Buổi xưng tội ngày 21 tháng 9

95

Buổi xưng tội ngày 21 tháng 9

Ơn gọi của Jorge Mario Bergoglio bắt đầu bằng một tiếng gọi nhanh như chớp và có thể biết được ngày giờ chính xác. Dù khi nào cũng có người nói, ồ, ơn gọi của cha có thể thấy trước được, nhưng chúng ta phải để chính đương sự nói về ơn gọi này như một biến cố đổi đời. Một cái gì đột nhập bất ngờ ở một thời khắc cố định. Một Thiên Chúa đến tìm đương sự trước khi đương sự đi tìm Ngài.

Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis  

Ơn gọi của Jorge Mario Bergoglio bắt đầu bằng một tiếng gọi nhanh như chớp và có thể biết được ngày giờ chính xác. Dù khi nào cũng có người nói, ồ, ơn gọi của cha có thể thấy trước được, nhưng chúng ta phải để chính đương sự nói về ơn gọi này như một biến cố đổi đời. Một cái gì đột nhập bất ngờ ở một thời khắc cố định. Một Thiên Chúa đến tìm đương sự trước khi đương sự đi tìm Ngài.

Vị giáo hoàng tương lai lúc đó mới 17 tuổi và đang chuẩn bị ngày “Sinh Viên,” một ngày lễ đầu mùa xuân, ở Nam bán cầu là ngày 21 tháng 9. Vào thời đó, Jorge Mario đang để ý đến một cô gái trẻ trong Thanh Sinh Công. “Đúng, tôi có một nhóm bạn đi nhảy với nhau. Rồi tôi khám phá ơn gọi,” Bergoglio kể trong quyển sách El Jesuita (Tôi tin tưởng ở con người).

Ngày 21 tháng 9, cha và các bạn dự trù đi về nhà quê chơi. Trước khi đến nơi hẹn với các bạn và cũng chẳng có lý do gì đặc biệt, cha đến nhà thờ San José ở Flores. Ở đó cha gặp một linh mục có một chiều sâu tâm linh lạ lùng. Chàng thanh niên trẻ xin xưng tội. Trong lúc xưng tội, Jorge Mario “khám phá” ra ơn gọi của mình, cha nhận ra mình được gọi. Cuộc sống của cha vừa được đổi. Đến mức cha quyết định không ra ga, nơi hẹn với các bạn. Cha thích về nhà, vì trong sâu thẳm tâm hồn, cha muốn làm linh mục.

“Trong lần xưng tội đó, tâm hồn tôi gợi lên một lòng hiếu kỳ, tôi không biết như thế nào, nhưng nó đã làm thay đổi cuộc đời của tôi. Tôi muốn nói là chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên, tôi không dè,” cha kể cho hai ký giả Rubin và Ambrogetti như vậy. “Một cuộc gặp gỡ ngạc nhiên, sững sờ. Tôi hiểu có ai chờ tôi. Đó là trải nghiệm tôn giáo: sững sờ khi đứng trước một người đang chờ bạn. Từ đó, đối với tôi, Chúa là người “tìm  tôi trước.” Tôi tìm Người, nhưng Người cũng tìm tôi. Tôi mong muốn thấy Người, nhưng chính Người “làm bước trước” với tôi.

Jorge Bergoglio nói thêm một điểm khác, một điểm trở nên trọng tâm cuộc đời mục vụ linh mục, giám mục và bây giờ là giáo hoàng. Đó không phải “sững sờ khi gặp gỡ” đã khơi dậy ơn gọi mà qua cách Chúa gọi, với tấm lòng thương xót tôi.

Cô em của tân giáo hoàng kể, vào thời đó Jorge sắp ngõ lời với một cô gái. “Đúng vậy, lúc đó có vẽ như sắp đính hôn. Chính anh kể cho tôi nghe, nhưng không bao giờ anh nói tên cô gái. Cô ở trong nhóm bạn đi dã ngoại với anh. Vào ngày 21 tháng 9, anh muốn ngõ lời với cô. Nhưng nếu tôi tiếp tục kể chuyện này, anh sẽ… dứt phép thông công tôi!” Thay vì đi chơi với các bạn để ngõ lời thì anh đi nhà thờ và anh đã hiểu con đường của mình – hay đúng hơn, con đường mà Người Nào Đó đã chỉ định cho anh là một con đường khác.

