Mối nguy của tự khẳng định

229

Mối nguy của tự khẳng định

Ronald Rolheiser, 01-05-2014

Với tốc độ và sự thay đổi của thế giới ngày nay, với đại dương thông tin mà kỹ thuật công nghệ mới đem lại, cũng như sự thay đổi quá nhanh các kiến thức trong đời, cùng với sự chuyên môn hóa và phân mảng hóa ngày càng cao trong ngành giáo dục cao cấp, cộng thêm sự phức tạp ngày càng tăng của cuộc sống, đôi khi, mà thường là sau khi bạn đưa ra một ý kiến về chuyện gì đó, bạn sẽ nghe người khác nói: Nhưng tôi thì biết gì? Câu hỏi cho đúng là: Chúng ta thì biết gì?

Xét sơ qua, thì câu này nghe có vẻ khiêm tốn và, nếu thành thật hơn thì mô tả này có một mức độ khiêm tốn nào đó, nhưng kiểu thừa nhận này nói lên một cái gì đáng buồn: Tôi thì biết gì? Thật vậy, chúng ta có thể biết được cái gì trong đống phức tạp và xảo biện của thế giới này?

Đúng, chúng ta có thể biết quan niệm của mình, biết tâm điểm tinh thần của mình, biết tâm hồn mình, và tâm điểm thiêng liêng của mình. Xét cho cùng, chúng ta có thể biết những gì chân thật và quý giá nhất đối với mình, và đây chính là kiến thức quan trọng nhất đối với tất cả mọi người. Chúng ta có thể biết những gì là tột cùng quan trọng. Bên cạnh hiểu biết mơ hồ mà chúng ta có về Thiên Chúa, thì hiểu biết về quan niệm của mình, về tâm điểm tinh thần của mình, chính là điều quan trọng nhất trong số những gì chúng ta đã nhận thức được. Thật vậy, nhận thức về tâm điểm riêng của mình chính là được gắn chặt mật thiết với nhận biết về Thiên Chúa.

Đây là điều mà chúng ta cần nhấn mạnh thời nay, vì có quá nhiều thế lực quanh và trong chúng ta đang hợp nhau để xô đẩy chúng ta xa khỏi tâm thái tỉnh thức, ra khỏi sự chú tâm vào tâm điểm thâm sâu nhất của mình, có nghĩa chúng đang đẩy chúng ta ra khỏi sự gắn kết với bản chất thật của mình. Khi chân thành thú nhận, chúng ta phải công nhận rằng thật quá khó để thật sự thành tâm và thật quá khó để hành động theo trọng tâm của mình, để không bị cuốn theo các hệ tư tưởng, các dư luận, kiểu cách đương thời, những mốt, hay những khái niệm có sẵn về chính mình mà những người xung quanh bơm cho chúng ta. Thường thì thái độ và hành động của chúng ta không thực sự phản ánh con người chúng ta. Đúng hơn, nó phản ánh hình ảnh của bạn bè chúng ta, những trang báo và trang mạng chúng ta vừa đọc, cũng như các bản tin và bài nói chuyện trên đài mà chúng ta thích nghe. Cũng thế, chúng ta thường tự nhận thức mình như một con người mà gia đình, bạn học, đồng nghiệp, bạn bè đã nhận định hơn là chính thực tại thâm sâu nhất trong chúng ta. Ngay từ thơ ấu, chúng ta đã hấp thụ những ý niệm về mình: “Con là đứa sáng sủa! Con là đứa ngu ngốc! Con nổi loạn! Con nhút nhát! Con ích kỷ! Con sợ sệt! Con chậm chạp! Con suy nghĩ nhanh! Con là kẻ thất bại! Con tệ hại! Con tốt! Số con sẽ tốt! Số con sẽ xấu!”

Và như thế thách thức của chúng ta là phải nhận thức và hòa mình hơn vào quan niệm riêng, trọng tâm thiêng liêng riêng của mình, để gắn kết hơn với những gì, cho đến tận cùng, là chân thật và quý giá nhất đối với chúng ta. Một phần không nhỏ của việc này là đòi hỏi phải chống lại việc tự xác định mình, chống lại việc tự họa bản thân mình và hành động theo hình mẫu mà chúng ta tự thu vén cho bản thân, nghĩ mình là người sáng láng, ngu ngốc, nổi loạn, nhút nhát, ích kỷ, rộng lượng, người xấu, người tốt, người thành công, người thất bại, hay một người cần phải thốt lên rằng: “Nhưng tôi thì biết gì?” Để làm được như thế, chúng ta phải trả một giá thế nào đây?

Trước tiên, phải coi lại và chọn lọc cả lòng từ bi và hận thù của chúng ta. Chúng ta tôn trọng một số việc và người nào đó, giận ghét một số việc và người nào đó khác, lý do không phải họ hợp hay chống với những gì quý giá nhất của chúng ta, nhưng vì họ hợp hay chống với hình ảnh chúng ta có về  mình. Khi đó, chúng ta không chỉ đánh mất cái tôi thật sự của mình, mà con đánh mất tính cá biệt của mình. Trớ trêu thay, các hệ tư tưởng, dư luận, kiểu cách đương thời, suy nghĩ bè nhóm, các hình ảnh cường điệu, cuối cùng, chúng sẽ chôn chặt chúng ta trong biển vô danh, đánh đồng. Nói theo câu chữ của René Girard là: Khi khao khát muốn được khác biệt, cuối cùng, điều không tránh khỏi là chúng ta kết thúc ở cùng một biển sâu thẳm! Chỉ cần nhìn vào mốt đương thời, kiểu đội mũ ngược là thấy sự thật này.

Làm sao chúng ta có thể tự xác định bản thân cho đúng, để không bị trệch đường, làm cho chúng ta không còn nhận thức được ánh sáng riêng của mình! Dạng tự xác định nào có thể giúp chúng ta thoát khỏi các hệ tư tưởng? Làm sao để khi nghĩ về mình, chúng ta không bị hình ảnh đã được hấp thụ trong thời thơ ấu áp đặt lên chúng ta khi chúng ta đã trưởng thành, để, nói như ông William Stafford nói, chúng ta đủ lành mạnh để một cái nhún vai tầm thường, một lời nói bội bạc nhỏ sẽ không thể phá đi sức khỏe mỏng manh của mình, đẩy các lỗi lầm khủng khiếp thời thơ ấu cuốn ngập lại chúng ta về qua lối đó?

Không dễ có câu trả lời cho điều này, nhưng tôi có một gợi ý: Vào thời đầu khi đi rao giảng, khi dân chúng đang thắc mắc hỏi Gioan Tẩy Giả là ai,  họ đến hỏi ông: “Ông là ai?” Họ hỏi tiếp: “Ông là Đức Kitô? Ông là tiên tri Êlia? Ông là ngôn sứ?” Thánh Gioan trả lời, tôi không là ai trong số các người này. “Vậy thì ông là ai?” họ gặng hỏi cho bằng được. Gioan trả lời: “Tôi là tiếng vang trong hoang mạc!” Chỉ có thế thôi, không hơn khơng kém!

Đó chính là hình ảnh tự khẳng định lành mạnh và khiêm tốn thật sự, không một góc khuất buồn bã nào.

J.B.Thái Hòa dịch