Triều giáo hoàng Đức Phanxicô: Đường lối thiêng liêng kiên định được xác định và được nhấn mạnh

343

Triều giáo hoàng Đức Phanxicô: Đường lối thiêng liêng kiên định được xác định và được nhấn mạnh

Đã có sự gia tăng đáng kể số lượng các buổi lễ trong năm thứ năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô | © flickr/catholicism/CC BY-NC-SA 2.0)

cath.ch, I.MEDIA, 2018-07-13

Con số các buổi phụng vụ tăng cao, các chủ đề của các buổi tiếp kiến, các tài liệu giáo huấn súc tích: năm 2018, triều giáo hoàng Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu là ân sủng hơn là hành động nhân bản, cả bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội.

Trong năm thứ năm triều giáo hoàng này, đường lối thiêng liêng kiên kịnh được xác định và được nhấn mạnh, nhất là sự gia tăng số lượng các buổi lễ. Tuy không có con số thống kê chính xác về các buổi lễ nhưng có khuynh hướng vượt số lượng của lịch phụng vụ bình thường, được kiểm chứng qua số lượng gia tăng công việc của Văn phòng các buổi Phụng vụ…

Cũng vậy, các chủ đề của các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư cũng là một dấu chỉ. Sau các việc làm của lòng thương xót có tính cách hướng về hành động, đến chủ đề hy vọng có tính cách chung chung, từ tháng 11 vừa qua, các chủ đề của Đức Phanxicô hướng về các vấn đề căn bản. Các bí tích như bí tích thánh thể, rửa tội và thêm sức, và bây giờ là các điều răn. Mở đầu chu kỳ mới này, Đức Phanxicô nhắc “thánh lễ không phải là buổi trình diễn”, ngài xin tắt điện thoại và các loại máy chụp hình để “có thể gặp Chúa”.

Quan tâm đến việc đào tạo hàng giáo sĩ và các nữ tu

Bằng chứng cho sự đổi hướng này: các tài liệu giáo huấn cho thấy ngài quan tâm đến việc đào tạo tín hữu cũng như đào tạo các người thánh hiến, trong tinh thần phải có sự quân bình về mặt nhân bản và phải rốt ráo hơn với vấn đề thiêng liêng. Năm 2018, sẽ là năm của các trường đại học ông giáo và các nữ tu, sau các tân linh mục vào cuối năm 2016.

Ngày 15 tháng 5 vừa qua, Vatican đã công bố Huấn thị Cor orans (Tâm hồn cầu nguyện), một loại tông hiến áp dụng đường lối tông đồ mới cho các dòng chiêm niệm nữ –  Vultum Dei quaerere (Tìm dung nhan Thiên Chúa, 2016). Nhất là tông hiến này tái khẳng định tính chuyên biệt của đời sống nội cấm, trở nên gần như bắt buộc, bên cạnh việc quy tụ lại các đan viện thành liên viện.

Gần đây hơn, đó là cũng là trường hợp Huấn thị Ecclesiae sponsae imago (Hình ảnh Giáo hội hôn thê của Chúa Kitô) dành cho Đoàn Trinh nữ Thánh hiến. Ngày 4 tháng 7 – 2018, Giám mục José Rodriguez Carballo, tổng thư ký Bộ lo về Đời sống Tận Hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ giải thích, với tài liệu này, ơn gọi đặc biệt cho phái nữ đã được nâng giá trị, giúp cho Giáo hội ý thức Giáo hội là “hôn thê của Chúa Kitô”.

Tìm lại sự phong phú sinh sôi nảy nở

Luôn ở bên cạnh phụ nữ, quan tâm đến tâm hồn giáo dân, năm 2018 Đức Phanxicô đã cho thiết lập một lễ mới dành cho Đức Mẹ: lễ Maria Mẹ Giáo hội được kính vào ngày thứ hai lễ Hiện Xuống. Trong một bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Phanxicô nói lên ước mong nhấn mạnh đến “tình mẫu tử” của Giáo hội, suối nguồn của sự phong phú sinh sôi nảy nở.