Dù vậy, sau tiếng gọi này, cha chưa vào chủng viện ngay. Bốn năm trôi qua. Quyết định thì đã có nhưng giữ riêng cho mình. Cha xác nhận “câu chuyện ngừng ở đó.” Jorge tiếp tục làm việc ở phòng phân tích, học xong và chưa nói với ai về dự định của mình. “Tôi sống trải nghiệm của một loại “cô đơn thụ động,” một loại cô đơn đương sự đau khổ nhưng không có lý do cụ thể, giống như đang sống trong cơn khủng hoảng hay bị tang chế.” Đó là tiếng gọi đổi đời, kèm theo là một trải nghiệm của lòng thương xót, tiếng gọi này cần được chín mùi.

“Đầu óc tôi không hoàn toàn hướng về vấn đề tôn giáo. Tôi còn quan tâm đến chính trị, dù chỉ trong suy nghĩ. Tôi đọc Nuestra, Palabra, Propósitos, các tờ báo của Đảng Cộng sản, tôi mê mẫn các bài viết của các tác giả quan trọng trong lãnh vực văn hóa… Nhưng tôi chưa bao giờ theo cộng sản.”

Những năm sau đó, trước khi vào chủng viện Jorge bị đau nặng. Năm 21 tuổi, Jorbe xém chết vì bị viêm phổi. Trong một lúc sốt cao độ, Jorge ôm chặt lấy mẹ và tuyệt vọng hỏi: “Mẹ ơi, mẹ nói cho con biết bệnh trạng con đến đâu rồi.” Mẹ chỉ biết trả lời là chính bác sĩ cũng chưa rõ. Rồi cuối cùng, bác sĩ cũng tìm ra bệnh, Jorge bị sưng phổi nặng. Bác sĩ tìm ra được ba bướu u, khi sức khỏe ổn định sau một thời gian, họ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt phần trên của phổi bên mặt. Các tuần dưỡng bệnh sau đó thật khó khăn, các cơn đau khủng khiếp vì phương pháp dùng để rút nước trong phổi ra lúc đó còn thô sơ.

Chàng thanh niên trẻ Bergoglio dưỡng bệnh ở bệnh viện, cha không thích các câu trấn an kiểu “không sao đâu, rồi sẽ lành;” “khi nào về nhà con sẽ khá hơn,” của bạn bè người thân khi họ đến thăm. Không một lời nào trong các lời đó có thể làm dịu cơn đau. Mọi sự thay đổi khi có một nữ tu đến thăm, các câu sáo ngữ bị rơi xuống. Đó là nữ tu đã dạy Jorge chuẩn bị rước lễ lần đầu.

Nữ tu đó là xơ Dolores. “Xơ nói những câu đánh động tôi rất nhiều và đã mang đến bình an cho tôi: “Em noi gương Chúa Giêsu nghe.” Khi nghe câu nói này, thì cơn đau hàng ngày mang một ánh sáng khác. Nó có một ý nghĩa. “Đau khổ,” như cha giải thích trong quyển El Jesuita: “Đau đớn tự bản thân nó không phải là một đức hạnh. Nhưng cách mình chịu đựng nó thì có thể là một đức hạnh. Thiên hướng của chúng ta là được trọn vẹn và hạnh phúc, trong chiều hướng này thì đau đớn chỉ là một giới hạn. Vì thế, ý nghĩa của đau đớn, tôi hiểu nó trong trọn vẹn của nó, là qua đau đớn của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô.”

Về vấn đề này, vị giáo hoàng tương lai nhớ lại mẫu đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu trong quyển tiểu thuyết của nhà văn Pháp Joseph Malègue. Người theo thuyết khả tri nói, theo ông, vấn đề là phải biết xem Chúa Kitô có phải là Thiên Chúa không; còn đối với người tín hữu, vấn đề là biết sự gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa không mạc khải qua Chúa Kitô, có nghĩa là nếu Thiên Chúa không xuống thế để mang một ý nghĩa cho con đường của chúng ta đi. “Vì điều này, điều then chốt là hiểu thập giá như hạt mầm của sự sống lại. Tất cả mọi cố gắng để vượt lên đau đớn đều chỉ mang lại kết quả phiến diện nếu nó không được xây dựng trên nền tảng của tính siêu nghiệm. Hiểu và sống sự đau đớn trong tinh thần trọn vẹn là một món quà. Sống trong tinh thần trọn vẹn là một ân sủng.”

