Ronald Rolheiser, 2011-08-07
Không ai lên thiên đàng mà không có thư giới thiệu của người nghèo! Đó là câu của James Forbes, một mục sư liên giáo phái ở thành phố New York, và câu này nắm bắt tuyệt vời điều mà các nhà tiên tri cổ đại của Do Thái đã nhấn mạnh nhiều thế kỷ trước.
Các nhà tiên tri vĩ đại của Do Thái đã nghĩ ra câu thần chú này: Giá trị đức tin của các con sẽ được phán xét theo chất lượng của công lý trong xứ sở của các con. Mà chất lượng của công lý trong xứ sở đó sẽ luôn luôn được phán xét qua cách “các bà góa, con côi, và người lạ” sống như thế nào trong khi các con còn tại thế. Cụm từ này “bà góa, con côi, và người lạ” là mật mã để chỉ ba nhóm người yếu ớt nhất, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội vào thời đó. Đối với những vị tiên tri vĩ đại của Do Thái, cuối cùng chúng ta sẽ được phán xét về mặt tôn giáo và luân lý dựa trên việc những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo sống như thế nào khi chúng ta còn tại thế.
Đó là một tư tưởng làm chúng ta rùng mình, và càng rùng mình hơn khi chúng ta thấy Giê-su ủng hộ quan điểm đó mạnh mẽ như thế nào. Trong khi điều này cần được đặt trong bối cảnh thông điệp của Chúa Giê-su xét về tổng thể, chúng ta có trong Phúc âm của thánh Mát-thêu đoạn văn nổi tiếng về Lời Phán xét Cuối cùng khi Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng, cuối cùng, khi chúng ta đứng trước Đức vua vĩ đại vào ngày phán xử, chúng ta sẽ được hỏi chỉ duy nhất một loại các câu và tất cả đều liên quan tới chuyện chúng ta đối xử với người nghèo như thế nào: Con có cho kẻ đói ăn? Cho kẻ khát uống? Tiếp đón người lạ mặt? Cho kẻ trần trụi mặc? Thăm người đau ốm? Thăm kẻ tù tội? Tôi ngờ không ai trong chúng ta đủ gan rao giảng lời này từ bất kỳ bục giảng nào hôm nay, như nó được viết trong các Phúc âm. Ấy vậy mà Giê-su đã ý nói như vậy. Không ai lên được thiên đàng mà không có một bức thư giới thiệu của người nghèo.
Bây giờ thì có cả loạt thách thức khó khăn.
Thứ nhất: Nhu cầu sống cuộc đời vì công lý cho người nghèo và quan tâm thật sự đến người nghèo là một phần toàn bộ và không thể nhượng bộ của sứ vụ tông đồ Ki-tô hữu. Đó không phải là điều dựa trên một ý thức hệ nhất định nào đó mà tôi có thể tin theo hay giả lơ, miễn là tôi sống trung thực và cầu nguyện chuyên cần trong đời sống riêng. Đó là một phần tất yếu của phúc âm, ngang với nhu cầu cầu nguyện, đi nhà thờ, và giữ nếp quy củ cho đời sống luân lý riêng tư của tôi. Đối với một Ki-tô hữu, ngoan đạo, tốt, và đều đặn đi nhà thờ là chưa đủ. Chúng ta cần một lá thư giới thiệu cụ thể của người nghèo.
Tiếp theo: Điều mà cả câu thần chú của các nhà tiên tri và lời dạy của Giê-su về Lời Phán xét Cuối cùng đều dạy là từ thiện thôi thì chưa đủ. Từ thiện là một đức hạnh tuyệt vời, là một phần cơ yếu của đức hạnh cao cả nhất – tình thương yêu. Không bao giờ có thể hạ thấp vai trò của nó. Nhưng từ thiện không hẳn là công lý. Tôi có thể là một con người từ thiện tuyệt vời, tốt, có đạo đức và hào phóng trong cuộc sống và vẫn nhận được lợi ích một cách không công bằng từ một hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử vốn đang tưởng thưởng cho tôi một cách không thích đáng thậm chí khi nó đang chất gánh nặng và cướp bóc những kẻ khác. Những thứ tôi có được một cách lương thiện từ công việc nặng nhọc của mình và tôi rất hào phóng chia sẻ chúng với người khác, cùng lúc lại có thể là sản phẩm của một hệ thống bất công đối với những người khác. Chăm lo cho “những bà góa, con côi và người lạ” đòi hỏi không chỉ lòng tốt và từ thiện của cá nhân, mà còn đòi hỏi tôi phải có lòng can đảm xem xét liệu có thể của cải lương thiện của tôi phần nào là sản phẩm của một cơ chế bất lương hay không. Ai bị thua thiệt trong khi tôi có lợi?
Cuối cùng: Câu thần chú của các nhà tiên tri và lời dạy của Chúa Giê-su về Lời Phán xét Cuối cùng cần phải là thách thức để luôn luôn soi xét bản thân tôi với câu hỏi: Tôi có đang thật sự đến với người nghèo không? Tôi có thật sự có “con côi, bà góa, và người lạ” trong đời mình không? Có phải cam kết của tôi với người nghèo là điều gì đó chỉ là lý thuyết, một lý tưởng mà tôi đề cao nhưng lại là điều gì đó chưa bao giờ thật sự tác động đến người nghèo? Nói suông về lý tưởng này thì dễ dàng rồi, và viết về nó trong sơ yếu lý lịch của tôi thì còn dễ dàng hơn để tôi có vẻ tốt đẹp trong mắt người khác và để cảm thấy hài lòng về bản thân. Tuy nhiên, như Ruth Burrows hỏi: Những lời hùng hồn của chúng ta về người nghèo có thật sự giúp cho họ được không hay chỉ giúp ta cảm thấy hài lòng thoải mái hơn về bản thân?
Tôi thừa nhận rằng những câu hỏi này không dễ dàng gì và chúng ta cần phải trả lời một cách từ tốn. Đôi khi tất cả những gì chúng ta có thể làm được là chấp nhận mình bất lực. Tôi từng tham dự một buổi nói chuyện của Gustavo Gutierrez, và sau bài trình bày của ông, một người đàn ông đứng lên, trung thực một cách đau đớn, ông chia sẻ về chính nỗi bất lực của chính mình không thể đến với những người nghèo. Một người có thể làm gì đây trước tất cả các vấn đề toàn cầu bất công đang làm rối loạn tâm trí chúng ta?
Gutierrez thừa nhận tính chất phức tạp của câu hỏi và thông cảm với nỗi bất lực của người đàn ông này, nhưng nói thêm: “Tối thiểu, hãy bảo đảm anh luôn luôn có ít nhất một người bằng xương bằng thịt trong cuộc sống để mình đặc biệt chăm lo. Điều này sẽ bảo đảm cam kết của anh luôn luôn ít nhất cũng có đôi phần thực chất!”
Một lá thư giới thiệu duy nhất của người nghèo còn tốt hơn là không có lá thư nào.
J.B. Thái Hòa dịch