nhận: “Cũng không nên phủ nhận, trong một số trường hợp, quan hệ của linh mục và nữ tu là một quan hệ được thỏa thuận.” Nhà truyền giáo này lấy làm tiếc: “Thường thường vì quá nghèo, các nữ tu cần trợ giúp tài chánh và các linh mục giúp đỡ họ. Tuy nhiên các linh mục không tấn công ngay nhưng họ tạo một quan hệ lệ thuộc trước”.

Trong một vài nhà dòng, các mẹ bề trên đã hành động trước để bảo đảm an toàn cho các nữ tu của mình. Chẳng hạn nhà dòng ở Kenya là một ví dụ. Còn đối với các nữ thỉnh sinh muốn vào một nhà dòng, họ cần thư giới thiệu của linh mục giáo xứ của họ, đôi khi các linh mục trao đổi bằng quan hệ tình dục. Một lợi dụng mà nữ tu Josée cũng tố cáo. Linh mục Joulain xác nhận: “Trong nhiều dòng ở Kenya, hiện nay chính người lo ơn gọi của nhà dòng đến cha xứ nhận thư giới thiệu để bảo vệ cho các thỉnh sinh”.

Làm thế nào để bảo vệ cho các phụ nữ thánh hiến ở Phi châu? Theo nữ tu Mary Lembo, giải pháp là phải đào tạo họ trước: “Phải đặt tại chỗ các phương tiện để giới hạn trong các quan hệ. Phải dạy cho các nữ tu biết các mưu chước của các linh mục “săn mồi”, phải thấy các dò dẫm này để nói ‘không’ ngay lập tức và cũng phải dạy cho các nạn nhân cách tố cáo”.  Theo nữ tu tiến sĩ thì địa vị của phụ nữ phải được thay đổi. Trong xã hội cũng như trong Giáo hội, linh mục Joulain tóm tắt lại như người thợ mài ngọc: “Điều phải thay đổi, đó là lời được dạy: chức thánh của một linh mục thì giá trị hơn trinh tiết của một nữ tu.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

Xin đọc thêm:

“Các lạm dụng tình dục thường phát sinh từ một quan hệ khởi đầu là thiêng liêng”