Bergoglio cho rằng, ngay cả Giáo hội đã có một thời kỳ quá nhấn mạnh đến đau khổ. Về chủ đề này, cha nhắc cuốn phim yêu thích của cha là cuốn Buổi tiệc của Babette, Le Festin de Babette, do Gabriel Axel viết và thực hiện năm 1987, chuyển thể từ tác phẩm của Karen Blixen. “Người ta thấy đây là một trường hợp điễn hình của những giới hạn và những cấm đoán. Các nhân vật là những người sống theo phái Calvin thuần túy, đến mức họ xem Chúa Cứu Thế như một chuyện tiêu cực của thế giới này. Nhưng khi buổi ăn thịnh soạn được dọn ra, tự do tươi mới xuất hiện thì tất cả mọi sự đều được biến đổi. Sự thật, trước đó, cộng đoàn này không biết thế nào là hạnh phúc. Họ sống trong tình trạng bị đau đớn chà đạp. Họ bị trói cột trong kiếp nhân sinh. Họ sợ tình yêu.”

Chính vì lý do đó mà bức tranh Đóng Đinh Trắng, La Crucifixion Blanche của họa sĩ Chagall là một trong những bức tranh yêu thích của cha: “Bức tranh không dữ nhưng đầy hy vọng. Đau đớn ở đây được thể hiện một cách thanh thản. Theo tôi, đó là một trong những bức tranh đẹp nhất của Chagall.” Đối với cha Bergoglio, “đời sống kitô là làm chứng cho niềm vui, như Chúa Giêsu đã làm. Thánh Têrêxa đã nói, một vị thánh buồn là một vị thánh buồn. Và người đang đau khổ, họ cần trước hết “là biết có ai đó cùng đồng hành với họ, thương họ, tôn trọng sự thinh lặng của họ để Chúa đi vào trong khoảng không gian thuần túy cô đơn này.”

Trong thời gian đó, ơn gọi đã chín trong lòng, cuối cùng Bergoglio vào chủng viện dòng Tên. “Dòng Tên lôi cuốn tôi vì đó là bước đi trước thời đại của Giáo hội, nơi dùng danh từ quân đội, xây dựng trên nền tảng vâng lời và kỷ luật. Tôi chọn dòng Tên vì dòng Tên có sứ vụ truyền giáo. Đã có lúc tôi muốn đi truyền giáo ở Nhật, nơi từ lâu dòng Tên đã thực hiện những công trình quan trọng. Nhưng vì sức khỏe không cho phép, nên tôi không đi được. Tôi nghĩ có người sẽ “nhẹ nhõm” nếu tôi không ở đây mà đi qua bên kia… cha nhắc lại với một chút trớ trêu cho số phận.

Phản ứng của cha mẹ thì khác. “Tôi nói với cha tôi, ông chấp nhận. Ngoài cả mong đợi, ông rất vui. Ông chỉ hỏi tôi có chắc về quyết định của tôi không. Phải nói là mẹ tôi, một bà mẹ hiểu con, bà đã cảm nghiệm trước tôi sẽ là linh mục. Nhưng trên thực tế, phản ứng của bà lại khác: “Mẹ không biết, nhưng mẹ không còn gặp con… Con chờ thêm một chút… Con là con cả… Con còn tiếp tục làm việc… Con còn phải học xong.” Sự thật là mẹ khó xử. Cha tôi hiểu tôi hơn. Bà nội tôi rất sâu đạo, cha tôi thừa hưởng đức tính này của bà tôi.

Trả lời trên nhật báo La Repubblica, em gái cha, bà Maria Elena xác nhận: “Khi anh học xong trung học và đang làm kỹ thuật viên ngành hóa học. Anh nói với mẹ anh thích học bác sĩ. Khi đó mẹ thu xếp căn gác xếp trên mái để anh xa chúng tôi mà học cho yên tỉnh. Nhưng có một ngày, mẹ tôi lên căn gác dọn dẹp thì bà thấy toàn sách thần học. Khi anh về nhà, bà hỏi vì sao anh nói dối. Tôi không bao giờ quên câu trả lời của anh, anh từ tốn trả lời: “Mẹ, con không nói dối mẹ, con nói với mẹ con muốn học bác sĩ nhưng là bác sĩ của tâm hồn.” Bà hiểu lầm vì bà nghĩ bà sẽ mất con. Còn ba thì ngược lại, ông bằng lòng, nếu làm vui lòng ba thì tất cả các con của ông sẽ trở thành linh mục và nữ tu hết.”

Thái độ của mẹ không thay đổi ngay lập tức. “Khi tôi vào chủng viện, mẹ tôi không muốn đi theo. Phải mất rất nhiều năm bà mới chấp nhận quyết định của tôi. Hai mẹ con không giận nhau, nhưng dù tôi về thăm nhà, mẹ tôi không bao giờ vào chủng viện thăm tôi. Cuối cùng khi chấp nhận, mẹ cũng giữ một vài khoảng cách. Ở nhà tập Córdoba, mẹ có đến thăm tôi và nói với tôi, đây là một quyết định cần nhiều thời gian để chín mùi.” Nhưng Bergoglio còn nhớ mẹ, một tín hữu sâu đạo, đã quỳ trước mặt cha để xin ban phép lành đầu tiên nhân ngày lễ chịu chức của cha.

Ơn gọi tu trì, cha nói trong quyển sách phỏng vấn, là một ơn gọi Thiên Chúa dành cho một tâm hồn biết chờ đợi Ngài, dù đó là việc chờ đợi ý thức hay mới chỉ trong vô thức. Khi đọc kinh nhật tụng, tôi luôn được đánh động ở đoạn Phúc Âm trình thuật việc Đức Giêsu đã nhìn Mathêu, với cách thức có thể nói lên một cách nào đó như người “được tuyển chọn do lòng thương xót”. Đó chính là điều tôi cảm nghiệm về việc Thiên Chúa đã nhìn tôi như vậy khi tôi xưng tội,” đó là nguồn gốc quyết định trở thành linh mục của cha. “Được thương xót và được tuyển chọn, Misericordiândolo y eligiéndolo ” là câu đi theo suốt sứ vụ của tôi khi tôi được tấn phong Giám Mục, và đó là một trong những điểm then chốt trong đời sống tu trì của tôi: lòng thương xót, và việc chọn lựa những ai đó cũng trên nguyên tắc: “Hỡi con, con là người được yêu mến vì chính con, con đã được tuyển chọn và điều duy nhất Ta chờ đợi ở con là, con hãy để cho Ta thương con.”

Don Lorenzo Vecchiarelli, cha xứ giáo xứ San Timoteo, biết tân giáo hoàng từ khi ngài còn nhỏ: cả hai cùng ở Buenos Aires và cùng chơi chung một nhóm bạn. Cha nhắc lại trên Đài phát thanh Vatican, trong một buổi lễ vui với bạn, cha thấy anh thanh niên Bergoglio đứng riêng một góc, vẻ nghĩ ngợi. Khi cha đến hỏi lý do, Bergoglio trả lời: “Ngày mai tôi vào chủng viện!”

Cha xứ kể tiếp “Khi chúng tôi còn trẻ, tôi nhớ đến tính giản dị và nét nghiêm trang của anh. Và đến lúc, tôi cảm nhận nhiệt huyết đã thúc đấy anh vào chủng viện và chính tôi cũng được cảm nhận và đi theo anh trên con đường này: anh vào Dòng Tên, tôi vào dòng salêsiên.”

Khi vào chủng viện Villa Devoto, ngày 11-3-1958, Bergoglio là tập sinh Dòng Tên. Cha xong nhà tập ở Chí Lợi và năm 1963, cha về Buenos Aires, đậu cử nhận triết học ở đại học San Miguel. Từ 1964 đến 1965, cha dạy môn văn chương và tâm lý ở trường Đại học Vô Nhiễm Santa Fe, năm 1966 cha cũng dạy cùng môn ở Đại học del Salvador ở Buenos Aires. Cha chịu chức linh mục ngày 13 tháng 12 năm 1969 lúc cha đang học thần học ở trường đại học San Miguel, năm sau cha có bằng cử nhân thần học. Sau khi trải qua ba năm tập tu ở Alcalâ de Harenas, Tây Ban Nha, cha tuyên khấn trọn đời ngày 22 tháng 4 năm 1973. Từ nay, cha là một linh mục Dòng Tên.

Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 5, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch