Hãy tin vào ông già Noel

350

Hãy tin vào ông già Noel 

 

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Nếu bạn hỏi một đứa trẻ ngây thơ: “Cháu có tin ông già Noel không?” nó sẽ trả lời “Có!” Nếu bạn hỏi một đứa trẻ thông minh, nó sẽ trả lời “Không!” Nhưng nếu bạn hỏi một đứa trẻ thông minh hơn nó sẽ trả lời “Có!”

Bài trước, tôi nói đến nhu cầu “phục hồi trinh nguyên” của chúng ta, nhu cầu tin vào ông già Noel.

Nhưng làm cách nào để chúng ta hồi phục lại trinh nguyên? Làm cách nào để chúng ta có lại tính thơ ngây thứ hai?

Chỉ cần khơi lại ý thức về sự mới lạ, gột sạch ảo tưởng về sự thân thiết. Như Chesterton, chúng ta phải “học nhìn những cái thân quen cho đến khi nó thành huyền bí.”

Chúng ta làm bằng một nỗ lực có ý thức, có cân nhắc để có thái độ của một đứa trẻ khi đứng trước thực tế. Chúng ta phải phục hồi tinh thần nguyên khai, óc ngạc nhiên, cảm nhận sự phong phú của một thực tế đầy huyền bí, chúng ta chưa hiểu và chúng ta phải học hỏi trong tinh thần trong sáng, thận trọng, biết suy xét, tôn trọng các giới hạn của thực tế và các điều cấm kỵ.

Đi kèm với nỗ lực này là phải cố gắng ý thức, suy xét để gột bỏ mọi dấu vết của tính hoài nghi, khinh mạn, tất cả thái độ đồng hóa huyền bí với mê muội, cấm kỵ với mê tín đam mê lãng mạn, lý tưởng với ngây ngô.

Nó cũng đòi hỏi phải biết chờ phần thưởng, phải sống trong căng thẳng, phải chấp nhận không trọn hảo. Nó cũng đòi hỏi, trong mọi ý nghĩa của từ này, không ngủ với cô dâu trước khi cưới. Chúng ta phục hồi trinh nguyên bằng cách học chờ – về các mặt tình dục, kinh tế, xúc cảm, thiêng liêng.

Sau cùng, việc phục hồi trinh nguyên và có được thơ ngây lại làm cho chúng ta có kinh nghiệm sống khiết tịnh. Trong nghĩa này, chúng ta tìm được và tôn trọng ý tưởng rằng chính bản thân chúng ta và thực tế chung quanh chúng ta mang đầy tính thiêng liêng.

Để thử mô tả tiến trình phục hồi trinh nguyên, tôi xin đưa ra hai ẩn dụ:

Hình ảnh thời gian cần có để đất được phục hồi: Hình dung một vùng đất bị thiên tai tàn phá và không còn bóng người. Nước ao tù và dơ bẩn, cây cối khô héo và thiên nhiên bị hủy hoại.

Nhưng, nếu để thời gian làm việc của nó – mặt trời, mưa, gió, giông tố, sương giá, tuyết – đất sẽ trở lại tình trạng ban đầu. Nước sẽ trong trẻo và tinh khiết trở lại, cây cối sẽ hồi sinh và cuối cùng vẻ đẹp thiên nhiên được phục hồi. Trong một cách nào đó, nét thuần khiết được phục hồi, đất sẽ như cũ.

Tinh thần và quả tim chúng ta cũng vậy: ngay khi chúng ta không còn phá hoại chúng bằng ảo tưởng suồng sã và sống thiếu suy xét thì, dần dần, chúng sẽ được khôi phục, sẽ học để yêu trở lại. Đó là sự trở về của lòng khiết tịnh trong hiểu biết và yêu thương. 

Hình ảnh bóng tối của bào thai: Hình dung bào thai trong lòng mẹ. Tiến trình bắt đầu với cái trứng được thụ tinh, một tế bào nhỏ được cưu mang, hình thành, săn sóc bởi môi trường chung quanh, được dưỡng nuôi bởi một thực tế vô cùng to lớn hơn nó. Tất cả diễn ra trong bóng tối, trong yên bình của bóng đêm. Cuối cùng em bé đủ lớn, và ra đời.

Sự huyền bí của thực tế quá nặng trĩu mà cần phải có thời gian, nhiều khi cần cả nhiều năm trời, khi giác quan và tinh thần đứa bé lớn đủ, nó mới bắt đầu hiểu. Lúc đầu, nó chỉ biết nhìn và ngạc nhiên thôi.

Cũng vậy với tiến trình đi về lại tính thơ ngây lại, của việc phục hồi trinh nguyên. Chúng ta phải tái sinh. Nói theo kiểu ẩn dụ, chúng ta phải làm một hành trình đi lui, một hành trình về nguồn, về lại với bóng tối của bào thai trong lòng mẹ để được thu nhỏ thành cái trứng, để được cưu mang lần nữa trong bóng tối (trong bóng tối của hiểu biết, hiểu nhiều hơn bằng cách không hiểu hơn là hiểu) để chúng ta có thể mở to đôi mắt trở lại với nhận thức mới, để khơi dậy trong chúng ta một cái gì rất điên, rất ngạc nhiên, một cái gì rất lớn mà chúng ta không thể nào biết, không thể nào định danh một cách chính xác và chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng và ngạc nhiên.

Và đó là cảm nhận mà G.K Chesterton đã gợi lên rất hay như sau:

Khi ngày của tôi sắp hết

Khi tôi không còn bài hát nào để hát,

Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ già

Để ngắm mọi điều;

Như ngày xưa tôi từng ngắm

Cánh cửa căn phòng trẻ con

Hay cội cây cao với cái cầu tuột…

Chesterton, A Second Childhood – Tuổi thơ thứ hai

Mong chúng ta không bao giờ quá già, quá cầu kỳ, quá người lớn, quá mất trinh nguyên để không còn nhìn được “cánh cửa của căn phòng trẻ con.”

Nguyễn Kim An dịch