Và đó cũng là ý chỉ được thể hiện qua Tông huấn thứ ba Gaudete et exsultate, Vui mừng và Hân hoan của ngài, tông huấn nói về sự “thánh thiện”. Tông huấn này vừa tầm tay của mọi người, mục đích là khuyến khích tín hữu kitô trọn hảo trong tinh thần kitô qua các việc nhỏ của đời sống hàng ngày. 

Cầu nguyện cho các tín hữu kitô bị bách hại

Bước đi tiến hóa này của triều giáo hoàng mang ý nghĩa cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội, trên các chủ đề thế tục hoặc các chủ đề mang tính chính trị hơn.

Ngày 7 tháng 7 vừa qua, hình ảnh còn đọng lại trong cuộc gặp gỡ đại kết ở Bari, nước Ý là hình ảnh Đức Giáo hoàng, cùng với tất cả các thượng phụ Giáo hội Đông phương, tố cáo sự “dửng dưng” của các quyền lực trên thế giới đứng trước thảm họa của các tín hữu kitô bị bách hại ở Trung Đông. Nhưng và nhất là hình ảnh các nhà lãnh đạo kitô giáo hiệp nhất – đây là lần đầu tiên ở cấp độ này – cùng cầu nguyện chung với nhau để “trở nên khí cụ hòa bình đến từ trên cao”.

Năm 2013, Đức Phanxicô cũng đã tổ chức buổi cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, lần cầu nguyện này để tiếp cận với các vấn đề thời sự lớn của thế giới, nhấn mạnh thêm một lần nữa sự quan tâm của ngài đối với bi kịch của các tín hữu kitô ở Trung Đông. Ngày 23 tháng 11 năm 2017, trong một buổi canh thức cầu nguyện ở Đền thờ Thánh Phêrô cho hòa bình ở Xuđăng và Cộng hòa Dân chủ Công-gô. Ngài đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của cầu nguyện để khử trừ các cuộc thảm sát này.

Ngày 19 tháng 11 năm 2017, Đức Phanxicô chủ sự thánh lễ ở Đền thờ Thánh Phêrô nhân ngày Thế giới Người nghèo, ngày được thiết lập để kéo dài Năm Thánh Lòng thương xót, trong tinh thần ngài đã tuyên bố ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình: “Giáo hội không phải là một cơ quan Phi Chính Phủ”.

Tháp tùng về mặt thiêng liêng với người di dân

Với người di dân cũng vậy, đây là vấn đề Đức Phanxicô luôn hằng quan tâm, tông giọng trong các bài diễn văn kể từ đầu năm 2018 đã mang dấu ấn thiêng liêng đáng kể. Như trong thánh lễ ngài cử hành nhân ngày kỷ niệm 104 Ngày Thế giới người Di dân và Tị nạn 14 tháng 1 – 2018 vừa qua. Ngài cho thấy, vấn đề này là vấn đề của một “chân trời truyền giáo mới” của Giáo hội. Có nghĩa đây là dịp thuận lợi để loan báo Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Chúa mà không đi ra khỏi bối cảnh riêng của Tin Mừng. Ngoài ra, thánh lễ này cũng là một điểm mới trong lịch các buổi lễ cử hành của Tòa Thánh. Cũng như thánh lễ cho “người di dân” được cử hành ở đền thờ Vatican để tưởng niệm năm thứ năm Đức Phanxicô đến đảo Lampedusa thăm người tị nạn.

Ngày 1 tháng 1 năm 2018, trong Sứ điệp về hòa bình, Đức Phanxicô kêu gọi có một “cái nhìn suy tư” về người di dân, xem họ như thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất, hình ảnh của một Giêrusalem trên trời mà các cánh cửa luôn rộng mở.

Trong ngày kính Thánh Françoise-Xavière Cabrini, nhà sáng lập dòng nữ Thánh Tâm Chúa Giêsu (1850-1917), bổn mạng của người di dân, ngài khẳng định Thánh Cabrini chính là nhà truyền giáo: không phải chỉ vì Thánh Cabrini tận tâm lo cho người tị nạn nhưng nhất là nữ Thánh thấy được họ cần Chúa đến như thế nào.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch